Nhà Ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - Can Tho International Airport
Khánh thành sân bay quốc tế Cần Thơ
Ngày 1-1-2011 , tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Đây là sân bay quốc tế lớn thứ tư của cả nước sau TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP Cần Thơ và ĐBSCL.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng - tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam - cho biết sân bay này có đường hạ cất cánh dài 3km, rộng 45m, hệ thống đường lăn sân đậu máy bay có thể tiếp các loại máy bay hạng nặng như B777-300ER, B747-400…
Riêng nhà ga hành khách có công suất 3 triệu khách/năm, được thiết kế với kiến trúc như chiếc xuồng ba lá mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.
Theo ông Hùng, sau hai năm sân bay quốc tế Cần Thơ đi vào hoạt động ( giai đoạn 1 ) với các đường bay Hà Nội - Cần Thơ; Cần Thơ - Phú Quốc và ngược lại, lượng hành khách qua cảng hàng không Cần Thơ tăng mạnh ( năm 2010 đón 211.000 lượt khách, tăng 40% so với năm 2009 ).
Với việc khánh thành sân bay quốc tế Cần Thơ ( giai đoạn 2 ), các tuyến bay quốc tế từ Cần Thơ đi Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong… sẽ được mở trong vài tháng tới.
Chí Quốc
Cần Thơ : Xây dựng nhà ga hàng không 1.000 tỷ đồng
Sáng ngày 9-3-2008, tại sân bay Trà Nóc thuộc địa bàn quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đã làm lễ khởi công xây dựng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, được xây dựng theo quy cách một trệt một lầu, sàn nhà ga có tổng diện tích 20.750 m2, phục vụ các chuyến bay quốc tế, quốc nội.
Theo bà Chew Hui Jun - đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Singapore thì nhà ga này được thực hiện theo giải pháp kiến trúc hiện đại mang đặc thù của nền văn hóa sông nước (ĐBSCL). Mô hình chiếc xuồng ba lá một phương tiện giao thông gần gũi của người dân Nam bộ được sử dụng làm ý tưởng chủ đạo trong toàn bộ thiết kế công trình.
Trong nhà ga sẽ có 2 khu riêng biệt được ngăn chia giữa quốc tế và quốc nội bởi khoảng thông tầng có cây xanh tạo cảnh quan thoáng mát cho hành khách.
Nhà ga được đầu tư toàn bộ trang thiết bị hiện đại như hệ thống quản lý tòa nhà, hệ thống thông tin liên lạc, băng chuyền, thang cuốn, thang máy, hệ thống báo cháy, cứu hỏa... như các nhà ga hiện đại khác trên thế giới. Ngoài ra còn có các công trình phụ như đường giao thông nội bộ, sân đậu ô tô, cảnh quan cây xanh, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải...
Theo quy hoạch, Cảng hàng không Cần Thơ rộng 388,8 ha, được xây dựng trên cơ sở mở rộng sân bay Trà Nóc cũ. Đầu tháng 4/2005, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đã đầu tư 520 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh dài 2.400 mét, xây dựng mới đường lăn, sân đỗ máy bay, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Thanh Hải
Mở “cổng trời” miền Tây để đón du khách nước ngoài
Cuối tuần qua,Tổng Công ty Cảng Hàng Không miền Nam đã tiến hành khởi công xây dựng nhà ga hành khách thuộc dự án Nhà ga hành khách cảng hàng không Cần Thơ. Đây được xem là bước cuối cùng để cảng hàng không Cần Thơ khai thác các chuyến bay nội địa vào cuối năm 2008 và các chuyến bay quốc tế bằng các loại máy bay thương mại như B777, A 340… Cổng trời đất “Chín Rồng” đang rộng mở đón du khách trong và ngoài nước.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành tại Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay chỉ tổ chức “nối tour” cho các doanh nghiệp lữ hành của Thành Phố HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác”.
Hàng năm toàn vùng thu hút khoảng 15% lượng khách quốc tế đến Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhưng trong đó có đến 95% là do doanh nghiệp lữ hành ngoài vùng đưa đến. Khả năng trực tiếp thu hút và tổ chức các tour cho khách du lịch của các doanh nghiệp lữ hành Đồng Bằng Sông Cửu Long rất yếu.
Hiện tại, các doanh nghiệp lữ hành trong vùng chủ yếu kinh doanh khách nội địa hoặc là tập trung đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài; chỉ có 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, chiếm khoảng 2,8% cả nước. Tiền Giang là địa phương có số doanh nghiệp lữ hành đông nhất với 9 doanh nghiệp, các tỉnh khác tỉnh có, tỉnh không.
Cần Thơ luôn được xem là trung tâm của vùng nhưng cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh vẫn chưa có doanh nghiệp lữ hành nào. Một trong những nguyên nhân chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long : chưa có “taxi hàng không” để tạo thuận lợi đi lại cho du khách nước ngoài.
Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam đã triển khai xây dựng sân bay Cần Thơ theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh đoạn 2.400m, xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay và dự án Xây dựng nhà ga hành khách có công suất 3 triệu hành khách/năm…, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam phấn đấu đường hạ cất cánh này vào khai thác cuối năm 2008. Giai đoạn 2, đầu tư thêm 500 tỷ đồng cho dự án Kéo dài đường hạ cất cánh thêm 600m về phía Rạch Chùa để mở dài đường hạ cất cánh lên 3.000m đảm bảo đón các máy bay loại lớn.
Hiện tại, Bộ GT-VT đang chỉ đạo quyết liệt các dự án giao thông lớn như : cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ Thành Phố HCM đi Cần Thơ; tiếp theo là đoạn Thành Phố HCM đi Trung Lương ; Trung Lương – Mỹ Tho – Cần Thơ – Cà Mau. Các trục giao thông thông tiểu vùng của khu vực như tuyến Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, quốc lộ 60, quốc lộ 50, đoạn Chơn Thành – Vàm Cống đã và đang gấp rút triển khai.
Tuyến đường cao tốc nối Thành Phố HCM với Cần Thơ cũng đang dần hình thành nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển rất cao trong khu vực. Hàng loạt cây cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu đã được khánh thành và đang triển khai. Cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu… là những cây cầu mang tầm vóc thời đại, giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Đồng Bằng Sông Cửu Long và Thành Phố HCM và nhiều vùng miền.
Cùng với Cảng hàng không Cần Thơ, hàng loạt cảng Hàng Không khác ở khu vực phía Nam như : Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn… đã và đang xây dựng sẽ hình thành mạng cảng hàng không của khu vực và cả nước. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng để Đồng Bằng Sông Cửu Long mở rộng không gian du lịch đón du khách nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, Cảng hàng không Cần Thơ – giai đoạn 1 sau khi nâng cấp sẽ có khả năng tiếp nhận các máy bay A 320, A 321, B 767. Sau giai đoạn 2, sân bay Cần Thơ sẽ tiếp nhận các máy bay loại lớn như B 747, B 777… Nhờ vậy, có thể nối Tây Đô với Hà Nội, Thành Phố HCM các vùng miền khác của đất nước và thế giới. Sân bay Cần Thơ hoạt động sẽ thúc đẩy nhanh các hoạt động đầu tư, du lịch… tạo điều kiện cho Đồng Bằng Sông Cửu Long phát triển xứng tầm là trung tâm đô thị quan trọng của Việt Nam.
Cao Phong
|