NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Hiến chương ASEAN mở ra chương mới trong lịch sử ASEAN

Thông qua Hiến chương ASEAN

Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 10 nước thành viên ASEAN vừa ký phê chuẩn Hiến chương ASEAN.

Sự kiện quan trọng này diễn ra vào lúc 13 giờ 40 ngày 20-11-2007 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 ở Singapore.

Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long là người đầu tiên đặt bút ký vào bản hiến chương, sau đó là thủ tướng các nước Thái Lan, Myanmar. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người ký thứ tư. Tiếp theo là các nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Philippines. Thủ tướng Myanmar Thein Sein được giới báo chí chú ý nhiều nhất, bởi quốc gia này từng phản đối một số điều khoản trong bản Hiến chương trong thời gian diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Philippines hồi cuối tháng 7-2007 và những bất ổn tại quốc gia này trong thời gian gần đây.

Bản Hiến chương gồm 13 chương 55 điều sau khi được 10 nước ký thông qua đã chính thức "trao cho ASEAN, một tổ chức liên chính phủ, một tư cách pháp lý", như điều 3, chương III khẳng định. Từ nay, ASEAN sẽ là một tổ chức hoạt động theo luật lệ và việc đưa ra các quyết định được dựa trên cơ sở bàn thảo và đồng thuận. Hội nghị cấp cao hằng năm sẽ là nơi giải quyết những bất đồng mà cơ chế đồng thuận không đi đến kết quả.

Trong 15 mục tiêu mà ASEAN hướng đến xoay quanh các mặt an ninh, ổn định, hợp tác và xóa đói giảm nghèo..., một mục tiêu được coi rất thực tiễn là tạo ra một thị trường thống nhất và một nền tảng sản xuất ổn định, cạnh tranh và hội nhập trên cơ sở thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2015. Hiến chương cũng khẳng định ASEAN hoạt động trên nguyên tắc tối thượng là "tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thống nhất lãnh thổ và bản sắc của các quốc gia thành viên" và "không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia", cũng như "tôn trọng các quyền tự do cơ bản, cổ vũ và bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội".

Với những mục đích và nguyên tắc hoạt động như vậy, điều 14 chương IV của bản Hiến chương đặt ra vấn đề thành lập một cơ quan nhân quyền, hoạt động trên phạm vi mà Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sẽ quyết định.

Chương X của bản Hiến chương cũng khẳng định lại ASEAN hoạt động theo phương châm "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng", có cờ, huy hiệu như hiện nay và sẽ có bài nhạc hiệu riêng. Ngày 8.8 hằng năm, nhân kỷ niệm sự kiện ASEAN được 5 nước đầu tiên thành lập tại Bangkok, Thái Lan (năm 1967) sẽ được lấy làm "Ngày ASEAN".

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong trả lời phỏng vấn với Kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) và Hãng tin Reuters chiều 19.11 trước khi đặt bút ký văn kiện lịch sử này đã khẳng định: "Với 3 trụ cột chính: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội, Hiến chương ASEAN sẽ là khung thể chế để các nước trong ASEAN hợp tác hiệu quả cho mục đích hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung không chỉ của khối ASEAN, mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả cộng đồng quốc tế".

Hôm qua, lãnh đạo 10 nước ASEAN cũng đã ký 3 văn kiện khác, gồm Tuyên bố về Kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Bền vững môi trường, Tuyên bố ASEAN về kỳ họp thứ 13 Hội nghị các bên với Công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ và cuộc họp thứ 3 về Nghị định thư Kyoto. Cùng ngày, lãnh đạo các nước ASEAN đã dự Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 lần thứ 11 với các Thủ tướng Yasuo Fukuda (Nhật Bản), Ôn Gia Bảo (Trung Quốc) và Tổng thống Roh Moo-Hyun (Hàn Quốc), và lễ kỷ niệm 10 năm Hợp tác ASEAN + 3. Các bên đã ra Tuyên bố chung thứ 2 về Hợp tác Đông Á. Tiếp theo là Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc mà kết quả là hai bên đã ký Bản ghi nhớ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc về tăng cường y tế và chăm sóc sức khỏe.

Thục Minh

Phê chuẩn Hiến chương ASEAN

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á cùng phê chuẩn Hiến chương ASEAN. Sự kiện được coi là bước tiến lớn trong quá trình hội nhập của các nước trong khu vực. Tuy vậy các khó khăn vẫn còn phía trước.

Lần đầu tiên sau 40 năm tồn tại, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng đặt bút ký vào bản Hiến chương ASEAN, đặt nền móng về pháp lý cho quá trình vận hành của hiệp hội. Việc ký kết bản hiến chương ngày 20-11 được coi là bước tiến lớn tới việc thể chế hóa cuộc "hội nhập sâu" của khối khi đưa ra những cơ sở pháp lý về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi thành viên, định hướng quan hệ với các đối tác bên ngoài…

Với bản hiến chương này, ASEAN sẽ có đủ tư cách pháp lý ký các công ước quốc tế, cho phép nâng cao vai trò của khối. Cơ chế điều hành của ASEAN là tổng thư ký và ban thư ký cũng được củng cố nhằm đảm bảo việc điều phối giữa các ủy ban, các bộ phận được tiến hành tốt hơn.

Ngoài ra, sẽ có bốn phó tổng thư ký được chỉ định nhằm hỗ trợ tổng thư ký. Hiến chương cũng đưa ra đề xuất là hội nghị thượng đỉnh của khối được tiến hành hai lần/năm để các lãnh đạo có thêm thời gian bàn bạc các vấn đề của khối. Và cũng lần đầu tiên, một tổ chức theo dõi về nhân quyền của khối sẽ được thành lập.

Bất chấp những lạc quan này, các nhà lãnh đạo của khối đều nhìn nhận đây mới chỉ là khởi đầu cho công cuộc hội nhập sâu hơn của hiệp hội. Hãng tin CNA trích lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "Việc ký kết bản hiến chương hôm nay chỉ là bắt đầu của quá trình lâu dài mang tính liên tục mà tất cả thành viên của ASEAN phải cùng tham gia. ASEAN cần thích nghi dần với văn hóa tuân thủ (các điều lệ của khối)". Ông Lý cũng tuyên bố các nước cần nỗ lực đẩy nhanh tốc độ hội nhập sâu nền kinh tế ở khu vực.

Đối với các chuyên gia, họ đều thận trọng trước bản hiến chương mới được ký kết này. Bà Jenina Joy Chavez, thành viên của hội đoàn kết ủng hộ châu Á (SAPA), viết trên tờ Bangkok Post cho rằng bản hiến chương mới chỉ hệ thống hóa lại những thỏa thuận và tuyên bố trước kia của ASEAN ở mức độ thiết lập tính pháp lý cao hơn mà thiếu những đột phá.

Bản hiến chương nhấn mạnh một thể chế ASEAN là trung tâm, định nghĩa rõ các nguyên tắc can thiệp của các thành viên, thể chế hóa các nguyên tắc về đồng thuận và không can thiệp. Tuy vậy, bản hiến chương vẫn thiếu một cơ chế rõ ràng về giải quyết bất đồng, trách nhiệm giải trình và đền bù của các thành viên. Ngoài ra, theo bà, quyền hạn của tổ chức nhân quyền mới được thành lập vẫn bị để ngỏ trong bản hiến chương này.

Trả lời TT, GS về quan hệ quốc tế Vũ Đức Vượng tại ĐH cộng đồng De Anza (California, Mỹ) đánh giá việc xây dựng lòng tin, cơ cấu cộng tác trong nội khối của ASEAN vẫn chỉ ở mức sơ khởi, chưa đạt được mức độ "gắn kết" cao như Liên minh châu Âu (EU).

Tờ Daily Time của Malaysia cũng đánh giá ASEAN là một tập hợp nhiều đối tác có chính thể đa dạng nên bản hiến chương không thể đi xa đến mức làm thay đổi những nguyên tắc cố hữu "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau" và mọi quyết định đều phải được thông qua trên cơ sở "đồng thuận", mà "vấn đề Myanmar" là một ví dụ. Các chuyên gia cho rằng "cách thức của ASEAN" đã khiến khối không thống nhất giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như hội nhập kinh tế, môi trường xuống cấp.

Rõ ràng thật khó để đưa ra một bản hiến chương mạnh mẽ trước bối cảnh nhiều nước lớn trong ASEAN đều đang gặp khó khăn như hiện tại. Nói như cách của nhà bình luận Kavi Chongkittavorn của tờ The Nation (Thái Lan), bản hiến chương là không hoàn hảo nhưng là một giải pháp chấp nhận được trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động chính trị trong thời gian gần đây.

Thanh Tuấn

Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc ASEAN ký bản hiến chương, coi đó là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của khối. Theo VOV, Thủ tướng khẳng định VN sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục phê chuẩn cần thiết để cùng với các nước thành viên tạo hiệu lực cho hiến chương.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long nhấn mạnh một ASEAN hội nhập sẽ có vị trí mạnh mẽ hơn với các đối tác bên ngoài.

Theo CNA, các nhà lãnh đạo khối cũng đã thông qua kế hoạch chi tiết của việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua và ký tuyên bố ASEAN về môi trường bền vững. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự cuộc họp cấp cao ASEAN - Trung Quốc, hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - VN với Nhật Bản.

Một số nội dung chính của hiến chương

- Duy trì khu vực ASEAN không có vũ khí hạt nhân.

- Tạo ra thị trường chung, thống nhất có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tự do lưu thông.

- Tăng cường dân chủ, thiết lập cơ quan giám sát về nhân quyền.

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các nước thành viên.

- Không can thiệp vào công việc nội bộ.

- Tăng cường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên và các di sản văn hóa.

- Phát triển nguồn nhân lực qua hợp tác giáo dục…

ASEAN tăng tốc hội nhập

Tại Hội nghị cấp cao 13 đang diễn ra ở Singapore, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký bản kế hoạch về việc thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, với một thị trường đơn nhất gồm 570 triệu dân. Đồng thời, bản Hiến chương mới của Hiệp hội cũng đã được thông qua.

Phiên họp cấp cao ASEAN về kinh doanh và đầu tư (ABIS), do Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) tổ chức, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề ra nhiều phương hướng và biện pháp hợp tác phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đẩy nhanh hội nhập kinh tế nội khối

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định rằng, trong 15 năm qua, một trong những nội dung hợp tác chủ yếu và đặc biệt quan trọng của ASEAN là thúc đẩy tự do hoá kinh tế-thương mại và liên kết kinh tế nội khối. Kết quả hợp tác kinh tế trong ASEAN tuy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng chưa thực sự tạo ra sự phát triển đột biến trong quan hệ kinh tế - thương mại. Thị phần thương mại nội khối mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng giá trị thương mại của cả khối. Từng nền kinh tế ASEAN chưa thực sự là những nền kinh tế lớn mạnh.

Vì vậy, trong phiên họp ngày 18/11, các bộ trưởng thương mại ASEAN đã kêu gọi đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế toàn khối. Bộ trưởng Thương mại Singapore cho rằng ASEAN cần phải tiến hành quá trình hội nhập kinh tế trong vòng từ 3-5 năm tới để cạnh tranh với các đối tác đang trỗi dậy. Bộ trưởng Thương mại Indonesia cũng khẳng định: "Chúng ta cần tăng khả năng cạnh tranh của chúng ta".

Sáng 19/11/2007, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua bản Hiến chương mới của ASEAN. Bản Hiến chương này được các nhà lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN xem xét và ký trong ngày làm việc 20/11. Ngoại trưởng Singapore George Yeo khẳng định, Hiến chương mới sẽ tạo điều kiện cho tất cả các nước thành viên của khối hội nhập ở mức cao hơn hiện nay.

Tuy nhiên, trong hợp tác nội khối, ASEAN cũng đang đứng trước không ít khó khăn. Trong đó, nổi lên là vấn đề chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Nhân Hội nghị cấp cao lần thứ 13 của ASEAN, Liên hiệp quốc vừa công bố báo cáo của Uỷ ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), nhấn mạnh các nước ASEAN cần đặc biệt quan tâm thu hẹp khoảng cách phát triển trong số 10 nước thành viên. Trong đó chênh lệch lớn nhất là vấn đề môi trường và chăm sóc sức khỏe. Khoảng cách trong lĩnh vực thương mại và đầu tư trong các nước ASEAN cũng khá lớn, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hình thành các AFTA rộng lớn hơn

ESCAP nhấn mạnh để đảm bảo quá trình hội nhập thành công, tất cả các nước thành viên ASEAN phải đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội, vì về lâu dài, sự phát triển không đồng đều có thể tạo ra sự không bền vững. Báo cáo của ESCAP đề xuất 8 giải pháp trên 3 lĩnh vực chủ chốt là lãnh đạo, kết cấu hoàn chỉnh của quá trình hoạch định chính sách và nâng cao liên kết nội khối.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế nội khối, ASEAN cũng cần mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác ngoại khối. Quan hệ ASEAN - Trung Quốc phát triển năng động. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 140 tỷ USD, đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốcvà nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hiệp hội. Theo Ban Thư ký ASEAN, kim ngạch buôn bán ASEAN - Trung Quốc năm nay sẽ đạt 190 tỷ USD, triển vọng đạt 200 tỷ USD vào năm tới.

Quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản được thúc đẩy. Nhật Bản tích cực thực hiện cam kết dành 52 triệu USD hỗ trợ các dự án hợp tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản; Chương trình trao đổi thanh niên ASEAN - Nhật Bản và đào tạo nguồn nhân lực trẻ của các nước ASEAN; hỗ trợ các nước thành viên mới: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam phát triển. Hàn Quốc cũng tiếp tục là đối tác có viện trợ phát triển lớn nhất cho ASEAN. Hai bên đang thực hiện tốt Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố về đối tác toàn diện ASEAN-Hàn Quốc, đồng thời đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định FTA song phương.

Trong khi đó, tăng cường chính sách Hướng đông, Ấn Độ hợp tác tốt với ASEAN thực hiện Tuyên bố ASEAN - Ấn Độ về Quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại, các dự án hợp tác chuyên ngành. Hai bên đang tích cực đàm phán để sớm ký Hiệp định FTA song phương. ASEAN và EU cũng đang thực hiện giai đoạn 2 Chương trình Hỗ trợ liên kết khu vực...

Asean ký hiệp định bầu trời mở

10 quốc gia thành viên Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa ký thỏa thuận hôm thứ Năm nhằm gỡ bỏ hạn chế đối với hàng không chở khách và chở hàng trong khối.

Hiệp định bầu trời mở rộng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010, khi đó máy bay của một quốc gia thành viên được bay tới thủ đô của bất kỳ nước hội viên nào.

Hiệp định đa phương về dịch vụ hàng không và tự do hóa thị trường vận tải hàng không là một khía cạnh nằm trong kế hoạch tổng thể được các nước ASEAN soạn ra nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng trưởng.

Theo thỏa thuận này 2010 là thời điểm máy bay các nước thành viên có quyền chở khách hoặc chở hàng tới tới thủ đô của 10 nước hội viên.

Tới năm 2015, tất cả ASEAN sẽ trở thành một thị trường hàng không thống nhất.

Tuyên bố của cuộc họp nói như sau: "Vận chuyển hàng không là một phần thiết yếu của tiến trình nhất thể hóa kinh tế, vì nó sẽ tạo điều kiện cho sự trao đổi vốn, con người, giúp cho thương mại và văn hóa phát triển.”

Cộng đồng Kinh Tế ASEAN thành hình

Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nói kế hoạch về cộng đồng kinh tế cho khối này đã hoàn tất và cần sớm thực hiện với đích là năm 2015.

Ông được hãng thông tấn Pháp AFP trích lời nói rằng các bộ trưởng kinh tế của Các nước Đông Nam Á ASEAN đã đồng ý về văn bản cuối cùng về vấn đề hội nhập kinh tế.

''Chúng tôi đã thống nhất về văn bản ngày hôm nay và có kế hoạch chiến lược để thực thi,'' ông Ong Keng Yong nói.

Ông Ong nói các bộ trưởng kinh tế tham gia cuộc họp ba ngày ở Manila sẽ mang văn bản cuối cùng về nước để trình lên các nhà lãnh đạo.

Ông cũng nói các bộ trưởng phụ trách các mảng khác như du lịch hay giao thông cũng đồng tình với kế hoạch hòa nhập chặt chẽ hơn nữa về kinh tế.

Trong khi đó Bộ trưởng Thương Mại Peter Favila của Philippines, nước chủ nhà cuộc họp nói việc soạn thảo kế hoạch như vậy đã xong và giờ đến lúc thực hiện.

ASEAN, gồm các nước Brunei, Cam Pu Chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đặt mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Họ hy vọng một cộng đồng kinh tế chung sẽ tăng sức mạnh cạnh tranh của khối đối với Trung Quốc và Ấn Độ.

ASEAN ký hiến chương nhân quyền

Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký một hiến chương cam kết thúc đẩy nhân quyền và dân chủ.

Hiến chương này, được 10 nước thành viên ký kết tại hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, đưa ra những nguyên tắc và quy định về nhân quyền và dân chủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm tồn tại, các nước thành viên của tổ chức này ký kết một hiến chương như vậy.

Nhưng việc ký kết này diễn ra giữa lúc có nhiều tố cáo về hồ sơ nhân quyền của Miến Điện, một nước thành viên của ASEAN.

Những người chỉ trích nói hiến chương đó sẽ không có tác dụng đối với chính quyền quân sự tại Miến Điện.

Giới tướng lãnh của nước này đã làm cho cộng đồng quốc tế tức giận khi họ đàn áp một cách bạo lực các cuộc biểu tình chống chính phủ trong tháng Chín, giết chết ít nhất 15 người và giam giữ hàng ngàn người khác.

Tranh cãi đã diễn ra tại hội nghị khi nước chủ nhà là Singapore đã mời đặc phái viên của LHQ về Miến Điện, Ibrahim Gambari, tới đọc một bài diễn văn.

Các quan chức Miến Điện đã phản đối và họ đã nhận được sự ủng hộ của tám thành viên khác.

Trước đó, một quan chức của Mỹ cảnh báo rằng uy tín của ASEAN bị đe dọa về cách họ giải quyết cuộc khủng hoảng tại Miến Điện.

'Bước quan trọng'

Một trong những điểm quan trọng của hiến chương này là thành lập một cơ quan về nhân quyền trong khu vực.

Nhưng những người chỉ trích nói cơ quan đó sẽ không có tác động nhiều vì nó không có quyền trừng phạt những chính phủ vi phạm nhân quyền của công dân của họ.

Những người đàm phán đã bỏ một số điểm cấp tiến của bản dự thảo như đưa ra các biện pháp trừng phạt hay khai trừ tư cách thành viên đối với những nước vi phạm nghiêm trọng những quy định của hiến chương.

Cựu bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Ali Alatas, người soạn thảo hiến chương nói với hãng thông tấn AP: "Tất nhiên đã có những sự giảm nhẹ". Nhưng ông cũng nói hiến chương sẽ đánh dấu một "bước tiến quan trọng".

Sau lễ ký kết, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng hài lòng nói rằng hiến chương sẽ mở đường cho một sự hợp tác gần gũi hơn giữa các nước thành viên.

Ông nói: "Để làm cho ASEAN mạnh và thích hợp, chúng ta phải xúc tiến và đẩy mạnh tiến trình hội nhập".

"Hiến chương ASEAN là một bước quan trọng trong tiến trình đó".

ASEAN miễn thị thực một tháng cho Công Dân trong khối

Cục trưởng Cục Nhập cư Malaysia Mahmood Adam ngày 5-11-2008 thông báo : công dân của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện có thể đến lưu trú ở bất cứ nước nào trong khối trong vòng một tháng mà không cần thị thực nhập cảnh, ngoại trừ tới Myanmar do nước này đang trong khủng hoảng.

Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Mahmood chủ trì hội nghị của các quan chức ASEAN phụ trách vấn đề nhập cư và lãnh sự tại Kuala Lumpur.

Theo ông Mahmood, trước đây các du khách ASEAN chỉ được miễn thị thực không quá 18 ngày, nhưng nay đã tăng lên 30 ngày. Việc tăng thời hạn miễn thị thực này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu trú của các công dân trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, ông Mahmood cho rằng cần phải tiêu chuẩn hóa hộ chiếu của các nước ASEAN để dễ phát hiện hộ chiếu giả.

ASEAN tiến một bước về nhân quyền ?

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vừa tiến gần hơn tới việc thành lập một Ủy hội Nhân quyền và cũng thẳng thắng nói mô hình của EU là đáng học hỏi.

Trong cuộc họp thường niên tại Phuket Thái Lan, ngoại trưởng các nước Asean đã đồng ý về Điều khoản tham chiếu cho hoạt động của một Ủy hội Nhân quyền.

Tháng 12 năm ngoái lãnh đạo các nước Asean đồng ý thông qua Hiến chương Asean, văn kiện quan trọng nhằm xây dựng các quốc gia Đông Nam Á thành một cộng đồng.

Lãnh đạo nhắc đến Liên hiệp Âu châu là một trong những mô hình để Asean học hỏi.

Từ nay trở đi khối Asean sẽ hợp tác nhiều hơn trong ba lĩnh vực mà họ cho là sẽ góp phần dẫn đến việc hình thành một cộng đồng các quốc gia thân thiện và đoàn kết hơn. Đó là kinh tế, an ninh chính trị, và liên kết xã hội.

Cạnh đó là việc bảo vệ các quyền cơ bản của hơn 550 triệu người dân trong khối. Liên quan đến điểm này Hiến chương Asean yêu cầu thành lập Cơ quan Nhân quyền của khối.

Cơ quan này nay sẽ được gọi là Ủy hội liên Chính phủ Asean về nhân quyền.

Thứ Hai 20/7/2009 trong cuộc họp hàng năm tại Phuket, Thái Lan, ngoại trưởng Asean đã thông qua ‘điều khoản tham chiếu’ ( terms of reference ) dành cho Ủy hội.

Các ngoại trưởng sau đó sẽ trình hồ sơ về phạm vi hoạt động của Ủy hội Nhân quyền cho lãnh đạo từng quốc gia. Mọi người chờ đợi trong cuộc họp thượng đỉnh của khối tháng 10 năm nay, cũng tại Thái Lan, nguyên thủ quốc gia Asean sẽ ra bản tuyên bố chính trị về tình hình nhân quyền và chính thức khai trương hoạt động của Ủy hội.

Trước chỉ trích cho rằng Điều khoản tham chiếu vừa được thông qua của Ủy hội không có thực quyền trong việc bảo vệ các quyền dân sự của người dân, Ngoại trưởng Kasit Piromya của Thái Lan, nước chủ nhà Hội nghị Asean cho rằng không nên chờ mong quá mức, vì “đây là sự đồng thuận cao nhất các quốc gia thành viên Asean có được trong thời điểm này,”

“Cần làm cho Cơ quan bảo vệ nhân quyền của Asean có uy tín nhưng cạnh đó cũng phải tính đến quan ngại về chuyện nhân quyền đi quá xa của một số nước.”

Ông Kasit nói thêm vẫn còn một số điều khoản về cơ cấu hoạt động của Ủy hội cần phải đợi lãnh đạo quốc gia giải quyết.

Ngoại trưởng Thái, người chủ tọa phiên họp, nhắc mọi người rằng các điều khoản tham chiếu về hoạt động của một ủy hội nhân quyền khối Asean chỉ là khởi điểm khởi đầu của một tiến trình đang vận động. Ông dự đoán chức năng bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của Ủy hội sẽ được xem xét sau mỗi 5 năm.

Theo thông cáo báo chí, chức năng chính hiện giờ của Ủy hội, là nâng cao nhận thức của người dân về nhân quyền.

Lo ngại

Điều khoản tham chiếu của Ủy hội Nhân quyền Asean không cho phép các chuyến thăm tìm hiểu thực tế tại quốc gia có tiếng vi phạm nhân quyền. Cơ quan này không được phép nhận thư khiếu nại, mở điều tra, hay thực hiện các báo cáo mang tính duyệt xét về tình hình nhân quyền tại quốc gia thành viên.

Các nhà hoạt động vì quyền con người tại Asean gọi tổ chức này “có tiếng nhưng không có miếng.” Họ cho rằng tổ chức này chỉ có tính trang trí chứ không đi vào thực chất.

Nhiều người không hài lòng khi kiến nghị của các tổ chức dân cử nhằm tăng vai trò và tính xác thực cho cơ quan này đã bị quan chức Asean bỏ ngoài tai.

Luật sư Rafendi Djamin, thuộc Nhóm đặc nhiệm Nhân quyền Asean, một tổ chức phi chính phủ trụ sở tại Indonesia, kêu gọi ông Tổng thư ký và Chủ tịch đương nhiệm khối Asean tăng thêm quyền chế tài của Ủy hội nhân quyền.

Tuy nhiên người ta không biết những nước ngại va chạm về nhân quyền trong khối Asean sẽ phản ứng với đề nghị này ra sao.

Một số nhà thạo tin cho rằng chuyện lập ra một cơ quan theo dõi nhân quyền cho khối Asean sẽ còn tốn thời gian và công sức.Vì Asean hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, trong khi nhân quyền là chủ đề khó thống nhất với nhau.

Các phái viên ghi nhận vai trò của Thái Lan, nước chủ nhà, trong việc thúc đẩyđàm luận nhằm tiến tới hình thành Cơ quan nhân quyền tại Asean trong thời gian qua.

Mỗi nước thành viên Asean sẽ tự đề cử đại diện của họ trong Ủy hội Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm.

Theo ngoại trưởng Thái Lan, đại diện cho quốc gia phải là người không thiên vị, và không cần là người của chính phủ.

Ông Kasit Piromya nói chính phủ sẽ bầu ra một ban tư vấn nhằm xét tuyển công khai, ai cũng có quyền nộp đơn.

Phạm Khiêm