NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Để người Việt dùng thuốc nội : năm 2009 cả nước sử dụng khoảng 1,75 tỉ USD tiền thuốc tây

Theo cục Quản lý dược (bộ Y tế), năm 2009 cả nước sử dụng khoảng 1,75 tỉ USD tiền thuốc, bình quân hơn 20 USD/đầu người. Ngành dược cũng vui mừng thông báo đã tự sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc. Thế nhưng, 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu.

Bà Phạm Thị Việt Nga, giám đốc dược Hậu Giang cho rằng: “Thuốc nội bây giờ cũng nhiều loại tốt và được người bệnh tin tưởng. Một số sản phẩm dược Hậu Giang dùng nguyên liệu trong nước được người bệnh ưa dùng là thuốc Choliver (hỗ trợ điều trị gan mật) làm từ atisô đã xuất sang Đông Âu (Romania, Nga, Ukraine...), sản phẩm Naturen để giải độc cho nạn nhân chất độc da cam làm từ cải trắng, lêkima, gấc, nhộng tằm cũng được nước ngoài ưa chuộng”.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận rằng, nguyên liệu chủ yếu vẫn phải nhập. Ở dược Hậu Giang hiện nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được 5% nhu cầu.

Thuốc nội phụ thuộc nguyên liệu ngoại

Theo cục Quản lý dược, mặc dù ngành dược của nước ta đáp ứng được gần 50% thuốc cho thị trường, song phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu. Nguồn dược liệu trong nước khá phong phú nhưng chưa được phát triển. Nguồn nhân lực ngành dược cũng dồi dào, có trình độ nhưng máy móc, phòng thí nghiệm, còn hạn chế… Do đó, ngành dược mới chỉ dừng lại ở khâu gia công.

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, TS Trương Quốc Cường, cục trưởng cục Quản lý dược (bộ Y tế) thừa nhận: “Do ngành dược Việt Nam chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc hết hạn bản quyền) nên vẫn còn nhiều loại thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới vẫn phải nhập khẩu, đặc biệt là thuốc hiếm nhập khẩu cho nhu cầu điều trị tại bệnh viện”.

Việc phụ thuộc vào nguyên liệu và cả thành phẩm thuốc nhập khẩu dẫn đến việc tăng giá thuốc là khó tránh khi giá thế giới tăng, tỷ giá tăng. Cục Quản lý dược cho rằng, giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu, sản xuất trong nước từ tháng 3.2010 sẽ có điều chỉnh nhẹ do ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá, và tác động từ việc tăng giá xăng, điện, nước…

Không thể chỉ hô hào

Chủ trương dùng thuốc nội đã được triển khai nhiều năm nay. Nhưng cần có thêm nhiều biện pháp mạnh, cụ thể hơn nữa chứ không phải chỉ hô hào.

Các quốc gia có thế mạnh về dược đang vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường dược bằng nhiều cách lập văn phòng đại diện, nhập khẩu thuốc vào Việt Nam và có nhiều cách tiếp thị mạnh tay. Chuyện một đơn thuốc có tới quá nửa là thuốc của ngoại mà chủ yếu là thuốc ngoại do doanh nghiệp trong nước nhập khẩu đang là chuyện quá bình thường.

Để người bệnh “mặn mà” hơn với thuốc nội cần phải có một chính sách từ các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc.

Thời gian qua, bộ Y tế đã đưa ra đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật (gồm có GMP, GLP, GSP, GDP, GPP) để quản lý toàn diện chất lượng thuốc, kể từ nguyên liệu đầu vào cho tới khi thuốc tới tay người bệnh. Đơn cử để nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước, bộ Y tế đã đưa ra lộ trình thực hiện tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP). Đến nay, cả nước đã có gần 100 nhà máy đạt GMP. Hiện bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện “Thực hành nhà thuốc tốt” (GPP).

Theo các chuyên gia trong ngành, để không phải phụ thuộc vào nguyên liệu cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao. Phía nhà sản xuất, ngoài những tiêu chí kỹ thuật cần hoàn thiện thì doanh nghiệp dược trong nước cần phải có kế hoạch liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Một doanh nghiệp khó có thể làm tốt được tất cả các công đoạn mà cần có sự liên kết. Những mặt hàng trong nước có thể sản xuất không nên nhập khẩu nữa. Chính sách tiếp thị cũng cần quan tâm hơn vì hiện nay khâu này của thuốc nội đang còn yếu.

Đơn cử để chiếm được lòng người bệnh, tại dược Hậu Giang, theo bà Nga, đang từng bước hoàn thiện mình. Đơn vị này đã thực hiện thu mua nguyên liệu dược trong nước, có vùng trồng nguyên liệu thuốc ở Tây Ninh và Đà Lạt và sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, liên kết với các đơn vị trong ngành để cho ra đời những sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Đứng về phía nhà quản lý, TS Cường cho biết, hiện Việt Nam đứng ở nhóm giữa trong những nước sản xuất thuốc. Nghĩa là ở giai đoạn nhập khẩu nguyên liệu và gia công thành sản phẩm. Hiện tại, với trên 300 đơn vị tham gia sản xuất thuốc trong nước, là một lực lượng đủ lớn để góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp dược Việt Nam. Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa các doanh nghiệp; mức đầu tư còn thấp; mặt bằng về khoa học – phát triển – nghiên cứu còn thấp hơn so với các nhà sản xuất dược phẩm nước ngoài. Việc nghiên cứu và phát triển các nhóm thuốc đáp ứng mô hình bệnh tật ở Việt Nam trong những năm tới đây cần được các nhà sản xuất tập trung đầu tư nhiều hơn nữa.

Lệ Hà