NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Người tiêu dùng hãy “tuyên chiến” một cách quyết liệt hơn - Hồng Lê Thọ , Kiều bào Nhật Bản

Không phòng chống theo phong trào

Tình trạng ô nhiễm độc tố đã lan tràn khắp mọi thức ăn, nước uống, rau quả…trong đời sống nhân dân như các cơ quan truyền thông cũng như vệ sinh phòng dịch thông báo suốt cả mấy tháng nay.

Các Cơ quan quản lý và có chức năng về thị trường, hải quan,vệ sinh an toần thực phẩm, an ninh kinh tế, y tế…đã có “chiến dịch” phối hợp nhằm ngăn chận, các nhà khoa học cũng liên tục lên tiếng về hiểm họa thực phẩm, nước tương “đen” hiện nay.

Thực tế cho thấy càng kiểm tra, kiểm soát đến đâu thì phát hiện “vấn nạn” nhiễm độc “lan” đến đó, mức độ nguy hại của độc chất không dừng lại ở các chứng bệnh thông thường như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn do vi khuẩn Samonella, vi sinh E. Coli, Coli Feacal… mà ảnh hưởng lâu dài, gây biến đổi gen như dư lượng kháng sinh Choramphicol trong hàng thủy hải sản, hormon tăng trọng như Clenbutyrol, Sabutamol gây ung thư trong thức ăn gia súc, gia cầm cũng như nhiều loại hóa chất, phẩm màu, tẩy trắng, tạo keo, tạo mùi, vô cùng độc hại đến từ các vùng biên giới. Rõ ràng người tiêu dùng đang rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng sợ, không biết phải đối phó làm sao khi cầm phải bó rau muống hay rau nhút…có giá 1,000 đồng/ bó trên tay, mua nhầm miếng thịt nhiễm độc từ thức ăn chăn nuôi thì cũng bó tay, đó là chưa kể các bí quyết của nhà chợ bán hàng pha thêm hóa chất bảo quản, trộn thịt tốt xấu, nhiễm bệnh để tiêu thụ.

Chận ngay từ gốc

Thiết nghĩ các cơ quan quản lí thị trường từ cấp khu phố đến cấp thành phố cần có lực lượng và phương tiện để rà soát triệt việc thâm nhập các loại hàng nầy vào từng ngỏ ngách và có biện pháp cứng rắn như cảnh sát giao thông đối với người vi phạm đi ngược chiều…bằng cách tịch thu, đóng sạp và không cho phép kinh doanh lâu dài bằng cách niêm yết danh tính, mặt hàng lên mạng lưới thông tin đại chúng và khu phố nơi phát hiện đồng thời truy tìm tận gốc nơi sản xuất-xuất xứ để kết hợp với chính quyền địa phương đó cộng tác ngăn chận ngay từ gốc.

Việc lập lại một trật tự mới trong đời sống nhân dân trước hiểm họa ô nhiễm độc tố là một việc làm vô cùng bức thiết . Tất nhiên đây là một việc làm quyết liệt và lâu dài, không nên có xu hướng triển khai rầm rộ, phô trương theo chiến dịch để “dọa nạt” như trường hợp chống hàng Mỹ phẩm có chất Sudan, “tịch thu” một cách ồn ào nhưng người buôn bán ở chợ đã biết trước, vội vàng đóng cửa sạp khi “đoàn ta” đến !…

Người tiêu dùng ở nước ta quá “hiền”

Hơn thế, điều cần nói là người tiêu dùng ở nước ta quá “hiền”, mua lỡ hàng có chứa chất độc, thịt bẩn, nước tương “đen” cũng đành chịu, các nhà quản lý kêu gọi “người tiêu dùng phải thông minh” để đối phó nhưng đây là điều “nói cho có” chứ thử hỏi các bà nội trợ làm sao có thể phân biệt được hàng nào “tốt” hàng nào “sạch” trong khi tất cả đều tù mù, như bị đánh đố. Một phương cách bảo vệ chính là bản thân người tiêu dùng biết cách liên kết với các cơ quan truyền thông, tích cực thông báo và lên tiếng để mọi người cùng biết và thẳng tay “tẩy chay”, loại trừ các loại thực phẩm có hại ra khỏi đời sống, trong đó tẩy chay luôn các sạp, siêu thị, cửa hàng…tiếp tay tiêu thụ những”nhà sản xuất” vi phạm.

Cơ quan chính quyền, công an địa phương, quản lý thị trường…cần phải có biện pháp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng bằng những qui chế thu hồi, tiêu hủy, và buộc nhà sản xuất phải đền bù cho người bị hại đồng thời hạn chế mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh như hiện tượng bôi xấu nhau như đã xảy ra trong vụ nước tương “đen” hoặc hành vi vu khống của người xấu để “ăn vạ”.

Ở các nước phát triển, chính phủ đã ban hành luật P.L (Product Lialibity)* để bảo vệ người tiêu dùng như ở Mỹ, Nhật, Châu âu… theo đó, cho phép khách hàng trả lại mặt hàng mình đã mua nếu không sử dụng được (sau một thời gian nhất định) đồng thời có thể khởi kiện nhà sản xuất khi bị hậu quả (bệnh tật) do sản phẩm đó gây ra mà vụ nạn nhân Dioxin Việt nam kiện các nhà sản xuất thuốc khai quang của Mỹ là một thí dụ. Các hội, đoàn thể bảo vệ sẵn sàng triển khai các hoạt động tẩy chay nhà sản xuất khi họ vi phạm về qui chế an toàn cho người tiêu dùng trong khu phố.

Đã đến lúc người tiêu dùng phải kết hợp và tiếp tay với những cơ quan chức năng cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng để đẩy mạnh hơn nữa việc hạn chế chất độc hại vào đời sống, biết nói “không” một cách dứt khoát hơn thay vì “thụ động” trông chờ vào những chính sách vĩ mô của nhà nước như hiện nay. Không thể để ý thức chống hàng độc hại còn hời hợt của người dân là “chỗ trũng” cho những kẻ “vô lương tâm” thao túng trong sản xuất và kinh doanh càng không thể trông mong vào “đạo đức” của những kẻ sát nhân bằng độc chất để truy cầu lợi nhuận.

Hồng lê Thọ ( Tokyo )