Đèn LED Nano “made in Việt Nam”
150 chiếc đèn LED Nano đầu tiên đã được sản xuất thành công tại Phòng thí nghiệm công nghệ Nano ( The Laboratory for Nano Technology : LNT ), đơn vị thuộc đại học Quốc gia TP.HCM. Đây là những sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên ứng dụng công nghệ nano do Việt Nam sản xuất.
Công nghệ đèn LED phát ánh sáng xanh, đỏ, hồng… đã có từ lâu, nhưng với đèn LED phát ánh sáng trắng, đến nay chưa thấy xuất hiện trên thị trường Việt Nam dưới dạng sản phẩm hàng hoá. Những chiếc đèn LED nano vừa được sản xuất chưa phải là sản phẩm cao cấp của công nghệ nano nhưng việc tự chế tạo được loại đèn này đã giúp chứng tỏ bản lĩnh của các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm công nghệ Nano ( The Laboratory for Nano Technology : LNT ).
Ánh sáng Công Nghệ cao
LED ( viết tắt từ Light Emitting Diode, nghĩa là điốt phát quang ) có khả năng phát ra ánh sáng hay tia hồng ngoại. LED có cấu tạo từ hai khối bán dẫn ghép với nhau. Hiện nay, LED chủ yếu được dùng trong các thiết bị điện, điện tử, đèn quảng cáo, đèn giao thông... Độ sáng của LED tương đương với bóng đèn bằng khí neon. Tuỳ theo mức năng lượng giải phóng cao hay thấp mà bước sóng ánh sáng phát ra khác nhau sẽ quyết định màu sắc của LED. Thông thường, LED có điện thế phân cực thuận cao hơn điốt thông thường, trong khoảng 1,5 – 2,8V tuỳ theo màu sắc phát ra, màu đỏ: 1,4 – 1,8V, vàng: 2 – 2,5V, còn màu xanh lá cây: 2 – 2,8V.
Đèn LED Nano là kết quả ứng dụng công nghệ Nano sau hai năm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano . Mẫu đèn LED Nano của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano phát ánh sáng trắng với cường độ cao đủ dùng cho thắp sáng sinh hoạt. Không nói rõ về chi tiết công nghệ, nhưng các chuyên gia của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano cho biết thành công trong chế tạo loại đèn này là một trong những điều kiện quan trọng để chuyển giao sản phẩm công nghệ này vào đời sống. Ưu thế của đèn LED Nano là tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ cao hơn các loại đèn khác, không sinh nhiệt khi chiếu sáng… Những chiếc đèn LED màu trắng đầu tiên hiện đã được dùng trong chính các phòng nghiên cứu của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano ( The Laboratory for Nano Technology : LNT ).
Hướng đến ứng dụng
PGS-TS Đặng Mậu Chiến, giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano tin rằng trong tương lai không xa công nghệ chiếu sáng sử dụng đèn LED sẽ trở nên thông dụng hơn. Thiếu một loại máy đặc dụng nên Phòng thí nghiệm công nghệ Nano đã cử một nhóm chuyên gia kỹ thuật sang Singapore, và thuê phòng thí nghiệm, máy móc để hoàn thiện đèn LED nano. Tuy nhiên, toàn bộ công nghệ sản xuất đèn LED nano là do các nhà khoa học Việt Nam phát triển, vì vậy có thể tự tin để nói rằng đó là công nghệ đèn LED Nano của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano là một công nghệ hoàn toàn của Việt Nam. Trao đổi với SGTT, ThS Nguyễn Thị Kiều Vân, đại diện của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano , cho biết nhóm nghiên cứu về đèn LED sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ cũng như quy trình sản xuất. “Muốn chuyển giao cho các nhà sản xuất, công nghệ phải tối ưu”, ThS Vân nói.
Phòng thí nghiệm công nghệ Nano được đầu tư xây dựng từ năm 2004 với kinh phí ban đầu là 4,6 triệu USD. Theo PGS-TS Đặng Mậu Chiến, giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano , đơn vị này mới chính thức đi vào hoạt động cách đây hai năm. Theo kế hoạch, vào năm 2010, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano sẽ được đầu tư thêm khoảng ba triệu USD để mua sắm một số thiết bị chuyên ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về nano. ThS Kiều Vân cho biết ngoài đèn LED ánh sáng trắng, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano hiện còn có những sản phẩm ở dạng vật liệu như ống than nano carbon… “Đã nghiên cứu một sản phẩm nào, phải nghĩ đến tính thiết thực của sản phẩm đó với đời sống”, PGS Chiến đã nói với các đồng sự của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano như vậy.
Trọng Hiền
Đèn sạc "Nano" sẽ tốt hơn loại đèn bán trên thị trường
Nhiều bạn đọc gửi mail thắc mắc : ""Loại đèn sạc chiếu sáng tuổi thọ 10 vạn giờ" giống loại đèn Trung Quốc đang bán trên thị trường ?" Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) khẳng định, loại đèn do LNT chế tạo là đèn công nghệ cao.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, PV VNnet đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano - The Laboratory for Nano Technology : LNT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - đơn vị trực tiếp sản xuất loại đèn này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
Rất nhiều bạn đọc gửi thắc mắc tới VNnet rằng, trên thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện rất nhiều loại đèn LED phát ánh sáng trắng với giá tương đối rẻ ( 140 nghìn đồng/cái ). Vậy, loại đèn LED do LNT sản xuất có gì khác so với đèn LED của Trung Quốc đang có mặt tại thị trường Việt Nam ?
PGS.TS Đặng Mậu Chiến : Mặc dù đã đi khảo sát ở một số siêu thị tại TP.HCM, nhưng tôi vẫn chưa trông thấy bất kì loại đèn sạc sử dụng LED phát ánh sáng trắng nào trên thị trường giống với loại đèn mà Phòng thí nghiệm công nghệ Nano đã sản xuất và công bố. Vì không trông thấy nên chúng tôi không thể nói gì về chất lượng của đèn LED do Trung Quốc sản xuất như thắc mắc của độc giả VNnet trong câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi dám khẳng định: chất lượng đèn LED của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano sản xuất thuộc loại gam khá có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng.
Ông có thể nói rõ hơn về công dụng đèn LED mà Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) do ông phụ trách vừa giới thiệu vào ngày 2-11-2008 vừa qua tại TP.HCM ?
Khác với dòng đèn LED đã có mặt trên thị trường chủ yếu ở dạng đèn màu, dùng làm đèn chỉ thị điện tử, đèn màu quảng cáo, đèn trang trí, các sản phẩm đèn LED do LNT sản xuất sử dụng những bóng đèn LED nhỏ cho ánh sáng trắng. Dù công suất tiêu thụ ở mức từ 2-4W nhưng độ phổ sáng tương đương với các loại đèn compact hiện nay trên thị trường có công suất 6-12W. Thời gian sử dụng lên đến 16 giờ ( khi sạc đầy ), theo lý thuyết, tuổi thọ của bóng LED xấp xỉ 100.000 giờ.
Ngoài ra, đèn LED do Phòng thí nghiệm công nghệ Nano sản xuất có thể sử dụng nhiều nguồn điện sạc khác nhau như: pin năng lượng mặt trời, nguồn điện xoay chiều 220V-50Hz hay cả nguồn điện một chiều 12V từ xe hơi, dynamo quay tay…
Do được trang bị ắc-quy ( 12V - 1,3Ah/4Ah ) đồng thời tích hợp hệ thống bảo vệ ắc-quy đèn trong quá trình sạc, nên đèn LED không chỉ nâng cao tính an toàn cho người sử dụng mà còn thuận tiện cho các hoạt động khác nhau như: sinh hoạt trong nhà ( đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi không có mạng lưới điện ), làm việc văn phòng, sử dụng trong sửa chữa, bảo trì thiết bị, xe hơi hay sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ( cúp điện đột xuất ), sinh hoạt ngoài trời, sân vườn, cắm trại, du ngoạn.
Vừa công bố sản xuất thành công đèn LED sử dụng công nghệ bán dẫn phát sáng, vậy tại sao ông lại tuyên bố Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) sẽ không tiếp tục sản xuất loại đèn này ?
Trước tiên, tôi xác nhận thông tin đó là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi đã sản xuất thử nghiệm thành công đèn LED và chỉ sản xuất với một số lượng nhỏ (150 cái). Vì số lượng đèn sản xuất không nhiều nên Phòng thí nghiệm công nghệ Nano chỉ dùng để tặng, làm từ thiện và một số sẽ được dành cho phía đối tác của Phòng thí nghiệm công nghệ Nano .
Nói như thế không có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không có cơ hội được sử dụng loại đèn này, hiện chúng tôi đang chuyển giao công nghệ sản xuất loại đèn nói trên cho một đối tác tin cậy. Sau khi việc chuyển giao công nghệ thành công, đối tác của chúng tôi sẽ trực tiếp đứng ra sản xuất loại đèn này
Ông cũng cho biết Phòng thí nghiệm công nghệ Nano thực hiện sản xuất 150 đèn LED nói trên từ khâu chế tạo chíp đến lắp ráp thành phẩm đèn sạc cuối cùng. Nhưng, có ý kiến cho rằng phía LNT chỉ thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm, còn toàn bộ công thức chế tạo đèn LED đều do Singgapore “làm giúp” ?
Loại đèn LED phát ánh sáng trắng do chúng tôi sản xuất đã được đăng kí nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tất cả quá trình sản xuất từ giải pháp kỹ thuật, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu công thức chế tạo… đều do chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, cũng có một số chi tiết chuẩn thì chúng tôi phải sử dụng ở... nguồn khác!
Nguồn khác mà ông vừa nói cụ thể là như thế nào, thưa ông ?
Xin lỗi, điều này thuộc về bí quyết công nghệ nên tôi không thể tiết lộ thêm!
Khi nào thì đèn LED do Việt Nam sản xuất mới được bán ra thị trường ? Cụ thể, một đèn LED “Made in Việt Nam” có giá bao nhiêu ?
Điều này thì tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ cũng sẽ không lâu vì trong tháng 11-2008 mọi thủ tục chuyển giao giữa Phòng thí nghiệm công nghệ Nano và đối tác sẽ được kí kết. Hiện tại, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano đang trao đổi với đối tác về thủ tục chuyển giao công nghệ để tiến hành sản xuát đại trà.
Còn về giá cả, cũng như mọi sản phẩm khác giá sản xuất lệ thuộc vào chất lượng hàng hoá và quy mô sản xuất vì chúng tôi chỉ tiến hành sản xuất thử nghiệm 150 sản phẩm đèn LED nên tạm thời có thể nói sản phẩm của chúng tôi tương đương hoặc thấp hơn giá đèn sạc sử dụng bóng huỳnh quang compact hiện có trên thị trường. Nếu muốn cụ thể hơn, phải đợi đến khi sản phẩm này được phía đối tác của chúng tôi tính toán, sản xuất và đưa ra thị trường.
Mai Loan
Ánh đèn LED sẽ lan xa, từ Đà Nẵng...
Ðèn LED sẽ thay thế dần đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang bởi tiết kiệm năng lượng tiêu thụ từ 70 đến 80%. Ánh đèn LED đã sáng trên cầu sông Hàn và Thuận Phước ( Đà Nẵng ).
Đèn LED ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, được ứng dụng để hiển thị thời gian của đồng hồ báo thức hay dung lượng pin của máy ghi hình thông qua ánh sáng đỏ, xanh lá cây, vàng mà chưa có mầu trắng.
Năm 1993, Công ty Hóa chất Nichia của Nhật Bản đã nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ chế tạo loại đèn LED cho ánh sáng trắng. Ðó là sự kết hợp giữa ánh sáng đỏ và xanh lá cây để cho ra ánh sáng trắng. Kết quả nghiên cứu nói trên đã mở ra cơ hội mới để ứng dụng đèn LED vào cuộc sống.
LED dựa trên công nghệ bán dẫn. Hiện tại, đèn LED cho ánh sáng trắng có tuổi thọ tới 50 nghìn giờ sử dụng, gấp 50 lần so với bóng đèn 60W thông thường.
Ðèn LED sẽ thay thế dần đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang bởi những ưu điểm như tiết kiệm năng lượng tiêu thụ từ 70 đến 80% so với loại đèn thông thường; tuổi thọ cao ( nếu thắp đèn LED mười giờ mỗi ngày thì 23 năm sau mới phải thay bóng ); kích cỡ nhỏ; nhiệt năng sinh ra trong quá trình hoạt động không đáng kể; hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp; sử dụng dòng điện một chiều với hiệu điện thế nhỏ; không gây ô nhiễm môi trường vì không sinh ra tia cực tím, không có thủy ngân...
Ðèn LED có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như đèn đọc, chiếu sáng bể bơi, nhất là cho chiếu sáng quảng cáo ngoài trời tại những nơi khó thay lắp, do có tuổi thọ cao hơn nhiều lần so với bóng đèn neon, đồng thời có nhiều mầu sắc phong phú như: đỏ, xanh lá, xanh da trời, mầu hổ phách...
Trên thực tế Công ty Electric General và Ilight Technologies of Evanston III đã tạo ra các biển quảng cáo bằng đèn LED rực rỡ như đèn neon.
Ở nước Việt Nam, một trong những đơn vị đi đầu việc ứng dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng để phục vụ cho quảng cáo, chiếu sáng đô thị là Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế Kim Ðỉnh. Ðiển hình là việc lắp đặt hệ thống đèn LED tại cầu sông Hàn và Thuận Phước ( TP. Ðà Nẵng ).
Trong đêm bắn pháo hoa quốc tế tại TP. Ðà Nẵng, ánh sáng đèn LED trang trí trên cầu sông Hàn biến ảo, sinh động như dàn pháo sáng tôn thêm vẻ đẹp của những chùm pháo hoa bùng nổ trên bầu trời.
Buổi đêm, nhìn cầu Thuận Phước được chiếu sáng, thông qua hiệu ứng ánh sáng của đèn LED theo một chương trình phần mềm viết sẵn, có cảm giác như đang xem một màn phun nước với đủ loại sắc mầu. Ðây là công nghệ lần đầu được ứng dụng trong chiếu sáng công trình công cộng ở nước ta.
Chiếu sáng cho trụ cầu là hệ thống đèn LED. Hệ thống này có khả năng điều khiển mầu sắc theo một chương trình phần mềm được thiết kế theo nhu cầu của người chủ công trình. Vì hai cây cầu gần với biển, hoạt động trong điều kiện gió mạnh, do vậy hệ thống đèn LED lắp trên thành cầu có thân bằng nhôm, sử dụng kính chịu nhiệt.
Bóng đèn được tổ hợp từ các hệ thống ma trận đèn LED nhỏ. Mỗi bộ đèn có công suất tiêu thụ chỉ 25 W, tuy vậy ánh sáng phát ra có thể đưa xa đến khoảng cách 20m, góc độ rộng chùm sáng đạt tới 200-450.
Các chuyên gia đã lựa chọn bộ điều khiển DMX để điều khiển mầu sắc và cường độ sáng, giúp cho hệ thống chiếu sáng hoạt động linh hoạt, uyển chuyển về mầu sắc.
Ngoài ra bộ điều khiển DMX có thể "hiểu" nội dung các bản nhạc, do vậy khi cần thiết có thể thiết kế sự thay đổi mầu sắc của hệ thống đèn LED từ thấp lên cao, trái sang phải, hoặc ngược lại theo giai điệu của bài hát.
Tính ưu việt của hệ thống đèn LED lắp đặt tại hai cầu sông Hàn và Thuận Phước đó là áp dụng công nghệ điều khiển không dây. Cầu sông Hàn là cầu quay cho nên việc trải dây gặp nhiều khó khăn. Cán bộ kỹ thuật của công ty đã phối hợp Công ty Quản lý và vận hành chiếu sáng Ðà Nẵng áp dụng công nghệ nói trên. Thiết bị không dây bao gồm một bộ phát đặt tại trụ cầu được kết nối với bộ điều khiển chuẩn DMX và hai bộ thu tại phía đông và tây cầu.
Nguyên lý hoạt động như sau: Bộ điều khiển phát tín hiệu điều khiển và truyền đến bộ phát không dây. Bộ phát không dây sẽ truyền tín hiệu đến hai bộ thu tại hai phía của cầu. Hai bộ thu sau khi nhận được tín hiệu điều khiển sẽ truyền "lệnh" phù hợp đến từng bóng đèn trong một chương trình được cài đặt sẵn.
Thành công sử dụng đèn LED vào chiếu sáng ở TP Đà Nẵng mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi hơn trong cả nước, trước hết trong chiếu sáng các biển quảng cáo, các công trình công trình kiến trúc đặc trưng, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tiết kiệm năng lượng.
Hà Hồng
|