NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Samsung khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất Việt Nam

Ngày 28-10-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút chính thức khai trương Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Đây là nhà máy sản xuất điện thoại di động có quy mô lớn nhất và là nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên của nước ngoài tại Việt Nam.

Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Theo đại diện Công ty Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Việt Nam là 1 trong 7 nhà máy sản xuất của Samsung trên thế giới nhưng là nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất.

Ngoài ra, Samsung Việt Nam cũng là nhà máy duy nhất trên thế giới hiện nay có quy trình sản xuất khép kín từ giai đoạn ép nhựa để làm vỏ máy di động đến khâu xuất thành phẩm, phân phối ra thị trường Việt Nam và thế giới.

Hiện tại, Samsung Việt Nam đang thu hút 2.300 công nhân, với khả năng sản xuất đạt 1,5 triệu chiếc điện thoại/tháng. Mục tiêu đến năm 2012 của nhà máy là sẽ cung cấp 100 triệu sản phẩm mỗi năm, thu hút trên 10.000 lao động và phấn đấu xuất khẩu đạt tới 4,5 tỷ USD.

Tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi thuận lợi để Công ty Samsung Electronics Việt Nam và Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh, đồng thời yêu cầu Công ty Samsung Electronics Việt Nam thực hiện đúng lộ trình nội địa hóa trong sản xuất như đã cam kết.

Chính thức được cấp phép đầu tư xây dựng vào tháng 3/2008 với diện tích 50 ha tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, sau 11 tháng xây dựng ( từ tháng 4/2008 đến tháng 3/2009 ), tháng 4/2009, mẻ điện thoại di động đầu tiên của Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam chính thức được xuất xưởng.

Mạnh Chung

Sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam

Cơ sở sản xuất điện thoại di động thứ 7 của Samsung trên toàn cầu vừa được khai trương tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với số vốn đầu tư gần 700 triệu USD.

Nằm trên diện tích 50 ha , nhà máy mang tên Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam có khả năng sản xuất tất cả các dòng điện thoại của Samsung để cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu toàn thế giới.

Hiện tại, công suất mỗi tháng của nhà máy là 1,5 triệu sản phẩm và dự kiến khi hoàn thiện vào năm 2012 sẽ đạt khoảng 100 triệu chiếc mỗi năm. Lô hàng điện thoại di động đầu tiên đã xuất xưởng vào tháng 4 năm nay.

Điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam hiện được xuất sang các thị trường ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Trong tương lai, Samsung Electronics Việt Nam sẽ hướng sang khu vực châu Âu, Australia và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Công ty này ước tính doanh số xuất khẩu năm 2010 của họ có thể đạt 4,5 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ 2 tại Việt Nam , sau tập đoàn dầu khí Petro Vietnam.

Trên thế giới, Samsung còn có nhà máy tại Trung Quốc ( 3 cơ sở ), Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ.

Minh Hồng

Một tỉ USD đầu tư từ Samsung và các doanh nghiệp vệ tinh

Trong bản đồ phân bổ sản xuất của ngành điện tử thế giới, có tên Việt Nam từ khi Intel đầu tư 1 tỉ USD xây dựng nhà máy kiểm định chip ở TP.HCM. Sau đó các tên tuổi như Foxconn, Canon và mới đây là nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung.

Những robot nhịp nhàng sơn những chiếc vỏ điện thoại di động được chuyển lên từ bộ phận ép vỏ máy. Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) cho biết, đây là nhà máy ép vỏ nhựa có công nghệ hiện đại hơn cả các nhà máy ép vỏ nhựa bên Hàn Quốc.

Trong khi các nhà máy Samsung ở các nước khác chỉ có chức năng lắp ráp từ nguồn linh kiện của các nhà cung cấp trong hệ thống, còn tại nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung (SEV) đặt tại Bắc Ninh, Việt Nam, bên cạnh các dây chuyền lắp ráp, còn có xưởng sản xuất vỏ điện thoại theo quy trình khép kín từ nguyên liệu hạt nhựa ra thành phẩm vỏ nhựa với 12 máy ép vỏ công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất của bộ phận lắp ráp.

Theo ông Nguyễn Quốc Phong, chuyên viên kỹ thuật của xưởng ép vỏ cho biết, toàn bộ quy trình sản xuất vỏ máy điện thoại khép kín với các công đoạn khác nhau: nguyên liệu đến vỏ thô, sấy và sơn (hai lần), sau đó in màu theo mẫu thiết kế.

Từ tháng 4 năm 2009, nhà máy đặt tại khu công nghiệp Yên Phong, trẻ nhất trong số bảy nhà máy của Samsung trên toàn cầu, bắt đầu sản xuất. Ba tháng sau, 1 triệu điện thoại di động được xuất xưởng. Đến tháng 8, lượng hàng sản xuất nâng lên 1,5 triệu cái. Trong những ngày cuối tháng 10 này, 2.300 công nhân ở đây đang lắp ráp, kiểm định 1,61 triệu điện thoại cho mùa mua sắm cuối năm.

Về mặt công nghệ, chủ tịch Choi Gee Sung của tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc đánh giá là hiện đại nhất của hệ thống nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở nước ngoài. Ông Park Je Hyoung, tổng giám đốc Samsung Vina ( trực thuộc tập đoàn Samsung ) cho biết, với quy trình công nghệ và công suất hệ thống, SEV đủ khả năng sản xuất từ dòng máy cấp thấp đến những dòng máy cao cấp.

Hiện nay nhà máy này đã sản xuất những dòng máy tầm trung như Star, Star wifi, Jet… Những sản phẩm này đã được xuất sang các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Theo kế hoạch năm tới, sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam này sẽ có mặt ở các thị trường như Nam Phi, vùng Trung Đông, châu Âu. Lúc đó, công suất nhà máy được nâng lên mức 6 triệu máy mỗi tháng.

Quy trình lắp ráp, theo ông Nguyễn Văn Đạo, một trong những người Việt Nam tham gia quá trình xây dựng nhà máy ngay từ đầu, khá phức tạp. Những bản mạch được gắp chíp, sau đó được cắt thành từng tấm, sau đó qua các công đoạn để cài phần mềm, ráp vỏ, kiểm tra trước khi đóng gói thành phẩm xuất xưởng.

Khi Samsung đầu tư 700 triệu USD vào nhà máy này, có 17 doanh nghiệp vệ tinh của họ đầu tư vào Việt Nam. Hiện, nhà máy sản xuất linh kiện của sáu doanh nghiệp vệ tinh đang hoạt động tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh. Còn lại, đang chuẩn bị đầu tư.

Ông Yoo Young Bok, tổng giám đốc SEV cho biết, hiện nay những công ty vệ tinh của SEV cung cấp cho nhà máy những linh kiện quan trọng như màn hình, camera, pin. Theo chiến lược phát triển của Samsung, vào năm 2010, số doanh nghiệp vệ tinh do Samsung đầu tư chiếm 50%.

Một nguồn tin từ Samsung Vina nói rằng, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp vệ tinh là góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ không chỉ để Samsung chủ động nguồn nguyên liệu mà còn cung cấp cho thị trường Việt Nam, tạo sức cạnh tranh trong thị trường nội địa, không còn quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện ở nước ngoài.

Quá trình lựa chọn điểm đến của Samsung, Việt Nam phải vượt qua một số ứng viên trong vùng. Sau những cân nhắc, nhất là lợi thế vị trí địa lý khá gần với các nhà cung cấp ở Trung Quốc, Bắc Ninh đã đón nhận gần 1 tỉ USD đầu tư từ Samsung và các nhà máy vệ tinh.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, công thức đầu tư vào Trung Quốc và một nước khác đang được lựa chọn để phân tán rủi ro. Với sự ổn định về chính trị, dân số trẻ, Việt Nam đang có những lợi điểm nhất định để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Gia Vinh

Điện thoại Samsung “made in Vietnam” : 90% để xuất khẩu

“Việt Nam có nhiều tiềm năng về công nghiệp điện tử nói chung cũng như điện thoại di động nói riêng, nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, nhân dịp Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức khai trương hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động mang thương hiệu Samsung tại Bắc Ninh vào ngày 28/10/2009 vừa qua.

100 triệu sản phẩm/năm

Nhà máy tại Bắc Ninh có tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Samsung không? Nếu có, vị trí của nhà máy nằm ở đâu trong dây chuỗi này ? Quy mô nhà máy thuộc loại nào…?

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của Samsung, với quy mô sản xuất thuộc hàng lớn nhất.

Nhà máy sản xuất hầu hết các dãy sản phẩm điện thoại di động của Samsung để cung ứng cho thị trường trong nước cũng như toàn cầu, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ lệ hơn 90%. Sản lượng của nhà máy khi đạt năng suất thiết kế sẽ là hơn 100 triệu sản phẩm/năm, giải quyết cho khoảng 10.000 lao động địa phương.

Sản phẩm điện thoại di động sản xuất tại nhà máy SEV chủ yếu xuất khẩu vào những thị trường nào ? Những sản phẩm cao cấp có được sản xuất tại đây không, hay chỉ giới hạn ở những dãy sản phẩm cấp thấp ?

Ngay từ khi bắt đầu đi vào sản xuất, ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, những sản phẩm điện thoại di động của Samsung từ nhà máy này đã được xuất khẩu đến các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, và sắp tới sẽ vươn đến những thị trường khác như châu Âu, Úc...

Sản phẩm của SEV rất đa dạng, bao gồm từ những dãy sản phẩm cấp thấp cho những thị trường mới nổi đến những sản phẩm cấp cao dành cho thị trường của những nước phát triển. Không có giới hạn sản phẩm trong quy mô sản xuất của nhà máy.

Sẽ có các nhà máy "vệ tinh"

Samsung đã có nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Trung Quốc, tại sao không tận dụng Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) mà vẫn đầu tư nhà máy tại Việt Nam ? Như vậy Samsung có bị cạnh tranh từ chính hàng hoá của mình nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không? Ngoài ra, với Hiệp định Thương mại ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), thuế suất nhập khẩu hiện nay của sản phẩm điện thoại di động là 4%, và sẽ xuống còn 3% vào năm 2010, sẽ ảnh hưởng gì đến thị trường cũng như đầu tư của Samsung tại Việt Nam ?

Thực sự nhà máy điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh sẽ phải cạnh tranh với chính những nhà máy khác của Samsung trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng những nhà máy của Samsung tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ Samsung Vina, dự án đầu tư đầu tiên của Samsung tại Việt Nam, chúng tôi rất tự tin vào những sản phẩm sản xuất từ Việt Nam. Các sản phẩm từ nhà máy SEV sẽ có tính cạnh tranh cao không những với các đối thủ của mình mà còn với chính các nhà máy khác của Samsung trên thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong tính cạnh tranh là chất lượng sản phẩm, chứ không phải chỉ là giá thành.

Ngoài ra, song song với nhà máy SEV, những nhà cung cấp phụ của Samsung cũng đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm tạo ra một cụm công nghiệp phức hợp, với nhân là nhà máy SEV. Như vậy tính chủ động trong cung ứng vật tư sẽ tăng lên rất nhiều cũng như giá thành giảm xuống nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển, kiểm soát.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, hơn 90% sản phẩm của SEV là để xuất khẩu đến các thị trường khác, thị trường Việt Nam chỉ chiếm dưới 10% sản lượng của nhà máy nên những hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và khối ASEAN với các nước khác trong khu vực không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà máy.

Theo Quyết định 75 của Bộ Bưu chính Viễn thông, phê duyệt tổng thể phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đến 2010 và tầm nhìn đến 2020, mục tiêu đến năm 2010 ngành công nghiệp điện tử Việt Nam sẽ đạt doanh số khoảng 6 tỷ USD, trong đó 90% là xuất khẩu. Samsung dự kiến chiếm tỷ trọng như thế nào trong chiến lược phát triển này ?

Mục tiêu của nhà máy SEV vào năm 2010 sẽ đạt doanh số, trong đó chủ yếu là xuất khẩu, từ 4-5 tỷ USD, đưa Samsung trở thành doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.

Nhận xét của ông về tiềm năng ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam nói chung và điện thoại di động nói riêng ?

Việt Nam có nhiều tiềm năng về công nghiệp điện tử nói chung cũng như điện thoại di động nói riêng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố khó khăn cơ bản của nền công nghiệp điện tử tại Việt Nam lại nằm ở chỗ chúng ta thiếu một nền tảng của ngành công nghiệp phụ trợ cơ bản, điều mà chúng ta đã không làm được qua suốt thời kỳ bảo hộ mậu dịch trong nước.

Đây cũng chính là điều các tập đoàn công nghệ điện tử đắn đo khi chọn lựa Việt Nam làm điểm đến của đầu tư. Tuy nhiên, cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập vào WTO, bức tranh phân công toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đang có chiều hướng thay đổi, như Trung Quốc không còn chỉ là “công xưởng của toàn cầu” nữa, đi theo là những chuyển dịch về đầu tư trong khu vực.

Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội, là vận hội mới của chúng ta, và chúng ta cần sẵn sàng để đón bắt nó.

Tú Uyên