NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Những điều cần biết về ung thư Gan - BS Trần Lý Lê , Kiều bào Mỹ

Tài liệu của viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ ( National Cancer Institute )

Gan là bộ phận lớn nhất trong cơ thể; nằm sau lồng ngực bên phải khoang bụng. Gan có hai phần, thùy phải và thùy trái.

Gan giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Gan “lọc” bỏ những chất độc trong máu. Gan tạo ra phân hóa tố và mật giúp tiêu hóa thức ăn. Gan biến hóa thức ăn thành những dưỡng chất nuôi sống cơ thể.

Gan nhận máu từ hai mạch máu: Tĩnh mạch gan ( hepatic portal vein ) và động mạch gan.

Hiểu biết căn bản về ung thư

Ung thư khởi đầu từ tế bào, đơn vị căn bản của mọi mô, mô tạo thành bộ phận.

Bình thường, tế bào khỏe mạnh sinh sản và tăng trưởng tạo ra những tế bào con khi cần thiết. Khi tế bào khỏe mạnh già lão hoặc bị hư hoại, chúng chết, và các tế bào mới thay thế. Đôi khi, quá trình sinh-tử trật tự kể trên bị đảo lộn. Tế bào mới xuất hiện trong khi cơ thể không cần đến, hoặc tế bào già lão, hư hoại không chết như đã định, sự tích tụ của các tế bào mới và cũ tạo thành khối gọi là "khối u“, bướu hay "tumor“.

Khối u (bướu) có thể "lành" (benign) hoặc "độc“ (malignant). Bướu lành thường không độc hại như bướu độc.

Bướu lành :

- Ít khi gây tử vong .

- Thường không cần giải phẫu để cắt bỏ .

- Không ăn lậm (invasive) đến các mô lân cận .

- Không lan xa đến những bộ phận khác trong cơ thể .

Bướu độc :

- Có thể gây tử vong .

- Có thể tái phát sau khi đã được cắt bỏ, chữa trị .

- Có thể ăn lậm đến các mô lân cận .

- Lan ra các bộ khác .

Tế bào ung thư lan rộng bằng cách tách rời từ khối u đầu tiên hay khối ung thư nguyên phát (primary tumor). Các tế bào này theo mạch máu (blood vessel) hoặc mạch bạch huyết (lymph vessel) đến mọi bộ phận trong cơ thể. Tế bào ung thư có thể “bám“ vào các bộ phận và sinh sản, tạo nên một khối u mới hay khối ung thư thứ phát (secondary tumor), có thể gây hư hoại các bộ phận này. Sự lan tràn của tế bào ung thư gọi là “metastasis“.

Hầu hết các khối ung thư gan nguyên phát bắt đầu từ tế bào gan (hepatocyte). Loại ung thư này được gọi là hepatocellular carcinoma hoặc malignant hepatoma.

Khi ung thư gan lan tràn bên ngoài gan, tế bào ung thư thường lan đến các hạch bạch huyết lân cận, đến xương và đến phổi. Khi đén các bổ phận kể trên, khôi u mới cũng bao gồm các tế bào ung thư gan. Thí dụ như khi ung thư gan lan đến phổi vẫn được gọi là ung thư gan và chữa trị như ung thư gan (không phải ung thư phổi).

Tương tự, khi ung thư lan đến gan từ những khối u xuất phát từ các bộ phận khác; chứng ung thư này khác với ung thư gan. Bác sĩ có thể dùng tên gọi “ung thư gan thứ phát” để chỉ loại ung thư này. Tại Hoa Kỳ, ung thư gan thứ phát thường thấy nhiều hơn là ung thư gan nguyên phát.

Những yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư gan

Y học chưa biết rõ nguyên nhân của ung thư gan và cũng không thể giải thích tại sao người này bị ung thư mà người khác không bị ung thư. Tuy nhiên Y học đã có thể dùng thống kê để nhận định một số yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư gan. Các yếu tố này bao gồm :

Nhiễm trùng ( hepatitis ) do siêu vi khuẩn hepatitis B (HBV) hoặc hepatitis C (HVC):

Ung thư gan xuất hiện sau nhiều năm bị nhiễm trùng bởi siêu vi khuẩn kể trên. Khắp thế giới, nhiễm trùng HVB hoặc HVC là nguyên nhân chính gây ung thư gan. HVB và HVC có thể lan từ người này sang người khác qua máu ( như khi dùng chung kim chích ) hoặc sự giao hợp.

Hài nhi có thể bị nhiễm trùng truyền sang từ người mẹ. Mặc nhiễm trùng các siêu vi khuẩn kể trên là bệnh truyền nhiễm, ung thư gan không lan từ người này sang người khác.

Sự nhiễm trùng có thể không gây triệu chứng, nhưng khi thử máu có thể tìm thấy dấu vết của siêu vi khuẩn. Bác sĩ có thể tìm cách chữa trị và thảo luận cách ngăn ngừa việc truyền nhiễm, gây bệnh cho người khác.

Thuốc chủng ngừa nhiễm trùng viêm gan B được dùng để chủng ngừa cho những người chưa hề bị nhiễm trùng, phòng ngừa nhiễm trùng và ung thư gan về sau. Thuốc chủng ngừa viêm gan C còn nằm trong vòng thử nghiêm, chưa được sử dụng.

- Uống rượu nhiều :

Uống nhiều hớn hai ly rượu mỗi ngày trong nhiều năm gia tăng nguy cơ bị ung thư gan và một số ung thư khác. Tỷ lệ bị ung thư gia tăng với lượng rượu uống.

- Bệnh gan do tích tụ sắt :

Những người tích tụ sắt trong gan hoặc các bộ phận khác có nguy cơ bị ung thư gan.

- Xơ gan :

Là một chứng bệnh xuất hiện khi tế bào gan bị hư hoại và được thay thế bằng những mô liên kết (mô sợi) tạo thành “thẹo”. Xơ gan có thể do nghiện rượu lâu năm, thuốc và hóa chất, HVB / HVC hoặc ký sinh trùng. Khoảng 5% những người bị xơ gan bị ung thư gan.

- Aflatoxin :

Ung thư gan có thể do aflatoxin, một độc tố do nấm mốc (mold) tạo ra. Aflatoxin đến từ mốc trên đậu phụng, bắp ngô hoặc những hạt ngũ cốc khác. Tại Á Chaau và Phi Châu, thực phẩm bị tạp nhiễm aflatoxin là việc thường xảy ra. Tại Hoa Kỳ, cơ quan FDA cấm bán những thực phẩm chứa một lượng cao aflatoxin.

Mập phì và tiểu đường :

Gia tăng nguy cơ bị ung thư gan. Chịu càng nhiều yếu tố kể trên, nguy cơ bị ung thư gan càng cao. Tuy nhiên, ung thư gan xuất hiện trong nhiều người không có yếu tố nguy hại và ngược lại.

Triệu chứng

Ung thư gan đôi khi là chứng bệnh “thầm lặng” vì những giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nào. Khi ung thư phát tác, có thể tạo các triệu chứng sau :

- Đau tại bụng trên, bên phải; sự đau đớn có thể lan ra sau lưng và bả vai.

- Trướng bụng .

- Xuống cân .

- Giảm sự them ăn, luôn cảm thấy “no” .

- Mất sức, mệt mỏi .

- Buồn nôn và ói mửa .

- Vàng da và mắt, nước tiểu xậm màu .

- Sốt.

Những triệu chứng này không chắc chắn là do ung thư gan; những chứng bệnh khác cũng có thể tạo triệu chứng tương tự. Khi có các triệu chứng này, cần đi khám bệnh để tìm nguyên nhân, càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư gan qua những thử nghiệm sau :

- Khám tổng quát để tìm kiếm dấu vết của sự sưng trướng gan, lá lách, tìm kiếm những khối u trong khoang bụng, tìm kiếm dấu vết của nước tích tụ trong khoang bụng, khám da.

- Thử máu nhiều loại kể cả đo lượng alpha-fetoprotein (AFP). Một lượng AFP cao có thể là dấu hiệu của ung thư gan. Những loại thử nghiệm khác cho biết tình trạng hoạt động của gan.

- CT scan chụp hình và đo kích thước của gan và các bộ phận lân cận trong khoang bụng. Bác sĩ có thể dùng thuốc nhuộm (dye) để tạo hình ảnh rõ hơn khi chụp hình.

- Siêu âm: âm thanh của những làn sóng khi dội lạin tạo ra hình ảnh của các bộ phận trong khoang bụng. Khối u có thể tạo những hình ảnh khác biệt với bộ phận bình thường.

- MRI chụp hình các bộ phận trong khoang bụng.

- Angiogram: Bác sĩ chích thuốc nhuộm vào động mạch để nhìn rõ các mạch máu tại gan, tìm kiếm dấu vết ung thư. Bệnh nhân được thử nghiệm tại bệnh viện.

Sinh thiết :

Bác sĩ lấy ra một mảnh gan và gửi đến phòng thí nghiệm. Bác sĩ Bệnh Lý sẽ khảo sát các tế bào gan dưới kính hiển vi xem những tế bào có bình thường hay không.

Bác sĩ chích mô bằng nhiều cách :

- Dùng kim nhỏ xuyên qua da bụng để rút ra một ít mô gan, cách này gọi là “fine-needle aspiration”. Bác sĩ có thể dùng CT hoặc siêu âm để thăm dò vị trí của khối u trước khi đâm kim.

- Dùng cách nội soi (đặt ống có kính hiển vi và dao mổ) vào khoang bụng để trích mô thì gọi là “laparoscopy”, hoặc

- Mổ và lấy mô.

Quý vị có thể đặt những câu hỏi sau trước khi bác sĩ trích mô ( làm sinh thiết ):

- Trích mô ảnh hưởng đến việc chữa trị ra sao ?

- Bác sĩ chọn phương thức nào để trích mô ?

- Việc trích mô kéo dài bao nhiêu lâu ? Tôi sẽ thức trong khi làm sinh thiết ? Có đau đớn lắm không ?

- Làm sinh thiết có rủi ro không ? Có gây ra việc lan tràn ung thư không ? Tôi có bị xuất huyết? Nhiễm trùng ?

- Chừng nào thì tôi biết kết quả ? Ai sẽ là người giải thích kết quả cho tôi hiểu ?

- Nếu tôi bị ung thư, ai sẽ là người nói chuyện với tôi về những bước sắp tới ? Và bao giờ ?

Định kỳ

Để hoạch định chương trình chữa trị thích hợp, bác sĩ cần định thời kỳ của ung thư, xem ung thư đã lan chưa, nếu có, đã lan tới bộ phận nào trong cơ thể trước khi chữa trị. Khi tế bào ung thư lan tràn, các tế bào này có thể xuất hiện trong phổi, tại xương, và cả những hạch bạch huyết gần gan. Khi ung thư lan đến các bộ phận khác, khối u mới có cùng loại tế bào như các tế bào ung thư tại khối u gốc. Thí dụ khi ung thư gan lan đến xương, khối u tại xương bao gồm những tế bào ung thư gan. Khối u mới có tên là “metastatic liver disease” hay ung thư gan đã lan tràn, và được chữa trị như ung thư gan.

Bác sĩ có thể dùng một hoặc nhiều các loại thử nghiệm sau :

CT scan ngực tìm dấu vết ung thư tại phổi

Bone scan :

Bác sĩ chích một lượng nhỏ phóng xạ và mạch máu, chất phóng xạ luân lưu trong máu và tích tụ tại xương nới các tế bào đang tăng trưởng. Máy thăm dò đo lượng phóng xạ và hiện trên màn ảnh những phần xương có chất phóng xạ.

PET scan:

Tương tự loại dụng cụ này dò tìm nơi các tế bào đang tăng trưởng, cần nhiều năng lượng. Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh chóng nên cần năng lượng nhiều hơn so với tế bào bình thường.

Chữa trị

Việc chữa trị ung thư gan bao gồm giải phẫu ( kể cả thay gan ), “ablation” hay cắt bỏ, hủy diệt khối u, “embolization” hay làm nghẽn mạch máu nuôi khối u (thiếu dinh dưỡng, khối u sẽ tự hủy diệt), targeted therapy, xạ trị, vào hóa chất. Bệnh nhân có thể được chữa trị với nhiều cách kể trên.

Việc chữa trị tùy thuộc vào những yếu tố sau :

- Số lượng, kích thước, và vị trị của những khối u trong gan .

- Mức hoạt động của gan và gan có bị xơ hay không .

- Ung thư đã lan đến những bộ phận khác hay không.

Những yếu tố khác bao gồm tuổi tác, sức khỏe toàn diện, và biến chứng hoặc phản ứng phụ từ việc trị liệu.

Hiện nay, việc chữa trị ung thư gan chỉ hiệu quả khi ở giai đoạn đầu (trước khi lan tràn) và chỉ có những bệnh nhân tương đối khỏe mạnh có thể chịu đựng cuộc giải phẫu. Những bệnh nhân không chịu đựng được cuộc giải phẫu, các cách chữa trị khác có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn và bớt đau đớn trong thời gian còn lại. Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân bị ung thư gan tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm các cách chữa trị mới.

Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên viên khác hoặc tự bệnh nhân muốn được chuyển bệnh. Chuyên gia chữa trị ung thư gan bao gồm bác sĩ giải phẫu [đặc biệt là bác sĩ giải phẫu gan-mật (hepatobiliary surgeon), bác sĩ giải phẫu ung thư, bác sĩ ghép bộ phận (transplant surgeon)], bác sĩ chuyên môn về tiêu hóa (gastroenterologist), bác sĩ chuyên trị ung thư, và bác sĩ chuyên về xạ trị. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các Y tá chăm sóc ung thư và các chuyên viên về dinh dưỡng (registered dietician).

Các chuyên viên giải thich về các cách chữa trị, mức hiệu quả và phản ứng phụ có thể xảy ra. Chữa trị ung thư thường ảnh hưởng đến cả những mô, những tế bào bình thường nên phản ứng phụ cũng thường xuất hiện. Trước khi bắt đầu việc chữa trị, hãy thảo luận với bác sĩ về phản ứng phụ có thể xảy ra và việc chữa trị sẽ ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày như thế nào. Bác sĩ và bệnh nhân cùng quyết định về việc chọn một cách chữa trị thích hợp.

Giải phẫu

Giải phẫu có thể được áp dụng trong những trường hợp ung thư gan mới phát. Bác sĩ có thể cắt bỏ toàn bộ lá gan hoặc chỉ một phần bị ung hoại. Khi gan bị cắt bỏ hoàn toàn bác sĩ sẽ ghép các mô gan mới từ người tặng.

Bác sĩ và bệnh nhân nên thảo luận về loại giải phẫu thích hợp.

Cắt bỏ một phần gan ( partial hepatectomy )

Bệnh nhân có thể chịu đựng cuộc giải phẫu cắt bỏ một phần gan nếu phần còn lại hoạt động bình thường và ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các phần khác của cơ thể. Bác sĩ cắt bỏ khối u cùng với một ít những tế bào bình thường chung quanh (margin) của khối u. Việc cắt bỏ tùy theo kích thước, số lượng và vị trí của các khối u trong gan.

Cuộc giải phẫu cũng tùy thuộc vào mức hoạt động của gan.

Bác sĩ có thể cắt bỏ cả 80% khối lượng của gan, những phần gan bình thường còn lại sẽ hoạt động làm công việc biến dưỡng của bộ phận này. Gan có thể sinh ra những tế bào mới, nhiều tuần lễ sau cuộc giải phẫu.

Sau khi mổ, cơ thể cần thời gian để phục hồi, và thời gian hồi phục thay đổi theo mỗi bệnh nhân. Đau và khó chịu là những điều thường thấy sau khi mổ, thuốc giảm đau sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Trước khi mổ, nên thảo luận với bác sĩ về thuốc giảm đau. Sau khi mổ, bác sĩ có thể gia giảm thuốc để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Mệt mỏi và mất sức là những triệu chứng thường kéo dài nhiều ngày sau khi mổ, bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy, cảm giác “trướng bụng”.

Các chuyên viên sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe, và tìm dấu vết của xuất huyết, nhiễm trùng, suy gan hoặc những triệu chứng khác.

Ghép gan

Ghép gan là cách chữa trị khi khối u còn nhỏ, ut chưa lan ra các bộ phận khác, và có người tặng gan để ghép. Mô gan đến từ người tặng đã qua đời hoặc người tặng còn sống. Khi nhận gan từ người còn sống, cuộc ghép ganthường là một phần của lá gan. Trong khi chờ đợi gg, bệnh nhân được theo dõi kỹ lưỡng và được chữa trị để có thể kéo dài sự sống.

Khi mô gan bình thường từ người tặng đến, bác sĩ ghép gancắt bỏ toàn thể lá gan bị ut và thay vào đó là những mô gan bình thường. Sau khi mổ, bệnh nhân sẽ cần thuốc giảm đau. Bệnh nhân sẽ phải ở lại bệnh viện nhiều tuần lễ. Trong thời gian này, bệnh nhân được theo dõi tìm kiếm các dấu vết về việc “chấp nhận” mô mới. Bệnh nhân dùng thuốc men ngăn hệ đề kháng chống lại các tế bào mời ghép. Các loại thuốc này có thể gây sưng phù mặt mũi, cao huyết áp và mọc lông trên thân thể.

“Ablation”

Cách chữa trị này hủy diệt tế bào ung thư trong gan, được dùng để ngăn diễn tiến của ung thư gan và kéo dài sự sống, cũng có thể được dùng trong khi chờ gg. Khi bệnh nhân không thể chịu đựng một cuộc giải phẫu vì xơ gan hoặc vì gan không hoạt động bình thường, bác sĩ cũng dùng “ablation”.

“Ablation” bao gồm nhiều cách :

- Radiofrequency ablation :

Bác sĩ dùng dòng điện để hủy diệt tế bào ung thư qua một dụng cụ có điện cực, CT, MRI hoặc siêu âm được dùng để giúp bác sĩ định vị trí khối u. Bác sĩ chuyển dụng cụ qua một vết cắt nhỏ trên da, vá chỉ cần dùng thuốc tê.

Đôi khi, bệnh nhân được chụp thuốc mê và bác sĩ dùng dụng cụ nội soi đưa vào khoang bụng qua vết cắt nhỏ trên da. Bệnh nhân có thể đau đơn hoặc lên cơn sốt sau khi chữa trị nhưng không cần ở lại bệnh viện qua đêm.

Radiofrequency ablation là một loại “hyperthermia therapy” nghĩa là dùng nhiệt để diệt tbut. Các cách chữa trị dùng nhiệt khác bao gồm laser hoặc microwave therapy, it được sử dụng hơn so với radiofrequency ablation.

- Percutaneous ethanol injection:

Bác sĩ dùng kim (xuyên qua da) chích ethanol (một loại rượu cồn) vào khối u để diệt tbut. Bác sĩ có thể dùng cách này 1 hoặc 2 lần mỗi tuần. Thông thường bác sĩ chỉ dùng thuốc tê; nhưng đôi khi nhiều khối u và cần nhiều lần chích, bệnh nhân có thể được chụp thuốc mê. Bệnh nhân có thể lên cơn sốt và cảm thấy đau đớn sau khi chữa trị; và sẽ cần dùng thuốc giảm đau.

Embolization :

Khi bệnh nhân không thể chịu đựng một cuộc giải phẫu, bác sĩ có thể dùng “embolization” hoặc “chemoembolization” để chữa trị. Bác sĩ chuyển một ống nhựa dẻo qua động mạch đùi, chuyển đến động mạch gan. Sau đó, truyền hóa chất làm nghẽn mạch máu gan. Tùy theo loại hóa chất sử dụng, mạch máu gan có thể nghẽn tạm thời hoặc nghẽn vĩnh viễn.

Khi không có máu nuôi dưỡng, khối u chết dần. Mặc dù động mạch gan bị nghẽn, các mô gan khỏe mạnh nhận máu và chất dinh dưỡng từ tĩnh mạch gan.

Với “chemoembolization”, bác sĩ truyền hóa chất trị liệu vào động mạch trước khi truyền các hóa chất làm nghẽn mạch máu. Không máu luân lưu, hóa chất trị liệu ngưng lại trong gan (khối u) lâu hơn.

Bệnh nhân ngủ trong khi chữa trị nhưng không được chụp thuốc mê, bệnh nhân ở lại bệnh viện khoảng 2-3 ngày. Embolization thường gây đau bụng, buồn nôn, ói mửa và sốt. Một số bệnh nhân mất sức sau khi chữa trị.

Targeted therapy :

Những bệnh nhân không thể chịu đựng giải phẫu có thể được chữa trị với loại thuốc trong nhóm “Targeted therapy”. Nexavar là loại thuốc đầu tiên được chứng nhận để chữa ung thư gan. “Targeted therapy” làm chậm lại sự tăng trưởng của tế bào ung thư gan và cũng làm giảm ượng máu đến gan. Đây là loại thuốc viên để uống. Phản ứng phụ bao gồm buồn nôn, ói mửa, lở miệng, và giảm sự thèm ăn. Đôi khi bệnh nhân bị đau ngực, xuất huyết hoặc lở da và cao huyết áp.

Xạ trị

Chất phóng xạ, tia phóng xạ được dùng để hủy diệt tế bào ung thư ngay tại khối u. Đây là một cách chữa trị khi bệnh nhân không thể chịu đựng một cuộc giải phẫu. Đôi khi được sử dụng cùng với các cách chữa trị khác. Xạ trị cũng được dùng để giảm đau đớn khi ung thư đã lan đến xương.

Bác sĩ có thể dùng “ngoại xạ trị” (external radiation). Đây là loại xạ trị thông dụng cho ung thư gan. Tia phóng xạ đến từ một bộ máy phát xạ bên ngoài cơ thể đén ngực và bụng.

Loại xạ trị khác có tên là “nội xạ trị” (internal radiation). Nguồn phóng xạ được đặt trong cơ thể dưới dạng “viên”. Bác sĩ dùng ống rỗng để chuyển các viên phóng xạ này đến động mạch gan. Chất phóng xạ hủy diệt nguồn máu nuôi dưỡng khối u.

Phản ứng phụ tùy thuộc vào loại xạ trị, mức lượng, và phần thân thể cần chữa trị, thường thấy là buồn nôn, ói mửa hoặc tiêu chảy.

Hóa chất trị liệu

Hoá chất là những dược phẩm diệt tế bào ung thư. Thuốc vào máu, luân lưu khắp cơ thể và ảnh hưởng đến tế bào ung thư ở mọi nơi trong cơ thể, thuốc được truyền qua tĩnh mạch.

Bệnh nhân có thể được chữa trị tại trung tâm Y tế, tại văn phòng bác sĩ, hoặc tại nhà. Đôi khi, bệnh nhân cần được chữa trị tại bệnh viện.

Phản ứng phụ tùy thuộc vào loại thuốc và lượng thuốc sử dụng, thường thấy là buồn nôn, ói mửa, giảm sự them ăn, nhức đầu, sốt, nóng lạnh, và mệt mỏi. Một vài loại thuốc làm giảm hồng cầu (gây mệt mỏi), tiểu cầu (dễ xuất huyết), và bạch cầu (dễ nhiễm trùng). Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân để tìm kiếm các dấu hiệu kể trên hầu chữa trị kịp thời.

Quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ trước khi bắt đầu chữa trị hóa chất :

- Ung thư ở thời kỳ nào ? Đã lan xa chưa ? Tôi có bị xơ gan không ? Tôi sẽ được chữa trị bằng những thứ thuốc nào ?

- Tôi có cần thử nghiệm để biết có thể giải phẫu không ?

- Tôi sẽ được chữa trị tại đâu ?

- Tôi cần làm gì để tự chăm sóc trong khi chữa trị ?

- Mục đích của việc chữa trị là gì ? Có nhiều cách chữa để tôi chọn lựa không ? Làm thế nào để biết rằng việc chữa trị có hiệu quả ?

- Tôi cần báo cho bác sĩ biết về những phản ứng phụ nào ? Có cách nào phòng ngừa không ?

Việc chữa trị sẽ tốn bao nhiêu ? Bảo hiểm của tôi có trả chi phí không ? Có cuộc thử nghiệm lâm sàng nào hợp với bệnh trạng của tôi không ?

Ý kiến thứ nhì

Trước khi bắt đầu việc chữa trị, quý vị có thể tham khảo một bác sĩ khác để lấy ý kiến về chẩn đoán và chữa trị. Nhiều hãng bảo hiểm sẽ trả chi phí này nếu quý vị hoặc bác sĩ yêu cầu.

Quý vị nên tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về các cách chữa trị khác nhau, bác sĩ giải phẫu gan-mật, bác sĩ chuyên về xạ trị, và bác sĩ chuyên về ut.

Quý vị cần một thời gian để thu góp tài liệu, y sử, các kết quả thử nghiệm và sắp xếp buổi tham khảo với một bác sĩ khác. Việc chờ đợi thường không ảnh hưởng đến kết quả của việc chữa trị. Để an tâm hơn, quý vị có thể thảo luận về việc chờ đợi này với bác sĩ của mình. Nhiều cách để tìm một bác sĩ cho ý kiến thứ nhì: Hỏi bác sĩ của mình, hỏi chi tiết tại bệnh viện, những tổ chức y tế địa phương, trường Y khoa… để lấy tên một vị bác sĩ chuyên khoa.

Supportive Care (tạm dịch là “chữa trị phụ” nhằm giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe, chịu đựng những phản ứng phụ, biến chứng từ việc chữa trị chính).

Ung thư gan và việc chữa trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Bác sĩ có thể dùng “suportive care” hay “chữa trị phụ” trước khi, trong khi hoặc cả sau khi chữa trị ung thư (việc chính).

Chữa trị phụ bao gồm việc ngăn ngừa hoac chữa trị nhiễm trùng, giảm đau đớn và những phản ứng phụ khác. Cách chữa trị này giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Giảm đau

Ung thư gan và việc chữa trị có thể gây đau đớn. Bác sĩ và các chuyên viên có thể dùng nhiều cách giảm đau:

Thuốc men: giúp giảm đau nhưng thường gây táo bón, ngầy ngật, khó chịu, bệnh nhân có thể dùng thêm thuốc nhuận trường.

Xạ trị: đốt khối u và giảm đau đớn .

Ức chế thần kinh (Nerve Block): Bác sĩ có thể chích rượu cồn vào thần kinh để ức chế việc dẫn truyền cảm giác đau đớn đến não bộ.

Một số việcchữa trị khác như châm cứu, thoa bóp có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, cũng như các kỹ thuật dưỡng tâm thần để giảm đau.

Dinh dưỡng

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe là điều quan trọng. Bệnh nhân cần duy trì trọng lượng, cần có đủ lượng chất đạm để nuôi dưỡng các hoạt động của cơ thể. Đôi khi sau những lần chữa trị, bệnh nhân bị mất sức, mệt mỏi và biếng ăn. Thực phẩm không còn sức hấp dẫn, và những vết lở trong miệng gây khó khăn cho việc nhai nuốt… Những yếu tố này khiến bệnh nhân bỏ ăn uống.

Các chuyên viên về dinh dưỡng có thể chỉ dẫn những món thức ăn có nhiều calorie, nhiều chất đạm… để giúp bệnh nhân chóng hồi phục.

Những nguồn hỗ trợ

Chứng bệnh nan y như ung thư có thể thay đổi cuộc sống của người bệnh và cả thân nhân. Những thay đổi này khó thích nghi và chấp nhận, nên điều dễ hiểu là bệnh nhân cũng như những người thân yêu thường trải qua những giai đoạn khó khăn, phân vân, bất an, buồn rầu. Người bệnh có thể lo âu về gia đình, công việc làm, hoặc sinh hoạt hàng ngày kể cả việc chịu đựng và thích nghi với việc trị bệnh, những chuyến ra vào bệnh viện, phản ứng phụ và những phí tổn trị liệu.

Sống với căn bệnh nan y, người bệnh thường sợ hãi, tự trách, giận dữ hoặc buồn rầu. Những cảm tính này sẽ khiến đời sống nặng nề buồn thảm hơn. Bệnh nhân có thể tìm những nguồn hỗ trợ chia sẻ qua bạn hữu, thân nhân, chuyên viên tâm lý hoặc cả những bệnh nhân khác. Nguồn hỗ trợ có thể bao gồm :

- Bác sĩ, y tá, những chuyên viên trong nhóm trị liệu có thể trả lời hầu hết những câu hỏi liên quan đến bệnh trạng.

- Chuyên viên xã hội, chuyên viên tâm lý hoặc những vị lãnh đạo tôn giáo có thể giúp đỡ phần tinh thần. Chuyên viên xã hội có thể giới thiệu hoặc chỉ dẫn những nguồn tài trợ, việc chuyên chở, trị liệu tại nhà…

- Những nhóm hỗ trợ: bệnh nhân và người thân gặp gỡ các bệnh nhân khác và thân quyến họ để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về căn bệnh và việc chữa trị. Những nhóm hỗ trợ này có thể gặp gỡ qua sự họp mặt, điện thoại, hoặc qua internet.

- Các chuyên viên tại 1-8-4-CANCER (điện thoại miễn phí trên lãnh thổ Hoa Kỳ) có thể giúp bệnh nhân tìm những chương trình hỗ trợ, dịch vụ và các tin tức, tài liệu liên quan đến ung thư.

Sự hứa hẹn của ngành khảo cứu ung thư

Bác sĩ tại Hoa Kỳ đang thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng được hoạch định với mục đích trả lời các câu hỏi quan trọng về cách trị liệu hữu hiệu nhất. Những tìm hiểu khoa học đã tạo được nhiều lợi ích, giúp con người sống lâu hơn, và khoa học tiếp tục tìm kiếm. Các chuyên gia đang tìm kiếm phương pháp ngăn ngừa ung thư, cách tìm ra bệnh sớm hơn, cũng như cách trị liệu hiệu quả hơn.

- Ngăn ngừa : Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ bảo trợ những cuộc khảo cứu tìm hiểu tính hiệu quả của các hóa chất có thể ngăn ngừa chứng ung thư.

- Truy tìm : Bác sĩ đang tìm hiểu xem các loại thử nghiệm mới có thể tìm ra ung thư sớm và giảm thiểu nguy cơ tử vong từ chứng bệnh này.

- Trị liệu : Chuyên gia đang tìm hiểu những cách chữa trị mới, và tìm hiểu việc dùng nhiều cách chữa trị chung với nhau.

- Giải phẫu : Các bác sĩ giải phẫu đang tìm hiểu việc cắt bỏ tối thiểu các mô và dùng nội xạ trị để hủy diệt các tế bào ung thư còn sót lại; chưa biết cách trị liệu này có hiệu quả hơn không so với việc cắt bỏ một khối u lớn.

- Hóa chất : Các chuyên gia đang thử những loại dược phẩm mới, và thử dùng nhiều loại dược phẩm chung với nhau. Họ cũng đang thử dùng hóa chất chung với xạ trị xem việc trị liệu có hiệu quả hơn không.

- Targeted therapy : Bác sĩ đang thử việc chung “targeted therapy” với hóa chất và xạ trị. Nếu quý vị muốn tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình. Những người tình nguyện tham dự các cuộc khảo cứu này đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại trong việc tìm hiểu chứng ung thư và cách chữa trị hiệu quả hơn. Thử nghiệm lâm sàng có thể mang lại ít nhiều rủi ro, chuyên gia khảo cứu tận lực để bảo vệ bệnh nhân trong các cuộc khảo cứu này.

Trang nhà của viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ có phần tin tức về thử nghiệm lâm sàng: http://www.cancer.gov/clinicaltrials. Tại đây ngoài các tin tức về thử nghiệm còn có những chi tiết về các cuộc thử nghiệm lâm sàng về ung thư.

Nguồn tài liệu, tin tức từ viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ. Quý vị có thể lấy tin tức cho chính mình, thân nhân hoặc bác sĩ của mình.

Điện thoại ( miễn phí trên lãnh thổ Hoa Kỳ ) : 1-800-4-CANCER (1-800-422-6237).

Điện thoại dành cho những người lãng tai: 1-800-332-8615

Trang nhà của viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ cung cấp tin tức về cách ngăn ngừa ung thư, truy tìm, chẩn đoán, chữa trị, di tính học, thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra còn có những dữ kiện về các chương trình khảo cứu, chương trình tài trợ và cả thống kê về ung thư. Trang nhà: http://www.cancer.gov

Nếu quý vị cần thêm chi tiết hoặc các dữ kiện khác, hãy dùng “online contact form” tại: http://www.cancer.gov/contact hoặc gửi điện thư về: cancergovstaff@mail.nih.*** (thay thế *** bằng “gov”)