NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nhà máy Intel tại Việt Nam vận hành vào Tháng 10 năm 2010

Đại diện của Intel cho hay , cho tới thời điểm này , nhiều công đoạn để đưa nhà máy sản xuất chip với số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Intel tại Việt Nam đã được hoàn thành đúng tiến độ.

Sẽ chính thức đi vào sản xuất vào tháng 10-2010, sản phẩm đầu tiên mà Intel cho “ ra lò ” ở nhà máy Việt Nam là con chip. Tuy nhiên, nếu như ban đầu, nhà máy Intel ở Việt Nam được dự kiến chỉ sản xuất con chip thì nay đã có sự thay đổi. Tương lai, nhà máy này sẽ sản xuất cả bộ vi xử lý dành cho các thiết bị di động.

Rất có thể không lâu nữa nhà máy của Intel ở Việt Nam cũng sẽ sản xuất được bộ vi xử lý Intel Core i7 và Ibex Peak chipset - một trong những thành tựu được Phó Chủ tịch cấp cao của Intel giới thiệu.

Hiện giờ nhà máy của Intel đã có khoảng 300 nhân viên trong đó 130 nhân viên đang được đưa đi đào tạo tại Malaysia, 18 sinh viên năm thứ 3 thuộc 5 trường Đại học kỹ thuật lớn của Việt Nam đang được Intel đưa đi đào tạo tại Mỹ.

Đến tháng 7/2010, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ cần thêm 150 nhân viên kỹ thuật và kỹ sư nữa. Đại diện của Intel cho hay, con số nhân lực này hoàn toàn nằm trong khả năng đạt được của Intel. Đặc biệt, nhà máy của Intel tại Việt Nam sẽ nhận vào 70% là các sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, chỉ có 30% các vị trí cần người đã có kinh nghiệm làm việc thực tế.

Công suất dự kiến của nhà máy Intel Việt Nam là 820 triệu sản phẩm/năm. Để hoạt động hết công suất, nhà máy của Intel tại Việt Nam sẽ phải mất tới 3-5 năm. Khi đó, doanh thu đem về cho Intel từ các sản phẩm của nhà máy sẽ lên tới 5 đến 15 tỷ USD.

Một năm nhìn lại, có thể nói , 2009 là năm Intel toàn cầu đã đạt được những thành tựu đáng kể :

Với lĩnh vực di động , Intel đã ra mắt bộ vi xử lý di động Intel Core i7 và Intel Core i7 Extreme Edition mang tính cách mạng của mình, đưa vi kiến trúc Nehalem siêu nhanh và nổi tiếng của mình tới thị trường di động. Những bộ vi xử lý này đã chứng minh hiệu quả tốt nhất khi chơi game, nội dung đa phương tiện kỹ thuật số, hình ảnh, âm nhạc, các ứng dụng doanh nghiệp cùng các phần mềm đa luồng khác…

Cũng trong lĩnh vực di động, Intel đã giới thiệu 4 bộ vi xử lý mới, trong đó có một phiên bản tiêu thụ điện năng thấp cùng một chipset phổ thông, nhằm thúc đẩy các laptop “siêu mỏng” phổ thông. Những bộ vi xử lý điện áp cực thấp của Intel sẽ cho phép tạo ra những thiết kế laptop bóng bẩy mới dành cho người tiêu dùng phổ thông có độ dày chưa đến 1 inch (2,54cm) và trọng lượng từ 2 pound (0,908kg) đến 5 pound (2,27kg) với các mức giá phổ thông. Những bộ vi xử lý này còn tiêu thụ ít điện năng hơn giúp kéo dài thời gian hoạt động của pin, mang lại những trải nghiệm mà người tiêu dùng mong đợi từ những laptop sử dụng nền tảng Intel.

Trong lĩnh vực máy chủ, có thể kể tới thành tựu nổi bật của Intel là khi đã tạo ra những đột phá với các bộ vi xử lý máy chủ. Intel đã giới thiệu tới 17 bộ vi xử lý cấp độ doanh nghiệp mới, dẫn đầu là các bộ vi xử lý Intel Xeon dòng 5500. Đây là những bộ vi xử lý mang tính cách mạng cao nhất của Intel kể từ khi Intel giới thiệu ra thị trườngcác bộ vi xử lý Intel Pentium Pro gần 15 năm trước.

Với máy tính để bàn, năm 2009, Intel đã giới thiệu những bộ vi xử lý Intel Core i7 và Intel Core i5 - vi kiến trúc Nehalem mới nhất đã được mở rộng tới thị trường máy tính để bàn phổ thông và mảng thị trường máy chủ sơ cấp…

Ngoài ra, Intel cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực Wimax, cải tiến trong sản xuất, các sản phẩm nhúng và điện tử tiêu dùng cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và tiếp thị.

Intel khánh thành nhà máy 1 tỷ USD ở Việt Nam

Tập đoàn Intel của Mỹ sẽ đưa vào hoạt động nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip với quy mô 1 tỷ USD ở Việt Nam vào cuối tháng này, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức điều hành tập đoàn cho biết.

Ngoài ra, Intel cũng khánh thành một nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn trị giá 2,5 tỷ USD tại Đại Liên, Trung Quốc.

Mục đích của việc đầu tư nhà máy ở Việt Nam và Trung Quốc là nhằm giúp hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ở những quốc gia châu Á mới nổi.

"Chúng tôi dự tính, trong vài năm tới, thị trường máy tính cá nhân của châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Chúng tôi nhất định đầu tư tiếp vào châu Á, nơi mà chúng tôi nhận thấy đang tăng trưởng", Navin Shenoy, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Intel, cho biết.

Việc chính thức đưa vào hoạt động hai nhà máy mới diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng cung tăng khiến giá cả giảm sút.

Nhu cầu máy tính cá nhân toàn cầu trong quý 3 cũng thấp hơn dự đoán, do áp lực từ nhu cầu tiêu dùng. Hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu tăng 11% trong quý 3, nhưng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tập đoàn Intel vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành này. Ông Shenoy cho rằng, mặc dù công ty nhận thấy nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu còn yếu kém, nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Á vẫn tiếp tục mua máy tính.

"Châu Á có dân số trẻ và tỷ lệ phổ cập máy tính ở mức thấp. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia, là những thị trường quan trọng", Shenoy cho hay.

Intel đã công bố kế hoạch đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam từ năm 2006 và khởi công xây dựng trong năm 2007. Hãng cho biết, nhà máy này sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Nhà máy tại Việt Nam là cơ sở lắp ráp và kiểm định chip thứ 7 của Intel. Các nhà máy khác của tập đoàn này được đặt ở Penang và Kulim (Malaysia); Cavite (Philippines); Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc); và San Jose (Costa Rica).

Ngoài nhà máy tại Việt Nam, cuối tháng này, Intel cũng sẽ mở cửa một cơ sở khác ở Đại Liên (Trung Quốc) trị giá 2,5 tỷ USD.

Nhà máy này sẽ sản xuất con chip bằng loại đế 300 mm thế hệ mới. Các nhà máy sản xuất chip sử dụng loại đế này có thể cắt giảm chi phí khoảng 30% so với những nhà máy sử dụng loại đế thế hệ cũ 200 mm.

Nhà máy tại Đại Liên sẽ sản xuất các nhóm mạch tích hợp sử dụng cho CPU của máy tính xách tay và máy tính để bàn. Dự kiến, số nhân công của nhà máy là 1.500 người khi chạy đủ công suất.

Ngoài máy tính cá nhân, theo ông Shenoy, Intel còn nhìn thấy những cơ hội từ thị trường điện tử tiêu dùng, bao gồm tivi kết nối Internet và điện thoại di động thông minh.

Doanh số thị trường tivi kết nối Internet sẽ tăng 217% lên mức 430 triệu chiếc vào năm 2014, từ mức khoảng 135 triệu chiếc trong năm nay, hãng nghiên cứu iSuppli cho biết hồi tháng trước.

Hôm 13/10/2010, Intel công bố lợi nhuận quý 3 tăng 59%, lên 2,96 tỷ USD, nhờ khối doanh nghiệp tăng chi tiêu cho ứng dụng công nghệ, giúp giảm bớt gánh nặng từ nhu cầu máy tính cá nhân giảm sút.

Hôm 28/2/2006, tập đoàn Intel đã được trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm tra chip bán dẫn (Assembly and Test Manufacturing - ATM) tại Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP).

Quy trình Assembly/Test (A/T) là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel được phân phối tới tay người tiêu dùng. Đây là khâu cần đến công nghệ cao của toàn bộ quá trình sản xuất linh kiện phía trong của Intel.

Quy trình A/T gồm 3 giai đoạn: đóng gói, kiểm tra và giao hàng. Khâu cuối cùng của quá trình sản xuất trước khi tung sản phẩm ra thị trường này là quy trình mang tính sống còn đối với sự thành công trong chiến lược nền tảng của Intel.

Châu Sơn

Hanel trở thành OEM của Intel tại Việt Nam

Tập đoàn Intel và công ty điện tử Hà nội (Hanel) vừa ký thỏa thuận hợp tảng chiến lược, theo đó Hanel chính thức trở thành nhà sản xuất máy tính thiết bị gốc (OEM) của Intel tại Việt Nam.

Đây là một bước tiến quan trọng của Intel và Hanel nhằm thúc đẩy sự phát triển của máy tính thương hiệu Việt ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Hợp tác chiến lược này cũng đồng thời khẳng định cam kết hiện nay của Intel trong việc mở rộng khả năng hỗ trợ của mình tại thị trường Việt Nam.

OEM là chức danh cao nhất của Intel dành cho các công ty sản xuất - lắp ráp máy tính trên thế giới. Là đối tác OEM của Intel, Hanel sẽ nhận được những hỗ trợ tích cực nhất trong việc nâng cao khả năng sản xuất với các chương trình hỗ trợ sản xuất của Intel. Ngoài ra, Hanel được hướng dẫn đi theo đúng lộ trình sản phẩm của lntel.

Qua đó, Hanel có lợi thế đặc biệt trong việc đưa ra các sản phẩm công nghệ mới nhất của Intel với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Intel đã cam kết sẽ hỗ trợ Hanel trong việc ứng dụng các giải pháp, công nghệ, các sản phẩm mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như các sản phẩm mới dựa trên các nền tảng tiên tiến nhất của Intel…

Theo thỏa thuận hợp tác này, Hanel cam kết sẽ sử dụng 100% công nghệ xử lý của Intel trong tất cả các sản phẩm của mình, và sử dụng phần lớn bo mạch chủ gốc của Intel trong các sản phẩm máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy chủ cho các dự án giáo dục và dự án chính phủ. Hanel cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Intel trong các chương trình chính phủ như chương trình máy tính giá rẻ cho các trường học...

Ông Navin Shenoy, Phó Chủ tịch Tập đoàn, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Những công nghệ hàng đầu của Intel đã và đang giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận nhanh hơn và hiệu quả hơn về chi phí cho người dân không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Việc Intel hợp tác với Hanel sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển CNTT của Việt Nam nhanh hơn và vững chắc hơn, tiến tới nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực về khả năng ứng dụng CNTT-TT."

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc công ty Hanel đã khẳng định: "Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để trở thành Nhà sản xuất máy tính trong nước của Intel một lần nữa khẳng định quyết tâm của chúng tôi trong chiến lược mang các sản phẩm máy tính và công nghệ tới gần hơn với người sử dụng trong nước, đưa máy tính thương hiệu Việt đạt đến tầm cạnh tranh với các sản phẩm trong khu vực, cũng khẳng định được thương hiệu máy tính Hanel đã có uy tín tại Việt Nam. Qua đó cũng thể hiện quyết tâm của Hanel trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ cao đó là Điện tử - Tin học- Viễn thông, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam."

Công ty Điện tử Hà Nội là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Năm 2007, công ty có 24 công ty thành viên với hơn 8300 nhân viên, tổng doanh thu đạt 278 triệu đôla Mỹ.