NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Mô hình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) - Thực hành nhà thuốc tốt

Chỉ riêng tại Thành Phố HCM hiện đã có hơn 4.000 nhà thuốc, nhưng đa số không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường, cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thuốc. Phần lớn dược sĩ không có mặt tại nhà thuốc mà chủ yếu là do dược tá đứng bán, kiêm tư vấn việc sử dụng thuốc cho người bệnh.

Mô hình nhà thuốc tốt

Mô hình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP - thực hành nhà thuốc tốt ( Good Pharmacy Practices ) là kiểu mẫu các nước tiên tiến áp dụng lâu nay - vừa được triển khai từ quý 04-2007. Theo quy định, đến hết năm 2010, tất cả các nhà thuốc bán lẻ phải đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) . Việc áp dụng nhà thuốc đạt chuẩn GPP là tiến tới xóa bỏ thực trạng mua bán, sử dụng thuốc trị bệnh một cách bừa bãi lâu nay, bỏ tình trạng " bác sĩ làm dược sĩ ", " dược sĩ làm bác sĩ ", dẫn đến hậu quả người bệnh bị nhờn thuốc. Nhà thuốc GPP ngoài việc phải đạt chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhiệt độ lạnh, diện tích đảm bảo, thì quan trọng là dược sĩ phải có mặt khi nhà thuốc hoạt động, chỉ bán thuốc theo toa ( trừ một số loại ), có nơi để dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh...

Trao đổi với TN về việc thực hiện mô hình này, Phó giám đốc Sở Y tế Thành Phố HCM Phạm Khánh Phong Lan nói: "GPP ( Good Pharmacy Practices ) là công đoạn cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc. Nếu chỉ tập trung quản lý ở các khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng..., mà không chú trọng đến khâu sau cùng là nhà thuốc - với các yêu cầu về bảo quản thuốc, trình độ chuyên môn, việc hướng dẫn, theo dõi sử dụng thuốc, để thực trạng nhà thuốc lộn xộn như hiện nay, thì sẽ không đạt được mục tiêu đảm bảo thuốc chất lượng, hiệu quả, an toàn cho nguời bệnh". Phó giám đốc Lan nói, chỉ riêng tại TP.HCM hiện đã có hơn 4.000 nhà thuốc, nhưng đa số không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường, cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thuốc. Phần lớn dược sĩ không có mặt tại nhà thuốc mà chủ yếu là do dược tá đứng bán thuốc, kiêm tư vấn việc sử dụng thuốc cho người bệnh. Thậm chí có người không hề có chuyên môn; thuốc được bán một cách tự do, không chỉ dẫn, ai mua, mua loại gì cũng được. Tình trạng mua bán thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc cũng còn rất phổ biến trong khi bác sĩ thì vô tư bán thuốc ngay tại phòng mạch, với đủ loại thuốc bị bóc không còn nhãn mác, bao bì giá cả tùy tiện... Thực trạng ấy dẫn đến hậu quả là người bệnh phải mua thuốc với mức giá cao, nhưng sử dụng thuốc không hiệu quả, thậm chí còn nguy hại cho sức khỏe. "Đã đến lúc cần phải lập lại trật tự, kiện toàn lại hệ thống phân phối thuốc lẻ bằng những nguyên tắc quản lý và bằng tiêu chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) . Chúng tôi đã đề ra, đến hết năm 2008, tất cả nhà thuốc nằm trong các bệnh viện phải đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) . Riêng đối với nhà thuốc tư nhân, nếu nơi nào xin mở mới thì buộc phải làm theo chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) . Còn những nhà thuốc đã hoạt động lâu nay, thì cho lộ trình đến hết năm 2010, ai có điều kiện thì làm trước", Phó giám đốc Lan nói. Nhưng đến thời điểm này, tại TP.HCM mới chỉ có được chừng 10 nhà thuốc đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) , phần lớn là hệ thống chuỗi nhà thuốc của tư nhân.

Trong số đó, có 5 nhà thuốc nằm trong chuỗi Y Đức của Công ty cổ phần dược Minh Phúc, với chi phí đầu tư cho mỗi nơi hơn 1 tỉ đồng ( chưa tính tiền thuốc ). Ông Bùi Minh Trường, Tổng giám đốc công ty nói đến hết năm nay sẽ tăng lên 30 nhà thuốc, sau đó sẽ mở rộng ra cả nước với dự kiến khoảng hơn 200 nhà thuốc GPP, theo 3 nhóm A, B, C. "Tiêu chí đặt ra là mỗi nhà thuốc GPP của chúng tôi phải có diện tích tối thiểu 60m2, riêng loại A diện tích phải từ 150m2 trở lên, quản lý thuốc bằng hệ thống phần mềm", ông Trường cho biết. Công ty cổ phần dược phẩm Phano với chuỗi nhà thuốc V-Phano hiện cũng đã có 3 nhà thuốc đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) tại TP.HCM. Và những người có trách nhiệm của đơn vị này cho biết cũng đang tiếp tục mở rộng thêm mô hình này. Ngoài ra, một số "đại gia ngành dược" khác cũng đang chuẩn bị triển khai chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) có mức đầu tư lớn.

Người làm tốt có sống được ?

Nhà thuốc GPP phải bán thuốc theo toa, trong khi thực trạng lâu nay, gần như 99% phòng mạch bác sĩ vừa kê toa, vừa bán thuốc, thậm chí nhiều nơi bác sĩ bán thuốc mà không đưa toa. Ngoài ra, lâu nay người dân đã quen với việc ra nhà thuốc khai bệnh và mua thuốc, vì thế nếu cơ quan chức năng làm không tới, không quyết liệt, kéo dài việc tồn tại song song hai dạng nhà thuốc GPP ( Good Pharmacy Practices ) và nhà thuốc thường, thì nhà thuốc GPP ( Good Pharmacy Practices ) chắc chắn sẽ khó có đất sống bởi, chi phí đầu tư ban đầu và chi tiêu mỗi ngày phải gánh rất nặng.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115 nhận định rằng: "Lộ trình đến năm 2010 thì chắc chắn không khả thi, không thể làm kịp. Vì thế sẽ rất khó khăn cho những ai làm GPP tiên phong, nếu vốn không mạnh thì không thể gồng nổi trong thời gian đầu, bởi nhà thuốc GPP ( Good Pharmacy Practices ) sẽ vắng khách khi còn tồn tại giữa hai dạng nhà thuốc GPP ( Good Pharmacy Practices ) và nhà thuốc thường".

Một dược sĩ là giảng viên của trường Đại học Y Dược Thành Phố HCM cũng nhận định tương tự khi anh cho rằng, lộ trình đến 2010 là sẽ không khả thi vì rất khó dẹp được tình trạng bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch bởi chuyện này tồn tại lâu nay, dẫu ai cũng biết làm như thế là sai quy định của ngành!

Ngày 04-03-2007, tại hội thảo xoay quanh việc thực hiện nhà thuốc GPP diễn ra ở Thành Phố HCM do Báo SGGP phối hợp cùng Sở Y tế Thành Phố HCM và các đơn vị tổ chức, tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận về thực trạng nhếch nhác, sai phạm ở nhà thuốc và phòng mạch tư tồn tại lâu nay. Ông Cao Minh Quang nói: "Đã đến lúc ngành y tế phải quyết liệt chấn chỉnh, đưa vào nền nếp đối với tình trạng phần lớn nhà thuốc vắng mặt dược sĩ, nhà thuốc bán thuốc vô tội vạ; và tình trạng bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch...". Ông Quang nhắc lại và nhấn mạnh: "Việc bác sĩ bán thuốc tại phòng mạch là sai trái, chưa cần nói đến những sai phạm khác".

Trả lời PV Báo TN về việc "Liệu cơ quan chức năng có thực hiện đúng lộ trình đã đặt ra là đến năm 2010 tất cả các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP, hay phải gia hạn thêm thời gian ?", ông Quang khẳng định : " Đến ngày 31-12-2010, toàn bộ nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP ( Good Pharmacy Practices ) , ngành y tế quyết liệt lập lại trật tự".

Thanh Tùng

Chuỗi nhà thuốc GPP đầu tiên tại TP.HCM

Một chuỗi các nhà thuốc mang thương hiệu V-Phano vừa xuất hiện trên thị trường đạt chứng nhận GPP ( Good Pharmacy Practice - Thực hành tốt nhà thuốc ) đầu tiên tại các tỉnh phía Nam cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác.

Bị cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, đau mắt, thậm chí cả những căn bệnh mãn tính… nhiều người cứ tiện chỗ nào mua thuốc chỗ đó, không cần phải có toa, chỉ cần nói sơ bệnh cho người bán thuốc hoặc kêu những tên thuốc quen dùng là có thể có thuốc để chữa bệnh. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã gặp phải hậu quả khó lường do dùng thuốc tùy tiện.

Khảo sát của nhà thuốc V-Phano trong tuần đầu khai trương cho thấy có đến 38% khách hàng không mua được thuốc do không có toa của bác sĩ. Tuy nhiên trong số đó có 1/4 khách hàng đã cảm ơn vì được dược sĩ tư vấn, giải thích rõ ràng lý do, nhiều người đã trở lại với toa thuốc của bác sĩ.

Đó cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng của các nhà thuốc khi đạt GPP. Đối với bệnh lý nặng cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhà thuốc chỉ bán thuốc cho khách khi có toa của bác sĩ khám bệnh. Ngay cả những toa thuốc đã mua trong lần điều trị trước, đã quá lâu, hoặc toa kê các loại thuốc có biệt dược không được phép lưu hành cũng đều không nên vì sẽ nguy hại đến sức khỏe là lờn thuốc kháng sinh, lạm dụng kháng viêm giảm đau gây viêm loét dạ dày… Ngoài ra nhà thuốc phải có hệ thống lưu trữ thuốc đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt để thuốc đến tay người sử dụng đảm bảo được chất lượng.

Nói như vậy không có nghĩa là một nhà thuốc đạt GPP chỉ cần đầu tư thêm cơ sở vật chất cho nhà thuốc hiện tại là được.Yếu tố quan trọng nằm ở chính “phần mềm”, đó là con người có trình độ chuyên môn cao được huấn luyện, đào tạo và biết cách tư vấn sử dụng thuốc cho khách hàng. Nguồn hàng có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản đúng. Ngoài ra, GPP còn yêu cầu có hệ thống quản lý bằng vi tính để kiểm soát, lưu trữ quá trình dùng thuốc, từ đó biết được dược phẩm nào phù hợp nhất với bệnh nhân… và phần mềm xuất hoá đơn cho khách hàng để đảm bảo giá cả minh bạch và chính xác. Đồng thời nhà thuốc phải tuân thủ các qui trình thao tác chuẩn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đây cũng là chỉ thị của Bộ Y tế: đến hết năm 2010 tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc phải đạt chuẩn GPP và như vậy sức khỏe người dân mới được chăm sóc tốt hơn và an toàn hơn bởi chính những người có chuyên môn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 30.000 nhà thuốc tây nhưng chỉ có khoảng 30 nhà thuốc đạt chứng nhận GPP. V-Phano là chuỗi nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP đầu tiên. Thách thức lớn mà các nhà thuốc vận dụng GPP gặp phải là thói quen tự mua thuốc, tự điều trị của đa phần người dân hiện nay. Tuy nhiên, với đà dân trí đang tăng cao, cộng với những nỗ lực của các cơ quan ban ngành và giới truyền thông, người dân sẽ sớm nhận giá trị đích thực của các nhà thuốc đạt chuẩn GPP.

Với mô hình kinh doanh nhà thuốc theo chuỗi, vận hành nhiều nhà thuốc giống nhau cùng lúc sẽ giảm thiểu chi phí quản lý, đồng thời, với doanh số cao, V-Phano sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhà sản xuất và cung ứng, nhờ đó giá và các chính sách hỗ trợ kinh doanh sẽ cạnh tranh hơn so với các nhà thuốc hoạt động đơn lẻ.

Ngoài ra, ở nhà thuốc GPP còn có đội ngũ dược sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn và hướng dẫn khách hàng sử dụng thuốc hiệu quả, nhằm mang đến cho khách hàng sự an toàn trong sử dụng thuốc và bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Yến Linh