NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nhiều dự án lớn về điện tử đổ vào Việt Nam

Theo Hiệp hội Doanh Nghiệp Điện tử Việt Nam, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay đã có nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử với số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO thì Tập đoàn Intel ( Mỹ) đã nâng vốn đầu tư từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD. Tiếp đến là Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) cũng đầu tư 1 dự án tại Bình Dương với số vốn 1 tỷ USD sản xuất đầu đọc quang học dùng cho đầu DVD, VCD và môtơ siêu nhỏ dùng trong máy ảnh, máy in... Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đầu tư vào Việt Nam tổng vốn 5 tỷ USD, trong đó riêng sản xuất linh kiện điện tử khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra còn Tập đoàn Meikom (Nhật Bản) đầu tư 300 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Tây...

Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sắp tới sẽ cấp phép đầu tư cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vào Khu công nghiệp huyện Yên Phong (Bắc Ninh) với số vốn 650 triệu USD sản xuất linh kiện điện tử.

Có thể nói Việt Nam đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực điện tử. Rất nhiều các tập đoàn lớn với những dự án quan trọng, vốn đầu tư lớn đã đổ vào Việt Nam. Hiện các doanh nhân trong lĩnh vực điện tử của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang đổ về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và thời gian tới sẽ còn nhiều dự án lớn được cấp phép trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quang Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh Nghiệp Điện tử Việt Nam, đang có xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á sang Việt Nam. Chẳng hạn như Tập đoàn Meikom đang cân nhắc việc chuyển nhà máy đang sản xuất tại Trung Quốc về Việt Nam. Một số tập đoàn của Nhật Bản, Đài Loan đang có ý định chuyển các nhà máy đang sản xuất linh kiện điện tử của họ tại Trung Quốc, Malaysia về Việt Nam trong thời gian tới.

Lý do là Việt Nam hiện có quỹ đất lớn với nhiều vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất điện tử và giá công nhân rẻ. Bên cạnh đó sản xuất điện tử được coi là lĩnh vực công nghệ cao nên Việt Nam có các chính sách ưu đãi lớn. Trong khi đó tại các nước như Trung Quốc, Malaysia... giá thuê đất, giá nhân công tăng vì vậy Việt Nam trở nên có lợi thế.

Tất cả các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử thời gian qua và tới đây đều là sản xuất linh kiện. Điều này sẽ làm cho công nghiệp phụ trợ của ngành điện tử nở rộ trong những năm tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Lúc đầu các sản phẩm sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, nhưng khi các Doanh Nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần thì có thể sử dụng ngay tại chỗ. Bên cạnh đó với việc sử dụng nhiều nhân công, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam có được đội ngũ lao động trong ngành điện tử được đào tạo. Đây chính là những hiệu quả to lớn mà đầu tư nước ngoài mang lại.

Tuy nhiên đầu tư vào nhiều, nhưng chủ yếu các Doanh Nghiệp này chỉ sử dụng đất đai và lao động tại Việt Nam là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ rất ít, chủ yếu vẫn nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam, vì vậy hiện tại giá trị gia tăng còn rất thấp. Năm 2007 xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử đạt 2,2 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chỉ từ 5% - 10%.

Cũng theo ông Hùng việc các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào sản xuất linh kiện điện tử là cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử của mình. Nhưng chỉ sản xuất linh kiện không thì chưa đủ. Để có được ngành công nghiệp điện tử thì cần có đội ngũ các nhà thiết kế có chất lượng, điều này Việt Nam lại rất yếu.

Qua điều tra của Hiệp hội Doanh Nghiệp Điện tử Việt Nam thì trong 10 năm qua, các Doanh Nghiệp đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử hầu như không đào tạo đội ngũ thiết kế. Họ chỉ đào tạo lao động trông coi dây chuyền sản xuất, công nghệ và sửa chữa bảo hành. Bản thân các trường đại học của Việt Nam cũng chạy theo nhu cầu này của Doanh Nghiệp và gần như không có đào tạo về thiết kế. Nếu không có đội ngũ thiết kế, Việt Nam khó có sản phẩm của riêng mình. Vấn đề này đã nhiều lần Hiệp hội Doanh Nghiệp Điện tử Việt Nam đã đề cập với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay sự quan tâm vẫn chưa đúng mức - ông Hùng cho biết.

Trần Thuỷ

Doanh nghiệp điện tử nước ngoài "đổ dồn" về Việt Nam

Như một làn sóng, hàng loạt các tên tuổi lớn như Canon, Olympus (Nhật Bản), Chi Mei Optoelectronics (Đài Loan), Philips (Hà Lan)... đã đến VN tìm cơ hội và triển khai đầu tư, xây dựng nhà máy... Ngành công nghiệp điện tử trong nước sẽ có cả cơ hội "vàng" cùng thách thức lớn.

Trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2007 và đầu năm nay, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến VN khá dày đặc. Nhiều nhất phải kể đến các công ty thuộc Đài Loan như HannStar Board, Gold Circuit Electronics (GCE), Unimicron Technology, Tripod Technology và Compeq Manufacturing... Hiệp hội các nhà sản xuất mạch in Đài Loan có kế hoạch xây dựng tổ hợp sản xuất ở Hà Nội vào tháng 8.

Một số "đại gia" như Olympus, Philips, Chi Mei Optoelectronics... thì tuyên bố rút khỏi Trung Quốc để tìm đến VN triển khai kế hoạch mở nhà máy mới. Mới đây, hãng thông tấn Reuters đưa tin Canon sẽ chi 5 tỷ yên Nhật (50 triệu USD) xây dựng cơ sở lắp ráp máy in với chi phí thấp tại một tỉnh ở miền Bắc.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lý do giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, tìm đến VN và một số nước Đông Nam Á khác của các hãng điện tử là vì giá nhân công của đất nước trên 1 tỷ dân ngày một gia tăng và chính sách về môi trường trở nên rất khắt khe. Và họ đã không bỏ qua một VN với vô số các điều kiện "mở" của chính phủ nhằm thu hút đầu tư. Hơn nữa, sự kiện Intel và Foxconn bỏ vốn lớn vào VN giống như một đảm bảo về một môi trường nhiều hứa hẹn.

Tuy nhiên, đánh giá về xu hướng này cũng có nhiều góc nhìn khác nhau. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hiếu, Chánh văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN, cho rằng cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử nội địa là đáng kể và thách thức cũng rất lớn. "Thị trường công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn quá kém, còn phải nhập từ dây điện đến đèn LED... nên rất khó sớm phát triển mạnh công nghiệp điện tử. Cái lớn nhất chúng ta có là nhân công rẻ nên chỉ có thể gia công giai đoạn cuối mà thôi", ông Hiếu bình luận.

Nhiều ý kiến khác lại khẳng định đây chính là một trong những yếu tố hỗ trợ nội lực cho công nghiệp điện tử VN vì hiệu ứng dây chuyền sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng nhu cầu. Tăng giá trị nội địa bằng chất xám là một lợi ích lớn. Thiết bị số có giá trị vật chất không cao nhưng nội dung số bên trong cũng như ứng dụng sẽ theo giá thị trường. Trong khi đó, các tập đoàn không sản xuất trọn gói sản phẩm tại một nơi mà phân ra làm nhiều công đoạn: thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói... rồi tìm nơi gia công có lợi thế nhất cạnh tranh nhất cho mỗi việc.

"Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phân công này, mức giá trị thấp. Chúng ta chỉ có cách phát triển là thu hút các tập đoàn đầu tư mạnh. Đó là con đường mà Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Trung Quốc... đã trải qua", ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Nguyễn Anh