NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Để bình ổn giá thuốc : hãy cạnh tranh sòng phẳng - TS Nguyễn Trọng Bình , Kiều bào Mỹ

Bảo hiểm y tế về thuốc cho toàn dân là một điều rất đỗi xa vời trong mong muốn của từng người Việt Nam. Nếu thực tế chưa thể làm việc đó, thì việc mở cửa cho các nhà sản xuất thuốc cạnh tranh sòng phẳng là điều kiện cần thiết .

Hiện nay, giá thuốc tân dược đang trở thành một vấn đề bức xúc trong xã hội. Có vô vàn chủng loại thuốc khác nhau, trong khi đó người tiêu dùng lại không có đủ kiến thức và hiểu biết về y dược nên họ như đứng giữa một ma trận về giá cả, chịu sự áp đặt giá của các cửa hiệu thuốc.

Tuy một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sự khủng hoảng kinh tế và sự mất giá của đồng USD đã đẩy giá nhập khẩu nguyên liệu lên cao, nhưng đó cũng chưa phải là tất cả.

Theo tôi, có bốn yếu tố chính có thể góp phần ổn định giá cả dược phẩm : trách nhiệm quản lý, sản xuất và cung cấp dược phẩm, cung cấp tri thức khoa học kỹ thuật cho người tiêu dùng và cuối cùng là quyền lợi của người tiêu dùng.

Điều tra hệ thống y dược theo yêu cầu

Đối với một quốc gia đã hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng thế giới và thị trường quốc tế như Việt Nam hiện nay, việc mở cửa và tạo điều kiện cho các công ty dược phẩm nước ngoài cung cấp sản phẩm của họ là một trong những phúc lợi y tế cần thiết cho xã hội.

Cơ quan quản lý trước hết phải giữ vai trò quản lý chất lượng của thuốc nhập khẩu. Làm sao trên thị trường luôn có đầy đủ dược phẩm, tránh tình trạng khan hiếm, người bệnh không mua được thuốc uống, hoặc phải mua với giá cao vì tình trạng khan hiếm.

Không những thế, cơ quan quản lý còn phải quản lý được giá thuốc. Năm 2007, đã có trường hợp khi tiến hành thanh tra khảo sát, một số công ty nâng giá bán thuốc và thiết bị y tế lên tới 300%. Vì thế, nhà nước cần có biện pháp kiểm soát việc kê khai giá thuốc, đặc biệt cần có quy định cụ thể các yếu tố cấu thành giá khi các doanh nghiệp kê khai giá thuốc với Cục Quản lý dược Việt Nam.

Nhà nước cũng nên có biện pháp quản lý các công ty TNHH nhập khẩu thuốc, tránh tình trạng nhập thuốc qua nhiều trung gian, đẩy giá thuốc lên cao khiến người dân phải gánh chịu hậu quả.

Chúng ta cũng nên học tập một số quốc gia có chính sách y tế phục vụ xã hội như Cuba, các quốc gia Bắc Âu.... Họ có chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, cung cấp dịch vụ y tế thường là miễn phí hoặc bệnh nhân chỉ phải trả một chi phí rất nhỏ.

Tại những quốc gia này, cơ quan chức năng đứng ra điều hành hệ thống y, dược và dịch vụ y tế theo nhu cầu toàn quốc. Khâu quản lý chấp thuận cho phép sản xuất sử dụng các loại thuốc generic (thuốc hết hạn bảo hộ bản quyền) để có thể có nguồn dược liệu giá rẻ hơn.

Tổ chức lại khâu sản xuất, cung cấp dược phẩm

Với sự mở cửa và sự cạnh tranh lành mạnh trong khung kinh tế của thị trường tự do, buộc các công ty kinh doanh dược phẩm hoặc bào chế thuốc phải tìm ra nhửng phương án thích hợp nhất để có thể cung cấp dược phẩm mà giới tiêu dùng mong muốn.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các công ty dược phẩm nước ngoài (hoặc đại lý của họ), các cơ sở cung cấp dược phẩm buộc phải nâng cao chất lượng kinh doanh, thiết bị sản xuất (hợp lý hoá sản xuất; hợp tác tốt hơn với các công ty khác và giới khoa học kỹ thuật) để nâng cao sức cạnh tranh.

Lấy một ví dụ như thuốc chống bệnh sốt rét làm từ nguyên liệu Arteminisin (chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng, sản xuất dư thừa ở Việt Nam): Nguyên liệu Arteminisin của Việt Nam sản xuất chỉ đứng sau Trung Quốc; nhưng có một nghịch lý là nguyên liệu Arteminisin của Việt Nam phải đi tìm đầu ra trong khi chúng ta lại phải nhập khẩu thuốc chống sốt rét từ nước ngoài (phần lớn là nhập từ Trung Quốc).

Ngoài ra, các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm trong nước cũng nên quan tâm tới việc bào chế thuốc generic. Để bào chế một loại thuốc mới, các hãng dược mất khoảng 800 triệu USD và hơn 10 năm kể từ lúc nghiên cứu đến khi tung sản phẩm ra thị trường. Do đó, giá thuốc bán ra rất lớn.

Khi hết hạn bảo hộ bản quyền, các hãng khác được quyền sử dụng công thức này để sản xuất ra sản phẩm gọi là thuốc generic, với giá thấp hơn từ 40 - 60%. Hiện thế giới có khoảng 400 danh mục thuốc generic đang được sử dụng, đó thực sự là một nguồn dược liệu giá rẻ mà chúng ta nên tận dụng.

Phải chăng, đã đến lúc khâu sản xuất và cung cấp dược phẩm cần được tổ chức lại, góp phần nâng cao mục đích phục vụ sức khoẻ toàn dân và hiệu quả kinh doanh ?

Cung cấp tri thức khoa học kỹ thuật

Một trong những nguyên nhân khiến cho giá thuốc trong nước ta mất ổn định là do người tiêu dùng thiếu thông tin tri thức khoa học kỹ thuật về y dược. Dó đó, họ phải chịu sự áp đặt giá cả của các cửa hàng thuốc.

Các nhà khoa học, cơ sở y tế cần hợp tác với những cơ quan quản lý chủ quản cũng như những nhà sản xuất và các cơ quan truyền thông đại chúng để cập nhật thông tin y tế cho toàn xã hội, nâng cao tri thức y tế toàn dân về tên gọi của thuốc cũng như giá cả dự kiến.

Để nhân dân và các cơ sở điều trị có thể tham khảo khi mua thuốc trên thị trường, Cục Quản lý dược đã thông báo trên trang web các loại giá nhập khẩu, giá dự kiến bán buôn, bán lẻ tại Việt Nam của các thuốc đã đăng ký lưu hành và nhập khẩu.

Đó chính là một biện pháp hết sức tích cực và hữu hiệu mà Cục Quản lý dược thực hiện, giúp người dân không còn trong tình trạng mù giá cả như trước.

Người tiêu dùng tự bảo vệ mình

Tự bản thân mỗi người tiêu dùng phải ý thức được quyền lợi của mình. Qua những thông tin y tế, người tiêu dùng phải tự tìm hiểu để có được hiểu biết nhất định về dược tính và giá cả của các loại thuốc. Điều đó cũng giúp họ sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh theo phác đồ trị liệu.

Đặc biệt, người tiêu dùng nên tự giữ gìn sức khoẻ của chính họ. Khi cần phải dùng thuốc hay cần đến sự giúp đỡ của dịch vụ y tế thì họ nên tìm hiểu về quyền lợi của mình như thế nào.

Tóm lại, nếu bảo hiểm y tế về thuốc cho toàn dân khó thực hiện thì trong khung cảnh kinh tế thị trường mở cửa, cạnh tranh lành mạnh với mục tiêu y tế "lương y như từ mẫu" sẽ cung cấp cho bệnh nhân nhiều phúc lợi y tế.