NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Đã đến lúc phải đưa vấn đề hiện đại đường sắt lên bàn Quốc hội - TS Trần Đình Bá

Với 3200 km chạy dọc đất nước, đường sắt Việt Nam trở thành kho tài sản rất lớn của toàn dân trị giá hàng chục tỷ USD, được tích lũy trải qua quá trình lịch sử. Song thật đáng tiếc là khổ đường của ta có bề rộng 1 mét, chỉ phù hợp với đầu máy hơi nước đốt than và toa xe cỡ nhỏ thời Pháp. Hiện nay do nhu cầu vận tải và đổi mới kỹ thuật nên phải sử dụng đầu máy diezen có công suất lớn để kéo các toa tàu đều có khối lượng lớn. Tốc độ bình quân chỉ đạt 50 km/h vì không thể nào mạo hiểm tăng tốc trên khổ đường 1 mét. Sau khi rút ngắn hành trình 29 giờ trên tuyến Bắc - Nam lập tức xảy ra liên tiếp 2 vụ lật tàu thảm khốc làm nhiều người chết và bị thương, Đường sắt Việt Nam đã phải trở lại hành trình 31 tiếng. Đây thực sự là những bước đi thụt lùi thê thảm!

Để cải thiện hình ảnh, vừa qua đường sắt Việt Nam đã thực hiện dự án lớn 24.500 tỷ đồng để sản xuất hàng loạt tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực - tiêu chuẩn Nhật Bản, đưa vào thay thế loại tà vẹt bê tông cũ với tham vọng sẽ tăng tốc 120 km/h. Song cách làm này không thể thực hiện được vì Đường sắt Nhật Bản khổ 1.067 mét, độ an toàn cao hơn cho nên khi tàu của ta mới chạy 100km/h đã gây lật tàu liên tiếp 2 vụ trong vòng 1 năm, làm hơn 100 người chết và hàng trăm người bị thương. Nhật Bản hiện có 93% chiều dài Đường sắt toàn quốc chỉ khổ hẹp 1.067 m đã được kiên cố hóa, họ đang lúng túng trước một hệ thống Đường sắt lạc hậu này nhưng "bỏ thì thương - vương thì tội". Sau khi biết được sự thật, nhân dân thực sự phẫn nộ vì một nước giàu thứ nhì thế giới lại có hệ thống Đường sắt lạc hậu nhất. Chủ tịch Tập đoàn ĐS Nhật Bản đã phải từ chức.

Nếu như cắt ngắn 67 mm trên thanh tà vẹt Nhật Bản lắp đặt vào khổ đường 1 mét của nước ta để cho chạy với tốc độ 120 km/h sẽ không bao giờ thực hiện được. Cơ sở kỹ thuật cho thấy bề rộng khổ Đường sắt là "linh hồn" của Đường sắt quyết định độ an toàn cho tốc độ chạy tàu. Bề rộng khổ Đường sắt là "cánh tay đòn" trong bài toán cân bằng động lực học để tính được hệ số mô men kháng lật /mô men lật. Bài toán kỹ thuật này cho thấy: Thông số mô men kháng lật của khổ đường 1 mét rất thấp, dù có kiên cố hóa đến đâu cũng không làm thay đổi được trị số về mô men kháng lật nên hệ số an toàn vẫn không có gì thay đổi. Vì vậy, không thể mạo hiểm tăng tốc trên 70 km/h trên loại đường này. Như vậy, việc kiến cố hóa Đường sắt khổ 1 mét bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực "tiêu chuẩn Nhật Bản" hay của Mỹ, của EU hoàn toàn không có ý nghĩa. Khổ đường 1 mét đang là "hàm chặn trên" ( limitted upper ) chặn đứng mọi nỗ lực sáng tạo, làm cho Đường sắt Việt Nam vừa tụt hậu lại ngày càng tụt hậu và sẽ không thể giữ nổi thị phần của mình vốn đã rất thấp ( chỉ đạt 7% về hành khách và chỉ 4% về hàng hóa ). Với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%/năm cùng tăng trưởng dân số 1 triệu người/năm thì mặc nhiên thị phần sẽ phải giảm đi khoảng 1- 1,5% và theo lũy tiến của biểu đồ tăng trưởng, sức giảm không dừng lại. Nếu không nhanh chóng được mở rộng để hiện đại thì dự báo đến năm 2012 thị phần vận tải Đường sắt chỉ còn dưới 5% và nguy cơ phá sản vào năm 2015 là khó tránh khỏi.

Theo quy chế, những dự án có mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng đều phải được thông qua Quốc hội, vậy mà một dự án rất quan trọng của Đường sắt, liên quan đến tính mạng hàng triệu người dân, liên quan đến tương lai phát triển bền vững của cả một dân tộc, ngốn một lượng tài sản lớn 24.500 tỷ đồng lại không được thông qua Quốc hội. Dự án đã được thực hiện một cách vội vàng cẩu thả, bất chấp những lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học về đặc tính kỹ thuật, độ an toàn. Đường sắt Việt Nam đang đứng trước sự mạo hiểm rủi ro rất cao, chứa đựng tiềm tàng nhiều nguy cơ nghiêm trọng hơn nhiều lần vụ thảm họa tàu E1.

Bên cạnh sự "độc quyền Nhà nước" về chi tiêu một khoản ngân sách rất lớn mà không hề thông qua Quốc hội, ngành Đường sắt đang áp dụng hình thức quản lý kinh doanh bằng công ty mẹ, công ty con, từng bước cổ phần hóa nghành Đường sắt, thực hiện cho các doanh nghiệp tư nhân thuê tàu để hưởng lợi nhuận. Cách làm này nhằm từng bước tư nhân hóa ngành Đường sắt, đưa đường sắt Việt Nam dần thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước. Phải thấy rằng Anh quốc là một nước tư bản gạo cội và kếch xù trong nhóm G7, họ đã thực hiện tư nhân hóa ngành Đường sắt của mình, song chỉ một thời gian ngắn thực hiện, các tập đoàn tư bản hùng mạnh đã không kham nổi, làm cho ngành Đường sắt ngày càng trì trệ, rệu rã và thực sự đứng trước nguy cơ phá sản. Chính phủ Anh đã phải bỏ ra hơn 40 tỷ USD để chuộc lại sai lầm nghiêm trọng này.

Trong những năm gần đây, công luận lại "bội thực" với món ăn "Đường sắt cao tốc" (ĐSCT) từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được liên tục phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng: "Đã khởi động 4 tuyến Đường sắt cao tốc 30 tỷ USD, đã khởi động dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam 350 km/h với chi phí 33 tỷ USD. Đích thân Tổng giám đốc Đường sắt VN sẽ đi Tây Nguyên thị sát tình hình để vạch tuyến Đường sắt cao tốc mới ưu việt hơn, ngắn hơn, tiết kiệm 100 km, dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành trong vòng 6 năm… mà không phải là 9 năm… Đã khởi động dự án Đường sắt cao tốc TP HCM - Nha Trang với 6,5 tỷ USD ( viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc )…" và gần đây nhất là dự án 1500 km Đường sắt cao tốc 350 km/h từ Hà Nội đi TP HCM với 56 tỷ USD... Những thông tin trên ngày càng nhiễu loạn, và những dự án "siêu quốc tế" 30 tỷ USD, 30.8 tỷ USD, 33 tỷ USD, 56 tỷ USD… đang ngày càng trở thành xa vời "trên mây trên mưa" làm mất niềm tin của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và chính quyền nhiều địa phương có Đường sắt đi qua.

Phải thấy rằng Đường sắt cao tốc công nghệ Shinkansen 350 km/h là một loại hình "địa phi cơ", là một loại phương tiện giao thông "hào nhoáng" đắt nhất thế giới nhưng không chở được hàng "siêu trường siêu trọng", không phục vụ được cho mục tiêu về kinh tế quốc phòng và an ninh. Nó chỉ đạt hiệu quả kinh tế khi làm cầu nối giữa hai thành phố công nghiệp trên 3 triệu dân với cự ly dưới 500 km chạy thẳng một mạch từ ga đi đến ga đến. Nước ta chưa phát triển công nghiệp nên các thành phố nhỏ chỉ đạt dưới 1 triệu dân, TP HCM và Hà Nội rất đông dân song lại cách nhau trên 1500 km thì Đường sắt cao tốc không thể cạnh tranh nổi với máy bay. Lịch sử Đường sắt cao tốc thế giới chưa hề có tuyến nào vượt quá 600 km. Đường sắt cao tốc đòi hỏi tới 95% công đoạn điều khiển bằng tự động, chỉ hoạt động trong điều kiện thời tiết tốt và có các thông số kỹ thuật về đường sá, đầu máy toa xe phải ổn định. Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm chịu nhiều trận mưa bão nhiệt đới, chỉ cần một biến động nhỏ của thời tiết, của một trong hàng trăm thông số kỹ thuật là Đường sắt cao tốc lập tức sẽ bị tê liệt. Công nghệ Đường sắt cao tốc lại rất phức tạp mà chúng ta chưa thể sản xuất và chưa thể làm chủ công nghệ, vì vậy phải lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Đường sắt là vũ khí chiến lược về an ninh và phòng thủ quốc gia, vậy mà "chiếc chìa khóa Đường sắt" lại phải do người nước ngoài nắm giữ, hậu quả thật khó lường.

Dự án Đường sắt cao tốc 350 km/h với 56 tỷ USD là hoàn toàn duy ý chí và trái ngược với quan điểm phải tự lực tự cường hiện đại để làm chủ Đường sắt, có nguy cơ đưa Đường sắt nước ta vào một hướng đi ảo tưởng, bên cạnh đó lại kéo lùi Đường sắt nước ta trong vòng luẩn quẩn lạc hậu kéo dài chưa có hồi kết, gây lãng phí lớn về tiềm năng. Đường sắt cao tốc là một mặt hàng "đại xa xỉ" mà Quỹ tiền tệ Quốc tế không cho phép sử dụng vốn vay ODA, như vậy 56 tỷ USD đó sẽ là món nợ lịch sử - "món nợ thế kỷ" dồn lên vai nhân dân và nhiều thế hệ con cháu, trong khi chiếc "chìa khóa" lại do nước ngoài nắm giữ.

Hiện nay, những đoàn tàu "Con rùa" già nua, èo uột trên khổ đường sắt gầy còm chỉ 1 mét đang làm chán nản lòng tin của nhân dân. Nhiều người đã bắt đầu hoài nghi và quay lưng lại với Đường sắt. Gần đây chính quyền TP HCM coi nhà ga trung tâm trở thành gánh nặng và đã có lúc đưa ra kiến nghị phải di dời ra khỏi thành phố. Nỗi oan nghiệt trút lên con Đường sắt vốn gắn bó với lịch sử văn hóa dân tộc và vốn là cỗ xe động lực trong công cuộc đổi mới. "Nghiệp chướng" đó bắt nguồn từ ý thức con người mà đó lại là những con người "làm chủ đất nước", "làm chủ Đường sắt"!

Tư duy bảo thủ kiên cố hóa Đường sắt lạc hậu khổ 1 mét cùng với tư duy cấp tiến phải làm Đường sắt cao tốc tốc độ 350km/h, cùng với những quan điểm phải tư bản hóa, tư nhân hóa, cổ phần hóa Đường sắt, quản lý điều hành bằng công ty mẹ, công ty con..., kiến nghị xóa bỏ ga trung tâm thành phố như đang "đổ thêm dầu vào lửa" để tăng tốc "nhằm xóa sổ" Đường sắt nước ta. Sự tụt hậu thê thảm của đường sắt Việt Nam đang đẩy thực trạng giao thông nước nhà vào sự quá tải và tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, bên cạnh đó chứa đựng những nguy cơ lớn về trật tự xã hội, vấn đề hiện đại hóa nền an ninh quốc phòng toàn dân. Nhìn thẳng vào sự thật nguyên nhân của thực trạng giao thông nước ta là sự trả giá của những sai lầm về chiến lược giao thông, chiến lược Đường sắt và sự tụt hậu thê thảm của Đường sắt Việt Nam.

Trong Nhà nước và cách mạng, Lenin đã nhận định: " Đường sắt là lực lượng bán vũ trang mà sức mạnh của nó bằng cả một quân chủng"! Nhà nước Xô Viết đã quan tâm phát triển mạng lưới Đường sắt, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, quân đội Xô Viết đã dùng "quân chủng" đặc biệt này để di chuyển một lúc nhiều tập đoàn quân, phương tiện chuyển quân với hàng triệu người cùng hàng triệu tấn máy bay, xe tăng đại bác hạng nặng từ mặt trận phía Đông sang phía Tây. Các nước công nghiệp phát triển hầu hết đều khôn ngoan chọn Đường sắt thường khổ 1.435m. Tính vượt trội của loại đường này là hệ số an toàn cao nên tốc độ chạy tàu an toàn 150 - 200 km/h trong mọi điều kiện thời tiết và những tác động bất lợi ngay cả trong chiến tranh và dễ dàng điện khí hóa để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Nước Mỹ có 224.000 km Đường sắt thường, khổ 1.435, họ khôn ngoan dùng loại Đường sắt này để chở được cả dàn hỏa tiễn phóng tàu con thoi, các loại vũ khí hạng nặng “siêu trường siêu trọng” mà Đường sắt cao tốc không thể kham nổi.

Dự án 1500 km Đường sắt cao tốc công nghệ Shinkansen tốc độ 350 km/h đầy phù phiếm hoang tưởng, xa hoa lãng phí không phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, dân cư nước ta và đưa đường sắt rời xa mục tiêu phục vụ kinh tế xã hội - an ninh và phòng thủ quốc gia.

Thực trạng quá tải giao thông, tai nạn giao thông trên toàn quốc, thực trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị đang là vấn đề nhức nhối nóng bỏng trên các diễn đàn Quốc hội, song hãy còn thiếu vắng những giải pháp cụ thể để tháo gỡ bế tắc cho bài toán giao thông, những giải pháp mang tính đột phá, những liều thuốc mạnh để cứu lấy Đường sắt Việt Nam và đang đặt con đường tiềm năng, kho báu quốc gia trị giá hàng chục tỷ USD trước nguy cơ tồn vong. Hiện thực cho thấy : Muốn giải được bài toán giao thông toàn cục trước hết phải bắt đầu từ bài toán Đường sắt vì đây là phương tiện giao thông chủ lực công cộng "nặng ký" để có thể nhanh chóng làm thăng bằng lại cán cân "cung cầu" trong bài toán vận tải vĩ mô và vi mô. Chỉ khi nào chúng ta mở rộng được khổ kỹ thuật từ 1 - 1,435m để tăng tốc, tăng năng lực, giải quyết được trên 50% thị phần vận tải mới hy vọng giải quyết được vấn nạn quốc gia về giao thông hiện nay. Nhanh chóng mở rộng để hiện đại Đường sắt, để làm chủ hoàn toàn công nghệ Đường sắt là sự lựa chọn khôn ngoan và thông minh, đó là bài toán cần giải và nếu được giải thì hiệu quả mang lại là rất lớn trên nhiều lĩnh vực.

Nước ta đã gặt hái thành công trong công cuộc đổi mới mà Đường sắt vẫn đang "bâng khuâng" đứng trước ngã ba đường. Khổ Đường sắt 1 mét đang là "vòng xiềng xích" kìm hãm bước tiến mà cả dân tộc phải quyết tâm đoạn tuyệt để khai thông huyết mạch, mở lối vinh quang. Hiện đại Đường sắt VN phải bằng trí tuệ khoa học, tư duy bác học cùng lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Đã đến lúc cần chấm dứt ngay giấc mơ viển vông dự án Đường sắt cao tốc 56 tỷ USD cùng với việc chấm dứt kiến cố hóa Đường sắt khổ 1 mét bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực "tiêu chuẩn Nhật Bản" để cứu lấy 24.500 tỷ đồng tiền của Nhà nước và sức dân khỏi lâm vào cảnh "tiền mất tật mang". Để tìm được một hướng đi đúng cho vấn đề hiện đại, Đường sắt Việt Nam cần công khai hóa các dự án, các phương án kinh tế kỹ thuật cần có sự lựa chọn, những lộ trình thực hiện... cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thông qua người đại diện cho toàn dân đó là Quốc hội.

Không nhanh chóng hiện đại đường sắt là một thiệt thòi to lớn cho một quốc gia 85 triệu dân, làm nản lòng tin của nhân dân, đẩy thực trạng giao thông nước ta vào thời kỳ tồi tệ và sẽ đẩy Đường sắt Việt Nam đi chệch định hướng quản lý của Nhà nước và đối mặt với nguy cơ phá sản. Đường sắt là kho tài sản lớn của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, là nguồn phúc lợi xã hội rất lớn của toàn dân, là tiềm lực về Quốc phòng an ninh, là "chiếc chìa khóa" quốc gia mang sức mạnh của "Nỏ thần" huyền thoại. Cần phải được đặc biệt quan tâm và phải được nhanh chóng hiện đại, để nhanh chóng giảm nhiệt cho sự quá tải của giao thông hiện nay, để chúng ta hoàn toàn làm chủ Đường sắt, đảm bảo cho phát triển bền vững. Hiện đại Đường sắt đồng nghĩa với hiện đại sự nghiệp an ninh và quốc phòng toàn dân, chỉ có tự lực tự cường mở rộng để hiện đại, để làm chủ công nghệ Đường sắt là giải pháp duy nhất cho vấn đề Đường sắt Việt Nam. Hiện đại Đường sắt Việt Nam đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn dân tộc cho một dự án tổng lực: Mở rộng khổ kỹ thuật Đường sắt để nhanh chóng hiện đại Đường sắt VN.

Đường sắt là báu vật quốc gia, là tài sản to lớn trị giá hàng chục tỷ USD, là tiềm năng, là lợi ích to lớn của toàn dân cần phải được quan tâm bảo vệ, gìn giữ và hiện đại cho muôn đời con cháu và cần phải được nhanh chóng hiện đại để thực sự làm chủ. Tai nạn giao thông mỗi năm làm hơn 13 ngàn người chết và hàng chục ngàn người bị thương, thiệt hại kinh tế mỗi năm gần 1 tỷ USD... cùng với việc tự ý dùng 24.500 tỷ đồng vào gia cố đường sắt lạc hậu khổ 1 mét mà không hề thông qua Quốc hội cho thấy có sự sơ hở rất lớn của Nhà nước về vấn đề quản lý Đường sắt - một ngành giao thông đặc biệt quan trọng liên quan đến tính mạng nhân dân và đặc biệt nhạy cảm đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng.

Đường sắt Việt Nam là công trình trọng điểm quốc gia, sự trì trệ, lạc hậu luẩn quẩn kéo dài của Đường sắt hiện nay cho thấy đã đến lúc phải nhanh chóng đặt vấn đề hiện đại Đường sắt lên bàn Quốc hội và cần đến trí tuệ của toàn dân tập trung tại diễn đàn quan trọng này để vừa tìm lối thoát cho bài toán giao thông toàn cục, vừa cứu Đường sắt Việt Nam thoát khỏi nguy cơ phá sản vừa nhanh chóng thực hiện thành công mục tiêu lớn: Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước!

TS Trần Đình Bá

Hội Kinh tế & Vận tải Đường sắt VN