NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Giáo Dục Hàn Quốc : Không thể đứng im khi nước khác đang chạy

Yêu cầu sinh viên cũng như giáo sư, muốn vào trường đều phải qua sát hạch; tất cả đều dạy và học bằng tiếng Anh và liên tục cải tổ, đó là quyết tâm của chủ tịch Nam Pyo Suh biến Viện Khoa học Công nghệ Cao cấp Hàn Quốc trở thành Viện Massachusetts (MIT) của Châu Á.

Ở vào độ tuổi mà nhiều người cho rằng tốt hơn là lên kế hoạch cho cuộc sống hưu trí thay bằng lao đầu vào làm việc thì vị Chủ tịch Nam Pyo Suh đã nhận một trong những công việc đầy tham vọng trong trường đại học: đó là biến Viện Khoa học & Công nghệ Cao cấp Hàn Quốc trở thành Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Châu Á.

Có rất ít người đặt cược là ông sẽ thành công. Chỉ 19 tháng sau khi đảm nhận cương vị tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc từ người tiền nhiệm có nhiều điều tiếng là Robert B. Laughlin, Ông Nam Pyo Suh, một cựu giáo sư chuyên ngành kỹ sư-cơ khí từng tu nghiệp tại Viện Công nghệ Massachusetts, 72 tuổi, đã tiến hành một cuộc cải cách mạnh mẽ tạo ra một làn sóng trên khắp các trường đại học vốn bị trói buộc bởi truyền thống hướng nội này.

Các cải cách của ông bao gồm thay đổi mạnh mẽ quy trình tuyển chọn sinh viên, một bước chuyển nhiều khả năng tạo ra một cuộc cách mạng hướng tới việc học sinh phải tự chủ về tài chính và đặt ra yêu cầu là tất cả sinh viên kể từ năm đầu tiên phải được dạy bằng tiếng Anh.

Năm ngoái, ông bác đơn của 1/3 giáo sư, một bước đi được xem là bất bình thường ở một đất nước mà giáo sư được xem như là nghề nghiệp suốt đời và sự việc này đã khiến hầu hết các tờ báo ở Hàn Quốc đưa lên trang nhất.

Lẽ tự nhiên thì những cải cách kiểu như vậy sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

“Tôi chỉ có 2 năm rưỡi để làm việc này và một số người đang đếm ngược từng phút”, ông Suh bộc bạch “Nhưng nếu bạn muốn đứng đầu thì đó là việc bắt buộc phải làm” .

Ông có niềm tin rằng Trường Đại học có truyền thống 37 năm này có thể trở thành một trong 10 trường đại học khoa học tốt nhất thế giới. Kaist, tên viết tắt của Trường chỉ đứng thứ 132 trong danh sách các trường Đại học theo đánh giá của báo Times, một bước tiến vượt bậc so với hạng 198 năm 2006.

Trường đại học này từ lâu đã là niềm mơ ước được ưu tiên hàng đầu của tất cả các sinh viên yêu khoa học xuất sắc nhất của Hàn Quốc và ¼ số sinh viên tốt nghiệp trường này tiếp tục làm việc ở tập đoàn công nghệ khổng lồ Samsung Electronics.

Giáo sư muốn dạy cũng phải qua sát hạch

Thế nhưng Ông Suh, sinh ra ở Hàn Quốc và sang Mỹ năm 18 tuổi, cảnh báo rằng Kaist không nên ngủ quên trên những lời khen ngợi là trường đại học hàng đầu quốc gia cung cấp các nhà khoa học tài năng cho đất nước.

“Chúng tôi phải giúp tạo ra một cơ sở công nghiệp mới”, ông nói, “Hàn Quốc không thể cứ nâng gấp đôi GDP với những thứ chúng tôi hiện đang làm, và không thể đứng yên khi mà Trung Quốc và các nước khác đang chạy. Thế nên Kaist cũng phải thay đổi”.

Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi phải nuôi dưỡng những tài năng, ông giải thích, nhưng điều đó thật chẳng dễ dàng gì đối với một hệ thống giáo dục cứng nhắc nơi mà thành công được định danh chủ yếu là khả năng vượt qua các kỳ thi. Dưới thời của Ông Suh, Kaist không còn chấp nhận những kết quả thi cử như là tiêu chuẩn đầu vào, do đó các sinh viên phải làm các bài luận và phải trải qua 1 ngày phỏng vấn.

Vị chủ tịch cũng bắt buộc các giáo sư muốn dạy ở trường cũng phải trải qua những kỳ sát hạch tương tự như thế.

“Chúng tôi đã loại cả các ứng viên là giáo sư được coi là tốt nhất đối với các trường trên thế giới”, ông nói “Nếu họ không có tính sáng tạo và không có khả năng thách thức sinh viên, họ không phải là thứ chúng tôi cần”.

Dường như ông Suh giành được sự ủng hộ đông đảo của trường. Cho dù có những xì xào về tốc độ cải cách nhưng rất nhiều giáo sư và nhà quản lý phát biểu rất tích cực về những ý tưởng và kỹ năng quản lý của ông.

“Chủ tịch Suh là người có viễn kiến và rất mạnh dạn. Ông làm việc hiệu quả hơn nhiều so với người tiền nhiệm,” Chin Wan Chung, giáo sư khoa máy tính đã nói như vậy. Ông Suh nhận chức chủ tịch khi đã có quá nhiều bất bình đối với năng lực của Ông Laughlin. Ông này là người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo một trường đại học của Hàn Quốc và chỉ trụ được trong hai năm.

Khi trao đổi riêng, các nhân viên và sinh viên của trường cho rằng Ông Suh, đã từng nhận giải thưởng Nobel, cố gắng đẩy Kaist đi quá xa so với thế mạnh nội tại của nó trong ngành khoa học và kỹ sư công nghệ bằng việc đưa ra nhiều kế hoạch đầy tham vọng lập ra các trường luật và y tế mới và tăng gấp ba lần số sinh viên học ở đây.

Ông Suh rất tế nhị khi nói về sự khác biệt giữa ông và người tiền nhiệm.

“Đúng là tiếng Hàn của tôi giỏi hơn ông ta 10.000 lần”, ông đùa. “Nhưng ông ấy không chịu thua. Ông ấy ra đi chỉ vì tần số suy nghĩ của ông ấy không giống với với đa số các khoa ở đây thôi, mặc dù là ông đã thành công khi thức tỉnh các khoa rằng cần phải có sự thay đổi”.

"Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ trở thành một trong những trường ĐH tốt nhất thế giới"

Ông Suh cho rằng ông có những bằng chứng rõ ràng cho thấy liều thuốc đắng của ông đang có tác dụng. Theo thống kê của trường thì tỷ lệ nộp đơn vào trường tăng 50% kể từ khi ông nhậm chức.

Thế nhưng sinh viên của Kaist chẳng bao lâu nữa sẽ phải nuốt liều thuốc đắng chính họ tự chọn. Bắt đầu từ tháng này, hoặc là ít nhất họ phải đạt điểm trung bình mức B hoặc phải trả hàng ngàn đô-la tiền học phí, đây là một chương trình được thiết kế để kích thích thành tích học tập và tăng sự cạnh tranh.

Không cần phải nói gì, một số sinh viên không có hứng thú với kế hoạch này.

“Trường đại học này đã nhận đủ tiền từ chính phủ. Tôi không hiểu tại sao họ lại bắt chúng tôi trả học phí”, Jungmin Lee, sinh viên năm thứ 3 khoa kỹ sư cơ khí, nói.

Một số sinh viên khác cũng phàn nàn rằng chính sự vội vã áp dụng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở toàn trường đã khiến một số giáo sư không bắt kịp.

“Đôi khi giáo sư không thể tìm ra từ tiếng Anh và bắt đầu nói tiếng Hàn”, một sinh viên nói.

Còn trường thì cho rằng những ý kiến này là thiểu số.

“Một số giáo sự có đặt câu hỏi là tại sao chúng ta phải dạy cho sinh viên Hàn Quốc bằng tiếng Anh, nhưng số này không nhiều”, Yong-Taek Im, một giáo sư chuyên ngành kỹ sư cơ khí, hiệu trưởng ngành quan hệ quốc tế nói.

“Chúng ta đang dạy về khoa học và công nghệ, do vậy hầu hết các tài liệu đã có bằng tiếng Anh rồi” .

Ông Suh nói rằng ông sẽ tiếp tục cải cách. Ông đã có những bước tiến quan trọng, gây quỹ được 13 triệu đô-la từ các nhà tài trợ tư nhân và một phần trong tiến trình cải cách của ông là đưa vào áp dụng chính sách cấp vốn cho sinh viên theo kiểu của Mỹ.

Ông làm tất cả những việc này trong khi vẫn phải phân chia thời gian của mình giữa công việc của trường và gia đình của ông ở Boston, nơi bốn người con của ông đang sinh sống.

“Cuộc sống có thể rất khó khăn nhưng tôi chọn nó bởi tôi có niềm tin rằng chúng tôi có thể trở thành một trong những trường đại học tốt nhất thế giới,” ông nói “Tôi phải làm được nếu không tôi đã không nhận việc này”.

Hàn Quốc : Viễn cảnh trở thành trung tâm Giáo Dục Đại học Đông Á

Việc có quá nhiều Sinh Viên Hàn Quốc từ bỏ hệ thống Giáo Dục của nước mình để đi du học ở nước ngoài kéo dài từ năm này qua năm khác đã trở thành một phần động lực khiến các nhà lãnh đạo giáo dục muốn biến Hàn Quốc trở thành trung tâm giáo dục đại học của toàn Đông Á.

Những người mới tới Hàn Quốc lần đầu bao giờ cũng choáng ngợp trước sức chuyển đổi đáng kinh ngạc của đất nước này khi tới sân bay quốc tế Incheon. Khánh thành vào năm 2001, sân bay sáng bóng này nằm giữa khoảnh đất ngút tầm mắt trước đây vốn là những cánh đồng lúa và những cánh rừng gỗ tạp, nằm về phía tây và cách thủ đô Seoul khoảng một giờ xe chạy.

Cách đây hai thế hệ, gần như nửa vùng phía nam của bán đảo này nom tựa như nhau cho tới khi những nhà lãnh đạo kỹ trị có hoài bão lớn lao đã biến một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Giờ thì những nhà lãnh đạo này muốn biến Hàn Quốc trở thành trung tâm giáo dục đại học của toàn Đông Á. Đã có một số trường đại học ở Mỹ đang thảo luận việc xây dựng các dự án nghiên cứu và đào tạo ở đây, và song song với quá trình này các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc đang cải tổ mạnh mẽ để trở nên cạnh tranh hơn với các cơ sở giáo dục hàng đầu ở Singapore, Nhật và Trung Quốc, kể cả ở Hoa Kỳ.

Động lực cho những thay đổi này một phần là bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra từ năm này sang năm khác ở Hàn Quốc: đó là ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn từ bỏ hệ thống giáo dục của Hàn Quốc để đi du học ở nước ngoài.

Nếu những hoài bão này được xem là viển vông thì bạn hãy nhìn vào các kế hoạch của chính phủ xây dựng Khu Kinh tế tự chủ Incheon, một trung tâm kinh tế rộng 52.000 mẫu Anh (1 acre = 0.4ha), theo như kế hoạch năm 2007, sẽ được neo giữ bởi hàng loạt các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Nhiều năm qua, Incheon lặng lẽ thu hút các nhà đầu tư bằng chính sách ưu đãi miễn phí cơ sở hạ tầng và khoản tiền đầu tư ban đầu.

Công việc này dường như mang lại kết quả rất khả quan. Đại học New York và North Carolina đã ký các thỏa thuận mở các dự án nghiên cứu và các chương trình đào tạo cấp bằng ở đây. Một vài cơ sở giáo dục khác của Mỹ như Đại học Southern California, Đại học George Maso và Đại học George Washington, theo như tin tức đã đưa, đang trong quá trình thảo luận ký kết các thỏa thuận tương tự.

Ông Hee Yhon Song nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một trung tâm toàn cầu trao đổi văn hóa và tri thức”. Ông là thành viên sáng lập, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc thành phố Incheon và là người thương thảo chính các thỏa thuận này.

Ông Song dự đoán rằng Incheon sẽ thu hút được hơn 40 cơ sở nghiên cứu và ít nhất là 7 đại học từ bên ngoài với mục tiêu là thu hút sinh viên đến từ khắp nơi trong khu vực. Rốt cuộc thì ông và những người khác tin rằng Hàn Quốc có thể trở thành trung tâm của khu vực giống như Thủ đô Brussel của Bỉ là trái tim của Châu Âu. Ông nói, “Khu vực này sẽ tạo ra 1/3 GDP của toàn thế giới nhưng chúng tôi lại không hợp tác với nhau. Chúng tôi đang xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Á và chính vì thế chúng ta sẽ cần các trường đại học nơi mọi người có thể giao tiếp với nhau.”

Hướng ra bên ngoài

Incheon là dấu hiệu nổi bật nhất cho lĩnh vực giáo dục đại học vốn có truyền thống hướng nội của Hàn Quốc đang tiến hành cải cách mạnh mẽ để đón đầu cái mà Ông Song gọi là thế giới toàn cầu hóa giao tiếp bằng tiếng Anh.

Chính quyền ở các Đặc Khu kinh tế khác như thành phố cảng Pyeongtaek đang phát triển rất nhanh, nằm ở phía tây nam cách Seoul 90 phút đi xe cũng đã đầu tư nhiều triệu đô-la cho các dự án liên doanh về giáo dục.

Pyeongtaek năm ngoái đã ký một thỏa thuận với Viện công nghệ Stevens thành lập trường đại học trong khu Thành phố Đại học Pyeongtaek và đang thảo luận với một vài trường đại học ở Mỹ và Châu Âu.

Đảo Jeju, nằm ở duyên hải phía Nam của bán đảo, đã rất nỗ lực nhưng cuối cùng không thuyết phục được Đại học George Washington.

Đại học quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc, Đại học giao thông và Hàng hải Hà Lan, đã đi vào hoạt động vào tháng 9 vừa qua tại Gwangyang, một thành phố cảng khác nằm ở miền nam vùng duyên hải.

Trong khi đó, các trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc đã tiếp thu các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ mới đầy tham vọng. Đại học nghiên cứu hàng đầu của nước này, Đại học Khoa học Công nghệ Hàn Quốc, đang trong quá trình cải tổ sâu rộng nhất trong vòng 37 năm trở lại đây, đang được điều hành bởi chủ tịch Nam Pyo Suh. Ông Suh nói rằng ông quyết tâm biến Kaist, tên viết tắt của trường này, trở thành một trường Đại học “thực sự mang đẳng cấp toàn cầu”. Kaist cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học tại Incheon.

Trường Đại học tư hàng đầu của Hàn Quốc, Yonsei, đã thành lập trường Đại học đầu tiên đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh chuyên ngành nghệ thuật có tên là Underwood International College. Trường ĐH quốc tế này dự định sẽ thu hút cả sinh viên Hàn Quốc và sinh viên quốc tế. Phó Hiệu trưởng trường Underwood, John M. Frankl, nói rằng những thay đổi này đã được chờ đợi từ lâu. “Không có toàn cầu hóa ở đây thì các sinh viên Hàn Quốc chỉ còn nước đi du học” .

“Chúng tôi thực sự lo lắng”

Các con số thống kê cho thấy thực trạng đau buồn. Mặc dù đã chi 2.6% GDP cho giáo dục đại học, chỉ kém Hoa Kỳ và nhiều hơn gấp 2 lần mức trung bình của hầu hết các nước Châu Âu, nhưng Hàn Quốc hàng năm mất 218.000 sinh viên du học vào năm ngoái, và gần gấp đôi con số đó vào giữa những năm 1990. Khoảng 30% số đó đi Mỹ khiến cho số học sinh du học của Hàn Quốc ở Mỹ trở thành nhóm sinh viên lớn thứ ba trong số sinh viên quốc tế đang du học ở Hoa Kỳ.

Ông Pilnam Yi, thuộc Vụ chính sách đại học thuộc bộ Giáo dục Hàn quốc, thừa nhận rằng “Chúng tôi thực sự lo lắng về tình trạng này”. Hàn Quốc ước tính hàng năm thất thoát khoản chi phí giáo dục dành cho du học này khoảng 3-4 tỷ đô-la nhưng Ông Yi tin rằng con số đó phải xấp xỉ 10 tỷ đô-la.

Bộ giáo dục công khai thừa nhận rằng chảy máu chất xám sinh viên đã trở thành một cuộc khủng hoảng và việc thuyết phục sinh viên học tập ở trong nước là một ưu tiên cao hiện nay.

Chính phủ đang trợ cấp cho các trường đại học dạy bằng tiếng Anh và hỗ trợ các nỗ lực thu hút nhiều hơn các giáo sư nước ngoài. Thành tích thu hút giáo sư tài năng từ nước ngoài của Hàn Quốc thật tệ. Năm 2007, báo cáo của Bộ giáo dục cho thấy 23 trường Đại học trên cả nước chỉ thu hút được 22 giáo sư nước ngoài về giảng dạy.

Thế nhưng chất lượng của các trường Đại học của Hàn Quốc cần phải cải tiến rất nhiều trước khi các giáo sư ở nước ngoài hay có nhiều hơn các sinh viên lựa chọn việc học tập trong nước, Chủ tịch Suh của trường Kaist tin như vậy. Ông nói “vấn đề là không có các cơ sở nghiên cứu thực sự có chất lượng cao. Tương tự như Nhật bản chúng tôi thực sự không tạo ra được bước đột phá để đạt tới mức độ công nghệ và nghiên cứu cao hơn.”

Trường Kaist đang ở mức độ rất cao mà các nhà cải cách tin rằng Hàn Quốc phải đạt đến để làm lĩnh vực đại học của nước này lột xác. Chủ tịch của Trường đặt ra yêu cầu là bắt đầu từ năm nay, tất cả các lớp sẽ học bằng tiếng Anh và các giáo sư và sinh viên giờ đây phải cạnh tranh để giữ được học bổng và vị trí của mình.

Trường Đại học này cũng mở ra cho các đối tượng không phải là người Hàn Quốc.

“Mục tiêu là tạo ra một một trường thực sự mang tính toàn cầu trong đó các giáo sư sẽ cảm thấy thoải mái khi giảng dạy ở đây,” Ông Taesik Lee, một Phó giáo sư thuộc khoa kỹ sư công nghiệp của trường giải thích.

Ông Yong-Taek Im, một giáo sư chuyên ngành kỹ sư cơ khí cho biết thêm. Kaist có kế hoạch tuyển thêm vài trăm sinh viên và giáo sư trong vài năm tới. Vừa qua Trường đã nhận Mary Kathryn Thompson, một giáo sư chuyên ngành kỹ sư cơ khí của trường Đại học Công nghệ Massachusetts.

“Hàn Quốc thay đổi nhanh hơn bất cứ nơi nào tôi từng biết và đó là thế mạnh của họ,” Bà Mary nói.

Chú trọng tới cạnh tranh

Thế nhưng liệu Hàn Quốc có đủ nhanh để vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong khu vực để trở thành trung tâm giáo dục đẳng cấp quốc tế không ? Điều này tùy vào người mà bạn hỏi.

Ông Song cho rằng Hàn Quốc có lợi thế địa chính trị nằm ở trung tâm – Seoul chỉ mất hai giờ bay từ Bắc Kinh và Tokyo – cộng với quy mô và mức độ phát triển cao của nền kinh tế, có tầng lớp ưu tú được đào tạo ở Phương Tây, và điều này tạo ra những lợi thế mà ít nước nào trong khu vực sánh được. “Tôi tin rằng chúng tôi là độc nhất vô nhị”, ông nói.

Thế nhưng theo thống kê của Bộ giáo dục thì chỉ có 22.600 sinh viên nước ngoài học tại Hàn Quốc năm 2006, so với hơn 100.000 sinh viên học ở Nhật Bản.

Và sự thực là rất nhiều trường đại học nước ngoài đã gặp rất nhiều khó khăn để xác lập chỗ đứng ở các nước gần Hàn Quốc. Trường Đại học New South Wales của Úc gần đây đã phải rút ra khỏi Singapore chưa đầy một năm sau khi mở cửa, do có quá ít sinh viên đăng ký.

Nhật cố gắng quốc tế hóa vào những năm 1980 và 1990 bằng việc thu hút được vài chục trường đại học Mỹ mở chi nhánh đào tạo ở đây. Nỗ lực này đã thất bại bởi sinh viên Nhật chẳng thấy hứng thú học ở các trường mà rất nhiều người cho rằng chỉ là chi nhánh phụ của các trường này. Các sinh viên có cùng suy nghĩ rằng: hoặc là Mỹ xịn hoặc là không. Đến nay chỉ còn duy nhất trường đại học Temple là còn đứng chân được ở đây.

Thậm chí những người hoài nghi về xu thế quốc tế hóa giáo dục ở Nhật cũng thừa nhận rằng văn hóa doanh nghiệp "hướng ra bên ngoài" của Hàn Quốc khiến cho nước này có cơ hội tốt hơn Nhật trong việc giành được phần lớn hơn trong chiếc bánh giáo dục toàn cầu. Thế nhưng những người này cũng cho rằng những người chủ trương quốc tế hóa giáo dục ở Hàn Quốc đã không thấy rõ các khó khăn sẽ gặp phải.

“Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn để tuyển được các sinh viên quốc tế. Không hiểu các trường mới ở đây sẽ làm thế nào?, ông Jongryn Mo, hiệu trưởng Trường Quốc tế Underwood, nói. Ông này tin rằng chương trình thử nghiệm của trường Incheon cuối cùng cũng sẽ thất bại. “Thậm chí ngay cả khi Harvard tới Hàn Quốc, họ cũng không phát huy tác dụng bởi họ sẽ chẳng bao giờ tìm đủ đội ngũ nhân viên đủ tiêu chuẩn ở đây.”

Hiệu trưởng Mô cũng tin rằng nếu có hy vọng để trở thành trung tâm giáo dục đại học của khu vực thì hy vọng đó sẽ nằm ở các trường đại học đã có uy tín của Hàn Quốc là Kaist, Đại học quốc gia Seoul và Đại học Yonsei.

Các chuyên gia nghiên cứu về các trung tâm giáo dục mới này nói rằng Hàn Quốc phải giải quyết được một số thách thức khi tiến tới quốc tế hóa giáo dục đại học của mình.

Việc đầu tiên là Hàn Quốc phải cạnh tranh với các nước cũng đang phát triển rất nhanh là Trung Quốc, Malaysia và thậm chí cả Thái Lan. Ông Don Olcott, người phụ trách Viện giáo dục đại học không biên giới ở Luân Đôn, nói: “Tất cả các quốc gia này đều muốn có một hệ thống giáo dục bền vững”.

Sinh viên sẽ chỉ chọn học ở nơi nào sau khi tính đến chi phí và tiềm năng xin việc sau khi tốt nghiệp.

Ông Christopher Ziguras, Phó giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne của Úc, cho rằng “sinh viên quốc tế thường mong muốn ở lại và làm việc ở nước mà họ học tập trước khi hồi hương”.

Những kỳ tích về công nghiệp của Hàn Quốc như xe ô-tô, điện tử và công nghiệp trò chơi có thể là lợi thế bù cho tiếng tăm về giáo dục và có thể giúp thu hút các sinh viên nước ngoài.

“Tôi cho rằng các trường đại học sẽ rất thành công trong việc thu hút các sinh viên ở các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh,” ông Ziguras nói, dẫn chứng Singapore, nổi tiếng với ngành công nghiệp hóa chất và điện tử, như một mô hình rất thành công với cách tiếp cận này.

Cho dù câu trả lời cho các vấn đề của Hàn Quốc nằm ở việc xây dựng các trường đại học của mình hay xây dựng các khuôn viên cho các trường đại học nước ngoài thì rõ ràng là mức độ cạnh tranh thu hút sinh viên và giáo viên cho các khoa vẫn rất lớn.

“Chúng tôi đã chuẩn bị cho sự thay đổi lớn lao này trong vòng mười năm,” Ông Im, một giáo sư của Trường Kaist nói. “Chỉ có thời gian mới cho chúng ta thấy kết quả cụ thể”

Nguyễn Thành Huy

( theo The Chronicle of Higher Education )

Suh Nam Pyo nhà cải cách Đại học Hàn Quốc

Một trong những nhân tố đưa Hàn Quốc lên thứ 10 toàn cầu về chỉ số cạnh tranh công nghệ là nguồn nhân lực. Seoul đã biết biến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 thành cơ hội tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục trung học và đại học.

Truyền hình KBS World (Hàn Quốc) tuần qua vừa phát thiên phóng sự về giáo sư - tiến sĩ Suh Nam Pyo, người đặt mục tiêu nâng Trường đại học Khoa học và công nghệ nâng cao Hàn Quốc (KAIST) lên ngang hàng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ. Theo Hội đồng thẩm định công nghệ và kỹ thuật Hàn Quốc, KAIST là đại học tốt nhất Hàn Quốc, được sánh với top 10% các đại học hàng đầu nước Mỹ. Năm 2002, Asiaweek đã xếp KAIST là một trong các đại học tốt nhất về kỹ thuật và công nghệ ở châu Á.

Người khai sáng

Giáo sư Suh Nam Pyo chào đời ở Hàn Quốc năm 1936. Ông theo gia đình sang Mỹ từ nhỏ và lấy bằng tiến sĩ cơ khí ở Đại học Carnegie Mellon Pittsburgh (Pennsylvania), sau về giảng dạy tại MIT. Tại MIT, ông đã giành được hơn 50 bằng sáng chế liên quan đến thiết kế cơ khí, giúp nhiều công ty Mỹ khởi nghiệp. Đầu thập niên 1980, ông là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật tại Quỹ khoa học quốc gia Mỹ, sau đó là chủ nhiệm khoa kỹ thuật cơ khí của MIT từ 1991-2001.

Năm 2006, khi KAIST tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới để đưa đại học này vươn ra thế giới, giáo sư Suh đã được chọn lựa. Cần phải nói là trước ông, KAIST đã tìm đến một chuyên gia nước ngoài nhưng không thành công. Đó là năm 2004, khi đại học này thuê nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý Robert Laughin (từ Đại học Stanford, California, Mỹ) làm người nước ngoài đầu tiên giữ chức chủ tịch một đại học Hàn Quốc. Laughin đã đưa ra kế hoạch thương mại hóa KAIST, thu tiền học, đồng thời tăng gấp ba số sinh viên nhập học. Nhưng kế hoạch Laughin thất bại.

Đi tìm Einstein và Bill Gates

Được mời về làm chủ tịch KAIST năm 2006, giáo sư Suh đã đưa ra kế hoạch cải tổ KAIST triệt để. Trước nhất, ông đã mở cửa KAIST cho sinh viên nước ngoài, đồng thời yêu cầu việc dạy và học tại trường phải được thực hiện bằng tiếng Anh. Để động viên sinh viên, Suh quyết định những sinh viên đạt điểm từ khá (B) trở lên sẽ miễn đóng học phí, trong khi những sinh viên từ điểm C trở xuống phải đóng 16.000 USD/năm kể từ tháng 2-2008. Ông giải thích: "Chúng tôi muốn sinh viên phải có trách nhiệm với việc học của mình".

Giáo sư Suh cũng đưa ra lối tuyển sinh mới, không theo truyền thống. Từ học kỳ mùa thu 2007, các ứng viên KAIST được mời tới trường để phỏng vấn. Họ sẽ phải tự giới thiệu, đưa ra các kế hoạch và bảo vệ chúng trong khi các thành viên của hội đồng khoa quan sát họ. Hội đồng này sẽ ra quyết định không chỉ trên điểm số mà còn trên ấn tượng cá nhân mà thí sinh tạo ra. Trên phóng sự của KBS World, có thể thấy một số thí sinh tự tin giới thiệu các đề án của mình, số khác múa hát không khác ở cuộc thi "American Idol" khiến ban giám khảo cười nắc nẻ. Giáo sư Suh giải thích nghiêm túc: "Bằng cách này, chúng tôi tìm kiếm những Einstein và Bill Gates tương lai".

Sẵn sàng thay máu mới

Nhưng bước cải cách triệt để hơn liên quan tới đội ngũ giảng viên. Ở Hàn Quốc, theo truyền thống, các giảng viên sau khi làm việc tại một đại học nào đó đủ thời gian quy định cộng với đủ số công trình nghiên cứu sẽ được tự động phong giáo sư. Giờ đây, Suh yêu cầu các giảng viên của KAIST phải được sự công nhận của các chuyên gia thế giới trong lĩnh vực của họ như một yếu tố bắt buộc để được phong hàm, chứ không chỉ căn cứ số bài báo hay thâm niên công tác.

Thành tích giảng dạy tại trường cũng phải được tính đến. "Là một nhà nghiên cứu giỏi chưa đủ, để làm việc tại trường đại học người ta cần phải có đam mê giảng dạy", ông khẳng định. Tháng 9-2007, 11 trong số 33 ứng viên - giảng viên đã bị từ chối tái bổ nhiệm và được cho một năm để tìm việc khác.Cùng lúc, tiến sĩ Suh tích cực tìm "máu mới" - kể cả giảng viên nước ngoài, để bổ sung vào đội ngũ 300 giảng viên của KAIST. Ông đã thuyết phục được chính phủ tăng gấp đôi trợ cấp là 108 triệu USD.

Không phải tất cả giảng viên trong KAIST thống nhất với phương pháp khá triệt để của giáo sư Suh. Chuyên gia sinh học phân tử Kim Hak Sung phản đối: "Chủ tịch Suh cần phải có cây gậy lẫn củ cà rốt, chứ không chỉ gậy".

Tuy nhiên, "cà rốt" không phải rẻ. Ông Suh cho biết hiện nay ông đang phải dành phần lớn thời gian để xin tiền cho KAIST, một trong những việc này là kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân (theo một thống kê của Viện Phát triển Hàn Quốc, hiện khu vực tư đóng góp tới 3/4 ngân sách hoạt động của các đại học và trung học Hàn Quốc). Theo tin từ KAIST, đến cuối tháng mười một năm ngoái, ông Suh đã quyên được 12,5 triệu USD cho sự nghiệp mở rộng đại học KAIST.

Văn hóa chấp nhận rủi ro

Theo giáo sư Suh, cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa các đại học thế giới đang ngày càng quyết liệt. Để vượt lên, một đại học cần phải có những con người lỗi lạc và nguồn tài chính vững chắc. Ông lấy ví dụ từ các đại học Mỹ, như MIT chẳng hạn, khởi sự với việc nhận hằng năm 50-100 triệu USD của chính phủ trong 30 năm, nhờ sự tập trung đầu tư đó MIT mới trở thành nơi quy tụ trí thức. Mười đại học hàng đầu Mỹ được đầu tư ngân sách hằng năm 2 tỉ USD/ trường, 50 trường còn lại hơn 1 tỉ USD/trường và 100 trường kia được 100 triệu USD/trường.

Trong khi đó, ông Suh nói nhiều nước châu Á không đầu tư cho đại học vì các lý do khác nhau, và nếu họ vẫn tiếp tục làm thế thì người Mỹ sẽ tiếp tục thống lĩnh bởi đang thu hút số lượng lớn sinh viên tài giỏi, những người sẽ tiếp tục ở lại Mỹ sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ (khoảng 76%).

Các đại học châu Á đang đứng trước những thách thức nào? Theo giáo sư Suh, đó là thiếu chương trình nghiên cứu, thiếu đầu tư bền vững. Các đại học châu Á còn có xu hướng cung cấp việc làm trọn đời cho giảng viên, bất kể thành tích. Các đại học châu Á cũng thiếu cái mà ông gọi là "văn hóa chấp nhận rủi ro". Theo lời giáo sư Suh: "Nếu cứ đòi hỏi mỗi đề án nghiên cứu đều phải thành công thì người ta sẽ không thể nào có những kết quả có thể biến thế giới thành một nơi khác hẳn". Theo ông, đa số nghiên cứu ở châu Á có thể xếp vào hàng những nghiên cứu "ganh đua" hay "nhặt nhạnh" - tức những nghiên cứu cải tiến thêm những công trình đã tồn tại, trong khi cái cần phải có là "những ý tưởng mà người khác chưa từng nghĩ ra".

Duy Văn