NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Thăm Nhà máy Intel Products Việt Nam

Phối cảnh nhà máy của Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao, Quận 9, TP HCM

Dự kiến tháng 7/2010 nhà máy chip đầu tiên tại Việt Nam với vốn đầu tư 1 tỷ USD của Intel sẽ đi vào hoạt động.

Thông tin này được đại diện Tập đoàn Intel đưa ra tại cuộc họp báo vừa qua tại Tp.HCM.

Bà Debjani Ghosh, Tổng giám đốc Intel Đông Nam Á và Intel Việt Nam, cho biết, đến thời điểm này, nhiều công đoạn để đưa nhà máy sản xuất chip với số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Intel tại Việt Nam đã được hoàn thành đúng tiến độ. Dự kiến tháng 7/2010, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động, đưa ra sản phẩm con chip đầu tiên ở Việt Nam.

Nếu như ban đầu, nhà máy Intel ở Việt Nam dự kiến chỉ sản xuất chip thì nay có thêm dự kiến mới. Intel cho biết, trong tương lai, nhà máy này sẽ sản xuất cả bộ vi xử lý dành cho các thiết bị di động. Trước mắt, các sản phẩm của nhà máy sẽ tập trung ở thị trường nội địa, sau đó hướng tới xuất khẩu.

Năm 2007, Intel bắt đầu khởi động việc xây dựng nhà máy tại Công viên công nghệ cao Sài Gòn với dự kiến, khi triển khai đầy đủ, năng lực sản xuất sẽ đạt 600 triệu con chip mỗi năm và tuyển dụng tới 4.000 nhân công.

Ngoài thông tin dự án trên, bà Debjani Ghosh cũng cho biết, năm 2009, Intel Việt Nam tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng doanh thu của hãng tại Việt Nam sẽ đạt mức 25% so với năm 2008.

Trong bước tăng trưởng trên, theo phân tích của Intel, thị trường Việt Nam đang có sự chuyển hướng mạnh trong tiêu dùng các sản phẩm cao cấp. Năm 2009, những sản phẩm cao cấp được bán nhiều hơn tại thị trường này. Cụ thể là lượng máy tính xách tay dự tính tăng tới 55% so với năm 2008 và thị phần cho sản phẩm này là 28%. Năm 2008, lượng máy tính xách tay bán ra khoảng 454.000 chiếc; lượng máy tính để bàn là 1.290.000 chiếc.

Cũng theo Intel, Việt Nam có dân số trẻ và tỷ lệ máy tính trong các hộ gia đình chỉ từ 6%-7%. Đây là một tỷ nhỏ và cho thấy có nhiều cơ hội để cung cấp các dòng máy tính cho các hộ gia đình. Intel dự tính mức tăng trưởng thị trường máy tính tại Việt Nam là 32%/năm, đứng thứ 2 tại châu Á - Thái Bình Dương, sau Indonesia.

“Sự tăng trưởng máy tính đi cùng với yêu cầu kết nối Internet. Hiện, tỷ lệ người đăng ký thuê broadband (băng thông rộng) ở Việt Nam là 2,5 triệu thuê bao, là tỷ lệ rất nhỏ, chiếm gần 3% so với dân số và chúng ta có cơ hội rất lớn. Mục tiêu được đặt ra đến năm 2012 là 30 – 32 triệu thuê bao. Nếu Việt Nam có mạng wifi khắp nơi đến vùng sâu vùng xa và thế hệ mạng thứ 4G – WiMAX triển khai sớm thì sẽ nhanh chóng hoàn thành mục tiêu này”, bà Debjani Ghosh nói.

Hồng Vinh

Nhà máy chip 1 tỷ USD sắp hoạt động

Giai đoạn 1 của Khu Công nghệ cao TP HCM gồm 300 ha với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Trong các công ty nước ngoài đầu tư vào đây, Intel là công ty có vốn đầu tư lớn nhất ( 1 tỷ USD ) nên cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của lãnh đạo TP HCM cũng như Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM. Điều đáng nói nhất là buổi làm việc hôm qua của lãnh đạo TP HCM với lãnh đạo Intel Products Viet Nam lần đầu tiên hé mở những thông tin, hình ảnh đầu tiên về Intel Products Viet Nam tại Khu Công nghệ cao…

Tiếp đoàn, ông Rick Howarth, Tổng Giám đốc Intel Products Viet Nam, khẳng định : Intel Products Viet Nam đang là ngôi sao của khu vực châu Á vì nhà máy tại Khu Công nghệ cao là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trên thế giới.

Từ tổng quan chiến lược toàn cầu Intel, ông Rick Howarth cho biết thêm, Intel Products Viet Nam sẽ là nơi lắp bộ vi xử lý CPU chứ không chỉ lắp ráp chip điện tử như kế hoạch trước đây và đang xem xét, nếu thuận lợi sẽ có kế hoạch mở rộng thêm nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP HCM…

Về quá trình xây dựng nhà máy, quy trình xây dựng, kiểm tra độ sạch của phòng sạch, lắp máy, chạy thử, ra sản phẩm được đặt trong những điều kiện nghiêm ngặt, tiêu chuẩn nhất. Intel Products sẽ cố gắng đẩy nhanh từng khâu và có thể nhanh hơn thời gian đã định, cuối năm 2009 sẽ kiểm tra độ sạch, lạnh của hệ thống phòng sạch rộng 46.000m2… Hiện, Intel Products Viet Nam đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối trong quá trình xây dựng nhà máy để hoàn thành vào cuối năm 2009, đầu tháng 7-2010 sẽ cho ra đời những sản phẩm đầu tiên…

Từ phòng họp, các cảnh cửa khác trong Intel Products Viet Nam tiếp tục được mở để mọi thành viên trong đoàn bước tiếp vào “ngôi nhà” Intel Products Viet Nam. Phòng ăn, phòng tập thể dục, phòng y tế, phòng thư giãn, thư viện… tất cả đã tươm tất với đầy đủ phương tiện, thiết bị… chờ đón các thành viên, kỹ sư người Việt Nam cũng như người nước ngoài vào làm việc.

Ông Rick Howarth tự hào giới thiệu : Nơi đây, tất cả bàn ghế, phòng ốc, trang thiết bị của nhân viên đều giống với nhân viên cấp cao, giám đốc. Thiết kế với không gian mở, mọi người làm việc ở đây sẽ được thụ hưởng những giá trị công bằng và Intel Products Viet Nam cũng bày tỏ mong muốn các kỹ sư, nhân viên Việt Nam sớm vào đây làm việc. Để có được những thành công ban đầu của Intel Products Viet Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM như đã nói trên, ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao, cho biết: Hàng tuần, Ban quản lý Khu Công nghệ cao đều có buổi làm việc định kỳ với Intel về tiến độ dự án, giải quyết những yêu cầu của Intel…

Tuy nhiên, ông Rick Howarth cho rằng, việc tìm những kỹ sư người Việt vào làm việc ở Intel Products Viet Nam đang gặp một số khó khăn như trình độ ngoại ngữ còn yếu, kiến thức ứng dụng chưa được nhiều… Do đó, Intel Products Viet Nam đang liên kết với các trường đại học tại Việt Nam để có kế hoạch đào tạo thích hợp hơn và cũng ra sức tìm kiếm nguồn lao động người Việt đang học tại các trường đại học ở nước ngoài về làm việc cho Intel Products Viet Nam.

Ông Rick Howarth khẳng định sẽ có chiến lược để đào tạo và tái đào tạo các kỹ sư Việt Nam. Cụ thể, thời gian qua, Intel Products Viet Nam cũng đã đưa 28 người, là sinh viên vừa tốt nghiệp đi tu nghiệp, học tập ở nước ngoài để sau này về Intel Products Viet Nam làm việc.

Trước tiến độ xây dựng nhà máy, cách tổ chức đào tạo nhân lực cũng như cách tạo ra những điều kiện tốt nhất cho người vào làm việc tại Intel Products Viet Nam, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã đánh giá rất cao những việc, chiến lược mà Intel Products Viet Nam đã thực hiện tại Khu Công nghệ cao TPHCM và chủ tịch cũng mong rằng, Intel Products Viet Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án để cho ra đời những sản phẩm đầu tiên, đúng vào ngày 30-4-2010 ( cùng với thời điểm khánh thành giai đoạn 1 Khu Công nghệ cao TPHCM ), sẽ là sự kiện lớn của thành phố cũng như cả nước.

Bình Tân

Ông Craig Barrett , Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Intel ( Hoa Kỳ )

Intel đầu tư đột phá vào Khu công nghệ cao TP HCM

- 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy chíp bán dẫn lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

- Thu hút 4.000 lao động, xuất khẩu mỗi năm từ 5 tỉ USD .

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine..., Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã trao giấy phép điều chỉnh tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỉ USD cho Tập đoàn Intel. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp bán dẫn của Intel tại Việt Nam được cấp phép cách nay 9 tháng với số vốn đầu tư 300 triệu USD. Với việc tăng vốn đầu tư lên đến 1 tỉ USD, đây là nhà máy lớn nhất thế giới của Intel.

Nhà máy ATM lớn nhất của Intel

Theo thông tin từ Intel, việc tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 1 tỉ USD đồng nghĩa với việc cũng tăng diện tích nhà máy từ 45.000m2 lên 152.400m2 với diện tích sàn 46.000m2, gấp ba lần diện tích cũ. Đây là nhà máy về lắp ráp và kiểm định ( Assembly & Test Manufacturing - ATM ) đầu tiên có qui mô như vậy và là nhà máy ATM lớn nhất của Tập đoàn Intel ( các nhà máy xếp thứ hai như ở Philippines và Costa Rica chỉ có qui mô khoảng 25.000m2 ). Nhà máy ở Việt Nam cũng là nơi có công nghệ mới nhất, sẽ khởi công vào tháng 3-2007 và bắt đầu sản xuất từ năm 2009. Khi đi vào hoạt động sẽ xuất khẩu mỗi năm từ 5 tỉ USD.

Theo ông Brian Krzanich, phó chủ tịch phụ trách lắp ráp và kiểm tra sản phẩm của Intel, nhà máy tại Việt Nam sẽ là kiểu mẫu cho hệ thống các cơ sở lắp ráp, kiểm định lớn hơn, hiệu quả hơn của Tập đoàn Intel và sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Intel trên thị trường.

Ông Brian Krzanich cũng cho biết Intel đã xúc tiến xây dựng nhà máy ở Việt Nam từ năm 2002, việc tăng vốn này là một lần nữa khẳng định môi trường đầu tư rất tốt của Việt Nam. Lý do chọn lựa Việt Nam rất rõ ràng, một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục ngày càng cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một chính phủ có quan điểm hiện đại. Ông Brian Krzanich nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi coi đây là một bước nhỏ trong một hành trình dài của việc tham gia tại Việt Nam”.

Cùng với việc tăng vốn và diện tích, nhà máy ở Việt Nam cũng sẽ tăng số lao động từ 1.200 người lên 4.000 người. Trong đó sẽ tuyển 2.500 lao động đơn giản ( tốt nghiệp phổ thông và trường nghề ) và 1.500 lao động cao cấp là các kỹ sư. Đánh giá về nguồn nhân lực Việt Nam sau hơn tám tháng xúc tiến việc xây dựng nhà máy, ông Rick Howarth - tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam - cho biết thời gian qua ông đã tiếp xúc với giảng viên và Sinh Viên của các trường Đại Học Việt Nam và các đánh giá đều rất tốt. Hiện nay Intel Products Việt Nam có 40 nhân viên thì có đến 22 người Việt Nam và ông hài lòng với công việc họ đang làm.

Ông Phạm Chánh Trực, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM ( SHTP ), cho rằng việc Intel mở rộng có ý nghĩa là thêm hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận với qui trình làm việc hiện đại đẳng cấp quốc tế. Họ cũng sẽ được đào tạo theo những chương trình đào tạo hiện đại nhất để làm việc trong ngành công nghệ cao.

Ông Trực cũng cho biết hiện khu công nghệ cao hiện có 19 dự án với tổng số vốn là 1,25 tỉ USD. Trong đó riêng Intel là 1 tỉ USD, gấp bốn lần 18 doanh nghiệp khác, cho thấy qui mô rất lớn của Intel. Việc mở rộng của Intel đã làm cho giai đoạn 1 ( 300 ha ) của SHTP hết đất. SHTP đã trình Chính phủ dự án cho giai đoạn 2 với việc tăng diện tích thêm 613 ha.

Đánh giá việc mở rộng của Intel, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu: “Ngoài vốn và công nghệ, với uy tín và tầm vóc của thương hiệu Intel, sự lan tỏa dự án mở rộng sẽ còn tác động tích cực đến những lĩnh vực khác như đào tạo, nghiên cứu triển khai, quản lý...”.

Giải thích về việc tăng vốn đột biến này, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phụ trách các cơ sở lắp ráp và kiểm định chíp bán dẫn của Intel, ông Brian Krzanich nói: "Chúng tôi quyết định tăng vốn và mở rộng diện tích nhà máy lên 46.000m2 vì quy mô như thế là tối ưu nhất cho một cơ sở lắp ráp và kiểm định. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu nội bộ tập đoàn. Mở rộng diện tích để đạt được hiệu quả cao hơn cũng như tăng khả năng đáp ứng cho nhu cầu khách hàng của chúng tôi". Theo kế hoạch, Intel sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 3-2007 và 2 năm sau sẽ bắt đầu sản xuất. Dự án khi đi vào hoạt động ổn định sẽ sử dụng đến 4.000 lao động.

Tại buổi họp báo chiều ngày 10-11, rất nhiều phóng viên trong nước và cả một số phóng viên nước ngoài đã hỏi đi hỏi lại về cụm từ "lớn nhất thế giới" của nhà máy này. Điều này lập tức được ông Brian Krzanich khẳng định: Đây là nhà máy lắp ráp lớn nhất thế giới của Intel. Nhà máy lớn nhất hiện nay chỉ có diện tích khoảng 25.000 - 26.000m2. Còn nhà máy của Intel ở Malaysia có quy mô lớn là cả một cụm nhà máy và được đầu tư nhiều lần. Không chỉ vậy, ông Brian còn khẳng định, Intel sẽ đưa vào Việt Nam công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. "Nguyên tắc của Intel là khi đầu tư nhà máy mới nào thì đó phải là nhà máy có công nghệ mới nhất. Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ là kiểu mẫu cho hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định của Intel trên toàn thế giới", ông Brian Krzanich giải thích thêm. Intel dự tính mỗi năm sẽ xuất khẩu từ đây khoảng 5 tỉ USD.

"Lý do chúng tôi chọn Việt Nam là rất rõ: một đất nước có dân số trẻ và năng động, hệ thống giáo dục ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động đông đảo và một chính phủ có quan điểm hiện đại", ông Brian Krzanich cho biết. Rick Howarth - Tổng giám đốc điều hành của Intel Việt Nam - cho rằng con số 4.000 nhân công lao động cho nhà máy không phải là một thách thức vì ông nhìn thấy sự sẵn sàng của Việt Nam. 1.500 trong số đó sẽ là kỹ sư và nhân viên cấp trung gian cho các bộ phận quan trọng của công ty. 2.500 còn lại sẽ là lao động đơn giản, chỉ yêu cầu trình độ phổ thông hoặc trung cấp. "Chúng tôi đã làm việc với các trường đại học bàn phương án hợp tác, cung cấp các giáo trình phù hợp để chuẩn bị lực lượng. Hiện tại chúng tôi đã tuyển được 40 nhân viên, trong đó có 18 người nước ngoài, số nhân viên người Việt Nam làm việc rất tốt, có trình độ và ham học hỏi", ông Rick Howarth tự tin.

Phần mình, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - ông Phạm Chánh Trực cho biết mọi công tác chuẩn bị mặt bằng cho Intel đã sẵn sàng theo đúng tiến độ. Điện, nước, giao thông là những khâu cuối cùng đang gấp rút hoàn tất trước khi nhà máy khởi công.

Việc trao giấy phép cho Intel và tổ chức chiêu đãi ngay tại trụ sở UBND TP.HCM trong bầu không khí ấm cúng và trang trọng là một sự kiện khá đặc biệt. Có thể coi đây là một thông điệp đầy ý nghĩa của TP.HCM với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và hoan nghênh Tập đoàn Intel đã chọn Việt Nam để làm nơi đầu tư. Chính phủ Việt Nam tin tưởng chắc chắn dự án sẽ thành công bởi những lý do sau: Việt Nam rất thành công trong công cuộc đổi mới. Kinh tế tăng trưởng cao, từ 7,5% - 8%, liên tục và sẽ tăng trưởng cao trong những năm tới. Việt Nam đã hội nhập tốt đẹp và hiệu quả vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam có nền chính trị, xã hội ổn định và sẽ tiếp tục ổn định vững chắc hơn. Việt Nam là quốc gia có 85 triệu dân và trong tương lai không xa sẽ là 100 triệu dân. Dân số lại trẻ, cần cù, sáng tạo, có học vấn. Đây cũng sẽ là thị trường lớn để đầu tư, làm ăn. Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn mong muốn làm bạn với tất cả các nước, các nền kinh tế. Việt Nam luôn coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ cấu thành nên kinh tế Việt Nam. Tôi xin kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hãy đầu tư vào Việt Nam, Intel tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine: “Đây là dự án đầu tư lớn nhất của công ty Mỹ vào Việt Nam. Hơn nữa, với quy mô là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong hệ thống các nhà máy toàn cầu của Intel, dự án này còn phản ánh bước đi quan trọng và thành công trong nỗ lực to lớn của Việt Nam nhằm thu hút những dự án đầu tư công nghệ tinh vi. Sự kiện ngày hôm nay nối tiếp việc 3 tuần trước đây Intel công bố quyết định đầu tư chiến lược vào FPT - công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam. Tất cả những dấu hiệu đó cho thấy rõ ràng rằng Việt Nam đang dần trở nên đích đến đầy tiềm năng của những nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghệ cao. Đó là điều báo hiệu tương lai của Việt Nam hướng đến sản xuất công nghệ. Tôi muốn có nhiều hơn nữa những buổi công bố như thế này”.

- Nhà máy Intel tại TP.HCM có số vốn 1 tỉ USD, 4.000 lao động, là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) thứ 7 của Intel trên thế giới. Các nhà máy khác ở Penang và Kulim (Malaysia), Cavite (Philippines), Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc), San Jose (Costa Rica).

- Hai nhà máy ở Thượng Hải và Thành Đô (Trung Quốc) thành lập vào các năm 1996 và 2004 với số vốn lần lượt là 540 triệu USD và 525 triệu USD, nhân viên khoảng 5.000 người.

- Hai nhà máy ở Penang và Kulim (Malaysia) thành lập vào các năm 1972 và 1996 với tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD, nhân viên khoảng 10.600 người.

- Nhà máy ở Cavite (Philippines) thành lập năm 1996, tổng vốn đầu tư là 1,51 tỉ USD với 5.000 nhân viên.