Hà Nội thông xe cầu Vĩnh Tuy vào ngày 25-9-2009
Thông xe cây cầu 'nội' đầu tiên bắc qua sông Hồng
Phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy sáng 25-9-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc tự thiết kế, thi công thành công một cây cầu hiện đại như cầu Vĩnh Tuy là cột mốc đáng nhớ của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam.
Đây là cây cầu đầu tiên ( trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng qua địa phận Hà Nội ) do các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công của Việt Nam đảm nhận hoàn toàn, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Tả Ngạn ( thuộc UBND TP.Hà Nội ).
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn 2 quận Long Biên và Hai Bà Trưng, khởi công ngày 3-2-2005, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, với chiều dài tuyến chính 5,8 km, trong đó cầu vượt sông Hồng dài 3,7 km, chiều dài cầu vượt Quốc lộ 5 là 364 m, chiều dài tuyến chính hai đầu cầu 1,68 km.
Công trình được thiết kế kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8.
Cầu Vĩnh Tuy hoàn thành cũng nắm giữ kỷ lục: kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là 8 nhịp liên tục đúc hẫng dài 990m, có nhịp đúc hẫng lớn nhất 135m.
Việc thông xe cây càu này sẽ giúp các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên lên theo quốc lộ 5 có thể rẽ theo hai hướng để lên cầu Vĩnh Tuy.
Hướng thứ nhất, các phương tiện có trọng tải trên 10 tấn từ quốc lộ 5 sẽ rẽ vào đường Thạch Bàn, qua đường Long Biên - Xuân Quan và đi vào đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, từ đó tới các đường Nguyễn Khoái, Minh Khai vào nội đô hoặc theo đường Nguyễn Tam Trinh ra đường vành đai tới Pháp Vân.
Hướng thứ hai, các phương tiện từ đường 5 có thể rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh - đường trục Khu công nghiệp Hanel, tới đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy để tới các đường Nguyễn Khoái hoặc Minh Khai. Ở chiều ngược lại, các phương tiện từ nội đô có thể theo đường Minh Khai, Nguyễn Khoái qua cầu Vĩnh Tuy tới đường 40m của dự án, qua đường trục Hanel, đường Nguyễn Văn Linh và từ đó ra quốc lộ 5.
Như vậy, theo tính toán, lộ trình này sẽ giúp rút ngắn hành trình đi từ trung tâm thành phố ra Quốc lộ 5 để đi Hải Phòng, Quảng Ninh xuống 3km, đồng thời giảm tải đáng kể cho cầu Chương Dương.
Tuy thông xe, nhưng hiện tại cầu Vĩnh Tuy vẫn còn một số gói thầu như 9, 10, 15, 16 trong đó có hạng mục đường dẫn phía bắc. Dự kiến, các hạng mục này sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2010 để kịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chí Hiếu
Hà Nội thông xe cầu Vĩnh Tuy vào ngày 25-9-2009
Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, chủ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy ( Hà Nội ) cho biết, cây cầu này sẽ thông xe vào 25/9/2009.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng cầu cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình ngầm và nổi như cáp quang, đường điện 35 KV, đường ống của Công ty Nước sạch số 2. Dự kiến việc di dời các công trình này sẽ hoàn thành cuối tháng 3-2009.
Dự án cầu Vĩnh Tuy đến nay đã hoàn thành 75% khối lượng công việc, phấn đấu tháng 6/2010 sẽ hoàn tất. Hiện phần cầu chính vượt sông đã cơ bản hoàn thành, thời gian tới sẽ được thảm nhựa, lắp lan can, hệ thống chiếu sáng.
Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy sẽ bảo đảm lưu lượng vận tải khoảng 34.000 lượt xe/ngày đêm vào năm 2010, 72.000 lượt xe/ngày đêm vào năm 2020. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bắc qua sông Hồng, ở địa phận khu vực Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy khởi công ngày 3-2-2005, được xây dựng với kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực. Toàn tuyến dài 5.830 m, trong đó cầu qua sông dài 3.690 m. Phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990 m, rộng 19 m. Điểm đầu cầu nằm trên đường Minh Khai ( quận Hai Bà Trưng ), điểm cuối giao cắt quốc lộ 5, gần khu đô thị Sài Đồng ( Gia Lâm ).
Theo thiết kế ban đầu, cây cầu có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, tuy nhiên con số này có thể còn cao hơn do quá trình thi công kéo dài hơn dự kiến.
Vũ Trọng
Đưa cầu Vĩnh Tuy vào khai thác : Đột phá cho giao thông Hà Nội
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tháng 9 /2009 cầu Vĩnh Tuy sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Cây cầu 4.000 tỷ đồng được cho là nội hoàn toàn ( vốn trong nước, tư vấn, nhà thầu và quản lý dự án trong nước ) được mong đợi sẽ tạo đột phá cho giao thông Hà Nội.
Bốn năm rưỡi đón đợi
Ngay vào thời khắc cao điểm nhất ( năm 2003 ) khi Hà Nội phải bắc cầu phao qua sông Hồng, lãnh đạo Hà Nội đã quyết định xây dựng cầu Vĩnh Tuy. Sau thời gian chuẩn bị nhanh chóng, ngày 3/2/2005, dự án cầu Vĩnh Tuy được khởi công.
“Dự án cầu Vĩnh Tuy với kinh phí 4.000 tỷ đồng được xem là dự án lớn nhất về hạ tầng đô thị do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư”- Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban QLDA Tả Ngạn, cho biết.
Theo tiến độ ban đầu mà lãnh đạo thành phố từng phát biểu, cầu sẽ hoàn thành trong 24 tháng, tức năm 2007 sẽ xây dựng xong cầu Vĩnh Tuy. Mặc dù vậy, mốc hoàn thành phải kéo thêm hai năm rưỡi nữa.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành toàn bộ phần cầu trong tháng Tám. Bên bờ Nam, nhà thầu - Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 4 đang hối hả thi công nút giao Vĩnh Tuy. Khu vực đường Nguyễn Khoái, Cty 319 đang xây dựng bức tường chắn.
Trên cầu các nhà thầu ( Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 1, Tổng 8, Tổng Thăng Long, Tổng Cty Xây dựng Hạ tầng ) cũng đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc cuối cùng như thảm lớp atphan mịn, lắp đèn chiếu sáng, lắp lan can cầu.
“Mọi việc sẽ hoàn thành vào trước ngày 31/8. Trung tuần tháng Chín cầu sẽ được thông xe để khai thác ngay chứ không chỉ thông xe kỹ thuật”- Ông Thăng khẳng định.
Như vậy, sau bốn năm rưỡi ( khoảng 1.650 ngày ), giấc mơ về một cây cầu bắc qua sông Hồng do chính Hà Nội làm chủ đầu tư sắp thành hiện thực.
Giải tỏa cho cầu Chương Dương
Mặc dù đến thời điểm này Hà Nội có khá nhiều cầu bắc qua sông Hồng, song huyết mạch giao thông với phía Bắc từ nội đô vẫn dồn lên cầu Chương Dương. Gần 10 năm qua, cầu Chương Dương trong tình trạng quá tải.
Năm 2007, cầu Thanh Trì hoàn thành, nhưng lại không giúp giải quyết ách tắc cho cầu Chương Dương vì khoảng cách với trung tâm nội thành xa. Vì lẽ đó cầu Chương Dương vẫn là điểm nóng về ùn tắc.
Chưa đủ, hai tuyến đường đầu cầu là Nguyễn Văn Cừ, hành lang Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, đê 901 cũng chung cảnh ùn tắc.
Theo các chuyên gia về giao thông, cầu Vĩnh Tuy hoàn thành mới thực sự là cứu cánh giải tỏa cho cầu Chương Dương. Đây là cây cầu nội thành, nối từ phường Vĩnh Tuy ( Hai Bà Trưng ) với phường Phúc Đồng (quận Long Biên).
Cầu Vĩnh Tuy nằm sát vành đai thành phố nên sẽ hút một lượng phương tiện xe tải đáng kể lên cầu. Hơn nữa, nằm giữa nội thành nên việc giao lưu buôn bán hai bên cầu sẽ thuận lợi rất nhiều, góp phần phát triển kinh tế xã hội của quận mới Long Biên.
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy có mặt cắt giai đoạn I là 19,25m, khả năng thông xe 34.000 lượt xe/ngày đêm (cầu Chương Dương là 8m- làn ô tô ở giữa) nên khả năng giảm tải cho Chương Dương là vô cùng lớn.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Cầu Vĩnh Tuy đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá cho giao thông Thủ đô”. Không chỉ giúp lưu thông giữa các quận, huyện trong thành phố, cầu còn giúp phương tiện lưu thông qua các vùng trọng điểm như các tỉnh duyên hải sông Hồng, các tỉnh Đông Bắc.
Đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II
Ông Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, thành phố Hà Nội đã cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn II của cầu Vĩnh Tuy.
Theo đó, mặt cắt ngang của cầu Vĩnh Tuy sau khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ lên đến 38,5m và được coi là một trong những cây cầu có mặt cắt ngang lớn nhất Việt Nam. Phần cầu dẫn và nút giao thông hai đầu cầu đã được đầu tư hoàn chỉnh theo dự án giai đoạn I.
Phùng Sưởng
Thông số chính cầu Vĩnh Tuy
Cầu có tổng chiều dài 5,8 km, trong đó cầu vượt sông là 3,7 km, bắc qua hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên ( Hà Nội ).
Đây là cầu có khẩu độ nhịp và chuỗi dầm bê tông liên hoàn, khổ cầu bê tông rộng nhất Việt Nam hiện nay.
|