NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Sinh lý của người mẹ trong quá trình thụ thai và mang thai - BS Phạm Đặng Long Cơ , Kiều bào Mỹ

Để góp phần mang đến những kiến thức cần thiết cho các bà mẹ trẻ trong quá trình mang thai và sinh nở, chúng tôi xin gửi đến quý vị loạt chương trình xoay quanh chủ đề “Sức khỏe sinh sản”, với sự cộng tác của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, chuyên môn sản phụ khoa nhiều năm kinh nghiệm, và cũng là giám đốc Trung Tâm Y Tế Bolsa tại miền Nam California.

Chương trình sẽ bàn về đề tài: “Sinh lý của người mẹ trong quá trình thụ thai và mang thai.”

Những triệu chứng

Những triệu chứng đầu tiên giúp người phụ nữ nhận biết là mình mang thai thứ nhất là tắt kinh. Khi trễ kinh thì nên nghĩ ngay là có khả năng có thai.

Thường thường, sau khi tắt kinh, người phụ nữ sẽ cảm thấy khó chịu trong người, buồn nôn, người bần thần, đôi khi thấy đau ở bụng giống như đau bao tử. Có nhiều người cảm thấy giống như hâm hấp sốt. Tất cả những triệu chứng đó cộng với sự tắt kinh thì nên nghĩ ngay là có thể mình đã có mang.

Thưa bác sĩ, sự trễ kinh trong thời gian bao lâu và triệu chứng nôn mửa hoặc những cảm giác khó chịu bắt đầu xuất hiện vào thời điểm nào?

Thật ra, có nhiều người rất nhạy cảm. Trong tuần lễ đầu khi tắt kinh, họ bắt đầu cảm thấy ói mửa rồi. Khi số lượng hóc-môn của cái thai cao thì nó sẽ làm cho mình ói mửa. Như vậy mà sau tuần lễ đầu tiên, nếu thai tốt, nó sẽ làm cho mình ói mửa, khó chịu trong người.

Các phương pháp thử thai an toàn và tin cậy nhất hiện nay ra sao?

Thử thai thì bây giờ người ta có thể mua các que thử ngay ở tiệm thuốc tây. Đây là phương pháp thử nứơc tiểu khi có triệu chứng tắt kinh. Nếu đến phòng mạch thì phương pháp cũng tương tự nhưng chính xác hơn, phòng hờ những trường hợp mình tự thử không chính xác nhất là thời điểm mới bắt đầu thụ thai, hay thai yếu, hay đôi khi mình thử vào lúc mình ăn các thức ăn dầu mỡ, thử vào lúc chiều tối sau khi đã ăn uống nhiều, đi tiểu nhiều, số lượng hóc-môn có thể ít đi thì thử nứơc tiểu sẽ không rõ.

Như vậy thời gian nào thích hợp nhất để có thể bắt đầu các phương pháp thử thai này hầu có độ chính xác cao nhất, thưa bác sĩ?

Trước đây thường thời điểm thử là sau khi tắt kinh 1 tuần lễ. Bây giờ sau khi tắt kinh 1 ngày, thử là có thể biết được rồi. Thời điểm tiến hành tốt nhất là buổi sáng sớm, khi vừa thức dậy thì thử ngay. Ở các phòng mạch, để chính xác hơn thì người ta phải lấy máu để đo lượng beta-HCG.

Săn sóc tiền sinh sản

Việc săn sóc tiền sinh cho sản phụ trong những ngày đầu khi mới phát hiện mang thai ra sao?

Trong ngành sản phụ khoa chúng tôi khuyên các phụ nữ khi thấy tắt kinh, thử thai, và nghi có mang thì nên tìm đến khám ngay, càng sớm càng tốt. Bởi vì khi mình đi khám như vậy, người bác sĩ sẽ có những lời khuyên, chỉ bảo, giúp cho thai nhi phát triển tốt. Người ta phát hiện những phụ nữ khi có mang đi khám thai sớm, uống thuốc bổ thai sớm, dinh dữơng tốt, sau này cái thai có cơ hội phát triển tốt và giảm thiểu nguy cơ bị hư thai.

Thể chất, tinh thần, tâm lý của sản phụ thay đổi như thế nào khi người mẹ bắt đầu mang thai, thưa bác sĩ?

Trong ngành sản phụ khoa chúng tôi khuyên các phụ nữ khi thấy tắt kinh, thử thai, và nghi có mang thì nên tìm đến khám ngay, càng sớm càng tốt. Bởi vì khi mình đi khám như vậy, người bác sĩ sẽ có những lời khuyên, chỉ bảo, giúp cho thai nhi phát triển tốt.

Thứ nhất, về thể chất, trong tháng đầu tiên, người mẹ sẽ cảm thấy buồn nôn. Một số người có thể cảm thấy đau bụng dứơi, trường hợp này đối với các bà mẹ trẻ thì ít gặp hơn những người phụ nữ lớn tuổi mới sinh con. Thứ hai, người mẹ cảm thấy sốt, nóng lạnh, căng ngực hơi khó chịu trong ba tháng đầu tiên.

Đến giai đoạn thứ nhì là từ 12 tuần trở đi đến khoảng 24 tuần, người mẹ sẽ cảm thấy thoải mái, hết ói mửa, ngực bớt căng, bụng đỡ đau, cảm thấy tự nhiên người sảng khoái lên, tức là qua thời kỳ đó thì số lượng hóc-môn người phụ nữ cảm thấy chấp nhận được. Dần dần họ thấy bụng từ từ lớn lên. Đến 20 tuần, thì sẽ thấy bụng căng đến rốn.

Nếu con so, thì bắt đầu từ 20 tuần trở đi, người mẹ sẽ thấy đứa bé động đậy trong bụng của mình. Sang tuần thứ 26 sẽ cảm thấy nó đạp. Đối với con rạ thì tuần thứ 16, người mẹ đã cảm thấy đứa nhỏ động đậy rồi. Đôi khi người mẹ bị ra rất nhiều huyết trắng, cơ thể lên ký. Sau tuần thứ 12 sẽ cảm thấy ăn được.

Đến tuần 28, ngực bắt đầu đau trở lại, người mẹ hơi bị phù thủng một chút nếu ăn mặn quá, chân tay có thể bị sưng. Nếu bị sưng ít thì không sao, nhưng nếu sưng nhiều thì cần cẩn trọng vì có những bệnh có thể làm cho mình bị sưng phù và có thể làm nguy hiểm cho tính mạng của mẹ lẫn con.

Khi thấy tay, chân, mặt bị sưng lên thì người mẹ nên đến bác sĩ khám. Bác sĩ sẽ đo bụng, thử nứơc tiểu xem có nhiều đường hay không, có chất đản bạch hay không. Nếu có một trong những cái đó thì họ sẽ thử máu và xem cách ăn uống của mình.

Ngoài ra, bác sĩ cũng đo xem người mẹ lên cân có điều hoà hay không. Bây giờ, do có nhiều người mập quá, nên bác sĩ sẽ cố gắng làm sao cho bệnh nhân đừng lên ký nhiều. Tựu chung lại, trong tất cả thời gian thai kỳ, người mẹ có thể lên được từ 10-12kg là bình thường.

Những điều cần lưu ý

Ngoài những những yếu tố như bị phù thủng, còn có những yếu tố nguy cơ nào khác mà người mẹ mang thai cần lưu ý?

Trong khi mang thai, sợ nhất là thời gian đầu mới thụ thai mà người mẹ bị ra máu. Khi người mẹ bị ra máu, thứ nhất là có khả năng bị hư thai. Người mẹ nào bị hư thai đều rất buồn, nhưng điều này không nguy hiểm bằng có thai ngoài dạ con, mà triệu chứng đầu tiên của có thai ngoài dạ con là người mẹ bị ra máu và đôi khi bị đau bụng.

Có thai ngoài dạ con mà không biết là nguy cơ giết sản phụ nhiều nhất trên thế giới. Ngay cả bây giờ vẫn có rất nhiều bệnh nhân chết vì có thai ngoài dạ con. Bác sĩ đo lượng beta-HCG trong máu, nếu trên 1500 rồi mà vẫn chưa thấy có thai trong dạ con, thì chúng tôi nghi ngờ là bệnh nhân có thai ngoài dạ con.

Để an toàn cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu cứ cách một ngày trở lại để đo số lượng hóc-môn, chụp siêu âm mà nghi ngờ nữa thì chích thuốc cho thai ngoài dạ con tan đi, và như vậy bệnh nhân sẽ không cần mổ. Nếu có thai ngoài dạ con mà không biết, để phát triển lớn quá, chụp hình thấy to trên 3cm và số lượng hóc-môn trên 100 ngàn thì phải tiến hành mổ, có thể mổ qua rốn, nội soi qua rốn để mở ống trứng lấy thai ra.

Người mẹ vẫn còn ống trứng sau này vẫn có thể thụ thai qua ống dẫn trứng đó được. Nếu người mẹ mang thai mà cảm thấy đau bụng và chảy máu, đó là triệu chứng đáng lo ngại, phải đi khám ngay.

Làm thế nào để tránh những nguy cơ đó, thưa bác sĩ? Người mẹ cần lưu ý sức khoẻ như thế nào khi mang thai?

Trước khi có bầu, nếu chẳng may vì lý do nào đó mà người phụ nữ bị nhiễm trùng nơi âm đạo, như bệnh hoa liễu hay mắc phải con vi trùng Clamydia chẳng hạn, thì đó là yếu tố dễ gây tình trạng có thai ngoài dạ con sau này. Nếu người vợ hay chồng quan hệ tình dục bừa bãi thì đa số dễ mắc các loại vi trùng này.

Ở Mỹ, tất cả thiếu nữ 16 tuổi trở lên khi đến phòng mạch khám đều được thử loại vi trùng đó. Muốn tránh được nguy cơ có thai ngoài dạ con, cần nhất là tránh quan hệ tình dục bừa bãi. Nếu có, phải dùng bao cao su để tránh các bệnh nhiễm trùng đường tình dục. Ngoài ra, cần đi khám phụ khoa hàng năm để được xét nghiệm.

Phụ nữ đã có quan hệ tình dục thì bác sĩ sẽ cấy ngay trong cổ tử cung thì sẽ phát hiện vi trùng. Còn những cô gái chưa quan hệ tình dục thì bác sĩ sẽ cho thử nứơc tiểu. Nếu bị vi trùng Clamydia thì chữa ngay tức khắc thì sẽ hết. Sau khi chữa trị, cần cẩn thận trong quan hệ tình dục thì vi trùng Clamydia sẽ không trở lại.

Nhiều khi, các phụ nữ Việt Nam không bị nhiễm trùng, nhưng do người chồng đi chơi bên ngoài cũng có thể mang về lây sang cho vợ con vi trùng này. Vì vậy, tốt nhất vợ chồng cứơi nhau nên đi khám sức khoẻ xem có bị rubella, sởi đức, bị giang mai, hay bị AIDS hay không.

Chế độ làm việc, nghỉ ngơi

Chế độ làm việc, nghỉ ngơi khi mang thai như thế nào, xin bác sĩ vài lời khuyên?

Người mẹ mang thai vẫn có thể đi làm như thường. Trường hợp trong 3 tháng đầu tiên, đôi khi thai phụ ói mửa nhiều quá, quá mệt mỏi, xuống ký không thể đi làm được, thì chúng tôi khuyên nên nghỉ ngơi đến khi khôi phục lại sức khoẻ thì mới đi làm. Thật ra, những người mẹ đang đi làm thì ít ỏi mửa hơn những người không phải đi làm.

Trong trường hợp người mẹ vẫn đi làm trong suốt thời gian mang thai, thì cần phải nghỉ ngơi bao lâu trứơc và sau khi sanh?

Theo nguyên tắc bên Hoa Kỳ, ở đây mang tính khoa học chứ không phải người Mỹ khác người Việt, thì người mẹ có thể đi làm tới 2 tuần trứơc khi sanh, và sau khi sanh xong được nghỉ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi.

Trong khi đi làm nếu mình có những triệu chứng sợ bị sanh non, ra máu, không lên ký được, hoặc bào thai quá nhỏ, không phát triển nhiều, thì bác sĩ cũng bắt bệnh nhân phải nghỉ sớm. Hoặc đôi khi bệnh nhân đi làm stress từ công việc làm cao quá, chúng tôi cũng khuyên bệnh nhân nghỉ sớm.

Các bệnh nhân làm việc trong môi trường có các chất hoá hoạc bay hơi như Benzen, alcohol, hay clorine, bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nghỉ sớm. Trong những môi trường làm việc kỹ nghệ có những chất phóng xạ, bệnh nhân cũng nên nghỉ sớm.

Những điều cần đặc biệt quan tâm trong thời kỳ mang thai

Lần trước, chúng ta đã nghe bác sĩ chuyên khoa Phạm Đặng Long Cơ trình bày các biểu hiện thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, sức khoẻ, lẫn tinh thần nơi các thai phụ. Những điều gì cần đặc biệt kiêng cử trong quá trình mang thai? Sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ thai nghén nên lưu ý những điều gì?

Đó cũng là nội dung chính của chương trình hôm nay, trong câu chuyện với bác sĩ Cơ, từ California, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa, và hiện đang là giám đốc Trung tâm y tế Bolsa tại Little Sài Gòn. Mời quý thính giả theo dõi:

Xin được hỏi bác sĩ, khi người phụ nữa mang thai có những điều gì cần đặc biệt quan tâm tới?

Khi biết mình có mang đó là một niềm vui, người mẹ nên cảm thấy phấn khởi và ăn uống dinh dưỡng tốt vì mình đang nuôi dữơng một mầm sống. Dinh dữơng tốt thì mầm sống ấy sẽ phát triển tốt và đứa con của mình sẽ được thông minh. Chúng ta nên hiểu rằng mình nuôi con từ trong bụng mẹ.

Thứ nhất người mẹ cần phải mặc quần áo thoải mái, tránh đi giày cao gót. Chuyện vợ chồng vẫn đựơc gần nhau, nhưng nhớ là nhẹ nhàng, người chồng nên lưu ý tránh đừng đè lên bụng vợ mình để đứa bé không bị đè lên trên.

Chuyện sinh hoạt vợ chồng

Nhiều người quan niệm trong lúc mang thai nên kiêng cữ chuyện sinh hoạt vợ chồng. Giới chuyên môn, như bác sĩ vừa nói, thì cho rằng điều này không nên kiêng cữ lắm. Như vậy thì thời gian nào thích hợp và thời điểm nào không thích hợp cho việc sinh hoạt vợ chồng khi người vợ mang thai?

Thực ra có nhiều người Việt Nam khi có mang thì chuyện vợ chồng kiêng cữ hoàn toàn. Đó là thời các cụ ngày xưa, nhưng thời buổi bây giờ chung đụng ở ngoài nhiều, nếu mình bắt người chồng phải kiêng cữ hoàn toàn thì đôi khi cũng ảnh hửơng đến hạnh phúc gia đình. Chúng tôi chỉ khuyên nên kiêng cữ trong các trường hợp như người mẹ bị ra máu, bị bể nước ối, khi nhau bị đóng thấp, hoặc người mẹ trước đây có tiền căn bị sinh non.

Nếu gần gũi chồng thì nên gần khoảng thời gian nào? Chúng tôi thường khuyên các sản phụ kiêng gần chồng trong tháng cuối cùng khi gần sanh, vì lúc đó thai đã nặng nề quá rồi, chẳng may bị bể nước ối thì có thể bị nhiễm trùng.

Trong ba tháng đầu khi mang thai, chúng tôi cũng khuyên thai phụ nên kiêng cữ vì khi đó cơ thể người phụ nữ cảm thấy rất khó chịu. Hơn nữa, phải qua 12 tuần lễ đầu thì mới biết đựơc là đứa bé tốt hay không. Nếu vợ chồng gần nhau, nhiều khi đụng mạnh cái thai, có thể làm hư thai. Khoảng thời gian tốt nhất mà vợ chồng có thể sinh hoạt là sau 12 tuần đến 36 tuần.

Trong thời gian mang thai có 2 vấn đề người mẹ cần quan tâm là đi làm và tập thể dục. Nếu người mẹ đang đi làm thì vẫn có thể tiếp tục công việc của mình trong thời kỳ thai nghén. Đến tháng cuối cùng có thể nghỉ. Nhớ là phải luôn luôn giữ cơ thể cho ấm, mặc quần áo thoải mái, tránh những việc gần gũi với các chất hoá học hay quang tuyến.

Nếu công việc phải tiếp xúc với các chất hoá học thì nên đeo găng tay và thay quần áo trước khi rời khỏi sở. Những người có công việc phải ngồi nhiều như thư ký, thì thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại, đi tiểu thường xuyên để tránh bọng đái bị đầy sẽ cấn thai nhi.

Các thai phụ không nên đi giày cao gót, không đi guốc để tránh đau lưng, nên mang các đôi sandal đế êm, bằng da. Ngoài ra, cần phải thường xuyên tập thể dục, đi bộ trong khi có mang là phương pháp thể dục tốt nhất.

Các cụ ngày xưa thường khuyên thai phụ không nên với, không đựơc trèo lên cao bởi vì khi người mẹ kéo tay lên cao như vậy sẽ làm cho thai nhi bị dằng, quật, có nguy cơ bị quấn nhau nhiều lần dẫn đến tử vong trong bụng người mẹ.

Còn động tác trèo qua có thể làm cổ tử cung nở ra, dẫn đến tình trạng đẻ non hoặc bị bể nước ối sớm. Đó là các động tác nên cẩn thận khi có mang. Ở Việt Nam, các phụ nữ khi mang thai phải di chuyển bằng xe honda cũng phải cẩn thận, bị té xe sẽ dễ bị hư thai. Thực ra, không phải bất cứ chấn động nào cũng dẫn đến hư thai vì đứa bé trong bụng người mẹ đựơc bảo vệ bằng một bọc nước rất an toàn. Tuy nhiê, nếu bị đụng xe thì nguy hiểm vô cùng, các thai phụ nên nhớ đội nón an toàn khi đi xe.

Khám thai định kỳ

Các bà mẹ cần phải tuân thủ định kỳ khám thai như thế nào, thưa bác sĩ?

Sau lần khám thai đầu tiên khi phát hiện có mang, chúng tôi hẹn bệnh nhân trở lại sau 2 tuần để làm các xét nghiệm xem có nhiễm trùng hay ung thư cổ tử cung, bị giang mai hay bị AIDS hay không. Nếu kết quả tốt, thì hẹn bệnh nhân cứ 4 tuần trở lại một lần. Đến tuần thứ 28 thì bệnh nhân sẽ đựơc gặp bác sĩ 2 tuần một lần.

Đến tuần thứ 36 thì mỗi tuần một lần. Từ sau tuần 40 trở đi, có thể cứ cách 2,3 ngày bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ một lần cho đến ngày sinh. Thời kỳ sinh nở thường bắt đầu từ tuần 40 hay 41, nếu đến lúc này mà thai phụ vẫn chưa có dấu hiệu sinh thì phải truyền thuốc cho họ sinh.

Bây giờ xin đựơc hỏi thăm bác sĩ về chế độ dinh dữơng cho người mẹ trong thời kỳ mang thai. Có những loại thức ăn nào cần phải kiêng cữ, thưa bác sĩ?

Khuyên thai phụ không đựơc ăn cá thu, cá mập, cá mú, cá lữơi kiếm bởi vì những loại cá lớn sống lâu trên biển thì chất thuỷ ngân của chúng rất cao. Người mẹ tiêu thụ những loại cá có chất thuỷ ngân cao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và trí khôn của trẻ. Người ta nghi ngờ điều này cùng với một vài yếu tố nữa dẫn đến tình trạng cháu bé sau này bị ù lì, tính tình bực mình, khó chịu, không chơi với ai cả.

Người mẹ nên uống thêm chất vôi hoặc uống sữa tươi, mỗi ngày cần uống 4 ly sữa tươi ít chất béo. Trong khi có bầu nếu người mẹ tiêu thụ nhiều chất béo sẽ dễ bị ngứa hay sạn trong túi mật. 4 ly sữa tươi mỗi ngày sẽ cung cấp đủ lựơng protein và calcium cho trẻ.

Thức ăn

Có nhiều người uống sữa không hạp, thường có thói quen thay thế bằng sữa đậu nành, điều này có nên không, thưa bác sĩ?

Nếu người mẹ không uống sữa đựơc thì uống calcium chứ không nên uống sữa đậu nành vì trong sữa đậu nành có chất kích thích tố nữ. Nếu uống sữa đậu nành thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bộ phận sinh dục của cháu.

Nếu cháu là con trai thì sau này dương vật của cháu có thể bị nhỏ đi, hoặc mang loại bệnh như lai lai con gái. Vì vậy, chúng tôi khuyên bệnh nhân trong lúc có mang không nên dùng sữa đậu nành hàng ngày. Mình có thể ăn đậu phụ nhưng đừng ăn nhiều, đừng ăn hàng ngày.

Cũng có ý kiến cho rằng trong lúc mang thai không nên ăn đu đủ phải không ạ?

Đu đủ chứa rất nhiều vitamin A, mà trong khi có bầu không được ăn vitamin A. Ngoài đu đủ còn có những loại như xoài vàng cũng không nên ăn, dưa hấu ăn nhiều quá cũng không nên vì dưa hấu có vitamin A nhiều.

Trong khi có mang cũng không nên ăn đường nhiều quá vì chất ngọt sẽ làm cho đứa bé to lớn quá, sẽ khó sinh, đôi khi phải mổ mới lấy cháu ra được. Nhiều người thường thích sinh ra đứa bé to lớn, bụ bẫm. Người ta khám phá ra rằng nếu cháu sinh ra to quá sau này rất dễ bị tiểu đường, vì khi người mẹ có mang ăn nhiều đường thì con mới to lớn đựơc.

Đường vào trong cơ thể đứa bé sẽ kích thích lá tuỵ tạng của cháu sớm quá, và có thể sau này cháu sẽ bị tiểu đường. Trung bình một cháu bé lúc mới sinh ra phải cân nặng trên 2,5 kg và dưới 4kg thì tốt. Vì vậy người mẹ cần lưu ý ăn uống đầy đủ dinh dữơng và hợp lý.

Tăng cân

Trung bình hàng tháng người mẹ nên tăng cân bao nhiêu thì đựơc coi là vừa đủ?

Thường thường mỗi tuần nên lên chừng nửa ký, một tháng lên từ 1,5kg đến 2kg là vừa.

Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

Chương trình "Sức khỏe và Đời sống" kỳ này sẽ mang đến cho các bà mẹ trẻ một số lời khuyên của giới chuyên môn về chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai. Những loại thức ăn nào cần đặc biệt lưu ý kiêng cử hoặc bổ sung để giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe? Mời quý vị nghe phần trình bày tiếp theo của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, ngừơi có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa từ bang California.

Ngừơi mẹ phải ăn rau nhiều, trái cây nhiều, những loại thực phẩm này rất quý, chứa chất chống oxy hoá làm những tế bào xấu không phát triển được. Ngoài ra, cần phải uống hay ăn forlic acid, một ngày trên 400 microgram (nếu chúng ta ăn một tô cơm chẳng hạn, sẽ đủ số lựơng forlic acid cần thiết mỗi ngày). Thường bác sĩ sẽ cho các thai phụ uống các loại thuốc bổ thai, trong đó cũng có đủ số lựơng forlic acid.

Nhiều ngừơi hỏi rằng có thể tiếp tục uống thuốc bổ mà họ vẫn thừơng uống trứơc khi mang thai đựơc không. Câu trả lời là không, vì thuốc bổ thường có nhiều vitamin A, mà khi mang thai không đựơc dùng nhiều chất vitamin này. Cho nên, cần phải uống thuốc bổ đặc biệt dành cho thai phụ. Trong thời gian mang thai, phụ nữ cũng hay bị bón, do đó lời khuyên là cần phải ăn rau, trái cây nhiều, và có thể uống thêm các loại thuốc chứa nhiều chất sợi để dễ tiêu hoá.

Ăn uống tẩm bổ thì có thể ăn thịt gà, thịt heo, hay thịt bò, cá sông ngòi cũng rất tốt. Còn đối với loại cá salmon (cá hồi), mỗi tuần lễ chỉ đựơc ăn 1 miếng. Salmon có nhiều chất mỡ omega-3 fatty acid, giúp bộ óc của trẻ phát triển.

Người ta thấy rằng những người mẹ nào ăn cá có mỡ nhiều trong khi có bầu thì rất tốt, nhưng không nên ăn các loại cá biển to như cá thu, cá mập, cá mú. Và nếu như dùng cá salmon thì không đựơc ăn tôm. Tôm chỉ đựơc tiêu thụ khoảng 1 tách nhỏ một tuần. Nhớ là hoặc cá salmon hoặc tôm vì loại cá salmon đựơc nuôi bằng chất hoá học, nếu ăn nhiều quá chất này có thể vào máu người mẹ đi qua đứa bé, dẫn đến nguy cơ sau này đứa bé lớn lên bị ung thư vú. Còn tôm thì khi người ta nuôi trồng hay bỏ vào chất trụ sinh, khi chất này vào máu người mẹ truyền qua cho bé thì có thể làm cho cháu sau này dễ mắc các chứng bệnh về máu như bệnh hoại huyết.

Sau 3 tháng thai kỳ, các thai phụ nên uống thêm chất sắt vì khi này đứa bé cần chất sắt để phát triển hồng huyết cầu, nếu không cháu sẽ lấy chất sắt dự trữ của người mẹ, khiến người mẹ thiếu máu. Lợi ích của chất sắt là giúp cho tế bào máu của bé phát triển tốt, sau này cháu sẽ biết đi sớm hơn, thông minh hơn, giỏi về toán hơn. Nhưng nếu người mẹ ăn nhiều chất sắt sẽ dễ bị bón, vì vậy mà cần phải tăng cường nhiều chất sợi, trái cây có chứa chất sợi và uống nứơc thật nhiều.

Người Việt Nam có thói quen khi mang bầu hay thèm những chất chua như cóc, me, ổi, xoài ngâm chua… Lời khuyên của giới chuyên môn ra sao? Khi có thai có nên ăn chua nhiều quá hay không?

Chất chua trong trái cây thì tốt, nhưng chua do ngâm giấm thì không tốt vì môi trường này sẽ dễ phát sinh vi trùng H-pylori làm đau bao tử. Cóc xanh, xoài xanh ăn ít thì không sao, nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ không tốt cho bao tử của mình và hơn nữa còn có thể bị nhiễm vi trùng H-pylori. Cho nên đừng ăn nhiều quá.

Không nên ăn quá chua, không nên ăn quá mặn, thế còn những chất cay như ớt, tiêu thì sao?

Ăn cay cũng vừa vừa để ngon miệng thì cũng không sao, nhưng đừng ăn nhiều quá. Thật sự nếu ăn ớt vừa phải thì tốt, vì trong ớt có chứa chất giúp chúng ta ít bị nhiễm trùng. Cho nên mình ăn vừa vừa thì cũng không sao.

Khi mang thai có nhiều người cử các loại thức ăn như hột vịt lộn, mè đen, xương xáo đen. Xin bác sĩ những lời khuyên có nên tuyệt đối kiêng cữ những chất dinh dữơng này không?

Nhiều người tin rằng uống nứơc dừa làm cho con trắng, nhưng thật sự không phải vậy. Gàu dừa rất khó tiêu, làm đầy bụng. Mè đen cũng tốt nhưng ăn nhiều thì những hạt mè nhỏ có thể chạy vào ống ruột dư của mình có thể dẫn đến tình trạng sưng ruột dư.

Khi có mang mà bị sưng ruột dư thì rất khó chữa vì khó định bệnh. Định bệnh chậm trễ có thể ảnh hưởng đến thai nhi và đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của bà mẹ. Hột vịt lộn thì phải đun thật chín, sôi kỹ, nhưng ăn hột vịt lộn thì cũng không bổ hơn gì cả, mà còn có nguy cơ bị nhiễm H5N1.

Người ta khuyên khi ăn trứng gà phải luộc thật kỹ, thật chín. Tóm lại, nếu ăn một hai cái hột vịt lộn mà đun thật chín thì cũng không sao, nhưng tuyệt đối đừng ăn rau răm vì rau này không tốt cho thai nhi.

Thế còn đối với trứng ngỗng thì sao? Có quan niệm cho rằng có thai ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh.

Thật ra trứng ngỗng cũng giống như trứng vịt thôi, mà còn không đựơc sạch nữa. Bên Mỹ người ta nuôi gà, nhất là những nơi nuôi gà để bán trứng hạng sang, thì họ nuôi rất cẩn thận, bằng loại bột ngô tốt để trứng gà bổ dưỡng, không chứa nhiều chất mỡ, mà mang nhiều mỡ tốt như omega-3 fatty acid.

Ngừơi Mỹ không ăn trứng ngỗng, trứng vịt vì hai loại trứng này mỡ nhiều, cholesterol nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng khi có bầu không cần và không nên ăn trứng ngỗng hay trứng vịt. Nếu ăn thì nên ăn trứng gà luộc chín, rất tốt cho cháu vì trong trứng gà có nhiều protein, một ngày có thể ăn 1 hay 2 cái không sao.

Nhiều ngừơi biết rằng phải dinh dưỡng điều độ nhưng điều độ như thế nào, bao nhiêu là vừa đủ cho một ngày, một thực đơn, một phần ăn, chẳng hạn?

Thật ra một ngày bà mẹ nên ăn ít nhất là 3 bữa. Khi thai lớn lên, dần dần tăng lên thành 5 bữa mỗi lần một ít vì lúc này bụng sẽ bị căng khó tiêu. Nhớ bổ sung nhiều trái cây tươi, rau cải càng nhiều càng tốt. Ăn cơm vừa phải, ăn khoai lang rất bổ.

Làm thế nào để biết ăn tốt? Mình ăn đồ tươi, mới, tránh đồ ăn cũ, không ăn đu đủ, không ăn dưa chua vì những chất này không có chất dinh dữơng gì cho bé cả, mà còn nguy hiểm cho bé nữa. Đừng ăn đồ chua quá, ngọt quá hay mặn quá. Ăn ngọt nhiều quá sẽ làm cho bà mẹ bị huyết áp cao, dẫn đến nguy cơ thai nhi to lớn quá, và cũng có thể bị bất đắc kỳ tử trong bụng mẹ.

Tinh bột cũng tốt nhưng ăn nhiều tinh bột quá như phở, cơm, bánh mì nhiều thì đứa bé sẽ bị to quá, khó sinh. Cái chính là phải ăn nhiều trái cây, rau, thịt tốt.

Phương pháp thụ thai trai gái theo ý muốn

Ngày nay, sinh con trai hay gái không còn là một vấn đề của tự nhiên, do Trời định, mà là một việc con người chúng ta có thể chủ động quýêt định được. Giới y học Đông-Tây đã khám phá ra nhiều phương pháp giúp các cặp vợ chồng có thể có được một đứa con theo ý muốn. Các biện pháp ấy là gì? Có dễ thực hiện hay không? Có tốn kém lắm không? Có cần phải cần kỹ thuật y khoa tiên tiến can thiệp chăng?

Chương trình “Sức khỏe và Đời sống” kỳ này sẽ giúp quý vị giải đáp những thắc mắc ấy, với sự cộng tác của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa, hiện đang hành nghề tại tiểu bang California, Hoa Kỳ:

Xác định ngày rụng trứng

Trước tiên, xin bác sĩ trình bày sơ lược về quá trình hình thành giới tính ở thai nhi?

Hàng tháng, trong cơ thể người phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản (từ lức dậy thì đến khoảng 43 tuổi), sẽ có trứng rụng từ buồng trứng, và trứng này nếu gặp được tinh trùng thì sẽ thụ thai. Cái trứng sẽ mang nhiễm sắc thể của người mẹ và tinh trùng sẽ mang nhiễm sắc thể của người cha.

Tinh trùng của người cha có một số mang nhiễm sắc thể X, một số mang nhiễm sắc thể Y. Trứng của người mẹ thì mang nhiễm sắc thể XX. Nếu trứng gặp tinh trùng mang nhiễm sắc thể X của người cha thì thai nhi sẽ là con gái, ngược lại, nếu gặp tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y thì sẽ là con trai. Từ đó suy ra mình có thể thụ thai trai gái theo ý muốn.

Trước khi nói về các phương cách thụ thai theo ý muốn, xin được hỏi bác sĩ thêm rằng ngay vào giữa chu kỳ rụng trứng nếu trứng gặp được tinh trùng thì sẽ thụ thai. Thế thì làm thế nào để xác định được ngày rụng trứng của người mẹ?

Ngày rụng trứng thường rơi vào ngày giữa chu kỳ. Giản dị mình cứ nhớ rằng sau 14 ngày sau khi trứng rụng thì người phụ nữ sẽ có kinh nguyệt.

Nhiều phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, không cách đúng 28 hay 30 ngày, thì làm thế nào để biết chính xác ngày rụng trứng?

Những người chu kỳ kinh nguyệt không được đều đặn thì có thể mua bộ thử nước tiểu để xác định ngày rụng trứng. Bộ này có bày bán ở tiệm thuốc tây, dùng để đo độ LH trong nước tiểu, chất này thường lên cao trước khi trứng rụng.

Mình thử nước tiểu vào buổi trưa hoặc chiều, nếu thấy mức LH vượt lên cao thì biết rằng trong vòng 12-24 tiếng sau, trứng sẽ rụng. Một phương pháp khác giúp xác định ngày rụng trứng là lấy thân nhiệt vào mỗi buổi sáng trước khi bước ra khỏi giường. Nếu trứng chưa rụng thì thân nhiệt thấp, dưới 37 độ C. Khi trứng rụng rồi thì nhiệt độ sẽ tự nhiên vượt lên trên 37 độ C.

Ngoài ra có những triệu chứng nào giúp ngưòi phụ nữ có thể nhận biết được ngày trứng rụng không, thưa bác sĩ?

Thường khi trứng rụng thì người phụ nữ sẽ có cảm giác đau nhói ở một bên bụng, đó là do trứng vỡ ra có thể hơi chảy máu và làm hơi đau bụng. Một triệu chứng khác giúp nhận biết ngày rụng trứng là phụ nữ sẽ thấy trong âm đạo ra chất nhờn rất nhiều. hoặc sẽ thấy nhiệt độ hơi cao lên. Để dễ hiểu, chúng ta xem ngày có kinh tháng trước là ngày số 1, đếm đến ngày thứ 14, Thường ngày thứ 14-16 sau kinh kỳ sẽ là ngày trứng rụng.

Môi trường

Xác định được ngày rụng trứng rồi, những người mẹ muốn tìm con trai hay con gái thì nên áp dụng những phương pháp nào?

Thật sự, trai gái theo ý muốn cũng là một phần rất quan trọng. Trứng của người mẹ luôn luôn chỉ có nhiễm sắc thể X, tức chỉ có con gái thôi. Muốn được con trai hay con gái là hoàn toàn do tinh trùng của người cha.

Có nhiều người đàn ông có nhiều tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y hơn X, tức nhiều tinh trùng đực hơn tinh trùng cái. Ví dụ trong gia đình bố mẹ sinh toàn con trai thì những người con trai ấy sau này đa số tinh trùng sẽ mang nhiễm sắc thể Y nhiều hơn, xác xuất sinh con trai cũng cao hơn.

Thông thường tinh trùng X của người cha nặng nề hơn, sống lâu hơn, còn tinh trùng đực mang nhiễm sắc thể Y thì nhỏ hơn, yếu hơn. Cho nên chúng ta thấy tình trạng trai thiếu gái thừa, vì tinh trùng X mạnh hơn nên dễ thụ thai hơn.

Thụ thai trai gái theo ý muốn thì mình phải tạo ra môi trường trong cơ thể của người mẹ sao cho tinh trùng đực (hay cái) sống được nhiều hơn. Khi trứng sắp rụng, môi trường chất kiềm trong cơ thể người mẹ thấp hơn khi trứng rụng. Lúc này, dễ thụ thai con gái.

Ngay lúc trứng rụng hay sau khi trứng rụng, môi trường trong âm đạo có chất kiềm cao hơn, vì vậy dễ thụ thai con trai. Tức là chất potassium và sodium cao hơn thì đẻ con trai. Trước đây người Trung Hoa muốn có con trai thì ăn chay niệm phật, nhưng thực sự ra vì ăn chay có nhiều chất muối mặn như chao và chất potassium trong trái cây như chuối, cam làm cho dễ thụ thai con trai.

Thật sự ra đó là tạo môi trường trong cơ thể của người phụ nữ, khiến dễ sinh con trai. Bà Marie Curie nghiên cứu việc này và khuyên rằng muốn sinh con trai thì nên ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều sodium và potassium.

Những loại thức ăn

Những loại thức ăn nào có chứa nhiều hai loại chất này?

Những thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng, chuối, cam, dưa hấu…vv…Nếu ăn những thực phẩm nhiều sodium và potassium trong vòng 3 tháng để môi trường trong cơ thể người phụ nữ có nhiều chất kiềm hơn để tinh trùng Y dễ sống hơn, tinh trùng X bị vô hiệu hoá, thì nhiều cơ hội có thể sinh con trai. Nếu muốn sinh con gái thì ăn nhiều chất ma-nhê và calcium, tức là đậu hủ, đậu nành, rau cải, đồ biển nhiều.

Chất potassium bác sĩ nói, có tốt cho cơ thể hay không?

Chất potassium thì tốt, sodium thì không tốt lắm vì ăn nhiều muối dễ bị huyết áp cao sau này. Người ta thấy rằng nếu ăn nhiều chất potassium, tức là chất muối của trái cây, thì lại rất tốt.

Người Tây phương thì không kiên nhẫn như người Trung Hoa tức là ăn uống ba tháng trời để đổi môi trường. Phương cách người Tây Phương áp dụng để sinh con theo ý muốn là thử nước tiểu để xác định đúng ngày trứng rụng thì vợ chồng gần nhau.

Lúc này, môi trường trong âm đạo sẽ giúp tinh trùng đực dễ đến đích hơn. Có một vị bác sĩ Mỹ đề nghị thêm một phương cách khác. Đó là nếu muốn con gái, người vợ nên pha 1 lít nước ấm với 2 muỗng canh giấm rửa sạch âm đạo trước khi gần chồng. Độ chua sẽ làm cho dễ sinh con gái.

Nếu muốn sinh con trai thì pha 2 muỗng canh bột baking soda vào 1 lít nước ấm để rửa âm đạo trước khi gần chồng. Ngoài ra, để tạo điều kiện dễ thụ thai con trai, người chồng phải xuất tinh thật nhiều, càng nhiều thì hy vọng tinh trùng đực sẽ nhiều hơn, lấn áp tinh trùng cái. Để dễ thụ thai, phải có trên 5-6 chục triệu tinh trùng bao vây trứng. Các tinh trùng sẽ tiết ra chất phá màng dày của trứng thì lúc bấy giờ chỉ một tinh trùng vào trong trứng được.

Thế có phương pháp nào có thể bảo đảm 100% sinh con trai hay con gái theo ý muốn không?

Câu này hơi khó trả lời, nhưng thật sự y khoa đã làm được bằng cách lọc lấy tinh trùng đực của người cha rồi bơm vào trong người mẹ ngay đúng thời điểm trứng rụng để thụ thai con trai. Phương pháp này có tỉ lệ thành công 70%.

Có một cách khác có xác xuất cao hơn, khi người mẹ thụ thai, bác sĩ lấy tế bào trong thai để xem có nhiễm sắc thể X (hoặc Y) thì giữ hay bỏ theo ý muốn. Chỉ có phương pháp này thì mới đảm bảo 100% trai hay gái theo ý muốn, nhưng cách này đối với ngành y thì không hợp luân lý y đức.

Những yếu tố giúp làm ảnh hưởng đến chất lượng của trứng và tinh trùng, giúp đứa bé sau này có thể phát triển khoẻ mạnh?

Tuổi tác là quan trọng nhất. Người phụ nữ còn trẻ thì trứng sẽ tốt, độ tuổi tốt nhất để sinh con là từ 27 đến 35. Phụ nữ lớn tuổi thì trứng không còn tốt, nếu sinh con dễ bị những tật bẩm sinh.

Điều thứ hai, phụ nữ không nên có mang khi còn nhỏ tuổi quá, sẽ ảnh hửơng đến sức khỏe của trẻ. Người đàn ông thì lúc nào cũng có thể có con được, từ 16 tuổi đến trên 70, nhưng người cha lớn tuổi mới đẻ con thì đứa nhỏ sau này có nhiều nguy cơ bị bệnh về thần kinh.

Những điều cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Kỳ trước, chúng ta đã nghe giới chuyên môn trong nước đưa ra những lời khuyên và chỉ dẫn nhằm giúp các bà mẹ có được nguồn sữa dồi dào, bổ dưỡng cho quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của con trẻ.

Chúng ta biết rằng chăm sóc trẻ sơ sinh không phải là một việc làm đơn giản, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ, vì công việc này đòi hỏi lòng thương yêu, sự kiên trì, hiểu biết, và cả sự tỉ mỉ của các bậc phụ huynh.

Chương trình hôm nay mời quý vị cùng tìm hiểu những điều cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ sơ sinh, qua phần trình bày của bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, chuyên khoa nhi, hiện đang hành nghề tại miền Nam California:

Trẻ sơ sinh những ngày đầu tiên là những ngày rất quan trọng là bởi vì có một số điều nếu mình làm không đúng thì sẽ có ảnh hưởng rất tai hại cho cuộc đời của các cháu sau này.

Điều thứ nhất tôi khuyên các cháu nên được bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Sữa mẹ cung cấp đầy đủ những chất bổ cho các cháu. Lớp sữa đầu tiên của người mẹ rất quan trọng vì chứa nhiều kháng thể. Khi người mẹ cho bú, sự gần gũi của người mẹ và đứa bé trong những gìơ đầu tiên rất quan trọng, ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của cháu sau này rất lâu dài.

Nhiều người hỏi là cho con bú bao nhiêu thì đủ? Thường những cháu bú sữa mẹ, thật sự không thể biết được cháu bú lượng sữa là bao nhiêu, nhưng tôi xin nhấn mạnh là các cháu cần phải đi tiểu từ 6-8 lần trong ngày. Nếu số lần đi tiểu của các cháu trong 24 tiếng đồng hồ mà ít hơn 6-8 lần thì cũng có nghĩa là lượng sữa cháu bú không đủ. Mình phải xem lại nguyên do vì sao.

Nhiều phụ nữ ngày nay phải ra xã hội làm việc, nên lo ngại rằng nếu cho con bú sữa mẹ sẽ tạo cho cháu thói quen quen với sữa mẹ mà không chịu bú sữa bình. Thế nên trong những giờ người mẹ ra ngoài làm việc thì cháu quấy khóc, không uống được sữa khác thay thế thì cũng ảnh hưởng sức khoẻ cho cháu. Lời khuyên của bác sĩ ra sao?

Thực sự chúng ta cố gắng hết sức cho cháu uống sữa mẹ, nhưng vì người mẹ cũng phải đi làm, nên vấn để cho trẻ bú sữa mẹ 100% nhiều khi rất khó khăn. Có một phương pháp là lấy sữa mẹ bằng máy bơm hút sữa, rồi để vào tủ lạnh. Như vậy, cháu có thể dùng sữa mẹ trong khi người mẹ đang đi làm.

Nguồn sữa mẹ khi để ra ngoài cho vào tủ lạnh thì vô hại?

Vâng, nếu mình để đúng theo nhiệt độ, thời gian thích hợp, và bảo quản đúng cách. Có dịp tôi sẽ nói về đề tài này kỹ hơn. Sữa người mẹ lấy từ máy vắt sữa có thể dùng 24/24, nghĩa là có thể dư để trẻ dùng trong khi người mẹ không có ở nhà.

Có thể nào xen kẽ giữa sữa mẹ và sữa công thức để vừa cho cháu đủ chất dinh dưỡng mà cũng vừa thuận tiện cho người mẹ khi phải đi làm?

Dạ vâng. Điều này là một điều thực tế. Nếu không cho cháu bú 100% sữa mẹ được thì mình có thể dung hoà với sữa công thức, rất tốt.

Một vấn đề khác mà các cháu sơ sinh hay gặp ở những ngày đầu tiên là bị vàng da. Nguyên nhân là do lá gan chưa làm việc trong những ngày đầu tiên. Người mẹ có nhóm máu O thì trường hợp vàng da ở trẻ nhiều hơn. Nếu thấy cháu vàng da càng lúc càng nhiều, đặc biệt nếu lòng trắng trong mắt cháu bị vàng, thì nên thông báo cho bác sĩ biết.

Đặt cháu nằm ngủ ở tư thế ngửa hay sấp thì tốt? Cách đây 5-10 năm, người ta khuyên nên cho trẻ nằm sấp. Thế nhưng gần đây người ta khuyên nên cho trẻ nằm ngửa, bởi phát hiện thấy có sự liên hệ giữa việc cháu nằm sấp với các trường hợp tử vong trong lúc ngủ. Cho nên, nên cho cháu nằm ngửa. Một điều nữa, tránh để gối hay những gì xung quanh các cháu, bởi vì những vật này có thể làm cháu ngộp thở khi cháu lăn.

Có cách nào phòng tránh việc trẻ có thể lăn, lật, hay té ngã trong lúc ngủ?

Có những cái giường dành cho trẻ mà có những song chắn ở xung quanh. Như vậy đủ tốt. Mình không cần phải kê gối, vì khi cháu lăn, mặt cháu có thể áp vào gối gây ngộp thở. Nệm dành cho cháu nên chọn loại không cứng hay mềm quá, nghĩa là đừng có độ lún nhiều quá cũng có thể làm cho cháu ngộp thở.

Một số cháu trai cần được cắt da quy đầu thì chúng ta nên săn sóc bé bằng cách dùng vaseline bôi lên. Vết thương sẽ tự lành trong một tuần lễ.

Một việc khác mà nhiều người hay lo là cuống rốn. Việc nhiễm trùng cuống rốn rất hiếm, nếu chúng ta biết cách săn sóc. Quan trọng nhất là phải giữ khô cuống rốn. Có thể dùng cồn để lau cho các cháu 2-3 lần một ngày.

Trong những trường hợp nào thì người mẹ cần thiết phải đưa cháu đi bác sĩ?

Nên mang cháu đi khám khi các cháu bị nóng sốt chẳng hạn. Thường thân nhiệt của cháu khoảng 38 độ C. Các cháu dưới 2 tháng nên tuyệt đối tránh đừng để nóng sốt. Vấn đề nhiễm trùng rất nguy hiểm ở độ tuổi này.

Nếu cháu ói mửa thì cũng là dấu hiệu không tốt, có thể do những bệnh nguy hiểm như tắt ruột. Lòng trắng mắt của bé bị vàng là phải đi khám ngay, hoặc bé bị khó thở, hoặc phân của bé có máu thì cũng nên liên lạc với bác sĩ ngay.

Người Việt Nam hay cho các cháu uống nước. Điều này không nên. Cần hiểu thế này, trong sữa các cháu uống đã có đủ nguồn nước rồi. Nếu mình cho cháu uống thêm nước nữa thì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của cháu.

Như vậy thì lượng nước như thế nào cho cháu mỗi ngày được coi là vừa đủ, điều độ?

Trên nguyên tắc, các cháu không cần phải uống nước. Tuy nhiên, cho cháu một vài giọt nước sau khi cho bú để miệng cháu được sạch thì không sao. Nhưng cho cháu từ 20-30 cc nước thì nguy hiểm.

Hơn nữa, người Việt Nam hay dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ cho sạch. Điều đó rất nguy hiểm vì trong mật ong có chứa một loại vi trùng rất nguy hiểm cho trẻ. Đừng bao giờ dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ.

Có thể dùng cách nào khác thay thế thưa bác sĩ?

Thật ra các cháu hay bị hai trường hợp. Một là đóng sữa dưới lưỡi. Đây là trường hợp bình thường, có thể dùng một tấm gạc nhúng một chút nước ấm để chà lưỡi cho cháu, như vậy là đủ rồi. Một số trường hợp cháu bị đẹn lưỡi tức bị một loại nấm mọc trên lưỡi và trắng hết cả má trong của các cháu. Trường hợp này nên đem cháu đi khám. Bác sĩ sẽ cho dùng thuốc trong 1-2 tuần là hết.