NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Những khát vọng tri thức và Nỗi đam mê khoa học – y học - GS TS Hồ Hoàng Mật , Kiều bào Mỹ

Một ngày của ông rất bận rộn, với 60 % thời gian dành cho việc phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân, 40% dành cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Thế nhưng trong tâm hồn, “chất Việt” trong ông cứ trỗi dậy, thôi thúc ông làm những việc không liên quan đến công việc chuyên môn của mình như nghiên cứu văn hoá Việt, dịch giới thiệu văn hoá Việt ra thế giới… Là một trí thức tên tuổi không chỉ ở Mỹ mà giới khoa học trên thế giới đều biết, nhưng với ông, di sản quý nhất chính là “chất Việt” trong con người ông. Ông chính là Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Hoàng Mật.

Những khát vọng tri thức

Sinh ra từ dải đất nghèo Quảng Nam nhưng quê gốc từ xã Quỳnh Đôi, Nghệ An, cậu bé Hồ Hoàng Mật như được thấm sâu cái tinh nhụy của hai vùng đất đặc biệt này: Sự chịu thương chịu khó của người con đất Quảng, nét thâm trầm, sâu sắc của chiếc nôi văn hoá đã có từ hơn 600 năm từ ngày khởi lập làng Quỳnh Đôi, ngôi làng của “địa linh nhân kiệt”. Có lẽ vì thế mà “chất Việt” trong con người Hồ Hoàng Mật cũng thấm đượm văn hoá làng xã, văn hoá Việt dù gần 32 năm qua ông nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, dù ông ăn cơm Tây nhiều hơn cơm ta…

Ngày ấy, cậu bé Mật còn nghèo, còn khó hơn những đứa trẻ cùng làng bởi người cha vắn số đã qua đời. Không chấp nhận cái nghèo là số phận và ước mơ vượt lên chính mình, khát khao chiếm lĩnh tri thức đã thôi thúc cậu bé Mật quên đi những trò chơi con trẻ, để lại sau lưng người mẹ hiền lên đường tìm cho mình cái chữ. Từ phổ thông lên đại học là những tháng ngày thiếu thốn, thậm chí đói ăn và đằng đẵng xa mẹ. Năm 1984, khi chưa kịp nhận ra con mình đã thành tài tại nước Mỹ, người mẹ mà ông hằng kính yêu đã nói lời vĩnh biệt để về cõi vĩnh hằng trong nỗi khao khát được gặp mặt con. Dù vậy, nơi suối vàng, dù khắc khoải nỗi nhớ con nhưng chắc hẳn bà sẽ hãnh diện vì sự thành đạt của đứa con trai yêu quý .

Đó là những tháng ngày càng học, người thanh niên trẻ càng nhận ra tri thức là vô tận và suốt 20 năm ròng ông cặm cụi bên những công trình khoa học, những luận án, những nghiên cứu để chữa bệnh cho người. Ông kể: “Để trở thành một Bác sĩ tại Mỹ phải mất 8 năm để học Tiến sĩ Y khoa (4 năm dự bị Y khoa và 4 năm chuyên ngành Y khoa). Sau do phải học tiếp Nội trú Chuyên khoa từ 3 đến 7 năm tuỳ từng ngành, sau đó mới được hành nghề. Riêng tôi, tôi học 8 năm Tiến sĩ Y khoa, 4 năm Nội trú chuyên khoa Sản phụ và 3 năm Hậu chuyên khoa về Giải phẫu Phụ khoa và Giải phẫu Niệu đạo. Chương trình Hậu chuyên khoa nhằm đi sâu hơn và khảo cứu thêm về một chuyên ngành đặc biệt nào đó của chuyên khoa mà mình lựa chọn .

Để có được học vị Tiến sĩ Y Khoa và bác sĩ ở Mỹ là cả một con đường gian nan ngay cả với những người bản địa, chưa kể những người nước ngoài và là người Việt Nam như ông. Thế nhưng, điều khá bất ngờ là Hồ Hoàng Mật đã hoàn thành không những một mà đến hai học vị Tiến sĩ. Ngoài học vị Tiến sĩ Y khoa và bằng bác sĩ, ông tiếp tục hoàn thành xuất sắc học vị tiến sĩ Tiến sĩ Hoá Học. Và cũng trong 20 năm ấy, ông phải vừa học vừa làm việc với một nghị lực phi thường mà chỉ có ý chí và niềm tin mạnh mẽ mới giúp ông vượt qua những khó khăn mà chỉ mình ông thấm hiểu.

Nỗi đam mê khoa học – y học

Hơn 20 năm nghiên cứu, GSTS Hồ Hoàng Mật tập trung nhiều trong lĩnh vực hoá học phân giải và giải phẫu phụ khoa. Đây là hai lĩnh vực khác nhau nhưng đều cuốn hút ông. Hiện ông đang chú trọng vào việc nghiên cứu những ứng dụng của công nghệ sinh học như Enzymes, Antibodies, DNA, RNA trong khoa học phân giải. Đặc biệt, việc nghiên cứu tế bào gốc trong lĩnh vực tái tạo phụ khoa sẽ mở ra một hướng mới trong ngành này. Dẫu con đường phía trước còn rất nhiều chông gai nhưng thành công bước đầu của GSTS Mật hứa hẹn một phương pháp phẫu thuật mới cho bệnh nhân vừa an toàn, ít tốn thời gian và cho kết quả tốt hơn. Ông và các nghiên cứu sinh của mình đang nhiên cứu về chức năng, sự phân phối và cơ cấu tác động của Androgens cũng như sự tương giao của Androgens và Nitric oxide trong chữa bệnh phụ khoa. Sau gần 10 năm làm Giáo sư tại Đại học Alabama (University of Alabama at Birmingham), ông chuyển về là Giáo sư tại Đại học Y khoa Texas (Texas Tech University). Mới đây, GSTS Hồ Hoàng Mật còn nhận lời làm việc cho Đại học UCLA (University of California at Los Angeles). Là tác giả của nhiều cuốn sách về khoa học và Y khoa, đặc biệt ông viết 10 chương trong các sách nói về khoa học và Y khoa đã xuất bản tại Mỹ và gây sự chú ý lớn trong giới Y khoa Hoa Kỳ, trên 50 bài nghiên cứu khoa học của ông đã đăng trên các tạp chí hàng đầu của Mỹ và thế giới, ông còn là vị khách mời đặc biệt trong các hội thảo thế giới…Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi trong con người ông. Đó là lối sống giản dị, tính khiêm tốn và sự tận tụy chăm sóc bệnh nhân, dạy học, nghiên cứu khoa học. Với những cống hiến to lớn của mình, GSTS Hồ Hoàng Mật nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Mới đây, ông nhận cùng lúc hai giải thưởng với số tiền thưởng gần 500 ngàn USD về những nghiên cứu khoa học trong đó Trung tâm Y tế Quốc gia (National Institute of Health) Hoa Kỳ đã tặng thưởng ông 250 ngàn USD.

Chất “Việt” - tình “Việt”

Sau hơn 40 năm xa cách, tháng 09.2005, GSTS Hồ Hoàng Mật mới trở về thăm Quảng Nam và Quỳnh Đôi. Ông bảo: “Hơn nửa đời người tôi mới trở lại Quảng Nam, tất cả dường như đã thay đổi nhưng tôi vẫn không bị lạc đường. Tôi đã nhận ra nền nhà cũ của cha mẹ tôi, ngôi nhà thờ khiêm tốn của gia tộc và tất cả bà con thân quyến. Sau đó tôi ra Quỳnh Đôi để dâng hương. Đây chính là “Thánh Địa” của họ Hồ chúng tôi, ngôi làng với bề dày văn hoá và truyền thống hơn 600 năm. Tôi cũng đến dâng hương tại Bảo Đột nơi một ngàn năm trước đây Đức Nguyên Tổ của chúng tôi đã từ quan về ẩn dật và sanh ra con cháu tạo lập nên họ tộc chúng tôi. Đây là những địa danh mà trước đây tôi chỉ nghe qua lời kể của các cụ và ông bà. Lần đầu tiên được đứng trước những vùng đất thiêng liêng này, lòng tôi tràn ngập cảm xúc mà tôi không thể diễn tả nên lời…”

TS Hồ Hoàng Mật cho biết mong ước của ông khi lập gia đình nếu có con sẽ đặt tên con trai là Trường Sơn và con gái là Hải Vân, hai địa danh in đậm dấu ấn quê hương và gia tộc. Thật kỳ diệu khi ước mong của ông thành hiện thực như ông mong muốn. Hai người con Trường Sơn và Hải Vân như một món quà tuyệt vời của tạo hoá ban phát cho một con người mà chữ “tâm”, cái “tình” luôn hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ.

Một ngày của TS Hồ Hoàng Mật rất dài. Hơn 60% thời gian ông dành cho việc phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhân, 40% dành cho việc dạy học và khảo cứu. Thế nhưng trong đáy tâm hồn, chất “Việt” cứ trỗi dậy, thôi thúc ông làm những việc không liên quan đến chuyên môn của mình. Dẫu thiếu tài liệu tra cứu, không có cả kiến thức chuyên sâu nhưng lại là đam mê mãnh liệt của ông: nghiên cứu văn hoá làng xã Việt Nam. “Chất lửa” trong ông như truyền sang cả hai người con dẫu chúng sinh ra và lớn lên tại Mỹ, dẫu Việt Nam chỉ là cái tên chúng nghe qua sách vở, qua ký ức của cha và mẹ.

Giờ đây, Trường Sơn, Hải Vân đã đi tiếp con đường mà người cha kính yêu cua mình đã chọn: hết lòng vì quê hương mình. Trường Sơn cùng cha tham khảo, mày mò tìm tài liệu để dịch cuốn “Quỳnh Đôi Hương Biên” sang tiếng Anh để giới thiệu nền văn hoá làng xã lâu đời, nét văn hoá độc đáo của Việt Nam với thế giới. Đây chính là cuốn Hương Biên lâu đời nhất, trình bày chi tiết lịch sử cũng như sinh hoạt của một làng xã đặc thù tại Việt Nam trải dài hơn 600 năm qua. TS Hồ Hoàng Mật cho biết: “Cuốn sách do cụ Hồ Phi Hội viết vào năm 1856 – 1857 trình bày sự hình thành và phát triển của làng văn hoá Quỳnh Đôi từ khi thành lập làng vào năm 1378 cho đến năm 1857. Sau đó cụ Hồ Trọng Chuyên viết tiếp về những sinh hoạt của làng cho đến năm 1941. Cụ Hồ Đức Lĩnh đã dịch từ Hán văn ra Việt văn và bổ sung thêm nhiều tư liệu mới từ năm 1942 đến cuối năm 1963”. Hải Vân, cô con gái thứ hai lại có một đam mê khác anh trai: khảo cứu về văn hoá dân gian Việt Nam. Hải Vân đã thu thập được khoảng 100 bức tranh dân gian và đang viết một cuốn sách bằng tiếng Anh về đề tài này để giới thiệu cho giới trẻ tại Mỹ. Hải Vân dự định mùa hè năm 2006 sẽ về Việt Nam đi thực tế và nghiên cứu sâu hơn về tranh dân gian tại Đông Hồ, Hàng Trống Hà Nội), làng Sinh (Huế) trước khi hoàn thành quyển sách. Vợ ông, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Xuân Đào đã âm thầm tiếp thêm sức, thêm lửa để ba cha con ông tiếp tục trên con đường lặng thầm hướng về nguồn cội …

TS Mật tâm tình: “Về Việt Nam, tôi thấy vui nhiều lắm. Có ai mà không tràn ngập niềm vui và nỗi xúc động khi trở lại thăm quê hương mình sau bao năm xa cách. Tôi không có gì đặc biệt so với những người khác chỉ ngoại trừ cái “chất Việt” và di sản gia tộc đã thấm sâu trong dòng máu. Tôi cảm thấy vui mừng và tự hào khi di sản ấy đang được truyền lại cho các con tôi. Về Việt Nam mới thấm thía cái tình của người dân mình đối với nhau. Tôi nghĩ rằng khó có thể tìm được một tình cảm chân thành như thế ở một nơi nào khác…”

Những câu hỏi ray rứt…

Về Việt Nam, dẫu niềm vui rất lớn nhưng trong lòng ông cũng ngập tràn những câu hỏi: “Làm sao để đất nước phát triển nhiều hơn không những về kinh tế mà cả về lĩnh vực giáo dục, y học để không những theo kịp các nước trong vùng mà còn theo kip các nước tiên tiến khác trên thế gới? Làm sao để nâng cao vị thế của Việt Nam lên tầm mới? Những người Việt ở hải ngoại như tôi có thể đóng góp được gì cho đất nước? Dẫu có tâm huyết và kinh nghiệm, khả năng chuyên môn, sẳn sàng phục vụ mà không vụ lợi thì chừng đó đã đủ chưa? Đó chính là điều làm tôi trăn trở nhiều nhất. Con số những người Việt là GSTS, những nhà nghiên cứu có tên tuổi, những nhà chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực được đào tạo ở nước ngoài và hiện đang làm việc ở hải ngoại là không nhỏ. Theo tôi nghĩ đây là một tài sản có giá trị cho Việt Nam vì không phải mất thời gian hay tiền bạc để đào tạo. Không sử dụng những chất xám này là một sự lãng phí. Vậy thì câu hỏi phải cần phải được đặt ra là: Tại sao đến giờ này vẫn chưa có một đóng góp gì cụ thể, đúng tầm từ những chất xám này trong lúc Việt Nam đang rất cần? Có thể cũng có những đóng góp nhưng vẫn còn phân tán, lẻ tẻ. Đây là sự phân tán về không gian, và điều quan trọng nhất là sự phân tán về tư duy.”

Dù bận rộn hàng ngày với những “núi công việc”, tranh thủ thời gian rảnh hiếm hoi, ông lại viết những trăn trở, bức xúc của mình gởi về cho NVX “Một điều khác làm tôi cũng trăn trở nhiều là làm sao để những trí thức trẻ phát huy được sáng kiến mới. Nếu không tạo điều kiện cho trí thức trẻ phát huy sự sáng tạo mà cứ theo khuôn mẫu cũ mòn từ việc học, nghiên cứu đến kinh doanh thì liệu VN có sẳn sàng và đủ sức trong sân chơi kinh tế khi gia nhập WTO không? Chúng ta nên nhớ rằng các “cầu thủ” trong sân chơi này rất sáng tạo, rất hăng say và sung sức. Muốn vậy phải để cho giới trẻ có sự tư duy độc lập và ngay cả những phân tích, những chất vấn có tính phê phán mạnh mẽ cũng nên được chấp nhận một khi những phê phán hay chất vấn đó soi sáng được vấn đề và không phải là những phát biểu vô trách nhiệm. Nếu không có tư duy độc lập sẽ không có sự sáng tạo. Với thế giới đang thay đổi từng ngày, kiến thức mới là điều không thể thiếu để đi đến thành công, bên cạnh đó, sự tư duy, tầm nhìn cũng vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ việc hình thành những tư duy này là một điều rất lành mạnh, rất thích hợp cho sự phát triển của đất nước…Với tôi, khi thấy thành công nào của người Việt nhất là người Việt ở nước ngoài, lòng tôi đều cảm thấy rất hãnh diện. Chỉ trong vòng 30 năm mà người Việt đã có mặt hầu hết các lĩnh vực trong các trường đại học, các trung tâm Y khoa, các trung tâm khảo cứu tại Hoa Kỳ và mang lại những thành công xuất sắc. Đó là niềm kiêu hãnh cho bất cứ người Việt Nam nào. Nhưng công tâm mà nói, sự thành công đó không phải do nội lực của mình như nhiều người vẫn tự cao cho rằng người Việt thông minh, học giỏi, chịu khó hơn những dân tộc khác mà còn nhiều yếu tố từ bên ngoài. Ngay chính bản thân tôi cũng vậy, nhiều yếu tố ngoài lúc đó là cơ hội bình đẳng để thi thố tài năng của mình, là môi trường để phát huy sự sáng tạo, để trưởng thành trong tư duy, để không ngừng học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm, để biết trăn trở, để có một cái nhìn rộng rãi toàn cầu thay vì phiếm diện một chiều, biết thích ứng với những đổi thay xảy ra hàng ngày trên thế giới. Người Việt thành đạt nào tại hải ngoại cũng phải biết ơn điều đó, những điều mà người dân bản xứ đã tốn cả hàng trăm năm để tạo dựng nên. Nếu VN có được môi trường như vậy thì sẽ không thiếu gì sự thành công”.

Đến nay, trên 10 vị Tiến sĩ nổi tiếng ở các trường Đại học trên thế giới là học trò của GSTS Hồ Hoàng Mật. Ông cũng đang đỡ đầu cho một số nghiên cứu sinh chương trình Hậu Tiến sĩ. Dẫu làm việc âm thầm, nhưng ông là người tích cực trong việc tạo điều kiện cho các sinh viên VN theo học chương trình Tiến sĩ tại Mỹ. GS Mật cùng các đồng nghiệp lập nên một mạng lưới tại các trường Đại học để giúp sinh viên VN nộp đơn, giới thiệu các học bổng và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên nay có thể theo học tại Mỹ. Với các nhà khoa học, các đồng nghiệp VN, TS Mật trở thành người thầy, người bạn thân thiết để hỗ trợ họ theo học các chương trình Hậu Tiến sĩ về Y khoa hay nghiên cứu khoa học. Mới đây, GSTS Hồ Hoàng Mật nhận lời làm Giáo sư tình nguyện trong ban giảng huấn trường Đại học Phan Chu Trinh tại Hội An, va là uỷ viên trong ban sáng lập một trường đại học dân lập khác tại VN.

Dù là một tên tuổi lớn, một trí thức lớn ở Mỹ, nhưng ông bảo với tôi: “Hãy xem tôi như một người Việt thật bình thường. Những thành đạt về khoa học hay Y khoa thì có nhiều người còn danh tiếng hơn tôi. Còn việc quảng bá những tinh tuý của dân tộc và phổ biến nét đẹp của văn hoá Việt thì bất kỳ người Việt nào quan tâm đến quê hương đất nước mình đều nghĩ đến. Tôi tự thấy việc làm của mình còn rất khiêm tốn, đóng góp cho quê hương đất nước, làm cho Việt Nam giàu đẹp hơn, đó chính là khát khao mãnh liệt của tôi”.

Vâng! Một người “bình thường” như ông, một tấm lòng Việt ở hải ngoại như ông chính là niềm kiêu hãnh của những người Việt ở quê nhà…

Minh Diệu