NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Đam mê, cống hiến hết mình cho sự nghiệp y học - TS Y Khoa Ryan Thịnh Phan , Kiều bào Mỹ

Cùng gia đình sang Mỹ định cư đã hơn 10 năm, một khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng không phải là quá dài, thế nhưng chàng trai trẻ 35 tuổi Ryan Thinh Phan ( Phan Văn Thịnh – tên tiếng Việt ) đã “gặt hái” được nhiều thành công đáng kể trong lĩnh vực y khoa mà anh theo đuổi. Vừa qua, anh vinh dự là người Việt trẻ tuổi đầu tiên đoạt giải thưởng Weintraub cho công trình nghiên cứu đầy tính sáng tạo và xuất sắc của mình. Những ngày đầu tháng 05 sắp tới, anh sẽ chính thức nhận giải tại Seatle cùng 15 nghiên cứu sinh xuất sắc đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên khắp thế giới. Dưới đây là một vài ý kiến, tâm sự của anh dành cho NVX .

Được biết trước đây anh từng là cựu sinh viên trường đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau này anh lại qua Mỹ học và tốt nghiệp tại đại học Berkeley, vậy anh có thể cho biết rõ hơn về quá trình du học của anh được không?

Tôi theo gia đình sang Mỹ năm 1993. Qua Mỹ, tôi định cư tại California và tiếp tục theo học chương trình đại học tại University of California at Berkeley. Sau đó tôi theo học và làm việc tại trường đại học Stanford trước khi theo học tiếp Tiến sĩ tại College of Physicians and Surgeons, đại học Columbia, New York với học bổng của Viện Y tế quốc gia (National Institute of Health).

Tại sao anh lại chọn theo học và nghiên cứu sâu về chuyên ngành lymphoma ( những bệnh liên quan đến tế bào lympho, tế bào bạch huyết) mà không phải là một chuyên ngành khác?

Khi còn là một sinh viên tại trường University of California at Berkeley, tôi đã tham gia làm việc trong một phòng thí nghiệm về di truyền và ung thư tại viện thí nghiệm quốc gia ở đây. Lúc ở Việt Nam tôi mong muốn tìm hiểu và khám phá về bệnh ung thư và khi đến Mỹ học, tôi có nhiều cơ hội để nghiên cứu sâu về lĩnh vực này hơn. Riêng về lymphoma, tôi bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực này khi theo học tại trường đại học Columbia. Lymphoma là một dạng ung thư rất phổ biến và hiện có nhiều phương pháp chữa trị, tuy nhiên những hiểu biết về lymphoma còn rất hạn chế. Thêm nữa, trong lĩnh vực nghiên cứu về ung thư, lymphoma được xem là "Rosseta Stone", có nghĩa là những phát minh, tìm tòi trong lymphoma thường có hiệu quả cao về tính ứng dụng để giải thích cho những dạng ung thư khác. Chính vì vậy mà đây là một chuyên ngành có giá trị cao trong việc nghiên cứu về ung thư, và đó là một trong những lý do mà tôi chọn nghiên cứu về lymphoma.

Anh có thể nói rõ hơn về giải thưởng Weintraub mà anh vinh dự nhận được?

Giải thưởng The Harold M. Weintraub mang tên tiến sĩ Harold M. Weintraub, một nhà khoa học có nhiều đóng góp thiết thực và sâu sắc cho sự phát triển về Y sinh hoc, được bảo trợ từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Fred Hutchinson Cancer Research Center, Seatle). Đây là giải thưởng vinh dự và cao quý cho những nghiên cứu sinh trong giai đoạn làm luận án tiến sĩ về y sinh học. Các ứng viên được đề cử từ nhiều trường đại học trên thế giới và những người đoạt giải được lựa chọn dựa theo nền tảng cơ bản về mặt chất lượng, tính sáng tạo, mới mẻ và tầm quan trọng của công trình nghiên cứu của họ. Năm nay, tôi và những thành viên đoạt giải sẽ tham gia một hội thảo khoa học và nhận giải từ ngày 05/05 đến ngày 07/05 tại Seatle.

Việc nhận được giải thưởng này có là điều bất ngờ với anh không?

Thú thật tôi cũng không nghĩ đến việc mình sẽ đoạt giải thưởng này, Khi được tin trường đại học Columbia quyết định đề cử tôi cho giải này, tôi cũng vui nhưng không dám hy vọng vì nhiều trường đại học từ khắp mọi nơi trên thế giới đều đề cử sinh viên của họ. Đến khi nhận được điện thoại từ Fred Hunchinson Cancer Center cho biết là mình đã được chọn, tôi thật sự bất ngờ và rất vui!

Là người Việt Nam duy nhất “sánh vai”cùng 15 nghiên cứu sinh khác từ các trường đại học ở Mỹ và Canada giành được giải thưởng Weintraub, anh có thể cho biết một chút cảm nghĩ riêng của mình?

Tôi rất vinh dự được chọn cùng những người đoạt giải năm nay. Đây là những nghiên cứu sinh từ các trường đại học khác nhau và những công trình nghiên cứu của họ rất xuất sắc. Tôi vinh dự là người Việt Nam được chọn trong năm nay và tôi tin rằng sẽ có nhiều nghiên cứu sinh người Việt cũng được đề cử và được bầu chọn cho giải này trong tương lai.

Cùng với giáo sư nổi tiếng Riccardo Dalla-Favera tìm ra một yếu tố quan trọng để giải thích cho sự hình thành và phát triển của lymphoma, vậy anh có thể nói đôi điều về phát minh này của anh không?

: Tôi may mắn được học và làm việc với giáo sư Riccardo Dalla-Favara. Ông là một trong những chuyên gia nổi tiếng thế giới về lymphoma và là người đầu tiên tìm ra chromosomal translocations involved lymphoma (tạm dịch là sự hoán đổi về di truyền trong lymphoma liên quan đến gene có khả năng gây ung thư) vào năm 1982. Những công trình mà tôi làm việc cùng với giáo sư Riccardo Dalla-Favara góp một phần nhỏ cho sự hiểu biết chung về lymphoma, đặc biệt là về diffuse large B-cell lymphoma (DLBCL), một dạng lymphoma phổ biến nhất (chiếm khoảng 40% trong tất cả các trường hợp). Nguyên nhân gây ra DLBCL thì vẫn chưa được hiểu biết rõ. Tuy nhiên, khoảng trên 35 – 40% của DLBCL có liên quan đến sự hoán đổi và di truyền giữa gene tạo ra sự kháng thể của hệ thống miễn dịch và BCL6 (tế bào lymphoma 6), một gene được xem là proto-oncogene (có khả năng gây ung thư) và được tạo ra trong những B cells trong một môi trường đặc biệt. Nói một cách tóm tắt, công trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng BCL6 có khả năng giúp tế bào miễn dịch B cells ngăn chặn apoptosis (chương trình tự tiêu hủy của tế bào) nhờ vào khả năng của BCL6 có thể ngăn chặn sự tạo ra của p53, một gene quan trọng trong việc khởi động apoptosis. Điều này có ảnh hưởng đến sự hình thành của lymphoma vì khi BCL6 bị thay đổi và có khả năng liên tục được tạo ra trong những tế bào B cells (như trong phần lớn trường hợp ở DLBCL) BCL6 có thể giúp những tế bào này tiếp tục phát triển một cách bất bình thường và cuối cùng có thể tạo ra ung thư.

Theo đuổi, nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực như thế quả thật không đơn giản chút nào, bên cạnh những đam mê, hoài bão của bản thân, đâu là điểm tựa giúp anh vững tâm vươn tới trên con đường làm khoa học của mình?

Không ai trong gia đình tôi theo học ngành y khoa. Tuy nhiên, bố mẹ tôi đều mong muốn con cái mình học hành và khuyến khích anh em tôi được tự do theo đuổi những điều mình ham thích. Có lẽ sự động viên, khuyến khích của gia đình, bố mẹ và anh chị cộng với nỗ lực của bản thân là những yếu tố giúp tôi rất nhiều trong học tập và nghiên cứu.

Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến tế bào bạch huyết và phải theo một phương pháp điều trị bằng hóa chất, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân mắc bệnh này thường cũng ít có cơ hội qua khỏi. Với việc tìm ra một yếu tố quan trọng để giải thích cho sự hình thành và phát triển của lymphoma, liệu đây có phải là một hướng mở, một niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị mắc phải những căn bệnh liên quan đến tế bào bạch huyết?

Những tìm tòi được tìm ra từ phòng thí nghiệm cho đến khi được áp dụng vào thực tiễn ở người bệnh là cả một công đoạn đầy khó khăn và vất vả với sự tham gia của rất nhiều người, từ các nhà khoa học, các bác sĩ lâm sàng và cả người bệnh. Hơn nữa, những điều mà tôi và giáo sư Dalla-Favera phát hiện liên quan đến một subset (tập hợp con) của lymphoma và không thể áp dụng rộng rãi được. Tuy nhiên đây là một phát hiện mới, có nhiều tiềm năng và hiện tại có những nghiên cứu lâm sàng liên quan đến những công trình này đang được tiến hành.

Được biết anh vừa nhận được một khoản tài trợ từ tổ chức bảo trợ cho những công trình nghiên cúu về ung thư trên khắp thế giới để hỗ trợ cho công việc nghiên cứu của anh, vậy anh có thể bật mí đôi điều về đề tài và mục đích nghiên cứu sắp tới của anh được không?

Hiện tại tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu về lymphoma tại đại học Harvard. Một trong những điều tôi quan tâm nhất là lymphoma bắt đầu từ đâu. Nói cách khác, điều gì đã tạo ra sự hoán đổi di truyền như đã nói trong trường hợp của BCL6 trong lymphoma.

Có điều kiện theo học chuyên sâu về Y khoa tại Mỹ, một nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển vào loại bậc nhất thế giới, thế nhưng trước đây anh cũng từng theo học một thời gian ngắn tại trường đại học Y khoa TPHCM, vậy anh nhận xét như thế nào về ngành Y trong nước so với Mỹ. Trong tương lai, nếu có điều kiện, anh có dự định và trăn trở gì trong việc trở về hợp tác và đóng góp cho những tiến bộ của ngành Y khoa trong nước?

Có lẽ trở ngại lớn nhất đối với những nhà khoa học, bác sĩ và sinh viên Việt Nam là ít có điều kiện được tiếp cận với những tài liệu mới của y sinh học. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu những trang thiết bị cần thiết cho việc phát triển về khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học. Điều này cũng dễ hiểu vì những điều kiện khách quan của Việt Nam. Tuy nhiên Y khoa Việt Nam có rất nhiều triển vọng vì thực tế chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, bác sĩ và sinh viên giỏi. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội được hợp tác và tham gia làm việc với các nhà khoa học, các bác sĩ và sinh viên trong nước.

Thùy mai

Giảng viên trẻ người Việt ở Đại học Harvard

Ngày Thịnh nhận được giải thưởng y khoa danh giá nhất thế giới Weintraub, anh nói: "Được làm người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này thì cũng vui lắm nhưng sẽ vui hơn nếu nghiên cứu của mình giúp được cho những người bệnh ở quê nhà".

Tên tiếng Anh của Thịnh là Ryan Thịnh Phan nhưng anh bảo vẫn thích được nghe mọi người gọi mình bằng tên "cúng cơm": Phan Văn Thịnh, "Đơn giản, vì dòng máu Việt Nam đang chảy trong người tôi!" - Thịnh nói ngắn gọn.

Thịnh theo gia đình sang Mỹ khi đang học dở năm hai Đại học Y - Dược TPHCM. Trong hành trang đem theo của chuyến đi đường dài ấy, ngoài ký ức của tuổi thơ bên dòng sông Thu Bồn, còn có lời hứa với người thầy ở trường y: "Cuộc sống xứ người có khốc liệt thế nào, cũng không được từ bỏ ước mơ thành một bác sĩ giỏi về ung thư học!".

Những ngày mới sang Mỹ, để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư thêm vốn tiếng Anh, Thịnh làm thêm rất nhiều những công việc không tên.. "Nhắc lại thì thấy chẳng có gì nhưng giai đoạn đó với tôi quả là một thử thách lớn. Tuy mình không bị kỳ thị nhưng để tìm được một chỗ ngồi bình yên ở giảng đường của trường California, tôi đã phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần những sinh viên bản xứ", Thịnh kể.

Một dịp tình cờ, anh đọc được thông báo nhận sinh viên làm thêm của Viện thí nghiệm quốc gia ở Berkeley. Nhờ có vốn kiến thức y khoa, Thịnh đã dễ dàng vượt qua các cuộc sát hạch nghiêm ngặt để vào làm thêm ở phòng thí nghiệm di truyền và ung thư.

Cũng từ đây, tiếng tăm của một sinh viên Việt Nam thông minh, chịu khó đã làm ngạc nhiên những vị giáo sư đầu ngành về ung thư học của Viện. Nhiều lời mời Thịnh về làm việc sau khi tốt nghiệp đã "dội" tới tấp đến nhà anh. Từ chối tất cả, Thịnh chọn cho mình "bãi đáp" là dạy ở ĐH Stanford.

"Có thể thu nhập sẽ thua khi ra làm ở các bệnh viện nhưng quan trọng là tôi được làm công việc nghiên cứu và giảng dạy mà mình yêu thích", Thịnh trần tình. Làm ở đây gần năm, Thịnh nhận được học bổng tiến sĩ của ĐH Columbia. Không bỏ lỡ cơ hội nâng cao kiến thức cho mình, Thịnh quyết định xin nghỉ ở Stanford.

"Nhờ đến đây mà tôi có cơ hội làm việc chung với giáo sư Riccardo Dalla-Favara, một chuyên gia hàng đầu thế giới về di truyền học và ung thư", Thịnh nhớ lại.

Năm 2000, Thịnh tốt nghiệp tiến sĩ với thứ hạng tối ưu và được nhận ngay về giảng dạy tại ĐH Harvard.

"Xin đừng hiểu lầm tôi chọn đến đây vì thu nhập cao hơn những nơi khác. Đã từng từ chối những chỗ làm có mức lương cao gấp đôi, gấp ba lương của Harvard thì chuyện tiền nong chắc chắn không phải quan tâm hàng đầu của tôi. Lý do tôi về đây vì tin rằng môi trường này sẽ thích hợp để mình có thể bắt đầu cho những nghiên cứu tiếp theo về căn bệnh ung thư và bạch cầu mà mình đang tâm đắc", anh nói.

"Mắc nợ" người bệnh ung thư

Thịnh bảo, cuộc gặp của anh với giáo sư Riccardo Dalla-Favara là một cuộc gặp định mệnh. Bởi chính từ đây anh không những được giới khoa học hải ngoại biết đến nhiều hơn mà còn nhận được nhiều giải thưởng, học bổng giá trị. Tên của anh cũng bắt đầu hãnh diện đứng bên cạnh tên của giáo sư Riccardo Dalla-Favara trong nhiều bài viết giới thiệu các công trình nghiên cứu ung thư học trên những tạp chí khoa học lớn: Nature, Nature Immunology.

"Tôi thật sự biết ơn giáo sư Favara. Nếu không có ông, tôi không nhìn thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa và sức hấp dẫn đến như vậy", Thịnh nói.

Không phải khi sang Mỹ, Thịnh mới có ý định đi sâu vào ung thư học. Ngay từ những ngày còn ở Việt Nam, anh đã nhiều lần đến Trung tâm Ung bướu TP.HCM tìm hiểu căn bệnh này. Từng chảy mước mắt khi chứng kiến những người bệnh quỳ dưới chân các bác sĩ xin được chết sớm để chấm dứt sự đau đớn kéo dài. Những bi kịch của những số phận mang "án tử" đó đã ám ảnh Thịnh cả trong những giấc mơ dài trên đất Mỹ.

"Tôi coi đó như một món nợ khoa học mà mình có trách nhiệm phải trả khi đã chọn công việc nghiên cứu làm một phần cuộc sống của mình".

Sợ giẫm lại dấu chân đã đi qua của những nhà khoa học khác, Thịnh "ra lệnh" cho chính mình phải có một lối đi riêng mà chưa ai đặt chân đến. Trằn trọc nhiều đêm liền, Thịnh cũng chọn được một hướng đi "không đụng hàng". Đó là nghiên cứu chuyên sâu về tác nhân Lymphoma, một dạng ung thư rất phổ biến, chiếm đến 40% các trường hợp mắc bệnh nhưng chưa tìm được phương pháp chế ngự hiệu quả.

Ròng rã một năm trời "nhốt" mình trong phòng thí nghiệm, Thịnh gần như biến thành người khác. Anh xa lạ với cả những điểm vui chơi giải trí gần nhà mình. "Ngay cả chat với bạn bè để tiết kiệm tiền điện thoại tôi cũng không có thời gian tập!" - Thịnh cười.

Nhưng bù lại cho những "mất mát" đó, Thịnh đã tìm ra được những phương pháp chế ngự quá trình tạo thành Lymphoma thông qua việc ngăn không cho một số thành phần gây bệnh gặp nhau.

Thành công này không những giúp Thịnh nhận được điểm tốt nghiệp tiến sĩ cao nhất mà còn nhận được tài trợ từ tổ chức bảo trợ cho những công trình nghiên cứu ung thư trên khắp thế giới. Đặc biệt là giải thưởng Weintraub, vừa được trao vào tháng 5 năm nay.

"Khi nghe tin mình được giải, tôi bất ngờ lắm. Không dám tin một giải thưởng giá trị như thế lại có thể đặt lên tay một nghiên cứu sinh còn non trẻ như mình. Nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại thấy mình quá đỗi hạnh phúc vì tôi là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này", Thịnh cười giòn tan để kết thúc câu chuyện .

Weintraub là giải thưởng được đặt theo tên của tiến sĩ Harold M.Weintraub (1946-1995), một nhà khoa học có nhiều đóng góp thiết thực và sâu sắc cho sự phát triển sinh vật phân tử. Chỉ các trường đại học và các viện nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới tự xét tuyển những nghiên cứu sinh của mình và đề cử một nghiên cứu sinh cho hội đồng giám khảo của giải. Không ai có thể tự nộp đơn để được xét. Năm 2006, có 16 người giành được giải thưởng này và phần lớn họ là những nghiên cứu sinh của các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, Canada. Trong đó, Phan Văn Thịnh là người Việt Nam duy nhất và đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này vào tháng 5 vừa rồi.