NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Ý tưởng mở Học Viện Chất Dẻo phát sáng , một loại Vật Liệu Quang Điện Tử của TS Nguyễn Thanh Mỹ - Kiều bào Canada

"Chất dẻo phát sáng" là một loại vật liệu quang điện tử (VLQĐT) được Cty American Dye Source (ADS) của ông Nguyễn Thanh Mỹ ở Thành Phố Montreal, Quebec, Canada tổng hợp theo đơn đặt hàng của các Công ty điện tử hàng đầu thế giới ( dùng chế tạo màn hình siêu mỏng, có thể cuốn lại được ) với giá bán mỗi gram hàng chục ngàn USD. Ý tưởng mở "học viện chất dẻo" của vị tiến sĩ quê gốc Trà Vinh thu hút tôi quay trở lại Khu Công Nghiệp Long Đức - nơi mấy tháng trước Cty hoá chất Mỹ Lan (ML), cũng do ông đầu tư, vừa chính thức khánh thành.

Tóc bạc nhiều thêm, tuổi 51 hiện ra rõ hơn, nhưng vẫn còn nguyên đó tác phong "bụi bặm", nụ cười cởi mở, lối nói nồng nhiệt, thường xuyên chen lẫn tiếng Việt và tiếng Anh, Nguyễn Thanh Mỹ trước mắt tôi ngày càng dấn sâu vào thực tế ngổn ngang, phức tạp ở Việt Nam.

"Ở Canada, mình không làm gì cả vẫn có thể thu vô mỗi năm vài triệu USD từ tiền cho thuê bản quyền" - người có 50 bằng phát minh đẳng cấp quốc tế bộc bạch. "Nhưng mà sống như thế nó không... đã, mà phải xông pha, chấp nhận khó khăn, thậm chí rủi ro để được tham gia vào quá trình gợi mở và tác động lớp trẻ Việt Nam phát huy tài năng theo mức thụ hưởng cao".

Chính vì thế, ngoài giấc mơ "chất dẻo", Nguyễn Thanh Mỹ còn có ý tưởng mở loại hình "du lịch hội nghị quốc tế" đầu tiên ở Việt Nam... Công ty hoá chất Mỹ Lan đang là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu quang điện tử thứ 12 trên toàn cầu.

* Sản xuất vật liệu quang điện tử ở Việt Nam, thực ra là có rủi ro ?

- Có chớ. Trước hết là độ ẩm quá cao. Mình phải nghiên cứu thay đổi qui trình, thay đổi chất xúc tác, huấn luyện lại Công Nhân. Trước khi khánh thành Công ty Mỹ Lan , mình sản xuất thử 50 kg bột màu hồng ngoại, nhưng cho ra tới 3-4 màu khác nhau, không thể bán cho khách hàng nước ngoài.

Điều kiện tổng hợp hóa chất ở Việt Nam khắc nghiệt lắm, hổng dễ làm đâu. Nhưng cái đó mình khắc phục được. Khó nhất là tình trạng không đồng bộ. Mua hóa chất từ nước ngoài về tổng hợp lại vướng phải tình trạng nhũng nhiễu của hải quan. Đến nỗi các hãng lớn, chuyên vận chuyển quốc tế như FedEx, UPS, DHL... cũng chào thua. Hãng FedEx bảo mình, chuyển hàng cho ông chỉ ăn có 70 - 100 USD ( do chỉ nhập 100 - 200 gram mỗi đợt ) nhưng phải túc trực ở hải quan mấy ngày, làm sao có lãi ? Rốt cuộc mình phải mua hóa chất của mấy Công ty vô trước, đã quen nước quen cái, dĩ nhiên là giá cả mắc hơn..

Dẫu vậy Nguyễn Thanh Mỹ vẫn không nản lòng, bởi theo chính ông nhận xét, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh hết sức quan tâm, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Tháng 6-2006 tại Khu Công Nghiệp Long Đức sẽ diễn ra lễ động thổ Cty in ML, chuyên sản xuất bản kẽm CTP với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, trong đó Tây Ban Nha góp vốn 20%, Hàn Quốc 2%, phần còn lại của Nguyễn Thanh Mỹ ( nhưng thực ra cũng là tiền các Công ty này thuê bản quyền 2 bằng phát minh của ông ). So với vật liệu quang điện tử , đây cũng là lĩnh vực đầu tư siêu lợi nhuận.

Giá bán bản kẽm CTP trên thế giới dao động từ 5,50 - 9,50 USD/m2. Đầu ra không hạn chế. Chẳng hạn Trung Quốc hơn 1 tỉ dân mà chỉ có 2-3 Cty sản xuất được bản kẽm CTP với chất lượng không tốt lắm. Năm đầu, Cty in ML sẽ sản xuất từ 3-5 triệu m2 tùy theo tình hình cung cấp điện, đến năm thứ 5 tăng lên hơn 10 triệu m2. Mỗi m2 chỉ cần lãi 1 USD thôi, sẽ rất mau hoàn vốn.

* Ông từng kiến nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành hóa học và vật liệu ?

- Vì đây là công nghệ cơ bản của bất kỳ quốc gia nào. Như ở Mỹ, hóa học và vật liệu là ngành đem lại lợi nhuận cao nhất. Đức, Nhật cũng vậy. Hơn nữa, Việt Nam mình có mỏ dầu, ngành hoá dầu sẽ cung cấp đủ các loại Hoá Chất cơ bản. Ngay Công ty ADS của mình, sản xuất vật liệu nano ( như Fullurene C60 và C70 ) chỉ bỏ ra 100 - 200 USD mỗi gram, nhưng có thể bán vài ngàn USD. Bình quân mọi loại vật liệu quang điện tử, mức lãi mỗi gram đều từ vài chục tới vài trăm USD.

* Ông từng nói rất muốn trả lương cho nhân viên Việt Nam mỗi năm 55.000 USD, giống như 2 chuyên gia Canada sang Trà Vinh tập huấn kỹ thuật...

- Chỉ với điều kiện duy nhất là nhân viên Việt Nam phải giỏi và hiệu quả. Làm việc thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, thông minh hơn là mong muốn của mình, nhưng tìm người không dễ. Đã 2 năm liên tiếp mình tặng phần thưởng cho sinh viên giỏi hoá ĐH Cần Thơ ( 10 suất/năm, mỗi suất 1 triệu đồng ). Ngoài ra, còn tài trợ du học thạc sĩ ngành hoá tại Canada ( 27.000 CAD, tương đương 25.000 USD/năm ), nhưng tới nay chỉ chọn được 1 người. Đó là anh Nguyễn Bảo Toàn ở ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM từ năm 2004, đến giữa năm 2006 sẽ hoàn tất luận án thạc sĩ tại ĐH Montreal.

* Lại nghe nói ông đang có ý định mở "học viện chất dẻo"?

- Tên tiếng Anh "Institute of Active Polymers", tạm dịch "học viện cao phân tử linh động". Là gọi vui vậy thôi. Mình cùng vài người bạn như anh Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ cộng đồng Trà Vinh, anh Tống Minh Viễn - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trà Vinh, anh Võ Văn Trương - Phó Hiệu trưởng ĐH Concordia ở Canada ( quê gốc Trà Vinh )... muốn góp phần hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Hóa Học và Vật Liệu cho Việt Nam nên nghĩ ra ý tưởng liên kết. Giai đoạn đầu, các em sẽ được học lý thuyết và thực tập tại Trà Vinh ( Trường CĐ cộng đồng và Công ty Mỹ Lan ), sau đó sẽ đưa sang Canada nghiên cứu ( ĐH Concordia và Công ty ADS ). Như thế sẽ tiết kiệm hơn mà hiệu quả hơn.

* Và sau khi tốt nghiệp, không nhất thiết phải làm việc ở Công ty Mỹ Lan ?

- Mình chỉ muốn góp phần cung cấp cho đất nước nhiều tài năng trong ngành đang mang lại lợi nhuận cao nhất tại Mỹ, Đức, Nhật và các nước tiên tiến khác. Một khi đã giỏi, các em có thể làm việc ở bất cứ đâu. Mười năm trước ở Thượng Hải, lương chuyên gia Hóa Học chỉ vài chục USD mỗi tháng, hiện giờ tăng lên vài ngàn USD. Mình mơ 10 năm nữa, ở Trà Vinh cũng sẽ có mức lương như vậy.

Sống thế nào cho có ý nghĩa nhất

Tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26/11/2007, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ thông báo về Công ty American Dye Source (ADS) của ông và Công ty Ipagsa làm lễ tuyên bố hợp tác chính thức với việc ra đời Công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan, thuộc Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh. Buổi lễ có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha cùng một số quan chức Barcelona. Vậy là cái ý tưởng mà ông ấp ủ khi tâm sự với chúng tôi tại Hội nghị Doanh nhân Việt kiều ( Đà Nẵng 9/2006 ) đã thành sự thật.

Công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan có 70% vốn thuộc ADS và 30% vốn của công ty Ipagsa (TBN). Đây là công ty thứ hai thuộc Tập đoàn Mỹ Lan mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ xây dựng ở khu công nghiệp Long Đức Trà Vinh. Đi vào hoạt động trong năm 2008, giai đoạn đầu công ty sẽ sản xuất 7,5 triệu m2 bản kẽm CTP mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 30 - 37,5 triệu USD mỗi năm. Giai đoạn thứ hai (ba năm sau) sẽ sản xuất 15 triệu m2 bản kẽm CTP, kim ngạch xuất khẩu gấp đôi.

Giám đốc Công ty ADS ở Canada, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, người Việt ở Canada, là người có trên 50 phát minh trong nhiều lĩnh vực khoa học và ngành quang điện tử đã được thế giới công nhận, trong đó thành công lớn là phát minh vật liệu bản kẽm CTP, công nghệ trong ngành in kỹ thuật số mà hiện nay cả thế giới đang sử dụng. Số lượng công ty trên thế giới có thể sản xuất bản kẽm này hiện nay chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trung Quốc hơn 1 tỉ dân, nhưng chỉ có khoảng 2-3 công ty sản xuất được bản kẽm CTP với chất lượng cũng chưa cao. Bởi vậy, nhu cầu bản kẽm CTP cho ngành in trên thế giới hiện nay là không hạn chế.

Công ty đầu tiên thuộc tập đoàn là Công ty hoá chất Mỹ Lan, được khởi công từ 2004, trị giá đầu tư hơn 1 triệu USD, với các sản phẩm giá trị rất cao như sợi dẻo hóa học, sản phẩm quang điện tử, thuốc rửa bản kẽm CTP... Tới nay, 90% tổng sản phẩm của Công ty hoá chất Mỹ Lan được xuất khẩu sang các nước phục vụ cho ngành in kỹ thuật số. Hiện đây là nhà máy sản xuất vật liệu quang điện tử duy nhất cả nước, doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu quang điện tử thứ 12 trên toàn cầu.

Thành công từng nối tiếp thành công ở Mỹ, ở Canada, thậm chí bây giờ chỉ “khoanh tay ngồi một chỗ”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cũng có thể sống thoải mái với tiền thu bản quyền từ những phát minh quan trọng của mình. Nhưng vẫn như những ngày đầu tay trắng cực khổ, đi lên bằng sự hiểu biết, ham học, lòng quyết tâm sắt đá và niềm tin vào sự tốt đẹp của tình yêu, của con người, ông luôn là người của hành động, sẵn sàng chọn những con đường khó nhất nếu cho rằng sẽ làm được những điều tốt đẹp hơn không chỉ cho ông mà cho cả người thân và cộng đồng. Ngay từ những ngày đầu mới về quê hương, ông đã sẵn lòng tặng công nghệ sản xuất bản kẽm CTP (tiền thuê bản quyền các nơi phải trả cho ông lên tới 10 triệu USD trong 20 năm) cho Nhà máy sản xuất bản nhôm tráng sẵn Tây Đô do Anh hùng lao động Huỳnh Văn Bé làm Giám đốc “vì tôi đã hứa với ảnh, là việc trong tầm tay tôi làm được thì phải làm chứ”. Những lúc công việc khó khăn nhất, ông vẫn tràn đầy niềm lạc quan với lòng tin tưởng: “Con người ta có nhiều cách để sống. Tôi muốn sống thế nào có ý nghĩa nhất”. Đó không phải là câu nói quen miệng, bởi những việc ông đã làm luôn thể hiện cho triết lý sống ấy.

Chấp nhận trở về Trà Vinh đầu tư, xa những trung tâm lớn, không hẳn chỉ vì nghĩa cử với quê nghèo, mà Nguyễn Thanh Mỹ còn có niềm tin rằng Trà Vinh sẽ phát triển. “Với một tỉnh nghèo như Trà Vinh việc đầu tư vào con người, vào công nghệ cao là quan trọng nhất. Hãy so sánh giữa sản xuất một gram hoá chất có giá trị từ vài trăm tới vài nghìn USD, với sản xuất hàng tấn phân bón hay than hoạt tính… và đủ thứ hệ lụy về môi trường mà lãi suất không bằng, thì làm thứ gì sẽ hơn. Việt Nam mình cũng vậy, nếu muốn tăng tốc nhanh để bắt kịp với thế giới, cần phải đầu tư cho ngành hoá học vật liệu, vì đây là công nghệ cơ bản của bất kỳ quốc gia nào. Như ở Mỹ, Nhật hay Đức, hóa học và vật liệu luôn là ngành đem lại lợi nhuận cao nhất. Hơn nữa, Việt Nam có mỏ dầu, ngành hoá dầu sẽ cung cấp đủ các loại hoá chất cơ bản. Tôi nghĩ trong những điều đã đạt được từ ngày về đến nay, có ba điều thành công nhất. Thứ nhất là thay đổi cái nhìn của các anh lãnh đạo cũng như những người dân địa phương ở quê hương về công nghiệp ở Trà Vinh, không cần đặt trọng tâm vào những ngành giá trị thấp. Ví dụ như ở Công ty hoá chất Mỹ Lan có thể sản xuất được những sản phẩm có giá trị vài ngàn USD cho mỗi kg. Thứ hai là ở công ty sản xuất không phải chỉ có bốn bức tường thôi, mà phải là một khu đẹp. Dù là nơi sản xuất cũng cần phải có cây xanh, có môi trường tốt để cho những người làm cho mình họ cảm thấy cũng xứng đáng khi họ bỏ 1/3 cuộc đời để tới làm ở nơi này. Thứ ba, ở Trà Vinh riêng công ty Mỹ Lan phải nhập khẩu lao động chất lượng cao từ thành phố hoặc tỉnh khác tới. Chính từ điều này đòi hỏi định hướng mới về giáo dục nghề nghiệp ở Trà Vinh”. Là người nghĩ luôn đi đôi với làm, ông Mỹ đã giúp Đại học Trà Vinh mở chuyên ngành “Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và công nghệ nano” đầu tiên ở Việt Nam (từ viết giáo trình, trực tiếp giảng dạy, mời giáo sư thỉnh giảng nước ngoài..., nhận sinh viên đến nhà máy thực tập, cam kết giải quyết việc làm cho học sinh).

Việc ra đời Công ty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan trước mắt, theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, vẫn còn nhiều khó khăn vì điện và nước không ổn định. Nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm làm việc còn rất hạn chế. Nhưng là người luôn dám khai phá những con đường chưa ai đi tới, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tin tưởng vào phát triển của Tập đoàn Mỹ Lan, trong kế hoạch sẽ mở thêm một công ty thứ ba làm về Dược phẩm; cũng như việc phát triển nguồn nhân lực ở Trà Vinh. Tài trợ một số học bổng về hoá học cho các trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh và Trà Vinh, dự định kết hợp với một số cơ quan tại Trà Vinh để tìm cách đào tạo thêm nguồn nhân lực cho ngành, tuyển thêm lao động vào nhà máy mới…

Tôi nhớ đôi mắt âu lo của người vợ xinh đẹp, thủy chung từ thuở cơ hàn của ông, bà Bùi Thị Nhàn: “Về Việt Nam, tóc ảnh bạc hơn rồi đó”. Nhưng khi hỏi bà có tin tưởng vào sự nghiệp ông đang thực hiện hay không, bà rủ rỉ: “Cả đời ảnh đã sống theo đúng câu ảnh nói: Người ta có nhiều cách sống, nhưng sống làm sao cho có ý nghĩa mới là khó nhất. Ba đứa con của chúng tôi, giờ đều nối tiếp gương cha nó để làm việc và học hành, chừng đó, là có nghĩa nhiều rồi, phải không?”

Phi Hà

Hiện thực mơ ước của một Việt kiều

Cty Hoá chất Mỹ Lan tại khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh do tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - một Việt kiều, một doanh nhân thành đạt ở Canada đầu tư. Nơi đây sản xuất vật liệu hóa chất quang điện tử đầu tiên ở Việt Nam và là thứ 12 trên toàn cầu.

Đây cũng là hiện thực của một ước mơ hơn 20 năm sống nơi đất khách quê người của TS Nguyễn Thanh Mỹ.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ nói, không bao giờ quên được ấn tượng khi nhìn thấy dòng sông ở quê hương buổi trở về sau nhiều năm xa cách. Con sông quê chảy vắt qua ngôi làng nhỏ ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Dòng nước nhẹ nhàng trôi cứ như thời gian chưa hề qua đi mấy mươi năm với biết bao số phận con người lên xuống nổi chìm.

Nơi đây, 10 tuổi Nguyễn Thanh Mỹ phụ má bán càrem nuôi bốn đứa em, dòng sông in dấu nhiều kỷ niệm vất vả nhưng trong trẻo hồn nhiên. Dòng sông quê nhà luôn tắm mát tâm hồn Nguyễn Thanh Mỹ suốt những năm lăn lộn xứ người.

Mơ ước cháy bỏng trong lòng TS Nguyễn Thanh Mỹ trong lần trở về quê hương ấy. Rồi năm 2003, Cty Hóa chất Mỹ Lan ra đời và khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hóa chất, một năm sau đó đã có sản phẩm xuất khẩu.

Đầu năm 2007, Cty Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan tiếp tục được khởi công xây dựng, dự kiến đầu năm 2008 đi vào hoạt động. Các nhà máy tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, hơn thế bằng nỗ lực của ông, một công nghệ tiên tiến đã hiện diện tại địa phương nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ vừa là Tổng Giám đốc Cty Hoá chất Mỹ Lan, vừa là Chủ tịch HĐQT Công ty ADS chuyên sản xuất hoá chất kỹ thuật cao, như vật liệu quang điện tử, chống làm giả.

Ông đã có 50 bằng sáng chế được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó nổi bật là phát minh bản kẽm CTP (Computer To Plate) - một công nghệ mới trong ngành in được thế giới sử dụng rộng rãi. Ông đang làm việc tại IBM, Kodak nhưng từ bỏ để trở về quê. Tự lo toan mọi việc từ tổ chức bộ máy nhân sự đến kiểm tra vận hành máy móc chuyên ngành.

GS - TS Đào Hữu Lễ ở Viện nghiên cứu khoa học Quebec-Canada là người thầy hướng dẫn ông Nguyễn Thanh Mỹ làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện này: "Mỹ làm việc ở IBM hai năm, tôi có hỏi tại sao không trở về Canada để mở xí nghiệp mà làm công cho người khác. Mỹ mới trở về Canada, mượn một phòng nhỏ trong chỗ tôi làm việc để thành lập cơ sở nghiên cứu và kinh doanh.

Năm đầu đã thành công tới mức thành lập luôn xí nghiệp, từ đó đi lên không ngừng. Mỹ làm việc rất giỏi, có nhiều phát minh nên chính phủ Quebec đề nghị Mỹ mở rộng bằng cách chính phủ cùng góp vốn cổ phần để xây xí nghiệp tại Montreal. Rồi Mỹ trở về quê hương, theo tôi việc trở về của Mỹ rất thành công".

TS Nguyễn Thanh Mỹ về nước lần đầu vào năm 1999 và đã nhận thấy nhu cầu hóa chất phục vụ ngành in ở Việt Nam rất lớn. Nhưng chủ yếu đang phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc với chất lượng không ổn định, trong khi đó Công ty ADS của ông ở Canada hằng năm sản xuất hoá chất cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.

Những loại hoá chất của ông có chất lượng cao mà giá thành chỉ bằng khoảng 75% so với giá các công ty Việt Nam nhập khẩu. Từ chuyến đi đó, TS Nguyễn Thanh Mỹ xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các chất hữu cơ và chất dẻo linh hoạt, quang điện tử và in kỹ thuật số trị giá 10 triệu USD.

Tuy nhiên, đầu tư nhân lực mới là vấn đề quan tâm hàng đầu của ông. Nên khi trường Đại học Trà Vinh thành lập ông đã đặt vấn đề cho mở chuyên ngành ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano và lấy Công ty Hóa chất Mỹ Lan làm nơi thực tập và tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp.

Tháng 7/2007, Bộ GD-ĐT cho phép trường Đại học Trà Vinh tổ chức chiêu sinh chuyên ngành rất mới này, UBND tỉnh Trà Vinh cũng quyết định đầu tư 14 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo chuyên ngành. Đợt tuyển sinh đầu tiên có tới 869 thí sinh đăng ký dự thi vào chuyên ngành trong khi nhà trường chỉ tuyển 24 sinh viên .

TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, Công ty Hóa chất Mỹ Lan sẽ tài trợ một phần chi phí trong quá trình học tập của các sinh viên. Phương thức đào tạo là doanh nghiệp đề xuất chương trình, cung cấp thiết bị và để sinh viên thực tập, nhà trường thực hiện quá trình đào tạo.

Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh- Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh vui vẻ nói: "Trường Đại học Trà Vinh mới thành lập nhưng có Khoa Kỹ thuật Công nghệ Hóa học chuyên ngành Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và Vật liệu nanô đầu tiên ở ĐBSCL. Chúng tôi mời TS Nguyễn Thanh Mỹ làm cố vấn chương trình và mời gọi các GS - TS người Việt ở nước ngoài về giảng dạy".

Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nanô là tên gọi một chuyên ngành rất mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, trên thế giới, thường chỉ dạy về chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ hoặc sinh viên năm thứ 3, thứ 4, còn dành hẳn 4 năm chuyên đào tạo như Đại học Trà Vinh thì chưa ai làm.

GS - TS Đào Hữu Lễ ở viện KHCN quốc gia Quebec- Canada nhận xét: "TS Nguyễn Thanh Mỹ đã đưa bản đồ Trà Vinh cho thế giới biết đến, những gì Mỹ làm ở đây chúng tôi coi là cỡ tầm thế giới chứ không phải tầm Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có nơi đào tạo sinh viên có kiến thức cao cấp như vậy.

Chất dẻo TS Mỹ đang làm thuộc thế hệ mới của thế kỷ 21 rất tối tân. Ví dụ như bản kẽm mà TS Mỹ làm ở nhà máy Mỹ Lan là một trong 4 nhà máy trên thế giới có thể sản xuất ra".

Cũng cần nói thêm, trường Đại học Trà Vinh thành lập trên cơ sở trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh do Canada tài trợ với 5 năm được đánh giá là vận dụng thành công mô hình cao đẳng cộng đồng của các nước Bắc Mỹ vào điều kiện Việt Nam. Trường Đại học Trà Vinh hôm nay đã phát huy được kết quả đáng kích lệ ấy.

Hiện ở Cty Hóa chất Mỹ Lan có đội ngũ kỹ sư giỏi về chuyên môn có khả năng tạo một điểm tựa để các sinh viên ở trường Đại học Trà Vinh tiếp thu những thành tựu mới và nghiên cứu trong lĩnh vực quang điện tử, hoá vật liệu. Các kỹ sư của Cty còn phụ đạo về điện tử, chất dẻo linh động active polymer là ngành rất mới cho các giảng viên ở trường Đại học Trà vinh.

Dĩ nhiên, không ít khó khăn cho TS Nguyễn Thanh Mỹ trong quá trình thực hiện ước mơ của mình. Là một doanh nhân, nhà khoa học sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, về nước đôi lúc ông gặp phải sự nhìn nhận chưa đúng về con người và công việc.

Song TS Nguyễn Thanh Mỹ không nhụt chí, khi gặp tuy duy chưa thống nhất ông sẵn sàng trao đổi nhiều lần để đi đến thống nhất, bởi ông về Trà Vinh bằng cả tấm lòng, bằng ước mơ mãnh liệt thời thơ ấu. "Không thể trách móc quê hương", ông nói như vậy.

Với một quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, lấy hiệu quả công việc cụ thể chứng minh tâm huyết với quê hương, ông đã vượt qua các khó khăn và xây dựng nên niềm tin ở mọi người xung quanh.

Tấn Đạt

Trường Đại Học Trà Vinh ra mắt Khoa Công nghệ Hóa học

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tâp, nghiên cứu đối với sinh viên thuộc ngành Công nghệ Hóa học, với sự phối hợp đào tạo của Công ty Hóa chất Mỹ Lan, Trường Đại học Trà Vinh đã thành lập Khoa Công nghệ Hóa học. Buổi lễ ra mắt Khoa đã được tổ chức vào chiều ngày 18/07/2008 tại Hội trường Khoa Nông nghiệp Thủy sản với sự tham dự của Ban Giám hiệu, các khách mời, đại diện quý Thầy cô các Phòng, Ban, Khoa và Bộ môn.

Trong buổi lễ ra mắt, TS. Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng nhà trường đã trao quyết định Trưởng khoa cho TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc Công ty Hóa chất Mỹ Lan, đồng thời bổ nhiệm ThS. Phạm Thị Thúy Loan làm Phó Trưởng khoa.

Phát biểu trong buổi lễ, TS. Nguyễn Thanh Mỹ hứa quyết tâm hỗ trợ và xây dựng Khoa Công nghệ Hóa học phát triển vững mạnh để xứng đáng là nơi đào tạo tin cậy và chất lượng cho sinh viên Trường Đại Học Trà Vinh . Song song đó, ông cũng sẽ thành lập phòng thực hành tại Công ty Hóa chất Mỹ Lan giúp sinh viên có cơ hội thực hành lý thuyết đã học, từ đó rèn luyện kỹ năng thực tế và tích lũy kinh nghiệm, dáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.

Giảng đường thời hội nhập

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một nhà đầu tư nước ngoài được mời làm trưởng khoa đại học (ĐH). Điều này không chỉ giúp khai sinh một chuyên ngành "rất mới" mà còn tạo thêm không gian liên kết mới, vượt ra ngoài ranh giới quốc gia.

Đó là trường hợp tiến sĩ năng lượng và vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc Cty American Dye Source (ADS) ở TP.Montreal, Quebec, Canada và Cty hoá chất Mỹ Lan thuộc KCN Long Đức, Trà Vinh.

Áo trắng trong không gian xanh

Sáng sớm. Giữa dòng người tất bật vào KCN Long Đức làm việc, xuất hiện một nhóm sinh viên (SV) mặc đồng phục trắng chen vai cùng các công nhân (CN) rẽ vào cổng Cty hoá chất Mỹ Lan.

Theo chân họ, tôi bước vào một không gian xanh mà nếu không có tấm biển ngoài cổng, thật khó nghĩ đây lại là nhà máy hoá chất. Nơi nào cũng xanh rợp bóng cây, hoà lẫn cùng màu xanh đặc trưng của Cty "mẹ" ADS hiện diện trên các khối kiến trúc.

Từ năm 2005, tôi đã biết, ẩn sau cái tên "hoá chất Mỹ Lan" bình thường là Cty sản xuất vật liệu quang điện tử thứ 12 trên thế giới; bây giờ, được biết thêm, những bóng áo trắng kia là lứa kỹ sư chuyên ngành "Ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano" đầu tiên được tổ chức đào tạo tại Việt Nam. Họ đang đến "giảng đường" của mình theo lịch học 4 ngày mỗi tuần, do tiến sĩ trưởng khoa - cũng đồng thời là giám đốc Cty - giảng dạy.

Tính ra chỉ mất có 3 năm, giấc mơ "học viện chất dẻo" của người trí thức Việt kiều Canada, quê gốc Trà Vinh, hiện sở hữu 50 bằng phát minh đẳng cấp quốc tế và được bầu làm Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã trở thành hiện thực.

Còn nhớ hồi tháng 4/2006, tôi từng nghe ông Nguyễn Thanh Mỹ bộc bạch: "Mình cùng vài người bạn, như anh Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Trà Vinh; anh Tống Minh Viễn - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trà Vinh; anh Võ Văn Trương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Concordia ở Canada, quê gốc Trà Vinh... muốn góp phần hỗ trợ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành hoá học và vật liệu cho Việt Nam, nên nghĩ ra ý tưởng liên kết.

Giai đoạn đầu, các em sẽ được học lý thuyết và thực tập tại Trà Vinh (Trường CĐCĐ và Cty hoá chất Mỹ Lan), sau đó đưa sang Canada nghiên cứu (Trường ĐH Concordia và Cty ADS).

Mình muốn góp phần cung cấp cho đất nước nhiều tài năng trong ngành đang mang lại lợi nhuận cao nhất tại Mỹ, Đức, Nhật và các nước tiên tiến khác.

10 năm trước ở Thượng Hải, lương chuyên gia hoá học chỉ vài chục USD mỗi tháng, hiện giờ tăng lên vài ngàn USD. Mình mơ 10 năm nữa, ở Trà Vinh cũng sẽ có mức lương như vậy".

Và điều không thể đã trở thành có thể: Tháng 6/2006, Thủ tướng ký quyết định nâng cấp Trường CĐCĐ Trà Vinh thành ĐH Trà Vinh. Tháng 7/2007, Bộ GDĐT "bật đèn xanh" cho trường ĐH "mới toanh" chiêu sinh một chuyên ngành "rất mới", thu hút tới 869 thí sinh dự thi, tạo ra tỉ lệ "chọi" khắc nghiệt "29 lấy 1", trải qua sàng lọc, còn lại 23 SV năm II.

Thấy tôi loay quay tìm góc độ cho tấm ảnh "áo trắng trong không gian xanh", tiến sĩ trưởng khoa kiêm giám đốc Cty nói ngay: "Trước tháng 10/2008, không thể có cảnh này cho nhà báo chụp, bởi khoa Hoá học ứng dụng vẫn chưa được Trường ĐH Trà Vinh thành lập, dù SV đã nhập học 1 năm. Theo quy định mới, muốn lập khoa mới thì phải có tiến sĩ phụ trách. Thế là hiệu trưởng ngỏ lời. May mà mình đã nhập quốc tịch Việt Nam...".

Biến Cty thành giảng đường

Trong phòng thí nghiệm, tôi tranh thủ hỏi chuyện SV Nguyễn Quốc Cường, quê ở thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Cường nói:

"Từ hồi khai giảng đến giờ, hàng tuần chúng em đến Cty học 3 ngày thực hành và 1 ngày lý thuyết. Tất cả phải nghe giảng và đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Phương pháp của "chú" Mỹ rất thực tế: Học được thì phải làm được, không chấp nhận lý thuyết suông.

Tìm đến "giảng đường" đặc biệt này còn có cả giảng viên. Cô Nguyễn Xuân Thì Diễm Trinh - tốt nghiệp khoa Công nghệ hoá học, Trường ĐH Cần Thơ, hiện là cán bộ trợ giảng - cho biết: "Trong thời gian ở ĐH Cần Thơ, chúng tôi chỉ thực tập thủ công, tức là chỉ được... coi ảnh chụp các loại máy móc, chớ không trực tiếp sử dụng như bây giờ. Tôi nhận thấy Cty có môi trường làm việc rất tốt, máy móc hiện đại; đội ngũ kỹ sư thành thạo, hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình".

Trong giấc mơ "học viện chất dẻo" của mình, ông Mỹ luôn đặt Cty ADS và Cty hoá chất Mỹ Lan vào vị trí là nhà tài trợ chính, không chỉ cung cấp cơ sở thực tập mà còn xét tặng học bổng, mua tài liệu phục vụ giảng dạy, bao vé máy bay cho các giáo sư thỉnh giảng từ nước ngoài...

Hơn thế nữa, ông còn cho xây hội trường để biến Cty thành giảng đường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Do tất cả SV đều được cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp nên ngay trong quá trình đào tạo, các em cũng tiếp thu luôn nền nếp hoạt động của Cty. SV còn được đãi ăn miễn phí bữa cơm giữa ca cùng tập thể công nhân.

Khi nơi học tập cũng chính là nơi làm việc sau khi tốt nghiệp, tôi không biết chọn cách diễn đạt nào khác hơn "giảng đường thời hội nhập" cho trường hợp này.

Kết nối giáo dục "xuyên quốc gia"

Sau khi đầu tư 1 triệu USD mở Cty hoá chất Mỹ Lan, ông Mỹ đã hợp tác với Cty Ipagsa (Tây Ban Nha) đầu tư thêm 10 triệu USD, mở Cty sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan (chuyên cung cấp bản kẽm CTP dùng trong công nghệ in offset). Mỗi mét vuông bản kẽm CTP cho phép thu lãi không dưới 1USD, mà nhà máy mới có công suất thiết kế tới 15 triệu mét vuông/năm.

Hôm tôi đến thăm, đúng dịp Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - ông Trần Hoàn Kim, bất ngờ ghé vào kiểm tra tiến độ thi công nhà máy. Thấu hiểu khó khăn của nhà đầu tư, vào năm 2007, ông Kim từng ký quyết định trích ngân sách 14 tỉ đồng cho khoa Hoá học ứng dụng mua sắm trang thiết bị.

Bây giờ, ông được biết thêm: Kể từ năm thứ ba trở đi, sẽ khó có ai trong nước đủ khả năng giảng dạy chuyên sâu về chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano ngoài tiến sĩ trưởng khoa. Đó là một trong những lý do thúc đẩy "Mạng lưới giáo dục Canada - Việt Nam" ra đời.

Ông Mỹ cho biết: "Vào tháng 6/2008, tôi cùng các anh Lê Quốc Sính - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Canada, Võ Văn Trương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Concordia đứng tên ký văn bản thành lập hiệp hội hoạt động phi lợi nhuận "Canada - Vietnam Education Network", nhằm vận động các giáo sư - tiến sĩ ngoài nước hỗ trợ đào tạo cho các trường ĐH trong nước.

Hiệp hội do anh Sính làm chủ tịch, tôi làm phó chủ tịch, Cty ADS tài trợ hoạt động trong năm đầu. Đã có nhiều hội viên tham gia, trong đó khoảng 90 giáo sư - tiến sĩ ngoài nước và 5 trường ĐH trong nước, gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bắc Ninh, ĐH Bình Thuận, ĐH Hậu Giang và ĐH Trà Vinh".

Có một tính toán cho rằng, nếu có đủ điều kiện để 2 Cty sản xuất vật liệu quang điện tử và bản kẽm CTP phát huy hết công suất, thì mức lãi thu được sẽ tương đương với GDP của cả tỉnh Trà Vinh. Xem ra, ở địa phương nghèo nhất Việt Nam, "giảng đường thời hội nhập" đang là đỉnh điểm của chuỗi nỗ lực nhằm vào mục tiêu "đi tắt đón đầu".

Lê Vũ Tuấn

Công ty Hoá Chất Mỹ Lan

Sản xuất bản kẽm in Offset và vật tư ngành in

Email : info@tinhoahoc.com

Trang Web : http://www.tinhoahoc.com

TS. Nguyễn Thanh Mỹ

Email : mytnguyen@adsdyes.com

Trường Đại Học Trà Vinh

Trang Web : http://www.tvu.edu.vn