NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Người đi tiên phong trong ngành điện tử công nghệ cao - TS Nguyễn Trí Dũng , Kiều bào Nhật Bản

Một buổi chiều thu nhạt nắng, tôi được Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng – Việt kiều Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Minh Trân chuyên sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao xuất khẩu mời đến thăm công ty. Bất ngờ đến sửng sốt, bởi tôi không thể nghĩ rằng ở giữa phường 15 quận Tân Bình, khu vực giáp ranh với quận Gò Vấp, bên cạnh con kinh Tham Lương và các nhà máy sản xuất dầu và hóa chất là một không gian hoa cỏ xanh tươi với nhiều cây cao bóng mát, có nhà rường Bắc bộ, nhà sàn Tây nguyên với tiếng nước đổ vào lu từ những lóng tre tạo thành một âm thanh vui tai, lạ mắt.

Nơi ấy, như ngự trong một góc rừng, là một thế giới riêng yên ả, thanh bình, lại có một nhà máy sản xuất hàng linh kiện điện tử công nghệ cao trong khuôn viên rộng 10.000m2, đã xuất khẩu hơn 200 triệu sản phẩm sang thị trường quốc tế.

Như bài học đầu tiên “Mình vì mọi người”

“Tôi muốn cho những nhân viên của mình đều được hưởng phút giây thư giãn vào mỗi buổi sớm mai với một không khí trong lành để bắt đầu một ngày mới làm việc nghiêm túc. Từ bữa ăn của công nhân, đến những viên gạch lót nền cho sân chơi, những nhành lan và những đám cỏ trong vườn, tất cả đều do bàn tay của công nhân viên công ty chăm sóc. Tôi nghĩ rằng, công ty phải xây dựng được một truyền thống cộng đồng, mọi việc lớn xuất phát từ những công việc nhỏ, tầm thường. Qua đó, mọi người không chỉ yêu công việc của mình, yêu cả nơi mình làm việc và sinh sống. Bài học đầu tiên là làm những công việc nhỏ bé nhất như phục vụ một bữa ăn ngon cho mọi người và được phục vụ lại. Mọi người trong công ty tuân thủ theo nề nếp, như sống cùng một đại gia đình với nhau”. Tiến sĩ Trí Dũng giải thích cho những thắc mắc của tôi về vẻ đẹp của thiên nhiên, do con người kiến tạo bởi một chút lãng mạn trong cuộc sống của một doanh nhân. Ông có dự định, mai kia Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều được thành lập ông sẽ dành nơi này làm chỗ hội họp, gặp gỡ giao lưu các nhà khoa học với nhau.

Bên này là không gian riêng để nghỉ ngơi, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên trải ra trong mắt sau giờ làm việc, bên kia là nhà xưởng của công ty. Khi bước chân vào xưởng sản xuất linh kiện điện tử, tôi có cảm giác rằng mình đang bước vào phòng thí nghiệm. Môi trường làm việc ở đây rất nề nếp, sạch sẽ và hầu như không một tiếng động. Những công nhân kỹ thuật khoác áo trắng đang chăm chú tỷ mỉ với từng vi mạch li ti. Thỉnh thoảng họ trao đổi khe khẽ với nhau, như sợ khi nói to sẽ làm ảnh hưởng công việc của người bên cạnh. Được tận mắt chứng kiến hơn 300 công nhân của công ty đang làm việc mới thấy sự khéo tay, cần mẫn, đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Tiến sĩ cho biết: Chỉ ít lâu sau khi về nước, ông đã tiến hành thành lập “Trường Doanh thương Trí Dũng”, là một trường tư thục đầu tiên đào tạo thực vụ về kinh tế thương mại tại nước ta. Hệ thống kế toán Mỹ (American Accounting System) đã được ông giới thiệu tại VN từ những năm 90. Năm 1993, ông thành lập công ty NICD đầu tư sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao để cung cấp thị trường Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, ông còn thành lập thêm xưởng thủ công nhỏ nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam qua thị trường Nhật Bản.

Con đường đến với công nghệ cao của ông không đơn giản. Để làm chủ một cơ sở công nghệ hiện đại, chuyên gia công linh kiện điện tử với một số lượng không nhỏ công nhân có tay nghề đạt chuẩn quốc tế và để giành được sự tín nhiệm của khách hàng Nhật Bản trong bao nhiêu năm qua, ông đã trả giá không ít cho thành công hôm nay. Bắt đầu từ việc làm thủ công mỹ nghệ, gia công, dệt may và khi thời cơ đến mới sản xuất hàng công nghệ cao.

Ông tâm đắc với quan điểm: “Công nghệ cao nhất chính là làm bằng tay chân, vì những gì máy móc có thể làm thế con người thì không phải là công nghệ cao”. Chính vì vậy, công nhân của ông được đào tạo khá chu đáo và tỉ mỷ. Công nhân kỹ thuật làm việc trong công ty Minh Trân, một số là những người đã tốt nghiệp Trường Doanh Thương Trí Dũng, Đại học Bách khoa của thành phố hoặc là những thợ thủ công trẻ tuổi cần mẫn ở quanh khu vực gần công ty, được đào tạo thêm tay nghề và một số được đào tạo tại chỗ. Tất cả nhân viên của ông từ kỹ sư tốt nghiệp loại ưu đang chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ, phó giám đốc, trưởng phó phòng đến công nhân bình thường đều bắt đầu công việc của Công ty Minh trân từ …nhà bếp. Họ không chỉ biết nấu ăn, còn biết chăm sóc hoa cỏ trong vườn như người nông dân thực thụ. Bởi hàng tháng, mỗi người trong công ty, bất kể chức vụ gì đều phải có một ngày lao động thật sự ở bếp ăn tập thể hoặc tưới cây để biết được sự khó nhọc của lao động, nỗi vất vả của của người lao công, từ đó mới có thể sống vì mọi người.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đã áp dụng mô hình đào tạo mới với chương trình “Học trước trả sau” cho khoảng 5.000 học viên có hoàn cảnh khó khăn và giới thiệu việc làm cho họ ở các Khu công nghiệp trong và ngoài thành phố. Trong số gần 30.000 lượt học sinh do trường Trí Dũng đào tạo về các ngành Quản trị, Kinh tế, Thương mại, Kế toán, Marketing, Vi tính, Anh ngữ, Nhật ngữ…nhiều người đã làm việc cho các công ty và các khu chế xuất. Đối với những học sinh nghèo cần có việc làm ổn định, ông cấp học bổng và miễn giảm học phí. Bất cứ lúc nào, ai cũng có thể tới công ty của ông để xin đào tạo, việc làm và giới thiệu việc làm.

Âm thầm làm việc cống hiến cho đời

Vốn là sinh viên đại học Kiến trúc Sài Gòn, từ năm 1967, ông Nguyễn Trí Dũng sang Nhật du học và tốt nghiệp Phó Tiến sĩ ngành Quản lý công học (Managerment Engineering) và Tiến sĩ ngành Kế lượng (Quantitative Planning). Sau khi hoàn tất luận án tiến sĩ ngành quản trị công học, ông được mời làm chuyên gia tại Liên hợp quốc về hoạch định chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển. Từ năm 1978 – 1993, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng là chuyên viên kinh tế phát triển của Liên hiệp quốc (UNCRD) và đã làm việc cho LHQ gần 17 năm. Tiến sĩ còn hoạt động tích cực cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của các thành phố Việt Nam và các thành phố khác trên thế giới. Đặc biệt là mối quan hệ giữa TP.HCM và TP. Yokohama (Nhật Bản).

Là Chủ tịch Network of International ở Nagoya (Nhật Bản), tháng 10 năm ngoái ông đã từng đưa các đoàn quan chức và doanh nhân Việt Nam đến Nhật Bản để thực hiện xúc tiến đầu tư vào thị trường Nhật. Ông đã gây ấn tượng mạnh không chỉ cho giới doanh nhân Việt Nam, mà về phía bạn, đó là sự quan tâm sâu sắc của giới doanh nhân, giới khoa học Nhật đến thị trường Việt Nam.

Công ty Fujitsu – nhà đầu tư công nghệ cao lớn nhất hiện nay của Nhật Bản đã từng được bình chọn đứng đầu trong top 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất năm 2004 tại Đồng Nai. Nhưng ít có ai biết rằng, để thuyết phục Fujitsu đầu tư và mở rộng hoạt động ở Việt Nam, người có vai trò quan trọng nhất cho sự sự thành công ấy chính là Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Trí Dũng. Ông là người dễ gây ấn tượng đặc biệt ở người khác bởi sự tinh tế, thông minh, sắc sảo và có khả năng thuyết phục người khó tính nhất bởi những lập luận chặt chẽ và chứng minh cho những lập luận ấy.

Những ai đã trò chuyện cùng ông đều có chung một cảm nhận ở ông toát lên sự giản dị, ấm áp, chân thành. Ông là người sống lâu năm ở Nhật, ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản, làm việc nhiều năm liền cho Liên hợp quốc, nhưng đối với ông “quê hương chính là đây, là buổi sáng nắng tràn qua cửa kính, là buổi chiều tà nhìn qua cửa ngõ nhà rường trong khuôn viên là một thảm cỏ xanh, một đoá sen hồng pha sắc vàng chiều phai. Đi nhiều, cảm nhận nhiều điều hay và trăn trở với những gì mà lớp trẻ Việt Nam chưa được tiếp thu, học hỏi những cái hay của thế giới bên ngoài.

Từ những trăn trở đó, ông suy nghĩ về sự liên kết giữa đại học và doanh nghiệp Việt Nam và nhu cầu hình thành Trung tâm Tư vấn liên kết và nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực giáo dục. Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm hay trong nước và các xu hướng mới mẻ trên thế giới trong lĩnh vực liên kết Đại học Doanh nghiệp, Trung tâm tiến hành những hoạt động khuyến khích sự kết nối thiết thực, với các dạng thức phù hợp, giữa các trường Đại học với các doanh nghiệp. Tất cả đều nhằm vận dụng các thông tin phản hồi từ doanh nghiệp để cải tiến nội dung, phương pháp, phong cách đào tạo, thực tập cho sinh viên; thu hút các tri thức và kỹ năng sống động từ doanh nghiệp để phát triển việc đào tạo, nghiên cứu ở trường Đại học; Xác lập và triển khai các dự án chuyển giao công nghệ giữa trường đaị học với các doanh nghiệp; thúc đẩy các dạng hợp tác quốc tế và tài trợ quốc tế cho những dự án liên kết dài hơi; Có triển vọng về đào tạo và chuyển giao công nghệ. Qua đó, giúp các trường đaị học tiếp cận với tài trợ quốc tế để tạo dễ dàng cho các dự án chuyển giao công nghệ có ý nghĩa.

Nguyệt Quế