NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch ( ICDREC ) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM

Ngày 27-04-2009 , hai phòng thiết kế vi mạch trị giá 20 triệu USD đã được khánh thành tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch ( ICDREC ) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Hai phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch nói trên được đặt tại ICDREC và Đại học Bách khoa TP.HCM. Mỗi phòng được trang bị 20 máy tính xách tay, 01 server và bộ phần mềm thiết kế vi mạch do hai công ty thiết kế vi mạch của Mỹ (Mentor Graphics và AMCC) tài trợ.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, đây là hai phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch đầu tiên của Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập về ngành thiết kế vi mạch.

Đối tượng sử dụng phòng thí nghiệm nói trên bao gồm các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên thuộc Đại học Quốc gia và các đơn vị thành viên truy cập từ xa để khai thác bộ phần mềm thiết kế vi mạch.

Về hướng sử dụng phòng thí nghiệm, Giám đốc ICDREC Ngô Đức Hoàng cũng cho biết sẽ tiến hành chia thành 3 giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung vào việc thực hiện thiết lập hệ thống mạng và phần mềm cũng như xây dựng chương trình bảo trì, bảo dưỡng.

Phần triển khai nghiên cứu, phân tích sử dụng được phân bổ theo từng nhóm chuyên môn, xây dựng quy trình cách thức hoạt động cũng như ứng dụng và lên chương trình giảng dạy sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2.

Việc mở rộng phạm vi tới các thành viên trong Đại học Quốc gia và triển khai giảng dạy ra bên ngoài cũng như việc liên kết các trường đại học trong việc triển khai đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên làm đề tài tốt nghiệp trên các phần mềm hiện có sẽ được triển khai trong giai đoạn 3.

Kinh phí thực hiện trong giai đoạn này sẽ được thu trực tiếp từ việc thu học phí giảng dạy, phí đối với giảng viên, sinh viên khi tham gia hoạt động.

“Hiện chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn 1 và đang cố gắng làm chủ phần mềm. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành cử người đi học tại Singapore hoặc mời chuyên gia từ hai công ty tài trợ thực hiện các khóa đào tạo để nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm thiết kế sử dụng vi mạch”, ông Hoàng cho biết.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng đặc biệt nhấn mạnh do phía đơn vị tài trợ yêu cầu nên phần mềm thiết kế vi mạch nói trên chỉ được phép phục vụ cho công tác giảng dạy, chứ không được tiến hành sản xuất , thương mại hóa.

Mai Loan

Khánh thành phòng thí nghiệm Thiết kế Vi mạch do Mentor Graphics và AMCC tài trợ

Hai phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch bắt đầu hoạt động tại Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) của trường Đại học Quốc gia TP HCM từ chiều 27-04-2009.

Hai phòng thí nghiệm trước hết phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập về ngành thiết kế vi mạch; đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành vi mạch tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, cũng là nơi để nghiên cứu và thiết kế thử nghiệm các dòng chip.

Mentor Graphics và AMCC là những công ty thiết kế vi mạch Mỹ đã tài trợ 20 triệu USD lập hai phòng thí nghiệm này, nhằm đón nguồn nhân lực có trình độ, được đào tạo bài bản từ đây sau khi ra trường.

Mỗi phòng thí nghiệm gồm 20 máy tính xách tay, 1 server và bộ phần mềm thiết kế vi mạch. Đây là những phần mềm rất cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học và học tập trong lĩnh vực IC Design, cần phải có sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nước ngoài. Trước mắt, theo thỏa thuận, Đại học Quốc gia TP HCM chỉ được sử dụng các phần mềm trên để phục vụ cho công tác giảng dạy và không tiến hành sản xuất, thương mại hóa.

Đây là phòng thí nghiệm vi mạch đầu tiên của Đại Học Quốc Gia TP. HCM nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập về ngành thiết kế vi mạch.

- Đối tượng sử dụng phòng thí nghiệm : Cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên thuộc Đại Học Quốc Gia TP.HCM. Các đơn vị thành viên truy cập từ xa để khai thác license.

- Hướng khai thác sử dụng: Tổ chức ngay các khóa học ngắn hạn đào tạo cho các đối tượng sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo IC Design; phòng thí nghiệm sẽ là nơi để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành Vi mạch tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, cũng là nơi để nghiên cứu và thiết kế thử nghiệm các dòng Chip.

Hội Kỹ Thuật Việt Kiều : " Vi mạch là lựa chọn số 1 "

Theo GS.TS Đặng Lương Mô nhận định : " Nhiều nước đã làm giàu được từ vi mạch , chúng ta vẫn còn có thể giàu lên từ đây . Chúng ta không cần phải cạnh tranh với Hàn Quốc hay Nhật , chỉ cần làm cung cấp cho thị trường 91 triệu dân mình là đã đủ để có thể phát triển ngành công nghiệp này". Ông cũng cho rằng vi mạch đã làm thay đổi cả diện mạo ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản.

Đồng quan điểm này , Tiến sĩ Phạm Năng Tùng chuyên gia của Qualcomm ( công ty đứng đầu thế giới ở dạng fabless ), dẫn ví dụ về sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc nhờ thiết kế vi mạch. Theo ông, cuối thập niên 1960 Hàn Quốc mới bắt đầu nghiên cứu nhưng 30 năm sau đất nước xứ kim chi này đã có những công ty hàng đầu thế giới về thiết kế và chế tạo vi mạch như Samsung hay Hynix và một trong những chìa khóa dẫn đến sự thành công này chính là những khởi nguồn và sáng tạo của Chính phủ Hàn Quốc trong việc hợp sức các trường đại học để thúc đẩy phát triển vi mạch.

Qua buổi hội thảo các trí thức Việt kiều đều thừa nhận người Việt Nam thừa sức làm được và còn nhiều dư địa để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp này . Thành công gần đây của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch trong việc nghiên cứu và chế tạo thử nghiệp chip vi xử lý 8-bit RISC SigmaK3 là một minh chứng cụ thể nhất mở ra một ngành công nghệ vi mạch hoàn toàn mới tại Việt Nam.