NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh - SAIGON HI-TECH PARK

ĐỊA ĐIỂM LÝ TƯỞNG CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ CAO

Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 913 ha, cách trung tâm thành phố, cảng Sài Gòn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 15 đến 17 km. Nằm ở giữa 43 khu công nghiệp và khu chế xuất - hạt nhân của vùng kinh tế động lực phía Nam, đặc biệt là sát cạnh Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Khu Công nghệ cao TP.HCM là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Khu Công nghệ cao TP.HCM phát triển theo mô hình là một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong nước. Đây là nơi tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất kinh doanh – nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Hiện nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao thuộc 4 lĩnh vực : Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và viễn thông; Công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác; Công nghệ sinh học áp dụng cho y tế, dược phẩm và môi trường; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano và năng lượng.

Để hỗ trợ cho các nhà sản xuất công nghệ cao, Khu Công nghệ cao TP.HCM đồng thời mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng các cơ sở nghiên cứu triển khai ( R&D ), cơ sở sản xuất phần mềm tin học, các công ty dịch vụ kỹ thuật, các công ty hậu cần đảm bảo, vườn ươm công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao cùng với các dịch vụ khác.

Với vị trí rất chiến lược như gần các khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai, dễ dàng kết nối với Nhơn Trạch sau này . Sau gần 13 năm hình thành và phát triển ( Khu công nghệ cao Sài Gòn SHTP được thành lập vào tháng 10-2002 ) thì đến nay SHTP đã có hơn 40 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, đào tạo và nghiên cứu. Một số doanh nghiệp nổi tiếng như Intel , Nidec , Sanofi , Sonion , Samsung ... là minh chứng cho hiệu quả thu hút vốn FDI của SHTP . Tính đến quý 2 năm 2014 thì SHTP đã cấp phép cho 77 dự án với tổng vốn hơn 2,4 tỷ USD trong đó vốn FDI chiếm đến 75% . Cơ sở hạ tầng của SHTP đang gần như hoàn thiện, các doanh nghiệp đầu tư đang triển khai xây dựng nhiều nhà máy, trung tâm nghiên cứu tại đây .

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ khi chính thức thành lập tháng 10-2002, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã đạt được kết quả đáng khích lệ: đã thu hồi được 150 ha ( tính đến ngày 10-6-2004 ). Trong hai năm 2003-2004 có 31 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản được triển khai đồng loạt. Đáng chú ý là :

- 1/2003 ký Hợp đồng khung với tập đoàn Hewlett-Packard (HP).

- 11/2003 cấp giấy phép đầu tư và chính thức giao đất cho 3 nhà đầu tư đầu tiên thuộc tập đoàn Allied Technologies - một trong những nhà cung cấp cho HP.

- 9/2003 ký kết chương trình hợp tác với Đại học Quốc gia TPHCM

- 4/2004 ký kết thỏa thuận với Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp (CEA -Leti) về đào tạo chuyên gia.

Ngoài ra Khu Công nghệ cao TP.HCM đã tiếp xúc, giới thiệu và hướng dẫn những thủ tục cần thiết về khả năng đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM cho hơn 90 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất qui định trong các văn bản pháp lý liên quan của Chính phủ Việt Nam. Riêng đối với đầu tư cho R&D và đào tạo công nghệ cao còn được ưu đãi hơn.

Các loại phí và giá được áp dụng cho các doanh nghiệp đầu tư trong Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ được tính ưu đãi hơn nhiều so với bên ngoài. Giá thuê đất cho sản xuất công nghệ cao chỉ từ 0,60 đến 1 USD/m2/năm, Khu Công nghệ cao TP.HCM có cổng Internet riêng, thời gian Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cấp phép đầu tư từ 3 đến 7 ngày làm việc, nhà đầu tư được hỗ trợ tuyển dụng lao động có chất lượng và kỹ năng phù hợp, được bảo hộ quyền sở hữu vốn đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền hợp pháp khác.

Sự phát triển của nhà đầu tư chính là thành công của Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Tầm nhìn - Sứ mệnh - Mục tiêu

Tầm nhìn

“Chúng tôi hướng đến việc phát triển một đô thị khoa học công nghệ thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng kinh tế, công nghệ tri thức của Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực Kinh Tế Động Lực Phía Nam, thực hiện một mô hình sáng tạo công nghệ, phát triển vốn tri thức và nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam”

Sứ mệnh

- Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi về tài chính và công nghệ để thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao.

- Cho phép Việt Nam "đi tắt đón đầu" vào các ngành công nghệ cao chiến lược.

- Thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao tại Việt Nam.

- Tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ tới các ngành công nghiệp trọng điểm và các công ty trong nước.

- Thực hiện thương mại hoá công nghệ và khoa học.

- Tăng tốc và duy trì sự phát triển kinh tế của TpHCM và Vùng Kinh Tế Phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mục tiêu

Xây dựng Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm phát triển, nghiên cứu và chế tạo Công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam, đủ khả năng thực hiện và hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ cao.

Thu hút các công ty đa quốc gia lớn nắm các công nghệ then chốt và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước.

Tạo một môi trường an ninh, hỗ trợ và hợp tác giữa Khu Công nghệ cao , Vườn ươm, các công ty công nghệ tăng trưởng cao và mới khởi sự.

Tạo dựng một mô hình phát triển hòa hợp giữa các tập đoàn đa quốc gia và các công ty trong nước.

Nuôi dưỡng sự hợp tác giữa Khu Công nghệ cao , các bên thuê đất và các trường đại học, viện nghiên cứu (Đại Học Quốc Gia, các đại học khác và các tổ chức đào tạo, ...).

Tạo thuận lợi cho sự giao lưu và hợp tác công nghệ giữa trung tâm R&D của SHTP và các tổ chức nghiên cứu, các viện nghiên cứu của TW, các nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao , các trường đại học và các công ty.

Tạo đòn bẩy cho mối quan hệ với các chuyên gia Việt Kiều, viên chức điều hành và các nhà đầu tư để thúc đẩy các hoạt động tiếp thị, xúc tiến, đầu tư và phát triển kỹ thuật.

Tạo đòn bẩy công nghệ và thúc đẩy sự lớn mạnh của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Thúc đẩy sự phát triển của Trung Tâm Huấn Luyện Chuyên Gia và Kỹ Thuật Viên .

Phát huy tối đa sự phối hợp giữa hoạt động của Khu Công nghệ cao với chính sách công nghệ cao quốc gia.

Phát huy tối đa quan hệ hỗ tương giữa các nhà đầu tư, các nhà cung cấp dịch vụ và các công ty bổ trợ.

Giảm thiểu chi phí phát triển hạ tầng ban đầu và tạo động lực cho sự thành công.

Trái tim của Khu công nghệ cao TP.HCM

“Nếu xem các công ty nước ngoài có tên tuổi như gã khổng lồ Intel hay các công ty Nhật như Nidec… là bộ mặt, thì ý tưởng về không gian khoa học như là trái tim của khu công nghệ cao”. Ông Phạm Chánh Trực, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao cho biết, thay lời mở đầu của cuộc chuyện trò với ông về những dự định phát triển trong tương lai của khu công nghệ cao. Thường ở độ tuổi của ông, người ta chỉ tính đến chuyện của vài năm tới. Còn ông, cái nhìn đang hướng đến một, vài thế hệ sau – những người sẽ là chủ nhân của không gian khoa học mà hôm nay, ông là một trong những người gạch những nét vẽ đầu tiên cho không gian này. “Trong khu công nghệ cao, sẽ dành 100ha cho trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở đào tạo và vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao” – ông nói. “Chúng tôi muốn tổ chức không gian khoa học là nơi cộng đồng khoa học sinh sống, làm việc” – ông nói tiếp. Từ mục tiêu trên, theo ông Trực, sẽ có những hoạt động cho phù hợp. Trong không gian vật chất đó, cần phải có phòng thí nghiệm, các trung tâm đào tạo và vườn ươm doanh nghiệp. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò ươm tạo. Chỉ cần có ý tưởng tốt, chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức giúp nghiên cứu ra sản phẩm” – ông cho biết. “Điều quan trọng là phải có các chuyên gia tư vấn ở nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm, giúp người nghiên cứu phát triển và hoàn thiện ý tưởng” – ông giải thích thêm về vườn ươm.

Không gian khoa học này, theo ông Trực, là hạt nhân về năng lực nội sinh khoa học công nghệ của khu công nghệ cao. Chính yếu tố nội sinh này khiến nó đóng vai trò trái tim của khu công nghệ. Năng lực nội sinh, khái niệm này được nhiều nhà khoa học chân chính nhắc đến như một lới hứa cũng là “một món nợ” trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình. Khi Intel nhận quyết định đầu tư vào khu công nghệ cao, một tiến sĩ có hàng chục bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ, Nhật vẫn khẳng định rằng: Rất cần năng lực nội sinh. Có như vậy, theo lời giải thích của vị này, Việt Nam mới có hy vọng bắt kịp các nước phát triển.

"Không gian khoa học là đầu mối phối hợp các quan hệ hợp tác khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và triển khai kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của khu công nghệ cao” – ông Trực cho biết thêm về mốt quan hệ của không gian với tổng thể của khu công nghệ cao.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về nguồn vốn đầu tư xây dựng không gian khoa học, ông Phạm Chánh Trực trả lời khá đơn giản và đầy tính khẳng định: “Phần vốn xã hội mới là lớn”. Như ý ông diễn giải, khu công nghệ cao chỉ đầu tư xây dựng hạ tầng tốt, có một số phòng thí nghiệm và trung tâm đào tạo, còn lại là thu hút vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Một phần mình phải dựa vào các phòng thí nghiệm quốc gia. Phần khác phải hợp tác, thu hút nguồn lực xã hội – ông nói. Điều kiện giúp cho việc hợp tác và thu hút các dự án hợp tác, theo ông Trực, là do vai trò “đầu ra” của khu công nghệ cao. “Sinh viên tốt nghiệp từ các ngành công nghệ cao ở các trường đại học trong cả nước sẽ nhắm tới các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm đặt tại khu công nghệ cao” – ông giải thích. Từ vai trò đầu ra này, khu công nghệ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong cả nước. Bên cạnh đó theo ông Trực, phải tính chuyện thu hút nguồn lực chất xám của Việt Kiều.

Đặc thù của việc xây dựng khu công nghệ cao ở Việt Nam, theo ông Trực, khác với quy luật thông thường là các nước phải qua thời kỳ công nghiệp hoá, rồi công nghiệp phát triển, mới tới công nghệ cao. Còn mình là nước đang phát triển, đang công nghiệp hoá mà xây dựng khu công nghệ cao. Cách làm riêng như vậy, theo ông Trực, vẫn có thể thành công. “Đó là nhờ toàn cầu hoá kinh tế. Bất kỳ nơi đâu có điều kiện tốt, hạ tầng tiên tiến, nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thì các công ty, các tập đoàn sẽ đầu tư” – ông nói. Ta tiếp cận công nghệ cao, tiếp thu học hỏi và tiến tới nghiên cứu sáng tạo công nghệ. Không chỉ dừng lại ở ý tưởng xây dựng không gian khoa học, ông Trực còn đề cập tới một thành phố khoa học dựa trên nền tảng khu công nghệ cao. “Cộng đồng khoa học cần có một không gian sống, làm việc và lao động sáng tạo cho phù hợp” – ông giải thích.

Phi Giao

Khu công nghệ cao TP.HCM chuyển động những dự án lớn

Là một trong hai khu công nghệ cao của cả nước, Khu công nghệ cao TP. HCM ( Sai Gon Hi-tech Park - SHTP ) đã hoạt động hiệu quả chỉ trong vòng hơn 4 năm kể từ ngày thành lập. Trong những ngày đầu năm 2007, Khám Phá đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Mai, quyền Trưởng ban quản lý SHTP về những định hướng mới khi SHTP cùng cả nước hội nhập WTO.

Xin ông cho biết một vài nét về chức năng quản lý của Khu công nghệ cao TP. HCM so với các khu công nghiệp, khu chế xuất khác.

Ông Nguyễn Đình Mai: Được Chính phủ ra quyết định thành lập từ 24.10.2002, Khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện mục tiêu góp phần tạo ra năng lực khoa học và công nghệ không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước.

Khu công nghệ cao đang trải qua giai đoạn khởi nghiệp ban đầu với "cú hích" thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thông qua đó tiếp nhận chuyển giao - áp dụng - hoàn thiện công nghệ, thông qua con người. Khác với khu công nghiệp và khu chế xuất, khu công nghệ cao không chỉ chuẩn bị tốt một môi trường thu hút đầu tư sản xuất công nghệ mà còn nhằm thu hút hoạt động Nghiên Cứu và Triển Khai ( R&D ) và hơn nữa, còn có chức năng tổ chức các hoạt động Nghiên Cứu và Triển Khai R&D của chính bản thân mình, là một trong những hạt nhân liên kết lực lượng khoa học - công nghệ của cả nước hướng về thị trường; liên kết đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất và Nghiên Cứu và Triển Khai R&D; ươm tạo và liên kết ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao.

Tính đến thời điểm 31-12-2006, Khu công nghệ cao đã thu hút được bao nhiêu dự án đầu tư ? Những dự án nào được xem là tiêu biểu đặt nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực và môi trường đầu tư ?

Cho đến nay, Khu công nghệ cao đã thu hút được số vốn đầu tư là 1.258.750.000 USD ( bao gồm 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ) và hơn 1.700 tỉ đồng (11 doanh nghiệp trong nước) thuộc các ngành bán dẫn - tin học - viễn thông, sinh học, cơ khí và tự động hoá. Riêng vốn đầu tư nước ngoài năm 2006 chiếm 68% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố. Các dự án một khi được cấp phép phải đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, cho nên đều có nét tiêu biểu và thú vị. Xét trên nhiều mặt, Intel đang là dự án tiêu biểu. Đó là dự án được đầu tư bởi một công ty có công nghệ nguồn; có vốn đầu tư 1.040 triệu USD, lớn nhất so với dự án cùng loại hiện có trên thế giới. Theo kinh nghiệm đã được Ngân hàng Thế giới đúc kết từ Costa Rica đến Malaysia và Philippines, Intel sẽ tác động tích cực đến phát triển công nghệ hỗ trợ và chuỗi cung ứng, có phong cách riêng trong phục vụ khách hàng, và vì vậy tác động đến cả những cải cách cần thiết như trong dịch vụ hải quan chẳng hạn. Vấn đề đặt ra là sự chuyển động của chúng ta càng mạnh bao nhiêu về hướng hoàn thiện thì càng hưởng lợi bấy nhiêu từ sự hiện diện của những công ty có tầm cỡ như đã nêu và ngược lại. Sự hiện diện của Intel cho thấy họ đánh giá tốt về môi trường đầu tư, từ sự chuyển động trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, đặt nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực đến thái độ tôn trọng doanh nghiệp, lắng nghe và có quyết sách tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển ngày càng thuận lợi của Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Intel là một công ty tiêu biểu trong dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao.

Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, vậy ban quản lý đã có những lộ trình hội nhập nào để thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài ?

Vâng, dòng chảy đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu phục hồi dần trong vài năm qua, nhưng rõ nét hơn trong năm 2006, khi Việt Nam gần như sẽ chắc chắn đặt bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, tín hiệu ấy đã trở thành cơ hội thật sự; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ khi mở cửa: hơn 10 tỉ USD trong 2006; đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao có kết quả rõ rệt ở cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Về phần mình và nói riêng về thu hút đầu tư, chúng tôi đang nỗ lực triển khai nhanh giai đoạn 2 ( thêm trên 600ha ) vì giai đoạn 1 ( 300ha ) đã lấp đầy; hoàn thiện hơn nữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. 900ha không thể đủ chỗ cho việc thu hút đầu tư sản xuất và dịch vụ công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố và đất nước. Vì vậy, phối hợp với các ngành, các tổ chức và công ty phát triển hạ tầng để tạo được lan toả đầu tư từ những nhà đầu tư chủ chốt về công nghệ và thị trường, hình thành và mở rộng các chuỗi cung ứng, hình thành nền tảng công nghệ là công việc của nhiều năm tới. Đào tạo, phối hợp đào tạo và làm cầu nối giữa các công ty và trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và cung ứng dịch vụ, Nghiên Cứu và Triển Khai R&D, công nghệ cao đã và tiếp tục là ưu tiên trong nỗ lực của Khu công nghệ cao TP.HCM.

Bản thân Khu công nghệ cao, được sự quan tâm rất nhiều mặt của Chính phủ và lãnh đạo thành phố, đang có trong tay một đội ngũ viên chức có trình độ đại học trở lên; nhiều người trong số họ có trình độ trên đại học từ các đại học Anh - Mỹ, là kết quả của chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của thành phố. Chúng tôi đang quan tâm đến việc bố trí nguồn nhân lực ấy một cách hợp lý nhất để Khu công nghệ cao, về mặt nhân lực, là hình ảnh thu nhỏ của một đất nước đang thiết tha với sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh mà trung tâm là con người luôn luôn hiếu học, cầu tiến, làm việc với tinh thần hợp tác để cùng phát triển và trở thành chuyên nghiệp.

Sau sự hiện diện của Nidec và Intel - Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới

Sáng 28-03-2007, Tập đoàn Intel đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chipset trị giá 1 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TPHCM. Sự kiện này cùng với việc Tập đoàn Nidec Nhật Bản vừa khánh thành 2 nhà trong cam kết đầu tư một tỷ USD tại Khu công nghệ cao TPHCM ( giai đoạn 2006-2010 ) đã góp phần nâng tầm thương hiệu Việt Nam lên nhiều lần trên thị trường đầu tư quốc tế.

Điểm đến mới của đầu tư công nghệ cao

Cách đây 4 năm, ít ai tin rằng Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ công nghệ cao của thế giới. Bởi muốn các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới chọn làm địa điểm tiềm năng, các khu công nghệ cao của các quốc gia phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cao cấp về cơ sở hạ tầng, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sự hiện diện của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Khâu đơn giản nhất là sản xuất công nghệ cao cũng đòi hỏi những quy định hết sức nghiêm ngặt về lực lượng lao động và hạ tầng, đặc biệt là sự ổn định và đa dạng về nguồn cung cấp điện và chất lượng của hạ tầng viễn thông. Nếu đáp ứng những tiêu chuẩn này, quốc gia được lựa chọn sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc về hạ tầng công nghệ - tăng trưởng kinh tế - chất lượng nguồn nhân lực.

Bốn năm, Việt Nam đã đi từ chỗ chưa có gì đến chỗ xác lập được tên tuổi của mình trên trường quốc tế về thu hút đầu tư công nghệ cao, mà sự có mặt của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Nidec tại Khu công nghệ cao TPHCM - Việt Nam chính là “sự xác nhận” tích cực nhất. Điều này thúc đẩy các tập đoàn công nghệ cao khác xem Việt Nam như một địa điểm mới để xây dựng nhà máy và mở rộng sản xuất.

Lấy Intel làm ví dụ. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (năm 2006), các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành công nghiệp vi điện tử, bán dẫn là các nhà cung ứng toàn cầu của Intel sẽ theo chân tập đoàn này vào các quốc gia mà Intel xây dựng cơ sở. Như vậy, Intel sẽ thu hút hệ thống cung ứng của họ vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho tập đoàn. Đồng thời, Intel cũng sẽ phát triển mạng lưới các nhà cung ứng ở Việt Nam để giảm chi phí. Về lâu dài, điều này sẽ giúp hình thành một chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, quyết định đầu tư của các nhà đầu tư lớn như Nidec, Intel cùng những yêu cầu khắt khe của họ về môi trường đầu tư đã tác động tích cực vào việc cải thiện môi trường pháp lý và các quy trình quản lý của chính phủ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan, ngân hàng, từ đó tạo môi trường minh bạch và thông thoáng để thu hút nguồn đầu tư FDI mới.

Lời giải cho bài toán chuyển giao công nghệ

Làn sóng đầu tư này cũng tạo ra một nhu cầu lớn về lao động trực tiếp và lao động kỹ thuật cao. Chỉ tính khi 10 nhà máy của Tập đoàn Nidec đi vào hoạt động, sẽ cần ít nhất 30.000 lao động kỹ thuật và quản lý. Bên cạnh việc tạo ra nguồn việc làm phong phú, cao cấp, nâng cao mức thu nhập người lao động Việt Nam, bài toán chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo cũng đang được tháo gỡ. Hiện nay, để đạt được yêu cầu khắt khe về kỹ năng làm việc, hầu hết lao động kỹ thuật cao tại các nhà máy công nghệ cao sẽ được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Điển hình hơn, Tập đoàn Intel đang hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, đặc biệt với các trường trong khối kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và các kỹ năng làm việc của sinh viên thông qua nhiều hình thức như góp ý cải tiến giáo trình, ngành học, cấp học bổng, nhận thực tập sinh và đào tạo tại nhà máy… Các hoạt động này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hạ tầng giáo dục và trình độ của nguồn nhân lực làm việc tại thành phố nói chung và Khu công nghệ cao TP HCM nói riêng.

Sau gần 5 năm khởi nghiệp, Khu công nghệ cao TP HCM đang hình thành một trung tâm khoa học công nghệ của khu vực phía Nam, triển khai hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu – phát triển và các hoạt động khoa học dịch vụ khác. Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Mai, Quyền Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM: “Công nghệ cao hiểu đầy đủ sẽ bao gồm sản xuất công nghệ cao ( thiết bị công nghệ tự động hóa ), nghiên cứu và triển khai, đào tạo, ươm tạo và cả những lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất. Đây mới là những khoản đầu tư tạo ra giá trị thặng dư lớn cho nền kinh tế và nâng cao năng lực nội sinh của tài nguyên trí thức Việt Nam”.

Chiến lược phát triển của Khu công nghệ cao TP HCM từ nay đến năm 2010

- Thu hút những tập đoàn công nghệ cao có công nghệ nguồn, đặc biệt trong lĩnh vực vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin để xây dựng hoàn chỉnh chuỗi cung ứng của lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn tại Khu công nghệ cao với hạt nhân là nhà máy 1 tỷ USD của Tập đoàn Intel.

- Phát triển hoàn chỉnh hệ thống các ngành dịch vụ công nghệ cao bao gồm các trung tâm hỗ trợ khách hàng (call center), trung tâm dữ liệu (data center), các trung tâm phát triển phần mềm và ứng dụng web ( software dev and web applications ), các trung tâm cung cấp dịch vụ tài chánh, ngân hàng ( business off-shoring )...

- Sau 3 năm hoạt động, Trung tâm nghiên cứu và phát triển ( Trung tâm R&D ) của Khu công nghệ cao TPHCM đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực công nghệ nano, đặc biệt trong việc ứng dụng than nano lỏng sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước vào nhiều lĩnh vực như mực in, pin nhiêu liệu, màng mems. Những thành tựu này đã được đăng ký bản quyền tại Mỹ.

Khu công nghệ cao TP.HCM : Hấp dẫn nhà đầu tư

Khu công nghệ cao TP.HCM (KCNC) là một trong 5 chương trình trọng điểm mang tính đòn bẩy cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2006-2010.

Thành lập từ tháng 10/2002, đến nay Khu Công nghệ cao TP.HCM có diện tích trên 573,4ha đã được xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình phục vụ quản lý, hoạt động… Khu Công nghệ cao đã phát triển thành một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong nước, tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Giá trị xuất khẩu năm 2006 của một số nhà máy đã hoạt động đạt gần 28 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 2.300 lao động. Chỉ 3 tháng đầu năm 2007, Khu Công nghệ cao thu hút 100 triệu USD, chiếm 24% tổng thu hút đầu tư của thành phố.

Hiện tại nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn nước ngoài cũng đang ráo riết tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại đây. Sau dự án của Intel và Nidec, Tập đoàn Jabil (Mỹ) - nhà cung cấp các giải pháp sản phẩm điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư một dự án trên diện tích 50.000m2. Công ty Jabil Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 100 triệu USD. Jabil Việt Nam hoạt động trên lĩnh vực lắp ráp, kiểm định các bản mạch in, lắp ráp hệ thống và kiểm tra các sản phẩm công nghệ cao hoàn chỉnh, chế tạo mẫu khuôn nhựa chính xác và sản xuất các bản mạch công cụ; lưu trữ dữ liệu, thiết bị y tế, thiết bị mạng, thiết bị viễn thông và các thiết bị công nghiệp điện tử tiêu dùng. Jabil có mục tiêu biến cơ sở ở Việt Nam thành trung tâm cung cấp các giải pháp thiết kế, sản xuất và sửa chữa cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp.

Theo TS. Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D ( Khu công nghệ cao TP.HCM ), từ đầu năm 2007, rất nhiều công ty về công nghệ cao hàng đầu thế giới tại Mỹ như CitiGEN (San Jose), Tupperware (Florida), AMD (Texas) và một số công ty nổi tiếng khác như ULVAC (Nhật), CISRO (úc), CEA-LETTI (Pháp), AIXTRON (Đức)... thường xuyên ghé trung tâm, ngoài mục đích hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho Việt Nam họ còn muốn hợp tác phát triển để đi vào sản xuất và thương mại hóa các công nghệ đã được khai phá tại Trung tâm R&D.

TP.HCM đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghệ cao vừa là lợi thế, tiềm năng, nhằm tạo bước đột phá trên lĩnh vực này. Từ phía Chính phủ và các ngành chức năng cũng tạo mọi điều kiện để phát triển Khu Công nghệ cao trên cả ba lĩnh vực: nghiên cứu triển khai, đào tạo và sản xuất. Trước mắt, tiến hành xây dựng cơ chế chính sách, trong đó phương án trong 3 năm 2007-2009 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 913ha, phấn đấu đến năm 2010 lấp đầy 100% diện tích Khu Công nghệ cao.

Trong giai đoạn 2006-2010, có 5 chương trình cụ thể để thực hiện công trình xây dựng Khu Công nghệ cao bao gồm : Chương trình củng cố tổ chức chỉ đạo, điều hành; chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; chương trình đẩy mạnh vận động thu hút đầu tư vào KCNC; chương trình triển khai các hoạt động chiến lược hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực nội sinh về khoa học - công nghệ; chương trình nghiên cứu chiến lược phát triển, khung pháp lý cho Khu Công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2010, TP.HCM thu hút được 10 tập đoàn, công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài có uy tín về khoa học - công nghệ trong 5 lĩnh vực ( bán dẫn, CNTT - viễn thông, vật liệu mới - công nghệ nano, cơ khí chính xác, sinh học và công nghệ tạo năng lượng mới - sạch); Đồng thời, giá trị sản xuất 5 năm đạt 4,5 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố.

Theo ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, Khu Công nghệ cao đã và đang phát triển đúng xu hướng thời đại, mở ra cơ hội cho phát triển Khu Công nghệ cao thành phố trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đề xuất những cơ chế, chính sách mới và mang tính đột phá để tạo điều kiện cho Khu Công nghệ cao phát huy tối đa vai trò, nhiệm vụ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM và là tiền đề phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Phải có cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư phát triển Khu công nghệ cao TPHCM

Đẩy mạnh đầu tư Khu công nghệ cao thông qua cơ chế chính sách thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng mà Chính quyền TP HCM đang thực thi nhằm gia tăng tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tại cuộc họp của UBND TP HCM về cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đề xuất những cơ chế, chính sách mới và mang tính đột phá để tạo điều kiện cho KCNC phát huy tối đa vai trò, nhiệm vụ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố và là tiền đề phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Về cơ chế cho phép thuê tư vấn nước ngoài

Phó chủ tịch đã chấp thuận về chủ trương cho phép thuê tư vấn nước ngoài đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trong Khu Công nghệ cao mang tính phức tạp như dự án xây dựng hạ tầng viễn thông - internet, dự án quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu nghiên cứu - đào tạo - ươm tạo… mà các đơn vị trong nước chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các sở - ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình UBND TP phê duyệt mức chi phí thuê tư vấn nước ngoài đối với từng dự án cụ thể.

Về chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào phân khu R&D

Từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, doanh nghiệp, viện và trường đại học có uy tín quốc tế, Ban quản lý Khu Công nghệ cao được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể của Thành phố .

Đối với kinh phí hoạt động nghiên cứu của Hội đồng khoa học và công nghệ

Phó chủ tịch đã thống nhất chủ trương tùy thuộc nội dung từng dự án cụ thể mà cho phép mời các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong từng lĩnh vực tương ứng để tham gia nghiên cứu, đề xuất và phản biện… Sở Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Ban quản lý Khu Công nghệ cao có văn bản đề xuất về quy chế tổ chức và kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ Khu Công nghệ cao để vừa có thể chủ động trong việc mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành tham gia vào Hội đồng, vừa đảm bảo phù hợp với cơ chế và chính sách chung hiện nay.

Về đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm trong Khu Công nghệ cao từ vốn ngân sách thành phố

Ban quản lý Khu Công nghệ cao cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm công nghệ vi mạch bán dẫn và phòng thí nghiệm nghiên cứu vật liệu nano. Trên cơ sở kết quả hoạt động của 2 phòng thí nghiệm trên, UBND TP sẽ tiếp tục xem xét, quyết định về việc đầu tư các phòng thí nghiệm tiếp theo.

Đối với phòng thí nghiệm công nghệ sinh học

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự án đầu tư Trung tâm công nghệ sinh học của thành phố với đầy đủ các phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ cho việc nghiên cứu về công nghệ sinh học. Do đó, để tránh đầu tư trùng lắp, lãng phí, UBND TP thống nhất chủ trương tạm thời chưa đầu tư thêm phòng thí nghiệm công nghệ sinh học tại Khu Công nghệ cao. Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Công nghệ sinh học trong công tác nghiên cứu, thí nghiệm nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất tại các phòng thí nghiệm của Trung tâm công nghệ sinh học.

Đối với phòng thí nghiệm công nghệ thông tin - viễn thông,

Sở Bưu chính, Viễn thông được giao chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất về quy mô đầu tư, lĩnh vực đầu tư, kinh phí hoạt động…, trình UBND TP xem xét, quyết định. Về đề xuất cấp vốn hoạt động cho các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc Trung tâm R & D trong 3 năm đầu, Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Sở Nội vụ căn cứ vào chương trình hoạt động, nguồn thu dự kiến của các phòng thí nghiệm đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài cũng đã chỉ đạo giải quyết một số đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc như hỗ trợ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao, chỉ định thầu các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng và cấp bách cho Khu Công nghệ cao, các công trình kết cấu hạ tầng ngoài tường rào Khu Công nghệ cao và đầu tư xây dựng nhà máy điện dự phòng cho Khu Công nghệ cao .v.v…

Khu công nghệ cao TP HCM : 5 năm một chặng đường

Trong 2 ngày 23 và 24-10-2007 , Khu Công nghệ cao TP HCM đã tổ chức 5 năm ngày thành lập, sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của Khu Công nghệ cao qua 5 năm hình thành và phát triển.

Được thành lập ngày 24-10-2002, cùng với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở phía Bắc, Khu Công nghệ cao TP HCM được coi là công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, Thành ủy và UBND TP cũng xác định dự án Khu Công nghệ cao TP HCM là một công trình trọng điểm của TP trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Qua 5 năm hoạt động, đến nay Khu Công nghệ cao đã cấp giấy phép cho 27 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.403 triệu USD, bao gồm 14 dự án FDI ( với 1.287 tỷ USD ) và 13 dự án đầu tư trong nước ( với vốn tương đương 116 triệu USD ).

Các dự án trong nước thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin của các tập đoàn lớn như VTC, FPT... Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, linh kiện điện tử, công nghệ sinh học với một số thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực Công nghệ cao như Intel, Jabil của Hoa Kỳ; Sonion (Đan Mạch); Nidec (Nhật Bản)…

Trong đó, năm 2006 thu hút 1,045 tỷ USD ( 44% tổng thu hút đầu tư trên địa bàn TP ); hơn 3 tháng đầu năm 2007 thu hút 100 triệu USD (chiếm 24%). Đặc biệt, dự án của Tập đoàn Intel đầu tư vào Khu Công nghệ cao (tháng 2-2006, điều chỉnh tăng vốn tháng 11-2006) đã tạo cú hích cho công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế.

Các nhà đầu tư gọi đây là hiệu ứng Intel. Vì sau dự án này, nhiều nhà cung cấp linh kiện cho Intel đã nhanh chóng xúc tiến đưa các dự án đầu tư vào hoạt động để tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Sự kiện này đã tạo tiếng vang và sự lôi cuốn mạnh mẽ khiến nhiều công ty, đối tác khác về công nghệ cao trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Hiện nay đang có 40 nhà đầu tư tiềm năng chờ giao 132ha đất với tổng vốn dự kiến đăng ký trên 700 triệu USD. Đã có 7 nhà đầu tư tiềm năng khác cho biết cần 65.000m2 nhà xưởng xây dựng sẵn, với vốn đầu tư dự kiến 113 triệu USD; 14 nhà đầu tư dịch vụ công nghệ cao cũng chờ có đất sạch là “nhảy” vào. Trong số các nhà đầu tư tiềm năng, có thêm những tên tuổi lớn như Dell, Accenture. Tình hình trên cho thấy cơ hội thu hút đầu tư công nghệ cao, cả sản xuất lẫn dịch vụ, đang có tiềm năng rất lớn.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn - nhất là khâu giải phóng mặt bằng, Khu Công nghệ cao đã cố gắng đảm bảo cung ứng một số hạ tầng thiết yếu ( giao thông, điện, nước, giải pháp viễn thông có thời hạn ) cùng với các dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ kịp thời những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

Trong đó, đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như thực hiện 13 dự án, trong đó có 6 dự án khởi công mới giá trị thực hiện đạt 59% kế hoạch. Tập trung vào các dự án san lấp lô ( cấp đất cho Nidec, Intel, Sonion ), xây dựng đường trục chính D1 ( điện, cây xanh, hạ tầng cơ sở...); xây dựng hoàn chỉnh, nghiệm thu và đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông N1 theo cam kết với nhà đầu tư Nidec; xử lý nước thải ( thu gom dọc D1, bể chứa nhà điều hành, nhập thiết bị ); phát triển đường dây trung thế trục chính ( lưới nổi, trạm ngắt ); hệ thống cấp nước ( trạm tăng áp, hệ thống phân phối ), cải tạo nạo vét suối Cái, kè bờ suối Gò Cát và nhánh suối Tiên.

Để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư về lao động có trình độ cao và phù hợp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao đã tiến hành liên kết với Đại học Quốc gia TP HCM trong hoạt động đào tạo, hỗ trợ huấn luyện chuyên môn cao, chuyên nghiệp. Trung tâm đào tạo đã tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư và tổ chức các seminar, hội thảo chuyên đề, các khóa học hướng tới việc đáp ứng trực tiếp yêu cầu đào tạo của doanh nghiệp ( “Chương trình rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp” Pro-skills; Chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật thực hành v.v...); hoàn thành đề án “Thành lập Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch”, nghiên cứu thực hiện “Đề án khoa công nghệ cao”.

Trong 5 năm qua, với nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, mô hình tổ chức và điều hành Khu Công nghệ cao chưa có tiền lệ, nhưng toàn thể cán bộ, công chức và những người lao động Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các đơn vị trực thuộc đã không ngừng sáng tạo, chủ động, tích cực vượt qua nhiều khó khăn vất vả, cùng nhau đoàn kết gắn bó để hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả như hiện nay, Khu Công nghệ cao đang nên vóc nên hình, với nhiều hạng mục công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật thiết yếu, dịch vụ phục vụ nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Song song đó, Ban quản lý Khu Công nghệ cao vẫn chú trọng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, đào tạo gắn với 3 mục tiêu lớn, coi đây là “sứ mệnh” của mình.

Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn Khu Công nghệ cao đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn nổi tiếng trên thế giới; tạo điểm nhấn trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và TP HCM. Những thành tựu nêu trên rất đáng khích lệ, đảm bảo Khu Công nghệ cao được phát triển theo đúng mục tiêu đã đặt ra và sẽ tiếp tục xứng đáng là một công trình trọng điểm của TP mang tên Bác.

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Hi-Tech Park

86 Lê Thánh Tôn, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại: (84.8) 8275359 - Fax: (84.8) 8275641

Email : shtp@hochiminhcity.gov.vn

Website : http://www.shtp.hochiminhcity.gov.vn

Các Nhà đầu tư nói về Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Tập đoàn INTEL, Craig Barrett ( 19/10/2008 )

"Chúng tôi hoan nghênh tiến trình mà đất nước các bạn đã và đang thực hiện để xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghệ và sự hỗ trợ cho các chương trình giáo dục để nâng cao khả năng của lực lượng lao động địa phương. Intel cũng mong đợi được làm việc với chính phủ Việt Nam để giúp Việt Nam phát triển năng lực công nghệ cũng như năng lực cạnh tranh của mình."

Rick Howard, Giám đốc điều hành của Intel Products Vietnam ( 23/12/2008 )

Sau khi tìm kiếm trên quy mô rộng lớn, cuối cùng Intel cũng đã lựa chọn được Khu công nghệ cao TP.HCM để xây dựng nhà máy, vì nơi đây có cơ sở hạ tầng vật chất tốt, có lực lượng lao động sẳn sàng và mối quan tâm đặc biệt dành cho ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam chính là bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành công nghiệp ở đó.

Chủ tịch Tập đoàn NIDEC Shigenobu Nagamori ( 23/12/2008 )

Trong trong 5 năm tới, chúng tôi có kế hoạch đầu tư một tỷ đô la tại thành phố Hồ Chí Minh vì hiện nay tình hình kinh tế - xã hội, phát triển ở Việt Nam là rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và chúng tôi có đức tin vào những gì Chính phủ Việt Nam đã cam kết với các nhà đầu tư.Đối với Nhật Bản, đức tin là rất quan trọng vì vậy một khi chúng tôi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi không còn lo lắng bất cứ điều gì nữa.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Hewlett-Packard - Phụ trách các dịch vụ cung ứng toàn cầu - Ông Wolfgang Zenger ( 23/12/2008 )

Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Trong mỗi chuyến viếng thăm của tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh, tôi quan sát thấy các thay đổi ở mọi góc của thành phố ... Nhiều cao ốc được xây mới, việc xây dựng các cây cầu mới, cửa hàng mới được thiết lập ..., thành phố đã thực sự thay đổi chính mình thành một trung tâm kinh tế nhộn nhịp, kể từ khi tôi ghé thăm đầu tiên và đây thực sự là một địa điểm tốt cho việc đầu tư.

Phó Chủ tịch tập đoàn SONION, Ngài Jorn Bjerregaard-Nielsen. ( 23/12/2008 )

Chúng tôi đã chọn Việt Nam chủ yếu vì đó là một quốc gia tuyệt vời dành cho sản xuất. Với dân số hơn 80 triệu người cùng với lực lượng lao động trẻ, giàu năng lượng và dân trí cao. Việt Nam cũng là địa điểm gần gủi với các nhà máy của chúng tôi tại Trung Quốc và phần lớn các khách hàng của chúng tôi.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Đan Mạch, Ngài Bendt Bendtsen, tại Lễ khánh thành nhà máy Công ty Sonion ( 23/12/2008 )

Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ việc thành lập thành công các khu công nghiệp bao quanh các thành phố lớn. Khu Công nghệ cao TP.HCM là một ví dụ điển hình của những sáng kiến như vậy và nó đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ hơn cho việc tập trung vào cải tạo, nâng cấp nền kinh tế. Tôi tin rằng việc đầu tư của Công ty Sonion sẽ tiếp nối các mối quan hệ tốt đẹp giữa lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước Việt Nam Đan Mạch.

Brad West, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất của công ty Datalogic Scanning ( 15/07/2009 )

"Công ty Datalogic Scanning đã lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư ngoài nước Mỹ lớn nhất vì đất nước tin cậy này đã đưa ra mô hình đôi bên cùng có lợi vững chắc cho các nhà đầu tư như Datalogic”.