NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Người về từ Lầu Năm Góc - TS Nguyễn Đình Uyên , Kiều bào Mỹ

Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên ( bìa trái ) hướng dẫn các cộng sự tại phòng thí nghiệm ĐH Quốc tế

Kết thúc buổi hội thảo tư vấn du học cho học sinh, sinh viên được tổ chức tại Hà Nội năm 2006, thầy giáo đứng dậy nói lời bế mạc: “… Các em nên cố gắng để được du học nước ngoài rồi trở về góp sức xây dựng quê hương”. Có cánh tay giơ lên. Một học sinh ngập ngừng: - Vậy sao thầy không về? Người thầy im lặng. Cả hội trường im lặng!

27 năm đi tìm câu trả lời

Lẫn trong đám đông im lặng ngày hôm đó có Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, Việt kiều Mỹ. Cũng như tất cả những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ tham dự chương trình, anh không thể và cũng không dám trả lời, dù đó là câu hỏi đã đeo đẳng anh trong suốt gần 30 năm sống nơi đất khách. “Thiệt tình lúc đó, chuyện trở về chỉ là một giấc mơ thầm kín. Gia đình, công việc, sự ổn định… tất cả níu chân mình lại, không để mình tự tin, quyết đoán dấn thêm một bước cho ước mơ”.

Sau ngày giải phóng, cả nước gồng mình trước những khó khăn về kinh tế. 7 tuổi, mới vào lớp 1 nhưng ban ngày đi học, ban đêm cậu bé Nguyễn Đình Uyên phải quẩy thùng kem đi bán dạo khắp các nẻo đường. Nhà nghèo, không có nhiều thời gian để học nhưng tổng kết năm học nào, Uyên cũng đứng trong hàng “top ten” của lớp. Đời sống ngày một thắt ngặt. Năm Uyên 14 tuổi, mẹ dắt anh và đứa em gái rời đất nước. “Những ngày ở trại tị nạn, trong khi người ta ngồi không hay đi chơi thì mẹ bắt tôi phải học ở những lớp học tổ chức trong trại tị nạn, nhất là học tiếng Anh”.

Qua tới Mỹ, để có tiền đi học, anh phải làm rất nhiều nghề, kể cả vay tiền ngân hàng. Món nợ học hành này đến mười mấy năm sau anh mới trả nổi. Hết trung học đến đại học rồi học thạc sĩ, tiến sĩ, mỗi một chặng đường, bằng cấp và kiến thức anh thu nhặt đều được đánh đổi bằng mồ hôi và nỗ lực của bản thân.

Để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, anh gặp không ít khó khăn. “Tôi nộp đơn vào rất nhiều trường. Trường nào cũng nhận nhưng đều yêu cầu tôi phải dành toàn bộ thời gian cho việc học. Trong khi đó, chưa có ngày nào tôi ngừng đi làm bởi đi làm để còn được đi học!” - anh tâm sự. Mãi sau, có một trường chấp nhận nguyện vọng tha thiết được vừa học vừa làm của anh. Anh lấy tấm bằng tiến sĩ sau 6 năm miệt mài - thời gian dài hơn 2 năm so với những người dành toàn bộ thời gian để học.

Với chuyên ngành điện tử - viễn thông, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (Nasa) rồi trở thành tư vấn kỹ thuật cấp cao, làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Hơn 15 năm công tác tại cơ quan có tầm quan trọng đặc biệt này, anh được giao tìm hiểu, tiếp thu những kỹ thuật mới để tư vấn cho những quan chức cấp cao - một công việc ổn định với mức thu nhập mơ ước của nhiều người. Thế nhưng, không ai ngờ sự ổn định đó đã bị phá vỡ chỉ vì câu hỏi ngập ngừng của một em học sinh Hà Nội.

Trở về Mỹ sau buổi tư vấn du học tại Hà Nội năm 2006, anh vạch ra kế hoạch cụ thể chuẩn bị cho ngày trở về. Cuối tháng 7-2008, cả nhà anh đáp chuyến bay về nước, sau khi bán tháo cửa hiệu uốn tóc, làm móng tay của vợ, còn anh làm đơn xin thôi việc ở Bộ Quốc phòng. Anh tâm sự: “27 năm trước, tôi không có quyền quyết định cho sự ra đi. Thế nhưng hôm nay, quyết định trở về là của chính mình”. Một công việc bình dị đang chờ anh ở quê nhà!

“Tôi chọn cho mình một con đường”

Anh kể: “Khi tôi quyết định trở về, bà xã dọa: Ông mà về là tôi ly dị”. Dù biết cô ấy thương tôi nên mới nói vậy nhưng quả thật, khi đặt chân ở phi trường Tân Sơn Nhất, tôi vẫn chưa biết mình có đủ sức để đối mặt để giải quyết hết những khó khăn và ổn định cuộc sống gia đình hay không”. Khi còn ở Mỹ, lúc đã quyết định trở về, hàng tháng, anh trích một phần tiền lương gửi vào ngân hàng để dành về mua nhà. Đến khi về nước, thời gian đầu, cả nhà anh phải ở trọ trong gia đình người bà con.

Suốt 1 năm trước khi trở về, anh liên tục có những chuyến bay về nước để tìm hiểu những trường đại học từ Bắc chí Nam nhằm tìm cho mình một nơi phù hợp để cống hiến. Sau khi đến nhiều nơi như Đại học Bách khoa, Đại học Kỹ thuật Hà Nội, Đại học RMIT tại TPHCM, anh quyết định về làm việc ở Đại học Quốc tế TPHCM ( Đại học Quốc gia TPHCM ).

Là một trong số ít những Việt kiều trí thức trở về nước về đầu quân cho Đại học Quốc tế TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên cố gắng đem những kiến thức đã học truyền lửa cho sinh viên. Anh băn khoăn: “Tôi có cảm giác sinh viên nước ngoài là người đã tự lập còn sinh viên Việt Nam thì luôn được bảo bọc, cầm tay chỉ việc như một cô bé, cậu bé. Chính điều đó đã làm giảm đi khả năng tư duy sáng tạo độc lập. Do vậy, tôi luôn yêu cầu sinh viên phải tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của họ. Tôi cũng yêu cầu SV phải bày tỏ quan điểm riêng trong mỗi giờ học, dù hiểu hay không hiểu, chấp nhận hay không chấp nhận quan điểm của tôi trong bài giảng. Chúng tôi muốn thay đổi khái niệm giữa “teacher” (người thầy) và “instructor” (người hướng dẫn). Ở đại học, chúng tôi chỉ là những người đồng hành, người hướng dẫn giúp các em tự chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức, điều đó cũng có nghĩa là chiếm lĩnh ước mơ…”.

Ngày mới về nước, anh.. lỡ gửi con vào học ở một trường quốc tế học phí quá mắc. Sau đó, anh phải tìm cách phải chuyển trường cho con. Anh cũng từng ngấp nghé tìm đến những chung cư cao cấp và an ninh hầu mong tìm căn nào… tương đối hợp túi tiền để mua nhưng rồi thất vọng. Tìm mãi, cuối cùng anh cũng mua được một căn nhà nhỏ ở quận 4.

“Tôi mới dọn về nhà cách đây chưa đầy 1 tháng. Trong giấy tờ nhà có ghi rõ tôi là Việt kiều thứ 8 được mua nhà trong nước nữa. Chỗ đó thường hay bị ngập nên bà xã thỉnh thoảng vẫn cằn nhằn nhưng… không đáng kể! Con gái giờ đã học tiếng Việt tới… trình độ lớp 2. Ngày nào về nhà cũng nghe nó bập bẹ đánh vần. Nó biết phân biệt giữa chú với bác, cô với dì, đặc biệt là còn biết… cúng vái nữa! Con bé đang học làm người Việt Nam” - anh khoe.

Đã nhiều người nhìn thẳng vào mắt anh để nghi ngờ về khả năng định cư lâu dài ở quê hương. Anh không trả lời, mà chỉ kể một câu chuyện nhỏ: “Ngày làm đơn thôi việc ở Bộ Quốc phòng Mỹ, vì tầm quan trọng và mức độ cơ mật của công việc, tôi đã có một cam kết buộc phải là “delete” tất cả và coi như chưa từng có quãng đời và công việc đã qua. Khi làm bản cam kết đó đồng nghĩa với việc tôi khóa chặt đường quay lại của mình. Tôi chỉ có một đường về. Mà khi chỉ có một, người ta ít suy nghĩ lăn tăn lắm!”.

Mai Hương