NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Cách Đo Áp Huyết - BS Nguyễn Ý Đức , Kiều bào Mỹ

Cụ Nguyễn Xuân Thưởng gửi thư hỏi về cao huyết áp và cách đo huyết áp ở nhà. Cụ nói hiện đang bị tension và đang uống thuốc.

Vậy chúng tôi xin phúc đáp thư của Cụ Thưởng cũng như gửi tới qúy thân hữu một chút kiến thức về vấn đề sức khỏe rất quan trọng này. Bệnh coi mòi có vẻ xẩy ra rất nhiều ở đồng hương người Việt chúng ta vì nếp sống hơi buông thả, ăn uống thoải mái “vô tư”. Trong khi đó thì bệnh ở đồng bào trong nước cũng gia tăng vì khó khăn, căng thẳng triền miên . Cũng xin thưa là Cao Huyết áp được y giới coi như một “tên sát nhân thầm lặng” vì bệnh diễn biến âm thầm và có thể đưa tới biến chứng trầm trọng, với nhiều tàn phế cho cơ thể.

1- Trước hết câu hỏi thường được nêu ra là “ huyết áp là gì ” ?

Huyết áp là áp suất của máu lên thành động mạch chính khi máu được tim bơm vào. Áp suất tùy thuộc sức cản của động mạch và số lượng máu. Cao khi hai yếu tố này cao và ngược lại.

Huyết áp được ghi nhận bằng milimét thủy ngân mmHg và đo bằng huyết áp kế đặt ở động mạch cánh tay là nơi áp suất giống như áp suất khi máu rời trái tim. Áp suất cao nhất khi tâm thất co bóp ( Huyết áp tâm thu - systolic ) đẩy máu ra khỏi tim. Huyết áp thấp nhất khi tâm thất dãn ra ( Huyết áp tâm trương - diastolic ) để tiếp nhận máu.

Huyết áp bình thường thay đổi tùy theo tuổi. Ở một người trưởng thành, khỏe mạnh và trong tình trạng nghỉ ngơi, huyết áp dưới 120/80mmHg được coi là bình thường, lý tưởng là khoảng 117/75. Hoạt động gắng sức, cảm xúc mạnh, căng thẳng tâm thần đều làm tăng Huyết áp tâm thu. Ngược lại khi ngủ thì Huyết áp này lại thấp nhất. Huyết áp thấp ở trẻ em, tăng dần với tuổi.

Hệ thần kinh giao cảm và vài kích thích tố trong cơ thể điều chỉnh giữ Huyết áp ở mức độ bình thường.

2- Thế nào là cao huyết áp ?

Khi áp suất trong động mạch lên tới 140/90mmHg là cao huyết áp. Huyết áp 120/ 80 là Tiền Cao Huyết áp và ta đã phải lưu tâm theo dõi rồi. Chỉ cần một con số lên trên bình thường là đã bị bệnh cao Huyết áp. Thường thường bệnh được phát hiện khi ta đi bác sĩ khám bệnh hoặc tình cờ nhờ bạn bè đo.

3- Tại sao huyết áp lại lên cao ?

Cao Huyết áp có thể là nguyên - phát hoặc thứ - phát.

Thứ phát là do hậu quả của các bệnh như bệnh thận, bệnh nang thượng thận, bệnh nội tiết, bệnh về động mạch; do uống thuốc viên ngừa thai, thuốc có thể gây nghiền như cocaine, amphetamine.

Có tới 90 % đến 95% các trường hợp cao Huyết áp là nguyên phát và không biết rõ nguyên nhân. Tuy không biết rõ nguyên nhân nhưng một số rủi ro có thể đưa tới cao Huyết áp thứ phát. Đó là :

a- Gia đình. Nếu trong gia đình có người bị cao huyết áp hoặc tai biến động mạch não thì ta có thể bị cao huyết áp vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

b- Giới tính. Ở tuổi trẻ và trung niên, nữ giới thường ít bị cao Huyết áp hơn nam giới. Nhưng tới tuổi ngoài 60 thì tỷ lệ ngược lại. Khi các bà uống thuốc viên ngừa thai thì nguy cơ cao Huyết áp tăng.

c- Mập phì. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho hay người mập phì thường hay bị cao Huyết áp hơn người thường và khi ta lên cân thì huyết áp cũng lên cao. Lý do là khi cơ thể mập thì tế bào cần nhiều máu để có đủ dưỡng khí và chất dinh dưỡng. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu vào động mạch, áp suất động mạch sẽ gia tăng. Ngoài ra tế bào mỡ cũng tiết ra hóa chất làm tổn thương thành động mạch và tim.

d- Muối sodium và Potassium. Ở một số người sử dụng nhiều muối Na cũng đưa tới cao Huyết áp vì muối giữ nước trong cơ thể. K giữ thăng bằng muối Na ở tế bào. Thiếu K tế bào giữ Na lại và đưa tới cao huyết áp.

e- Căng thẳng tâm thần. Nghiên cứu cho hay khi tâm thần luôn luôn căng thẳng thì cũng dễ bị cao huyết áp và bệnh tim hơn là người có tâm thân an lạc. Lý do là stress sẽ khiến nang thượng thận tiết ra nhiều adrenaline, mà hóa chất này làm mạch máu co bóp, tim đập nhanh.

g- Không vận động cơ thể. Hậu quả của không vận động là mập phì, mà mập lại tăng việc làm cho tim để đưa máu vào động mạch nuôi tế bào. Từ đó huyết áp lên cao.

h- Thuốc lá. Hóa chất của thuốc lá làm tổn thương lớp màng lót thành động mạch, chất béo bám vào đó, tăng sức cản của mạch máu và huyết áp lên cao. Lâu ngày,tình trạng này sẽ đưa tới nguy cơ cơn suy tim và tai biến động mạch não. Nicotine cũng đã được coi như là một rủi ro đưa tới huyết áp lên cao bằng cách làm động mạch co hẹp, tăng sức ép của máu và tăng nhịp tim.

i- Rượu. Chưa có bằng chứng là rượu làm tăng huyết áp, nhưng ghiền rượu kinh niên sẽ đưa tới suy tim.

4- Xin kể những dấu hiệu của Cao Huyết áp.

Đa số người cao huyết áp không có triệu chứng gì rõ rệt. Một số than phiền bị nhức đầu, chóng mặt, chẩy máu mũi. Đây có thể là dấu hiệu báo trước. Nhiều người thấy hay đổ mồ hôi, bắp thịt co rút, yếu mệt, hồi hộp với tim đập nhanh, đi tiểu nhiều.

5- Tôi được bác sĩ cho hay bị cao Huyết áp. Bây giờ tôi phải làm gì ?

Vâng, đây cũng là thắc mắc của nhiều người vì bối rối, lo sợ, không biết phải làm gì; không biết có chữa khỏi được không, đời sống mình sẽ ra sao... Có người cũng nói huyết áp tôi bảo rằng cao mà tôi đâu có thấy dấu hiệu, triệu chứng gì đâu. Vậy thì uống thuốc làm gì cho tốn tiền, mất công mà lại còn phản ứng thuốc với tác dụng phụ không muốn!.

Trước hết là khi bác sĩ nói huyết áp của tiên sinh trên 140/ 90 sau nhiều lần đo, thì tiên sinh đã bị cao huyết áp rồi đấy. Bây giờ thì ta hãy bình tĩnh nghe hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, kiêng khem ăn uống, thay đổi nếp sống. Việc điều trị thường kéo dài suốt đời, nên ta cần tích cực và hợp tác với bác sĩ và nhân viên của lang y. Cao huyết áp là bệnh có thể kiểm soát để mang áp suất về với mức bình thường.

Còn nói rằng không có triệu chứng thì uống thuốc làm gì. Xin thưa : Cao Huyết áp đã được coi như tên sát nhân thầm lặng, âm thầm hủy hoại cơ thể đấy, nhất là khi ta không uống thuốc. Bệnh nhân có thể bị tai biến mạch máu não, cơn quỵ tim, suy thận, lú lẫn, mù lòa. Đời sống của ta sẽ khó khăn, suy yếu dần và có thể sớm mệnh một.

6- Xin nói qua về cách điều trị cao huyết áp.

Sau khi khám bệnh, làm một số thử nghiệm, bác sĩ sẽ xác định ta có bị cao huyết áp hay không.

Ngoại trừ khi áp suất lên quá cao, bác sĩ sẽ theo dõi, khuyên ta thay đổi nếp sống, vận động cơ thể, ăn uống kiêng khem, giảm béo phì.. Nếu áp suất vẫn cao thì bác sĩ sẽ cho uống thuốc để hạ huyết áp. Hiện nay có nhiều dược phẩm khá công hiệu để hạ huyết áp rất mau. Nhưng vài loại thuốc cũng đắt tiền và gây ra một số tác dụng phụ không muốn. Bác sĩ sẽ giải thích cách dùng, các tác dụng không muốn. Ta cần làm theo lời thầy thuốc và báo cho thầy thuốc nếu có khó chịu cũng như hiệu quả của thuốc.

7- Tôi có phải kiêng khem ăn uống gì không ?

Có chứ.

a- Chúng ta nên giảm tiêu thụ muối vì có tới 40% dân chúng rất mẫn cảm khi ăn nhiều muối và huyết áp lên cao. Để biết mình có ở trong nhóm này hay không, ta có thể thử bằng cách bớt muối trong hai tuần lễ, coi Huyết áp có xuống không. Xin cũng lưu ý rằng thịt đóng hộp và những thực phẩm làm sẵn ăn ngay là có nhiều muối lắm đấy.

b- Giảm chất béo nhất là loại bão hòa và giảm cholesterol để tránh đóng mỡ trong lòng động mạch và tránh cơn đột quỵ tim và stroke.

c- Ăn nhiều rau và trái cây như cam, chuối, khoai tây vì có nhiều potassium lại ít cholesterol.

d- Ngưng hút thuốc lá và uống rượu vừa phải thôi, khoảng 55 cc rượu mạnh, 155 cc rượu vang, 355 c la de, hai lần mỗi ngày cho nam giới, một lần cho nữ giới..

e- Tránh mập phì. Huyết áp thường tăng khi cơ thể mập. Người mập mà huyết áp cao thì có thể hạ một đơn vị huyết áp khi giảm hai pounds.

8- Tôi nghe nói vận động cơ thể cũng giúp giảm cao huyết áp, có đúng không?

Đúng vậy : vận động cơ thể đều dặn và vừa với sức mình rất tốt giảm huyết áp tới vài điểm.

9- Xin chỉ cách đo huyết áp tại nhà.

Việc tự đo huyết áp là việc đáng khuyến khích để ghi sự thay đổi áp suất trong ngày, giúp lang y dễ bề điều chỉnh thuốc cho có hiệu quả. Ta có thể đo hai lần một ngày trong hai tuần rồi một lần mỗi ngày trước khi uống thuốc. Khi máu đã tương đối bình thường thì chỉ cần đo vài lần trong tuần.

Về máy đo thì có hai loại :

Loại máy bơm bằng tay, có kim đồng hồ chỉ số huyết áp trong khi ta nghe nhịp tim bằng ống nghe, và loại máy mà số huyết áp hiện trên màn ảnh nhỏ.

Loại trên dễ mang khi di chuyển, có ống nghe nhịp tim sẵn, giá tiền vừa phải từ 20-30 mỹ kim. Nhưng máy có vài điểm bất tiện là dễ hư hao, không chính xác, không thuận tiện cho người lãng tai vì phải nghe nhịp tim bằng ống nghe. Mà lão niên thì cũng hay nghễnh ngãng.

Máy digital hiện nay phổ thông hơn, dễ đọc vì con số hiện trên màn ảnh, đôi khi lại in kết quả luôn, dễ sử dụng, tiện lợi cho người bị kém thính giác vì không phải nghe nhịp tim. Máy có thể bơm căng bằng tay hay tự động, xả hơi thì tự động. Bất tiện của máy trước hết là đắt tiền hơn, từ 40 tới 100 mỹ kim, độ chính xác của máy thay đổi khi cơ thể cử động hay khi nhịp tim không đều, máy cũng cần cục pin để điều hành.

Xin kính chúc Cụ Thưởng và quý thân hữu mọi sự bình an, huyết áp tốt.

Nhịp tim

Tim co bóp do một nhóm tế bào đặc biệt nằm ở vách sau của tâm nhĩ phải khởi xướng và quyết định số nhịp đập của tim. Ðó là nút- xoang- nhĩ (sino-atrial node), một máy điều hòa nhịp tim (pacemaker) tự nhiên.

Nút phát ra những xung lực điện, được những sợi cơ tim đặc biệt dẫn truyền tới kích thích các ngăn của tim co bóp. Âm thanh co bóp được diễn tả bằng hai âm tiết “lubb” và “dupp” , nghe được khi ta đặt tai vào ngực để nghe. Âm “lubb” trầm, dài hơn, khi tâm thất bắt đầu bóp và các van nhĩ thất khép lại. Âm “dupp” thanh nhưng ngắn hơn khi tâm thất bắt đầu thư giãn và các van bán nguyệt khép lại. .

Mạch (pulse) là do sóng áp suất chuyển tới động mạch mỗi khi trái tim co bóp, đẩy máu ra ngoài. Mạch được nhận ra dễ dàng trên các động mạch nổi gần mặt da như động mạch quay (radial artery) ở cổ tay động mạch cảnh (carotid artery) ở cổ, động mạch ở cổ chân, ở bẹn, ở thái dương....

Mạch được tính theo số lần tim đập trong một phút và có thể đếm dễ dàng bằng cách đặt đầu ngón tay giữa và chỏ lên một động mạch nổi trên da. Ngón tay sẽ cảm thấy tiếng chuyển động nhè nhẹ của sóng áp lực trên mạch máu đó. Mỗi sóng tương ứng với một lần tim bóp.

Khi bắt mạch, nên thoải mái, thư giãn, vì nếu hồi hộp, lo lắng, nhịp tim thường nhanh hơn một chút. Ðếm mạch trong 1 phút hoặc trong 30 giây rồi nhân đôi để có số nhịp tim.

Nhịp tim bình thường tùy thuộc tuổi tác, tình trạng sức khỏe, thời gian trong ngày...Buổi sáng trước khi thức giấc, nhịp thấp nhất. Khi hít thở vào, nhịp hơi nhanh hơn và khi thở ra, nhịp hơi chậm. Nhịp phải đều đặn, có nghĩa là thời gian giữa hai nhịp phải bằng nhau.

Sau đây là số nhịp trung bình trong 1 phút :

- Trẻ em dưới 1 tuổi: 100 tới 160 nhịp/ 1phút.

- Trẻ từ 1 tới 10 tuổi: 70 tới 120 nhịp/1phút.

- Người từ 10 trở lên: 60 tới 120 nhịp/ 1phút

- Vận động viên thể thao: 40 tới 60 nhịp/1 phút.

Phụ nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới khoảng 5 lần tim đập và được giải thích là tim quý bà hơi nhẹ hơn tim quý ông, mà nhẹ thì co bóp hơi nhanh hơn, nhiều hơn.

Mặc dù tim đập là do chính trái tim điều khiển, nhưng nhịp tim có thể bị chi phối bởi hệ thần kinh và nhiều yếu tố khác. Ðó là:

a- Hệ thần kinh tự chủ có thể thay đổi nhịp tim tùy theo nhu cầu tuần hoàn của cơ thể. Các kích thích từ hệ thần kinh này làm nhịp tim nhanh hơn và tăng lượng máu do tim đẩy ra ngoài.

b- Kích thích từ hệ thần kinh phó giao cảm làm chậm nhịp tim.

c- Các hóa chất lưu hành trong máu như hormon, sắt, dược phẩm... cũng có thể thay đổi nhịp tim.

d- Tập luyên cơ thể đều đặn làm cơ tim mạnh hơn và tăng lượng máu đẩy ra mỗi lần tim đâp. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu máu được thỏa mãn với nhịp tim chậm. Do đó nhịp tim ở các vận động viên thể dục, thể thao đều chậm.

Nhịp tim có thể cho biết nhiều chi tiết về tình trạng khỏe mạnh hoặc đau yếu của cơ thể. Các vị thầy thuốc y học cổ truyền chỉ cần bắt mạch mà chẩn đoán được nhiều bệnh của lục phủ ngữ tạng.

Trong y khoa hiện đại, mạch là một trong bồn dấu hiệu chính cần được kiểm soát mỗi khi đi khám bác sĩ. Ðó là Mạch, Nhịp Thở, Thân Nhiệt và Huyết áp.

Ngoài ra, sinh hoạt điện của tim có thể được ghi bằng tâm-điện-đồ (EKG).