NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Hãng sản xuất CHIP máy tính số một thế giới INTEL sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác vào Việt Nam

Craig Barrett , Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Intel

Mô hình nhà máy sản xuất chip của Intel sẽ xây dựng tại khu Công Nghệ Cao SHTP thành phố HCM, trên 46,7 hecta đất.

Hãng sản xuất chíp máy tính số một thế giới Intel đã chính thức nhận giấy phép dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chíp và linh kiện máy tính tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư 605 triệu USD. Nhân sự kiện này, hãng thông tấn AFP đã có bài viết với nhan đề " Intel bỏ phiếu tin tưởng cho Việt Nam ". Dưới đây là nội dung lược dịch bài viết :

Sự kiện hãng sản xuất chíp máy tính khổng lồ của Hoa Kỳ Intel đầu tư 605 triệu USD vào Việt Nam sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho nỗ lực tiến lên của Việt Nam trên nấc thang kinh tế giá trị gia tăng. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam từ trước đến nay. Sự kiện này được xem như là một lá phiếu của Intel đặt niềm tin tuyệt đối vào Việt Nam. " Quyết định của Intel đầu tư vào Việt Nam như là một con tem Vàng 24 cara thừa nhận Việt Nam như là một địa chỉ đầu tư Công Nghệ Cao của thế giới". Ông Walter Blocker, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại TP.HCM nói .

Việc Intel, công ty hàng đầu thế giới trong công nghệ chíp đã chọn Việt Nam, nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc ở mức 8% mỗi năm có thể đánh dấu một mốc son đáng nhớ đối với Việt Nam như một điểm đến mới đồng thời sẽ khuyến khích các nhà đầu tư khác noi theo. “Giờ đây các công ty Mỹ và công ty nước ngoài nói chung, sẽ hoàn toàn xem Việt Nam như một quốc gia nơi họ có thể đến để đầu tư cho công nghệ thông tin", Blocker nói. Với sự tiên phong của Intel, toàn bộ không gian về công nghệ thông tin sẽ mở ra cho quốc gia này, những nhà sản xuất phần cứng và phần mềm sẽ xem xét quan tâm hơn các cơ hội mà Việt Nam mời chào

"Sự hiện diện của Intel là một dấu mốc về đầu tư công nghệ thông tin quan trọng đối với các nhà sản xuất phần cứng tại Việt Nam", Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc CMC, một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất tại Việt Nam nói. " Nó sẽ thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam... Tôi hy vọng rằng nhờ khoản đầu tư này, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường quan trọng cho sự phát triển của công nghệ thông tin như khu Penang của Malaysia... Những gì chúng tôi muốn không phải là 600 triệu đô la Mỹ, mà đó là cái tên Intel " - ông Chính nói.

Việt Nam cũng dường như đang hy vọng vào tương lai của nền kinh tế dựa vào công nghệ cao, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị cao thay vì dựa vào lợi thế nhân công rẻ như hiện nay. " Đây không chỉ là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam mà còn là lớn nhất vào lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt nhiều hy vọng ", bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nhận xét. Điều đó rất quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với các nước trong vùng và thế giới. Nó sẽ giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, bà Lan nói thêm.

"Không tại đâu ở Đông Nam Á có cơ hội tốt hơn cho các công ty Công Nghệ Thông Tin như ở Việt Nam", Henry Nguyễn, Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam kết luận.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thành Phố HCM Walter Blocker : Đầu tư của Intel là dấu đảm bảo bằng Vàng về đầu tư ở Việt Nam.

“Quyết định đầu tư vào Việt Nam của Intel chính là con dấu đảm bảo bằng vàng xác nhận Việt Nam là điểm đầu tư có đẳng cấp của thế giới... Quyết định này sẽ làm người ta tỉnh ngộ khi nghĩ về Việt Nam. Giờ đây các công ty Mỹ cũng như các công ty nước ngoài nói chung chắc chắn sẽ coi Việt Nam là một quốc gia mà họ có thể đến và đầu tư công nghệ thông tin” .

Intel nâng vốn dự án tại Việt Nam lên 1 tỷ USD

Ngày 10-11-2006 , tại trụ sở UBND TP.HCM, tập đoàn Intel đã công bố chính thức điều chỉnh dự án, mở rộng diện tích nhà máy sản xuất chip bán dẫn và tăng vốn đầu tư dự án lên thành 1 tỷ USD.

Dự buổi ký kết và công bố điều chỉnh dự án có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, lãnh đạo UBND TP.HCM và Ban quản lý khu Công nghệ cao, nơi tập đoàn Intel xây dựng nhà máy.

Dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) chip bán dẫn của Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ tăng diện tích từ 150.000 feet vuông ( 14600m2 ) lên 500.000 feet vuông ( 46000m2 ). Trước đây dự án có tổng đầu tư 605 triệu USD, giai đoạn một xây dựng nhà máy ATM là 300 triệu USD.

Đây sẽ sẽ là nhà máy đầu tiên và lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của tập đoàn Intel. Theo kế hoạch điều chỉnh tăng công suất, nhà máy sẽ khởi công vào tháng 3/2007 và bắt đầu hoạt động vào năm 2009. Tổng số nhân lực làm việc dự kiến sẽ khoảng 4.000 người thay vì 1.200 người như trước đây, và chủ yếu sẽ sử dụng nhân lực tại chỗ.

Ông Brian Krzanich, Phó Chủ tịch tập đoàn Intel và là Tổng Giám đốc phụ trách nhóm cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn, cho biết, 500.000 feet vuông là diện tích lý tưởng cho phép bố trí trang thiết bị lắp ráp, kiểm định theo mật độ tối ưu hơn, và do vậy sẽ đạt sản lượng cao hơn. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là kiểu mẫu cho hệ thống các cơ sở lắp ráp kiểm định lớn hơn của tập đoàn Intel và sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Intel trên thị trường.

Nhà máy ATM tại Việt Nam là một phần của kế hoạch mở rộng công suất trên toàn cầu của tập đoàn chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Đến cuối 2006, Intel có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 6 tỷ USD trên toàn cầu. Khi hoàn thành, nhà máy tại Việt Nam sẽ là cơ sở lắp ráp và kiểm định chip thứ 7 trong hệ thống của tập đoàn Intel.

Ông Brian Krzanich nói rằng sở dĩ Intel chọn Việt Nam mở rộng quy mô nhà máy vì nhận thấy đất nước này hiện đang là môi trường đầu tư thuận lợi, trong đó ngoài tốc độ phát triển vượt bậc về kinh tế, còn là sự thân thiện của Chính phủ với việc tạo điều kiện tối đa, nền giáo dục căn bản, nhân lực được đào tạo bài bản và năng động.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết điều chỉnh dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sự kiện tập đoàn Intel mở rộng đầu tư dự án là một động thái tích cực, khích lệ giới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với các nhà đầu tư rằng Việt Nam với tư cách một thành viên tích cực của APEC, của tổ chức thương mại thế giới WTO, dù còn nhiều khó khăn hạn chế, song vẫn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, đặc biệt là đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ và sản xuất công nghệ cao, vào các ngành dịch vụ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng việc Intel đầu tư và mở rộng dự án là là cơ hội và là điểm nhấn trong chiến lược phát triển của thành phố nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng hàm lượng khoa học, công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm công nghiệp, thương mại và dịch vụ, và sẽ có những tác động tích cực đến những lĩnh vực khác như lĩnh vực quản lý công nghệ, đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học…

Nhà máy Assembly & Test Manufacturing ( ATM ) lớn nhất của Intel

Nhà máy Intel tại TP.HCM có số vốn 1 tỉ USD, 4.000 lao động, là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) thứ 7 của Intel trên thế giới. Các nhà máy khác ở Penang và Kulim (Malaysia), Cavite (Philippines), Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc), San Jose (Costa Rica).

Hai nhà máy ở Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc) thành lập vào các năm 1996 và 2004 với số vốn lần lượt là 540 triệu USD và 525 triệu USD, nhân viên khoảng 5.000 người.

Hai nhà máy ở Penang và Kulim (Malaysia) thành lập vào các năm 1972 và 1996 với tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD, nhân viên khoảng 10.600 người.

Nhà máy ở Cavite (Philippines) thành lập năm 1996, tổng vốn đầu tư là 1,51 tỉ USD với 5.000 nhân viên.

Intel khởi công xây dựng Nhà Máy lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Sáng 28-03-2007, Tập đoàn Intel đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chipset lớn nhất thế giới đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD này sẽ được hoàn tất phần xây dựng trong vòng 18 tháng. Song song đó, Tập đoàn Intel cũng đã lên kế hoạch triển khai thêm một dự án nữa tại Việt Nam với mức vốn đầu tư lớn không kém.

Nhà máy lắp ráp và kiểm định chipset của Intel có diện tích 460.000m2, sử dụng khoảng 4.000 lao động khi hoạt động hết công suất. Doanh thu xuất khẩu từ nhà máy này được thiết kế từ 1,5 - 2 tỉ USD/năm. Những con số này là điều không tưởng đối với Việt Nam cách đây 4 năm, khi mà bản đồ công nghệ cao trên thế giới chưa từng nhắc đến đất nước có hình chữ S này.

Ông Rick Howarth - Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam - cho biết: "Buổi lễ khởi công này đánh dấu 10 năm sự có mặt của Intel tại Việt Nam. Điều đó cho thấy quyết định đầu tư của Intel đã phải trải qua một giai đoạn điều nghiên cẩn trọng đến mức nào cho dù đối với một thị trường có mức tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới".

Sự có mặt của Intel ở Khu công nghệ cao TP.HCM, theo nhận xét của một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, còn được xem như một con dấu xác nhận tích cực đối với môi trường đầu tư Việt Nam. Ngân hàng Thế giới từng nhận định rằng Intel sẽ còn kéo theo những nhà đầu tư ngành công nghiệp vi điện tử, bán dẫn... vốn là những nhà cung ứng cho Intel lâu nay trên toàn cầu đến Việt Nam. Một chuyên viên Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng để giảm chi phí, Intel sẽ còn phát triển mạng lưới các nhà cung ứng ở Việt Nam. "Về lâu dài, điều này sẽ giúp hình thành một chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam", chuyên viên này dự đoán.

Còn về thông tin Intel sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD cho giai đoạn 2 ở Việt Nam, ông Rick Howarth xác nhận với Báo Thanh Niên : "Chúng tôi chưa chính thức công bố thông tin này, nhưng đúng là chúng tôi có kế hoạch đó. Dĩ nhiên với điều kiện là giai đoạn 1 phải được triển khai thành công. Đồng thời, một số yếu tố khác không thể không tính tới, chẳng hạn như nhu cầu của thị trường thế giới... Trước mắt chúng tôi phải thực hiện thành công giai đoạn 1 này đã. Như thế không có nghĩa chúng tôi không tự tin mà hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi bỏ ra một số tiền khổng lồ nên đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thị trường, về môi trường làm việc, lực lượng lao động... Chúng tôi hiểu phải bỏ tiền vào đâu cho đúng chỗ".

Ông Rick Howarth giải thích thêm về dự định của Intel: "Về mặt vật lý thì nhà máy mới sẽ không có gì khác. Có chăng chỉ là sự khác biệt về sản phẩm. Chẳng hạn như lắp ráp và kiểm định microchip. Lúc đó chúng tôi sẽ nâng tổng số nhân công làm việc ở đây lên từ 8.000 - 10.000 người". Theo ông Rick Howarth, cho đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang chạy rất thông suốt. Intel đang hợp tác rất tốt với chính quyền địa phương, với Ban quản lý khu công nghệ cao và với các trường đại học để chuẩn bị cho số sinh viên ra trường được đào tạo những kỹ năng công nghệ cao mà Intel cần.

Một số mục tiêu chính của Khu công nghệ cao TP.HCM đến năm 2010 :

- Thu hút những tập đoàn công nghệ cao có công nghệ nguồn, đặc biệt trong lĩnh vực vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin để xây dựng hoàn chỉnh chuỗi cung ứng của lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn tại khu công nghệ cao với hạt nhân là nhà máy 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel.

- Phát triển hoàn chỉnh hệ thống các ngành dịch vụ công nghệ cao bao gồm các trung tâm hỗ trợ khách hàng, trung tâm dữ liệu, các trung tâm phát triển phần mềm và ứng dụng web, các trung tâm cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng...

"TP.HCM chào đón những dự án như dự án của Intel vì nó phản ánh điều kiện đầu tư hết sức tiềm năng mà thành phố trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ như chúng tôi mang lại cho nhà đầu tư. Sự kiện ngày hôm nay đã nói lên chiến lược chuyển đổi TP.HCM theo hướng gia tăng các hoạt động có giá trị cao, nhấn mạnh vào việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Hợp tác với Intel là một cơ hội phát triển quan trọng cho TP.HCM nói riêng và người dân Việt Nam nói chung" - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.

Trung Bình

Cuối năm 2009, hoàn thành nhà máy chip Intel tại Việt Nam

Nhà máy kiểm định và đóng gói (ATM) chip của Intel với vốn đầu tư một tỉ USD tại khu công nghệ cao TP.HCM, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009, tổng giám đốc dự án nhà máy Intel Products Việt Nam, Rick Howarth cho biết sau sự kiện tập đoàn Intel vừa công bố tái cấu trúc lại hệ thống các nhà máy ATM trong khu vực châu Á, bao gồm việc đóng cửa một nhà máy tại Philippines, và tiến hành chuyển địa điểm hai nhà máy cũ từ Penang sang nhà máy mới tại Kulim, Malaysia.

Khi nhà máy tại Việt Nam hoạt động hết công suất, sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm, và kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 5 – 6 tỉ USD/năm. Bà Hồ Thị Thu Uyên, giám đốc đối ngoại của nhà máy cho biết, trong năm 2008, Intel đã tuyển chọn các kỹ sư mới ra trường đào tạo thêm ở Malaysia và Trung Quốc, đồng thời tuyển chọn 40 sinh viên xuất sắc tại các trường đại học kỹ thuật trong nước được học tiếp hai năm cuối tại đại học kỹ thuật Portland State University (bang Oregon, Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ được Intel bố trí công việc tại nhà máy Intel Việt Nam.

Intel dự báo, mức tiêu thụ máy tính cá nhân tại Việt Nam năm nay khoảng hai triệu máy, tăng hơn 11% so với năm trước. Hiện nay, số hộ có máy tính ở Việt Nam bình quân khoảng 10% (một vài thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội mới có tỷ lệ 50% dân có máy tính), và internet băng thông rộng đang phát triển khá nhanh là những điều kiện để thị trường máy tính cá nhân Việt Nam phát triển.

Gia Vinh