NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nói Về Bệnh Tiểu Đường - B.S Vũ Quí Đài , Kiều bào Mỹ

Bệnh tiểu đường ( Diabetes mellitus, thường nói tắt là diabetes ) là do lượng đường (nói chính xác là đường glucose) trong máu quá cao.

Tại sao đường bị cao ?

Khi ăn món lòng chay, ngoài món tim, gan, ta còn thấy có lá mía ( tụy tạng ), thái ngang thì hình tam giác. Cơ thể con người cũng có lá mía ( tụy tạng ), hình dáng tương tự như lá mía heo, nằm ép dưới bao tử chỗ đầu ruột non. Lá mía ( tụy tạng ) có hai phận sự chính. Một là giúp tiêu hóa đồ ăn trong ruột, hai là sinh chất insulin, một nhân tố quan trọng trong việc điều hòa lượng đường trong máu. Nhờ có insulin, mà đường được đưa đến các tế bào đẻ sinh năng lượng ( cần cho cơ thể hoạt động cũng như máy xe cần xăng vậy ). Nếu insulin tiết ra không đủ, hay là vì cớ gì tế bào tiếp nhận insulin không đủ, thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao mà sinh bệnh.

Còn nguyên nhân sâu xa, tại sao người này bị, người kia không, thì có vẻ như có yếu tố di truyền, cha mẹ có người bị thì con cái dễ bị bệnh hơn.

Hai loại bệnh tiểu đường

Loại thứ nhất là do lá miá ( tụy tạng ) tiết ra quá ít insulin, và bệnh nhân cần phải chích insulin mỗi ngày ( tiếng Anh gọi là insulin dependent, hay type I ). Loại bệnh này thường khởi phát cỡ tuổi mười mấy hai mươi, ít khi quá tuổi ba mươi.

Trường hợp bệnh tiểu đường loại hai, ( tiếng Anh gọi là type II hay non-insulin-dependent ), thì lá miá vẫn tiết ra insulin như thường, nhưng tế bào làm như kháng với hiệu lực của insulin, thành ra đường cũng bị cao. Loại II này tuy có thể thấy ở tuổi trẻ, nhưng thường thì khởi phát ở tuổi ba bốn mươi. Bệnh này mà kiêng cữ cho tử tế thì nếu nhẹ không phải dùng thuốc, còn nếu cần thuốc thì có thuốc uống không phải chích mỗi ngày.

Bệnh loại I phát nhanh và có thể đưa tới cơn hôn mê nguy hiểm cấp thời.

Bệnh loại II thường thấy hơn, nhưng phát triển chậm, có khi âm thầm cả chục năm không thấy triệu chứng gì hết ( tuy vậy vẫn có thể sinh biến chứng làm hại cơ thể ).

Triệu chứng bệnh như thế nào ?

Thường người ta lấy con số đường trong máu cao quá 130 ( 130 mg /dL ) làm mốc, để gọi là có bệnh. Khi đường lên tới quá 160 thì thận bài tiết qua nước tiểu, mà muốn thải được nhiều đường thì cần nhiều nước để pha cho đủ loãng, vì vậy sinh triệu chứng tiểu nhiều và do đó thêm triệu chứng khát nước. Vì đường bị thải đi nhiều nên mất nhiều calori ( năng luợng ), cho nên người bệnh cảm thấy hay đói muốn ăn nhiều.

Ngoài những triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thì bệnh nhân cũng cảm thấy người mệt mỏi, chóng mặt, và bệnh loại I thì thấy sụt ký.

Nhân đây xin kể lại mẩu chuyện thời tôi còn là sinh viên y khoa ở Sài gòn.

Hồi đó có nhiều bệnh nhân lặn lội từ Hậu giang lên xin nằm chữa trị ở bệnh viện Chợ Rãy vì bị tiểu đường. Làm hồ sơ bệnh lý, hỏi mấy ông bà hồi thoạt đầu sao biết mình bị bịnh, thì được trả lời là : "tôi đi tiểu ở góc vườn rồi sau đó thấy kiến bu".

Âu cũng là một điểm đặc biệt cho giới Y khoa quốc tế lưu ý!

Nếu không chữa trị sẽ bị những biến chứng gì ?

Ngoài những cơn hôn mê là biến chúng cấp thời, cái tai hại căn bản lâu dài của bệnh là do đường trong máu quá cao, tạo các hợp chất bám vào thành mạch máu ảnh hưởng tới sự tuần hoàn của nhiều phần trong cơ thể và làm hại dây thần kinh.

Vì thể biến chứng của bệnh tiểu đường thấy gần như cùng khắp cơ thể :

- Nghẹt mạch tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não ( stroke ) .

- Bại thận ( thận không bài tiết được các chất độc qua đường tiểu nữa ), đến nỗi phải đi lọc máu mấy lần một tuần.

- Mù mắt, vì mạch máu trong võng mạc bị hư.

- Hay bị nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng ngoài da, vết thương khó lành.

- Bàn chân bị loét không lành, và sinh hoại thư ( mô bị chết ) phải cưa chân.

- Giây thần kinh bị hư có thể làm yếu tay chân, hoặc sinh đau nhức, hay là tê, có khi lại bị mất cảm giác .

Vấn đề định bệnh

Như trên đã nói, nếu đường trong máu lúc bụng đói lên quá 130 thì kể là có bệnh. Vì đây là một bệnh kinh niên, phải tiếp tục chữa trị suốt đời, nên thường bác sĩ cho thử tới ba lần rồi mới kết luận. Có 2 cách thử đường trong máu. Một là lấy máu sáng sớm lúc bụng đói để thử. Cũng có khi bác sĩ cho làm thử nghiệm "uống nước đường" gọi là glucose tolerance test: cũng thử lúc sáng sớm bụng đói, nhưng cho bệnh nhân uống nước đường rồi coi xem đường trong máu lên như thế nào, hai ba giờ sau đó.

Vấn đề chữa trị

Nói một cách vắn tắt , thì phải ăn uống kiêng khem ( diet ), luyện tập thân thể và nếu cần thì dùng thuốc. Chích insulin cho loại I, còn loại II thì có thuốc uống. Đi vào chi tiết thì khá dài giòng , tuy vậy cũng có nhiều điều nên biết.

Các biến chứng tim mạch do tiểu đường

Bệnh tiểu đường làm cho quá trình xơ vữa của các động mạch lớn và vừa xuất hiện sớm hơn và tiến triển nhanh hơn ở những người không mắc bệnh này. Người bệnh có thể bị viêm tắc động mạch chi dưới, tai biến mạch máu não...

Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ làm tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam lẫn nữ): Tăng 1,8 lần nguy cơ bệnh mạch vành; 2,4 lần nguy cơ tai biến mạch não; 4,5 lần nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới. Theo thống kê, các biến chứng tim mạch này là nguyên nhân tử vong của 3/4 số bệnh nhân tiểu đường ngoài tuổi bốn mươi .

Nguy cơ gặp biến cố tim mạch của người bị tiểu đường càng tăng cao nếu kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động.

Để phòng ngừa các biến chứng tim mạch, bệnh nhân tiểu đường cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tim mạch (gồm tiểu đường và các yếu tố kể trên) để kiểm soát chúng thật tốt.

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường có các biểu hiện thường gặp sau :

Viêm tắc động mạch chi dưới : Gặp ở 50% số người bị tiểu đường sau 20 năm tiến triển bệnh. Triệu chứng là đau cách hồi, giảm hoặc mất mạch mu chân, bàn chân lạnh, đau chân ban đêm... Viêm tắc động mạch chi dưới làm tăng 7 lần nguy cơ hoại tử chi so với người không mắc tiểu đường. Căn bệnh này là nguyên nhân của 50% số ca cắt đoạn chi không do chấn thương.

Tiên lượng nặng thêm nếu bệnh nhân hút thuốc lá. Viêm tắc động mạch chi dưới thường phối hợp với tổn thương thần kinh, tạo nên nguy cơ cao cho bàn chân người tiểu đường.

Bệnh tim : Thường gặp và có tiên lượng nặng là bệnh mạch vành.

Người bệnh cảm thấy các cơn đau thắt ngực không điển hình hoặc không có triệu chứng đau ngực, nhồi máu cơ tim im lặng, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột tử. Có thể phát hiện bệnh bằng điện tâm đồ, nghiệm pháp gắng sức nếu nghi ngờ trên lâm sàng hoặc điện tim. Tiên lượng bệnh được cải thiện bằng cách kiểm soát tốt và sớm đường huyết.

Tăng huyết áp : Có ở 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 sau tuổi 45, cũng có thể xuất hiện trước khi mắc bệnh. Ở tiểu đường type 1, tăng huyết áp thường là hậu quả của biến chứng thận. Nó làm nặng thêm biến chứng vi mạch và là nguy cơ lớn dẫn đến các biến cố tim mạch.

Tăng huyết áp cần được phát hiện sớm, điều trị thường xuyên, ổn định ở mức dưới 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu có thêm yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên và mỗi khi đi khám bệnh.

Để điều trị tăng huyết áp, có thể phải dùng một hay nhiều loại thuốc khác nhau theo chỉ định của bác sĩ. Cần phối hợp thực hiện chế độ ăn và tập luyện.

Tai biến mạch máu não : Biến cố do thiếu máu não hay gặp hơn là do xuất huyết não. Do vậy, cần phát hiện sớm các tai biến mạch não thoáng qua. Để phòng bệnh, cần điều trị tốt tiểu đường và các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.

Các rối loạn mỡ máu : Như tăng triglicerid máu ; giảm HDL-cholesterol; tăng LDL-cholesterol. Các rối loạn này có thể được cải thiện phần nào nhờ kiểm soát tốt đường máu. Nếu chưa đạt mức tối ưu, cần được điều trị sớm bằng chế độ ăn và thuốc. Cần làm xét nghiệm kiểm tra các bất thường về mỡ máu tối thiểu một lần mỗi năm. Trong trường hợp điều trị, cần kiểm tra 3 tháng một lần.

Ngoài ra, cần giảm trọng lượng cơ thể thừa, tăng cường vận động thể lực, bỏ thuốc lá, giảm uống rượu... để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch, từ đó giảm nguy cơ mắc và tử vong do biến chứng tim mạch.

Bài này chỉ nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về sức khỏe và y tế.

Nếu cần chữa bệnh, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của bạn.