NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Năm 2008 phải nhập siêu khoảng 790 triệu USD tiền thuốc chữa bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, dự báo trong năm 2008, ngành dược Việt Nam sẽ phải nhập siêu lên khoảng 790 triệu USD, trong đó có khoảng 230 - 250 triệu USD là giá trị nguyên liệu sản xuất thuốc, còn lại là các mặt hàng thuốc.

Do đó, để giảm cán cân nhập siêu trong lĩnh vực dược phẩm, Bộ Y tế đã đăng ký với Chính phủ là trong năm 2008, sẽ vẫn đảm bảo nhập đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại sẽ giảm từ 15% - 20% giá trị nhập siêu thuốc thành phẩm, biệt dược.

Dự kiến tổng giá trị tiền thuốc sử dụng năm 2008 của Việt Nam sẽ đạt 1,36 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu thực hiện được việc giảm giá trị nhập siêu thuốc thành phẩm như trên thì tổng giá trị tiền thuốc sử dụng trong năm nay của cả nước sẽ khoảng 1,1 tỷ USD, bằng với năm 2007.

Quốc Lập

Nhập khẩu song song thuốc Tây : Giải pháp nửa vời!

Cục Quản lý dược Việt Nam - Bộ Y tế đã cho phép ba doanh nghiệp nhà nước được phép nhập khẩu song song một số loại thuốc đang có giá bán quá cao trên thị trường nhằm bình ổn giá thuốc. Đây có phải là giải pháp duy nhất để bình ổn giá thuốc ? Giải pháp này liệu có giảm “sốt” được thị trường thuốc tây? PV TT đã trao đổi với dược sĩ Nguyễn Doãn Linh - phó giám đốc Công ty Dược phẩm trung ương 2 (Codupha) - xung quanh vấn đề này. Ông Linh cho biết :

Công ty Codupha là một trong ba doanh nghiệp được Cục Quản lý dược Việt Nam cho phép nhập khẩu một số thuốc đang có giá bán quá cao tại Việt Nam để bình ổn thị trường. Cục Quản lý dược đề nghị chúng tôi phải đáp ứng được các điều kiện :

“Thuốc nhập khẩu vào Việt Nam để bình ổn giá là các thuốc đã có số đăng ký của cùng một công ty, tập đoàn sản xuất kinh doanh dược phẩm được sản xuất tại cùng một nước hoặc tại các nước khác nhau. Những thuốc này phải có giấy phép lưu hành tại nước sở tại của nhà sản xuất hoặc tại nước mà thuốc đó đang được phép lưu hành. Cơ sở xuất khẩu và cơ sở nhập khẩu phải có cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc. Thuốc nhập khẩu phải được lấy mẫu kiểm tra chất lượng cho từng lô sản xuất. Chỉ những lô thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được lưu hành và đưa vào sử dụng. Giá bán của các thuốc nhập khẩu nhằm bình ổn thị trường phải thấp hơn giá thuốc có số đăng ký nhưng đang bị áp đặt giá cao tại Việt Nam. Công ty cung cấp nước ngoài phải có cam kết đảm bảo chất lượng thuốc xuất khẩu cho Việt Nam”.

Những điều kiện này có phù hợp và tạo thuận lợi cho các công ty được giao nhiệm vụ nhập khẩu để bình ổn giá thuốc không, thưa ông ?

Hầu hết các điều kiện đều thực hiện được. Tuy nhiên, điều kiện “thuốc nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy phép lưu hành tại nước sở tại của nhà sản xuất hoặc tại nước mà thuốc đó đang được phép lưu hành” thì rất khó thực hiện. Bởi khi có chủ trương của Cục Quản lý dược, chúng tôi đã liên hệ với nhiều nơi.

Thế nhưng ngoại trừ Tây Ban Nha - một nước thành viên của Liên minh châu Âu - thì các nước còn lại trong khu vực và trên thế giới chỉ cấp một lần duy nhất, không cấp phép lưu hành cho bên thứ ba trừ khi nhà sản xuất đó thay đổi công thức, sang nhượng bản quyền cho một nhà sản xuất khác hay thay đổi nhà máy sản xuất mà thôi. Điều kiện này khiến chúng tôi tuy có nhập được thuốc từ Tây Ban Nha giá rẻ từ 10-50%, nhưng chưa phải là rẻ nhất.

Chúng tôi được biết các hãng sản xuất đang được nhập thuốc vào Việt Nam đều thông qua “nhà phân phối duy nhất”. Do vậy, nếu cho nhập khẩu song song mà kèm điều kiện không thực hiện được, có nghĩa chỉ là biện pháp đối phó. Và thực chất vẫn trở lại đúng cơ chế độc quyền nhập khẩu ?

Nhiều người còn phân vân không biết thuốc giá rẻ thì chất lượng như thế nào và ai phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc trước người tiêu dùng ?

Về mặt nguyên tắc, nhà sản xuất bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng chứ không phải là nhà phân phối. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi khi nhập thuốc cũng có những điều kiện để ràng buộc nhà cung ứng thuốc cho mình. Vì vậy người dân có thể yên tâm về chất lượng thuốc.

Ông có thể cho biết việc nhập khẩu thuốc này có thể bình ổn giá thuốc như mong muốn của Bộ Y tế hay không và khi nào thì bình ổn được ?

Hiện nay những công ty được phép nhập khẩu để chống độc quyền mới chỉ nhập một số mặt hàng đặc trị có giá cao và như thế thì chưa đủ đề bình ổn giá tất cả các mặt hàng trên thị trường. Trước mắt, trong khoảng một tháng nữa nếu chạy được “giấy phép lưu hành” thì chỉ những mặt hàng được nhập về để chống độc quyền mới có thể giảm giá, còn những mặt hàng khác thì chưa.

Chúng tôi cho rằng đã gọi là chống độc quyền, hạ giá thuốc cho người nghèo có điều kiện chữa bệnh thì thuốc gì cũng có thể cho phép nhập khẩu song song. Và bất cứ công ty nào có chức năng xuất nhập khẩu dược phẩm thì đều có thể tham gia làm việc này.

Theo ông, chỉ giải quyết vấn đề nhập thuốc chống độc quyền thì có đủ để bình ổn giá thuốc hay không ?

Nếu chỉ cho phép nhập khẩu song song để chống độc quyền thuốc thì mới chỉ bình ổn được một phần thị trường. Phần còn lại là “hoa hồng” cho bác sĩ và mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian sỉ, lẻ nếu không được quan tâm chấn chỉnh thì giá thuốc tại Việt Nam chắc chắn chưa thể trở về đúng giá trị thực của nó.

Lê thanh Hà

Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh dược phẩm tại Thành Phố HCM cho rằng chủ trương cho nhập khẩu song song là điều mà lâu nay họ mong đợi. Tuy nhiên, tính pháp lý của việc nhập khẩu song song ra sao, như thế nào là nhập khẩu song song , ai được phép nhập khẩu song song ?... Bộ Y tế nên tổ chức lấy ý kiến tham khảo, góp ý của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có doanh nghiệp lại cho rằng Bộ Y tế nên trở lại việc thực hiện chính sách nhập khẩu thuốc ở thời điểm đầu những năm 1990. Đó là qui định một nhà sản xuất nước ngoài khi đã đăng ký lưu hành thuốc vào Việt Nam thì tất cả các đơn vị xuất nhập khẩu ở Việt Nam có chức năng phân phối đều được quyền mua thuốc của nhà sản xuất này về bán.

Đồng thời phải ràng buộc nhà sản xuất đã đăng ký thuốc vào VN phải bán thuốc cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có chức năng phân phối chứ không thể chỉ bán cho một doanh nghiệp độc quyền.

Nhập khẩu song song là gì?

Nếu một nhà sản xuất sở hữu một sản phẩm ở vài nước, thì vì một số lý do họ có thể quyết định bán sản phẩm đó ở các mức giá khác nhau ở mỗi nước. Nếu giá ở nước A thấp hơn ở nước B đáng kể thì các nhà nhập khẩu ở nước B có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn ở nước A và bán ở nước B với mức giá thấp hơn giá do nhà sản xuất qui định. Đó là nhập khẩu song song.

WHO