NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nghề chăn nuôi Heo rừng đang phát triển nhanh chóng

Lâu nay, thịt heo rừng vốn được xem là đặc sản, bởi năm thì mười họa người đi rừng mới bẫy được một con

Còn cái nghề nuôi heo vốn đã phổ biến ở khắp nơi nhưng chuyện nuôi loài heo rừng thì xưa nay mấy ai lại nghĩ đến. Song với nhu cầu ẩm thực của xã hội, ngày nay, con heo rừng đã rời rừng về sống với con người.

Vài năm trở lại đây, ở một số tỉnh ở Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp.HCM “mọc” lên những địa chủ nuôi heo rừng, có nơi còn nuôi với số lượng cả trăm con; còn nếu nói về số lượng nuôi lẻ tẻ vài con trong gia đình làm kiểng cũng không ít. Vì nhu cầu và giá cả của thị trường đã thu hút nhiều người đầu tư.

Thịt heo rừng ngon hơn hẳn heo nhà

Cũng là heo nhưng thịt của heo rừng có giá trị gấp cả chục lần thịt heo nuôi tại nhà. Chính môi trường sống và điều kiện ăn uống đã tạo nên những điểm đặc trưng cho thịt. Trong lúc đám heo nhà được chăm sóc cẩn thận: ở chuồng xây, tắm rửa hàng ngày, ăn uống no say đủ ngày 3 bữa, thức ăn toàn là cám, gạo, mì; không những vậy con nào bỏ ăn, mặt mũi lừ đừ là được chăm nom kĩ lưỡng với thuốc thang đầy đủ.

Ngược lại, con heo rừng phải sống cuộc sống tự thân. Ngay khi còn bú mẹ những con heo con đã theo mẹ chạy khắp nơi kiếm ăn đến khi rã bầy heo con đã có thể tự sống độc lập.

Heo vốn là loài ăn tạp. Hàng ngày lũ heo rừng lùng sục khắp nơi, gặp được thức gì thì ăn thức nấy. Trong quá trình kiếm ăn chúng liên tục đào bới, lùng sục khắp nơi để tìm ăn con giun con dế, các loại củ, rễ cây, cỏ, các loại quả rừng, nấm dại mỗi khi khát nước hay nóng nực chúng lại mò xuống những dòng suối.

Nhờ vận động liên tục nên cơ thịt của heo rừng săn chắc, con heo rừng được hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn là cây cỏ trong tự nhiên; nên thịt heo rừng có nạc nhiều nhưng rất mềm, rất ít mỡ, lại rất ngọt và thơm.

Đặc biệt, đối với heo rừng dù là heo tơ hay heo già thì lớp da cũng rất dầy nhưng cũng rất giòn, không cứng như thịt heo nuôi nhà, da có vị bùi bùi thơm thơm. Một món ăn chế biến với thịt heo rừng nhưng miếng thịt chỉ có mỗi phần nạc, mất đi lớp da dầy vàng ươm là đã giảm bớt đi vị ngon của món ăn.

Từ xưa đến nay, thịt heo rừng rất được mọi người ưu chuộng. Trong các quán ăn, nhà hàng từ các tỉnh thành đến các thành phố lớn nơi nào cũng xếp thịt heo rừng vào hàng đặc sản đắt tiền. Song nhiều lúc có tiền nhưng khách ẩm thực cũng rất ít khi thưởng thức được các món ăn chế biến từ thịt heo rừng do các nhà hàng, quán ăn không chủ động được nguồn thịt thường xuyên.

Nuôi heo rừng đang là nghề mới

Thời gian gần đây một số người đã đầu tư nuôi và phát triển đàn heo rừng. Với giá thịt heo rừng trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg thì nuôi heo rừng đang là một nghề hái ra tiền.

Qua kinh nghiệm nuôi heo rừng của ông Nguyễn Trùng Phương ở Tây Ninh thì con heo rừng có thể phát triển nuôi số lượng lớn như nuôi heo đã thuần dưỡng. Ông kể rằng: trước đây ông chưa bao giờ có ý định kinh doanh nuôi heo rừng. Nhưng cách đây 10 năm trong một lần đi công tác ở Lâm Đồng, khi xe tấp vào quán cơm dọc đường đề nghỉ trưa thì vô tình nhìn thấy bà chủ quán có 4 con heo rừng con đang nhốt ở phía sau.

Thấy vậy, trong đầu ông Phương mới hiện lên ý tưởng mua vài con về nuôi cho vui, năn nỉ mãi bà chủ quán cơm mới chịu nhượng lại cho 1 cặp gồm 1 con đực và một con cái với số tiền 3 triệu đồng. Sau đó, 2 con heo rừng con ấy được mang về Đồng Nai nuôi, không ngờ chúng sống khoẻ, mau lớn và sinh sản.

Từ những lứa heo con của cặp heo rừng con ngày nào, ông đã gầy dựng và mở rộng số lượng đàn heo rừng từ từ cho đến ngày nay. Đến nay, Ông Phương đang quản lí 2 trang trại nuôi heo rừng ở Đồng Nai và Tây Ninh với tổng số heo nái hơn 70 con. Hàng tháng ông đưa heo thịt từ trại nuôi rộng 2 ha ở xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng Tây Ninh về Đồng Nai tiêu thụ.

Mỗi năm trung bình từ 2 trang trại nuôi heo rừng của ông xuất chuồng khoảng 200 con heo thịt, thu về cả trăm triệu đồng.

Song ông Phương còn cho biết do nhiều người hiện muốn nuôi “thử” heo rừng, vì vậy heo con sinh ra để bán giống là chủ yếu, còn bán thịt để ăn uống vẫn không có nhiều, giá bán giống còn cao hơn cả giá thịt; vậy mà quanh năm không đủ con giống bán.

Thật vậy, theo lời giới thiệu của ông Phương từ trại heo của ông, chúng tôi bước sang một số nhà người hàng xóm. Trong chuồng heo nhà nào cũng có 3- 5 con heo giống và cả chục con heo con. Ngoài những gia đình xung quanh trang trại, ông Phương còn để giống cho một số bạn bè, người quen ở các tỉnh khác như Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu; đây là những cơ sở vệ tinh cung cấp nguồn heo giống cũng như heo thịt mỗi khi khách hàng ở trong khu vực ấy có nhu cầu.

Heo rừng nuôi không khó

Con heo rừng hình dáng nhỏ gọn với mình dài, mõm dài và nhọn, thân suông, lông thưa dài có màu đen hoặc nâu sậm, bình thường lông chỉ mọc dày ở phần gáy và chạy dọc theo sống lưng. Những lúc chúng nổi giận hay hoảng sợ lông gáy của chúng dựng đứng lên, trông rất dữ tợn. Đối với heo rừng con mới đẻ, bộ lông của chúng có hình sọc dưa với 2 màu nâu và đen xen lẫn.

Heo rừng trọng lượng tối đa của một con chừng 35 kg ( đối với heo cái ) còn heo đực là khoảng 60 - 70kg. Mặc dù có thể đưa heo rừng vào chuồng nuôi nhốt như các dòng heo thuần nhưng điều kiện sống tốt nhất để heo rừng sinh trưởng là môi trường bán thiên nhiên có hồ nước tắm, “sân chơi” rộng cho lũ heo chạy nhảy, ủi đất không bị cuồng chân để chúng khỏi phá phách.

Heo rừng có sức đề kháng mạnh nên rất ít bệnh tật. Heo rừng ăn tạp vì vậy ngoài cám, gạo còn có thể cho chúng ăn những loại rau cỏ, củ khác. Ông Phương cho biết, hàng ngày, những con heo rừng trong trang trại của mình chỉ được ăn 2 bữa là cám gạo, còn 1 bữa thì ăn các loại củ như sắn ( khoai mì ), khoai lang, bắp khô.

Lâu nay, mọi người không lạ gì với việc nuôi các giống heo thuần chủng, còn khi nhắc đến heo rừng mọi người nghĩ ngay đến hình ảnh một loài heo dữ tợn sẵn sàng lao vào tấn công con người bất cứ lúc nào. Nhưng theo như giải thích của những người đang nuôi heo rừng thì phần lớn heo rừng đang được nuôi ở các gia đình đều đã qua lai tạo. Chúng là thế hệ con lai đời F1, F2 của những con heo rừng chính gốc, hoặc bố là heo rừng gốc.

Thông thường mọi người hay dùng giống lợn ỉ để phối với con heo rừng để cho ra lớp heo rừng con lai F1; sau đó tiếp tục lấy heo cái đời F1 phối với heo rừng đực gốc cho ra đời heo F2, từ đời heo lai F2 phối giống với heo rừng gốc sẽ cho đời heo lai F3 đây là dòng lợn rừng thuần chủng 100% có chất lượng thịt ngon tương đương với thịt heo rừng thứ thiệt, có thể phát triển nuôi lấy thịt.

Vì sống gần con người những heo rừng lai đã hiền hơn, dạn dĩ với người hơn. tuy nhiên, với người quen thì chúng thế còn đối với người lạ thì mấy con heo rừng cũng lồng lộng lên, miệng gầm gừ, mắt láo liên vì bản tính hoang dã không bị mất đi.

Vài năm về trước, thịt heo rừng ở Bình Phước chỉ ở mức 60.000 đồng/kg nhưng nay heo hiếm giá cũng đã tăng lên trên 150.000 đồng, song có ngày có ngày không. Nhưng ngày nay, trước phong trào nuôi heo rừng phát triển mạnh ở nhiều nơi, không chỉ các tỉnh Đông Nam Bộ mà ngay cả các tỉnh vùng ĐBSCL cũng đã có khá nhiều người đầu tư nuôi heo rừng thì muốn ăn thịt heo rừng không còn khó mấy, nếu chịu khó có thể tìm được, không chỉ một vài kilogam mà cả nguyên một con heo còn sống nguyên.

Thị trường cho thịt heo rừng đang rất rộng. Ngoài nhu cầu ăn uống của người dân ở các tỉnh thành thì Tp.HCM vẫn được xem là thị trường đầy tiềm năng là mạng lưới các quán ăn, nhà hàng. Đấy là chưa nói đến nhu cầu ăn uống của các hộ gia đình.

Đồng Bằng sông Cửu Long : Lại ồ ạt nuôi heo rừng

Trong khi con tôm, cá tra, cá basa ở đồng bằng sông Cửu Long lao đao vì giá thì người dân miệt sông nước này lại quay sang nuôi heo rừng. Hàng loạt nông dân đã đổ xô đi nuôi heo rừng với quyết tâm làm giàu…

Heo rừng dễ nuôi

Có thể nói, người “châm ngòi” trong việc nuôi heo rừng ở miền Tây là ông Châu Xuân Vũ-chủ trang trại Ba Vũ ( xã Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long ). Trang trại của ông Vũ đang nuôi hàng chục con heo rừng. Con giống được ông nhập từ Malaysia. Lúc mới nuôi, trang trại nuôi thú “hoang dã” của ông Vũ đã bị Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long phạt hành chính do nhập heo từ nước ngoài về nhưng chưa qua thủ tục kiểm dịch của ngành Thú y. Đến nay, trang trại nuôi heo rừng này đã được nhiều bà con trong vùng đến tham quan, học hỏi… Kế đến là anh Nguyễn Trọng Hiếu ở xã Gò Công, Tiền Giang cũng lập trang trại nuôi heo rừng với heo giống mua từ Đăk Lăk về. Bầy heo rừng từ 2 con, đến nay đã phát triển lên đến hàng trăm con và cải thiện kinh tế gia đình anh đáng kể…

Tại huyện đảo Phú Quốc ( Kiên Giang ), khi anh Tạ Văn Tài, ngụ thị trấn An Thới mua heo rừng về nuôi gây giống thì người dân huyện đảo này cho đó là chuyện phiếm… Sau một thời gian nuôi, anh Tài mở rộng trang trại nuôi heo rừng từ 4 con heo ban đầu lên hơn 40 con; chưa kể lượng heo rừng giống hàng chục con đã bán cho người dân huyện đảo nuôi như heo nhà. Và đến lúc này thì người dân ở huyện đảo này đã tin việc nuôi heo rừng của anh Tài là sự thật. Đi sau nhưng chưa chịu về muộn là những người dân An Giang dựa vào núi rừng mở rộng trang trại nuôi heo rừng. Dưới sự giúp sức của Phòng Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn huyện Tri Tôn, ông Châu Sai, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô đã mua 3 con heo rừng về làm giống… Ông Châu Sai hy vọng bầy heo rừng nuôi sẽ phát triển tốt, vì vùng Bảy Núi xưa kia từng là hang ổ của heo rừng…

Giá bán cao

Chị Văn Thị Ngọc Luyến ( ngụ ấp Thạnh Long, xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang ) ôm ấp giấc mộng đổi đời từ heo rừng bằng cách chặt bỏ vườn bưởi Năm Roi rộng trên 2 công đất để xây chuồng nuôi heo rừng. Ban đầu hơi khó khăn, nhưng đến nay bầy heo rừng nuôi của gia đình chị Luyến đã phát triển thành bầy đàn trên 50 con. Hôm chúng tôi đến, chị Luyến đang bán 8 heo rừng giống cho 2 hộ dân ở Trà Vinh mua về nuôi với giá trên 3 triệu đồng/con. Trước đó chị Luyến đã bán cho hàng chục hộ dân ở các tỉnh, thành khác hàng mấy chục heo rừng giống. Chị Luyến cho biết do 2 công đất như hiện nay quá chật hẹp với bầy heo rừng không ngừng phát triển, nên chị định mở rộng thêm trang trại nuôi heo. Cách trang trại của chị Luyến chưa đầy 20km là trại heo của anh Thái Thiện Tùng ( phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ ). Tuy mới vào nghề nuôi heo rừng, nhưng anh Tùng đã mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi heo có sức chứa lên đến hơn 200 con. Tại sao người ta ồ ạt nuôi heo rừng ? Hầu hết các chủ trang trại heo rừng đều trả lời tự tin : vì heo rừng giá bán cao, dễ nuôi, cho gì ăn nấy và ít bệnh… Một con heo rừng (nái) thường đẻ một bầy từ 4 con trở lên, khoảng 6 tháng sau heo mẹ lại đẻ tiếp lứa khác. Trong khi đó, heo con nuôi trên 2 tháng có thể bán với giá trên 3 triệu đồng/con thì quả là có lời cao… Còn không thì người nuôi vỗ heo rừng con 6 tháng thành heo thịt là đạt trọng lượng 35 kg/con và bán cho các quán nhậu, nhà hàng với giá trên 150.000 đồng/kg .

Làng nuôi heo rừng

150 nghìn đồng/kg hơi, trên 300 nghìn đồng/kg giống là giá heo rừng thời điểm hiện tại, gấp 5-6 lần so với heo nhà. Cũng vì vậy, phong trào nuôi loài vật này phát triển khá nhanh ở Đà Nẵng - Làng nuôi heo rừng với hơn 10 trang trại đã hình thành ở các xã miền núi Hoà Vang.

Đi tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này phải kể đến chàng thanh niên Trần Đức Quốc, ở phường Thuận Phước ( Hải Châu ). Cách đây 5 năm, trang trại nuôi heo rừng đầu tiên ở Đà Nẵng ra đời tại thôn Hoà Trung xã Hoà Ninh ( Hoà Vang ) với 16 con giống mua từ Bình Phước về. Con giống tốt, chăm sóc chu đáo, chỉ 3 năm sau đàn heo rừng này đã tăng lên hàng trăm con. Tiếng lành đồn xa, khách hàng trong Nam ngoài Bắc tìm đến mua con giống. Chủ trang trại tuổi tuổi vừa tròn 30 ấy thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật nuôi và cung cấp con giống. Nay, trang trại đã mở rộng gấp 3 lần so hồi mới lập, tổng đàn luôn ổn định 120-150 con cả lớn bé. Theo anh Quốc, 4 năm qua đã có hàng trăm con giống bán đi khắp nơi. Không những vậy, anh còn giúp hơn 10 chủ trang trại khác phát triển nuôi heo rừng. Chính lĩnh vực này đã đưa anh từ chàng trai nghề nghiệp không ổn định thành ông chủ nhiều người biết đến, từng tham dự các hội nghị về khuyến nông và kinh tế trang trại toàn quốc. Anh đúc kết: nuôi heo rừng không khó, hiệu quả kinh tế cao. Đây là loài vật dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường lớn nên đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vừa mua đất, xây nhà, mua con giống chỉ vài năm là lấy lại vốn. Với 10 trang trại như hiện nay chưa thấm vào đâu so với nhu cầu con giống và thịt ở thành phố đông dân như Đà Nẵng. Ra đời sau sau trang trại của anh Trần Đức Quốc 2 năm nhưng trang trại Sơn Hoà do anh Trần Đức Nhã ở thông Trung Nghĩa xã Hoà Ninh làm chủ sớm khẳng định vị trí dẫn đầu về quy mô trong làng nuôi heo rừng ở khu vực miền núi Đà Nẵng. Đến nay, trang trại này có không dưới 400 con lớn bé. Anh Nhã cho hay, hầu như ngày nào cũng có khách hàng tìm đến đặt mua con giống. Giá đã nhích lên từ 300 nghìn đồng 6 tháng trước lên 350 nghìn đồng/kg hiện nay. Heo hơi bán thịt 160 nghìn đồng/kg cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Thế mạnh của trang trại này là đất đai rộng, xung quanh chăng lưới B40, heo tha hồ dạo trong rừng mà không lo mất. Môi trường thuận lợi này đã giúp trang trại duy trì được đàn heo rừng giống chất lượng cao. Hiện tại, 18 trong tổng số 36 nái mẹ vừa đồng loạt “ở cữ” cho ra đời trên 100 heo con, nâng tổng đàn heo con, heo choai lên gần 400 con. Ngày vừa lập trại anh ăn ngủ không yên, vốn đầu tư tiền tỷ, nái mẹ, đực giống xấp xỉ 20 triệu đồng/con chứ đâu ít. Thế nhưng nỗi lo ấy nhanh chóng giải toả. Heo đẻ nhiều, đẻ đều, chóng lớn, đầu ra rất thuận lợi, trang trại đang bội thu. Tính ra, 2 năm qua số heo xuất chuồng đã xấp xỉ nửa tỷ đồng.

Ôm 600 triệu đồng từ thị xã Cửa Lò xứ Nghệ vào Đà Nẵng lập nghiệp chàng thanh niên 27 tuổi Bùi Anh Tích mạnh dạn đầu tư lập trang trại nuôi heo rừng ở thôn Trung Nghĩa xã Hoà Ninh. Trong số vốn đem theo, anh dành 1 nửa mua 1 ha đất vườn, xây nhà để ở và khu chuồng trại, nửa còn lại mua con giống và vốn dự phòng. Chỉ mới hơn năm, đàn heo từ 20 con tăng trên 100 con. Đợt xuất chuồng đầu tiên anh đã thu 60 triệu đồng. Anh Tích cho hay: không có lĩnh vực nào nhanh thu hoạch và thu cao như nuôi heo rừng. Ưu việt của kiểu chăn nuôi này là ít lo dịch bệnh. Heo rừng vốn dĩ sức đề kháng bệnh tật rất lớn, chăn thả theo kiểu nửa hoang dã, nửa nuôi nhốt phát triển khá nhanh. Với kết quả bước đầu thuận lợi, anh có kế hoạch nâng quy mô trang trại lên 3 đến 4 lần so hiện nay.

Đánh giá chung, các trại heo ở Hoà Vang đều thu được kết quả cao không ngờ. Được biết, sau thanh công của các chủ trại ở nơi này, rất nhiều nhà nông có “máu mặt” trong tỉnh và các địa phương lân cận cũng đã đến “làng nuôi heo rừng” để tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm.

Trung tâm heo rừng lớn nhất Tây Nguyên

Anh là một Việt kiều sống lâu năm tại Hoa Kỳ, với tấm bằng kỹ sư tin học cao cấp, về nước với ý định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Thế nhưng không hiểu sao anh lại đi nuôi… heo rừng. Trại heo rừng ngày nào giờ thành Trung tâm heo rừng lớn nhất Tây Nguyên.

Ông Việt kiều… nuôi heo rừng

Tháng 4 Tây Nguyên đang trong giai đoạn cuối mùa khô, không khí oi bức. Từ quốc lộ 26 đến cây số 58 chúng tôi rẽ vào thôn 4 xã Ea Đa, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, con đường đất đỏ bụi mù mịt, dọc hai bên đường người dân đang hối hả bơm nước chống hạn cho những rẫy cà phê, phải qua 3 lần hỏi thăm cùng với biển chỉ dẫn chúng tôi mới tìm được Công ty TNHH chuyên nuôi heo rừng của anh. Nằm cuối thôn, trang trại rộng 2ha của anh Hiếu nằm lọt thỏm giữa những rẫy cà phê, điều và cạnh một cái hồ nước lớn.

Thấy có khách lạ, một nhân viên tưởng tôi đến mua heo rừng giống liền một mạch giới thiệu các loại heo với số lượng không giới hạn. Thú thực tôi lên Đăk Lăk công tác cũng nhiều, được nghe nói về trang trại của anh nhưng tôi xem là chuyện bình thường vì nghề nuôi này đã rất phổ biến. Thế nhưng đến đây chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô của trang trại cũng như số lượng heo rừng trong chuồng, có cảm giác rằng heo rừng ở Tây Nguyên đã được đưa hết vào đây.

Hiếu ăn vận đúng kiểu một anh chàng “cao bồi” như trên phim ảnh Mỹ. Rất niềm nở, anh đưa tôi đi một vòng trang trại tham quan. Ông chủ Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết Trung tâm nuôi heo rừng Tây Nguyên này được thành lập từ năm 2006, tuy nhiên đây cũng không phải là cái nghiệp anh theo đuổi ban đầu mà chỉ vì một lý do rất đỗi tình cờ khi về Việt Nam. Anh vốn quê ở Cần Thơ, năm 1982 sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ở đây qua học tập anh đã có tấm bằng kỹ sư tin học cao cấp, thạc sĩ quản trị kinh doanh (Đại học Hawai, Mỹ), một lĩnh vực rất “hot” hiện nay. Về Việt Nam, anh dự định đầu tư làm năng lượng sạch như điện gió, năng lượng mặt trời. Thế mà khi lên Tây Nguyên, thấy người dân nơi đây vẫn săn bắt và ăn thịt thú rừng mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm, anh đã thay đổi ý định. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, anh Hiếu quyết định mở trung tâm nuôi heo rừng.

Anh mua 2 ha đất tại thôn 4, xã Ea Đar quy hoạch thành khu chăn nuôi. Được sự đồng ý của Chi cục kiểm lâm Đăk Lăk, năm 2006 anh mua 26 con heo rừng giống ở Bình Dương để về làm giống nhân đàn. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên toàn bộ số heo rừng đó không hợp với khí hậu núi rừng Tây Nguyên, do vậy chỉ trong mùa mưa năm ấy đã có 18 con heo giống bị chết, số còn lại èo uột không lớn và bệnh tật thường xuyên nên không sinh sản được.

Anh rút kinh nghiệm đi tìm mua heo tại các tỉnh Tây Nguyên về nuôi, nhưng do không biết cách phòng chống các bệnh heo thường gặp nên heo rừng của anh tỷ lệ heo con chết nhiều. Không nản chí, một mặt anh tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi heo rừng của Thái Lan, của trang trại dưới tỉnh Bình Dương, một mặt anh hợp tác với kỹ sư của Trường đại học Tây Nguyên để tìm cách nhân đàn heo giống cũng như các biện pháp chăm sóc đàn heo sao cho có hiệu quả cao nhất.

Thành công

Vạn sự khởi đầu nan, sau nhiều thất bại, đến năm 2008 là năm khởi đầu thành công của trang trại heo rừng Tây Nguyên, đàn heo giống của anh đã sinh sản được trên 400 con heo con. Tất cả đều khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, tỷ lệ heo giống sống đạt trên 92%. Để mở rộng phát triển trang trại, anh Hiếu đã để lại 100 con heo làm giống, số còn lại bán cho người dân có nhu cầu. Theo anh hiếu, heo con chỉ một ngày sau khi sinh là được tiêm vacxin phòng bệnh vì vậy trong quá trình nuôi heo rất ít bị bệnh.

Anh Hiếu cho hay heo rừng cũng thường mắc các bệnh như heo nuôi thông thường, chính vì vậy cần tiêm phòng cho heo để an tâm về dịch bệnh. Tuy nhiên ruột heo rừng rất mỏng, chính thế nó rất hay bị tiêu chảy, để heo không bị mắc bệnh này chỉ cần nguồn nước cho heo ăn uống luôn phải đảm bảo vệ sinh.

Đến nay anh Hiếu đã đầu tư tổng số vốn để phát triển nuôi heo rừng lên tới 3,5 tỷ đồng. Trang trại hiện có đàn heo rừng gần 600 con, trong đó có 134 con heo sinh sản, 10 con heo đực giống.

Dự kiến trong năm 2009, trang tại của anh Hiếu sẽ sản xuất được 1.200 con heo rừng giống để cung cấp cho thị trường. Từ đầu năm đến nay Trung tâm nuôi heo rừng Tây Nguyên của anh Hiếu đã thu trên 500 triệu đồng từ bán heo rừng giống, dự kiến hết năm anh sẽ thu 1 – 1,5 tỷ đồng.

Heo rừng là loài ăn tạp nên thức ăn cho heo rất đơn giản, ít tốn kém, bình quân mỗi ngày một con heo rừng chỉ tiêu tốn hết 1.000 đồng tiền cám, còn lại là thức ăn xanh. Heo ăn bất cứ thứ cây gì có sẵn trong vườn như thân cây chuối, lá dâm bụt, xơ mít, khoai sắn, cỏ sữa và rất nhiều loại cây cỏ khác. Chuồng trại chỉ cần 6 – 8m2 là nuôi được 5 – 6 con heo.

Heo rừng nuôi khoảng 7 – 8 tháng là có thể đạt 30 – 40kg. Với heo cái lúc đó có thể cho phối giống còn heo đực muốn để làm giống cần nuôi thêm 1 – 2 tháng nữa mới bắt đầu cho phối giống.

Thời gian mang thai của heo rừng cũng như heo nhà, từ 114 – 115 ngày. Quá trình đẻ diễn ra tự nhiên không cần sự can thiệp của con người. Mỗi lứa heo rừng đẻ từ 5 – 13 con. Hiện nay thị trường thịt heo rừng khá lớn với giá cả rất cao. Giá một kg thịt heo rừng giống là 300.000 đồng/kg, heo thịt là 150.000 đồng/kg thì quả là lợi nhuận từ nuôi heo rừng rất lớn.

Theo anh Hiếu, do chi phí mua heo giống khá cao nên tâm lí của người mua e ngại bởi không may rủi ro heo chết thì thiệt hại lớn, chính vì lẽ đó để đảm bảo, ngoài tiêm phòng cho heo từ lúc mới đẻ cho đến khi xuất bán, Cty còn có quy trình phòng bệnh và chăm sóc heo để người nuôi heo yên tâm đầu tư, không những vậy trong thời gian tới Cty còn hướng đến cam kết đảm bảo chất lượng đàn heo giống.

Ngọc Khanh

Thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi lợn rừng lai dưới tán vườn

Những năm gần đây mô hình nuôi lợn rừng lai đang dân phát triển ở nhiều địa phương. Vì kỹ thuật nuôi lợn rừng lai khá đơn giản, chỉ cần bao lười B40 dưới tán vườn cây ăn quả, làm nhà tránh mưa, xây một số ô chuồng nhỏ tuỳ theo mô hình nuôi là được. Thức ăn cho lợn chủ yếu là phế phẩm nông nghiệp, chuối, cây cỏ, bắp, lục bình và một phần cám gạo. Đây là loài vật nuôi mới, cho sinh lợi cao. Ở Sóc Trăng mô hình này đang được nhân rộng và nhiều hộ nuôi thử nghiệm đã cho hiệu quả bước đầu. Điển hình là hộ gia đình anh Trần Văn Bình ở ấp An Trung A, xã An Thành Nhất, huyện Cù Lao Dung hiện đang nuôi cả lợn rừng lai thịt và lợn rừng lai sinh sản với số lượng lớn.

Theo anh Bình, gia đình anh bắt đầu nuôi từ vài năm nay, vốn đầu tư ban đầu tổng cộng khoảng 120 triệu đồng, trong đó chi phí cho xây dựng chuồng trại và tường rào bao quanh là 80 triệu đồng với diện tích 4.800 m2, 15 triệu đồng chi phí cho 02 con lợn rừng lai giống đực và 25 triệu đồng dành mua 7 con lợn rừng lai cái. Cũng theo anh Bình thì trước đây gia đình chỉ trồng cây ăn trái nhưng vì giá cả cây trồng bấp bênh không ổn định và chi phí sản xuất khá cao nên không đem lại hiệu quả kinh tế... Từ khi được tham quan mô hình chăn nuôi lợn rừng ở tỉnh Bình Dương và học tập khoa học kỹ thuật từ ngành thú y, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi lợn rừng và bước đầu đã khá thành công với lợi nhuận thu được năm vừa rồi sau khi trừ chi phí còn gần 100 triệu đồng.

Với khu vực chăn nuôi chỉ chưa đầy nửa ha đất hiện anh Bình đang có trong tay vài chục con lợn rừng lai choai choai, bên cạnh những con lợn rừng lai bố mẹ. Những chú lợn con thế hệ F3 vừa mới ra đời, chúng rất nhanh nhẹn, thoắt ẩn, thoắt hiện mỗi lúc gặp người lạ. Tất cả đều được thả rong trong vườn nhãn đầy cỏ được lười B40 bao bọc xung quanh. Chỉ vào cả khu vườn, anh Bình cho biết: Từ khi nuôi lợn rừng trong vườn, anh không phải tốn công làm cỏ, chúng đào bới dữ lắm Phân của nó còn dùng bón cho cây nhãn quanh vườn. Thức ăn của nó cũng rất đơn giản dễ kiếm, ngoài cỏ thì mỗi ngày chỉ cho ăn dặm thêm ít cám, rau lang, lục bình vớt dưới sông... loại thức ăn này chúng rất thích. Tuy nhiên, để chúng trở thành lợn rừng thực thụ thì môi trường nuôi quyết định tất cả. Lợn phải được thả rong trong khuôn viên rộng lớn, chỉ căng một tấm bạt nhỏ để che mưa. Cũng cần xây dựng một chuồng trại kiên cố để nhốt cả lợn mẹ lẫn lợn con khi mới sinh. Vì bản chất hoang dã của lợn rừng con sẽ kích thích chó, mèo săn bắt.

Sau gần 4 năm thả nuôi, đến nay đàn lợn rừng lai của anh Bình đã phát triển thành 19 con nái, 40 lợn lứa, 02 con đực giống. Giá bán hiện tại là 150.000 đồng/kg lợn thịt, còn lợn giành để bán làm giống nuôi là trên 300.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng năm 2008 gia đình anh đã xuất bán được 35 con lợn giống, giá 300.000 đồng/kg, 36 con lợn thương phẩm, bình quân mỗi con từ 15 - 25 kg, trừ mọi chi phí gia đình anh thu lợi nhuận trên 95 triệu đồng.

Thành công không chỉ tính thu nhập từ mô hình nuôi lợn rừng lai, mỗi năm, gia đình anh Bình còn thu nhập thêm cả chục triệu đồng tiền lãi từ việc nuôi gà, vịt, cá . . . thả chung trong ao vườn. Và cũng từ mô hình nuôi lợn rừng lai của anh Bình thành công đã có nhiều hộ trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cân Thơ qua Cù Lao Dung tìm đến anh để mua con giống về nuôi thử, anh Bình đều chỉ dẫn cặn kẽ kỹ thuật chăm sóc, cho ăn, phòng trị bệnh và chỉ mối để các hộ có thể bán được giá cao...l.

Nuôi heo rừng lai tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên

Tại tỉnh khánh hòa vài năm gần đây đã có trên 20 hộ dân nuôi thử nghiệm heo rừng. Trong số đó có mô hình nuôi thử nghiệm của hội làm vườn ( thành viên của LHCHKHKT tỉnh ) ở Vạn Ninh và Nha Trang được nuôi dưới tán rừng, dưới tán vườn cây ăn quả điểm lợi thế của nuôi heo rừng lai là kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao.

I. Kỹ thuật nuôi

1.Chuồng nuôi

Theo các hộ dân, để làm chuồng nuôi heo rừng cần lưới thép B40 cao khoảng 1,5m trở lên quây xung quanh khu vực nuôi dưới tán cây rừng hoặc tán cây vườn nhà. Cần làm nhà lán tránh mưa, một số ô chuồng nhỏ ( tùy theo quy mô nuôi ). Theo ông Hoàng Tám, chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Khánh Hòa : tùy điều kiện đất đai, vốn liếng, quy mô và mục đích nuôi heo sinh sản hoặc cung cấp thịt, có thể bố trí và xây dựng chuồng trại khác nhau nhưng nhìn chung phải đảm bảo yếu tố rộng, thoáng.

2. Thức ăn

Thức ăn cho heo rừng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, chuối cây, cỏ bắp ( chiếm khoảng 60 - 70% thành phần thức ăn ) và một phần cám gạo. Ông Lê Dương ( Suối Tân, Cam Lâm ) và ông Phạm Minh Thông ( Ninh Sơn, Ninh Hòa ) cho biết: "mỗi ngày hai bữa, chúng tôi trộn cám gạo, bắp với rau lang, rau muống cho heo ăn tươi sống. Ngoài ra, bổ sung cỏ voi và chuối cây cho heo "lai rai" cây ngày".

3. Tập tính của heo rừng

Tại khánh hòa, qua thực tế nuôi 2 giống heo rừng lai có nguồn gốc Thái Lan thì các giống heo này phát triển tốt trong điều kiện nuôi đơn giản. Đàn heo sinh trưởng ổn định, chưa phát hiện dịch bệnh gì.

Heo rừng lai vẫn giữ lối sống bầy đàn, thích vận động ở không gian rộng, thích ủi đất. đầm nước khi mùa nắng nóng. Tuy vẫn giữ những đặc tính hoang dã của heo rừng nhưng do đã được thuần hóa nên heo rừng lai thuần tính, có thể tiếp cận để chăm sóc. Heo nái khi sinh sản tự tìm ổ đẻ, không cần sự giúp đỡ của con người. Heo con sau khi ra đời nhanh chóng khỏe mạnh, chạy nhảy, được tách mẹ sau 1 tháng rưỡi đến 2 tháng.

Ông Hoàng Tám, chủ tịch Hội làm vườn tỉnh, bắt đầu nuôi heo rừng lai từ tháng 7-2007 với 2 loại giống heo rừng có nguồn gốc Thái Lan ( một giống có lông màu nâu bạc má và một giống có lông màu đen tuyền (moocpa) ) đã được thuần hóa. Từ 23 con giống ban đấu, đến nay, sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, đàn heo của gia đình ông phát triển tốt. Trong số 16 con nái, chỉ có 1 con chưa đẻ. Phần lớn, số nái đẻ 2 lứa, thậm chí có con đã đẻ được 3 lứa. Đến lứa thứ 2, bình quân 7 con/nái. Số con nhiều nhất 1 lứa đạt được là 11. Cả 2 giống nuôi đều phát triển tốt nên có thời điểm tổng đàn heo rừng lai của gia đình ông lên đến 100 con.

II. Hiệu quả kinh tế của mô hình

Hiện nay, nuôi heo rừng lai được đánh giá là một hướng đi có triển vọng. Vì đây là một nghề nuôi mới, lại đang còn ở thời kỳ đầu nên sinh lợi cao.

Theo ông Phan Văn Dậu ( Vạn Phú, Vạn Ninh ), gia đình ông đấu t­ư tổng cộng 50 triệu đồng. trong đó 26 triệu đồng cho 7 con heo giống, 24 triệu đồng cho chi phí chuồng trại ban đầu sau 2 năm, lúc cao điểm, đàn heo của ông phát triển đến 135 con, trong đó có 35 con là heo nái. Ông đã xuất bán 40 con giống, thu về 195 triệu đồng. Như vậy, trừ mọi chi phí, gia đình ông còn lãi đàn heo rừng lai 95 con, trị giá khoảng 700 triệu đồng.

Hiện nay, giá heo rừng lai giống bán phổ biến 300 ngàn đồng/kg. Heo giống 15 - 17kg có giá khoảng 5 triệu đồng, con giống 5 - 7kg có giá khoảng 3 triệu đồng.

Đang ở thời kỳ mở rộng chăn nuôi nên các hộ nuôi heo rừng lai mới chỉ dừng lại ở khâu bán giống, chưa bán thịt thương phẩm ra thị trường. Mặt khác, hiện cung chưa đủ cầu nên giá heo giống cao là tất nhiên. Vì vậy, việc nuôi heo rừng lai hiện nay thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

III. Định hướng phát triển

Ông Hoàng Tám cũng như những hộ dân chia sẻ: khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển rộng rãi mô hình nuôi heo rừng lai là vấn đề con giống. Giá khoảng 300 ngàn đồng/kg con giống là trở ngại lớn nhất của người nuôi. Ông Lê Dương cho biết: "hiện giá heo giống khá cao nên chúng tôi khó mua được số lượng nhiều'. Chính vì thế, tháng 4-2008, khi gia đinh ông bắt đầu nuôt heo rừng lai cũng chỉ có thể đầu tư 1 cặp giống. Với giá heo giống cao như vậy, những nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi heo rừng lai rất khó tiếp cận được đối tượng nuôi này.

Bên cạnh đó, vấn đề kỹ thuật cũng được ông Nguyễn Lâm Thao, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa lưu ý. Người dân hiện nuôi heo rừng lai chủ yếu có nguồn gốc nước ngoài đã được thuần hóa. Nhưng đến nay, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu được công bố về heo rừng lai. Những thông tin về việc lai tạo giống, chỉ số thức ăn/kg trọng lượng, hệ số sinh sản... chỉ có trên những tài liệu sao chép ban đầu. Mặt khác, mặc dù nuôi heo rừng lai có nhiều ưu thế như: tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nhiều hơn, sức cải tạo đối với vật nuôi tốt, phẩm cấp thịt cao, chăm sóc nuôi dưỡng đơn giản... nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất giống chứ chưa ra thịt thương phẩm nên chưa tính toán chính xác, khoa học hiệu quả kinh tế đối tượng nuôi này.

Bên cạnh đó, vấn đề thị trường tiêu thụ không chỉ là băn khoăn của các ông Lê Dương, Phạm Minh Thông. Theo ông Hoàng Tám, để phát triển nuôi heo rừng lai thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, chính quyền địa ph­ơng và ngành chuyên môn cần quy hoạch theo từng vùng phù hợp. Cần có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi heo rừng lai thương phẩm; đồng thời, hình thành được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để chủ động nguồn giống, Liên chi Hội khoa học học kỹ thuật (LHCHKHKT) và Hội làm vườn tỉnh đã định hướng lai tạo heo rừng lai với heo đen của đồng bào dân tộc thiểu số để tạo ra đối tượng nuôi cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao. "Sắp tới Liên chi Hội khoa học học kỹ thuật và Hội làm vườn tỉnh sẽ chọn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ nuôi thí điểm mô hình này nhằm phát triển nghề nuôi heo rừng lai, góp phần cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân miền núi"- ông Bùi Mau, chủ tịch Liên chi Hội khoa học học kỹ thuật tỉnh cho biết.