NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Bệnh Sạn Mật ( gallbladder-stones ) - B.S Vũ Quý Đài , Kiều bào Mỹ

Sạn mật là khi mật kết tinh thành hạt ở túi mật hay là ở ống dẫn mật. Bệnh khá thông thường, thấy nhiều ở đàn bà hơn đàn ông, nhất là người mập và lớn tuổi.

Thống kê ở Mỹ, cỡ tuổi ngoài 65, cứ 5 người thì một người có sạn mật. Tuy nhiên, nhiều người có sạn mà không thấy triệu chứng gì, và suốt đời không có biến chứng gì. Chỉ có một phần trong số những người có sạn thấy triệu chứng đi khám rồi mới biết. Dù vậy con số người mổ sạn mật cũng khá nhiều, mỗi năm có cả trăm ngàn người.

Sạn mật kết thành ở túi mật, có khi di chuyên xuống ống dẫn mật. Ngoài vụ tắc nghẽn lên cơn đau, còn có thể sinh nhiễm trùng, không những tại chỗ, mà còn làm nhiễm trùng gan, lá mía hay là lan tràn thành nhiễm trùng máu, tất cả đều có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Công dụng của mật và túi mật

Túi mật nằm ép ở dưới buồng gan, trong có mật (dĩ nhiên!). Mật thì lại do gan tiết ra, chảy dần xuống ruột đẻ tiêu hóa đồ ăn. Chừng một nửa xuống thẳng ruột, còn một nửa tích tụ ở túi mật. Khi có đồ ăn trong ruột, cơ thể kích thích túi mật co bóp để đẩy thêm mật xuống ruột. Mật có hai phần vụ chính. Một là giúp tiêu hóa, hấp thụ chất béo và những sinh tố hoà tan trong chất béo. Hai là bài tiết những cặn bã cuả các hồng huyết cầu già nua cùng là cholesterol dư thừa hay là thuốc men đã biến dưỡng.

Mật thì cần thiết cho cơ thể, nhưng túi mật thì không. Có thì càng hay, mà không có cũng được, mật vẫn đều đều từ gan chảy xuống ruột. Cho nên những người đã mổ cắt bỏ túi mật vẫn như thường, không phải theo một chế độ ăn uống gì đặc biệt.

Sạn mật sinh triệu chứng gì ?

Như trên đã nói có nhiều người có sạn mật mà không có triệu chúng gì hết, nhất là nếu sạn cứ nằm yên vị trong túi mật. Có khi viên sạn xuôi giòng theo ống dẫn mật nằm ở đó, hoặc là trôi tuột xuống ruột, mà cũng không gây phiền hà gì. Chỉ khi nào nó làm nghẹt ống dẫn mật, thì mới lên cơn đau. Mà đã lên cơn đau, thì thuờng là cơn đau quặn dữ dội, ôm bụng nằm co, có khi đau hàng giờ. Nếu bị nghẹt lâu, hay là nhiễm trùng, thì sinh nóng sốt, vàng da.

Làm cách nào để định bệnh ?

Thường thì bác sĩ cho đi siêu âm (ultra sound scanning). Phương pháp này được ưa chụộng, vì nó giản dị không làm phiền bệnh nhân, không có hại gì, lại rẻ tiền nữa. Dùng quang tuyến X để chụp hình túi mật cũng được (danh từ y khoa gọi là cholecystography ).

Nếu chỉ chụp không, thì chỉ thấy sạn nếu nó có đóng chất vôi. Đối với những sạn không cản quang (nghĩa là chụp hình quang tuyến không hiện hình trắng đục cho mình nhìn thấy rõ), thì bệnh nhân phải uống thuốc cản quang trước khi chụp. Thuốc này sau khi uống, ngấm vào cơ thể qua đường ruột, được tiết trong mật rồi tụ ở túi mật lẫn lộn với phần mật khác. Vì vậy khi chụp sẽ thấy hình sạn và túi mật.

Nếu kết hợp cả hai phương pháp siêu âm và quang tuyến, thì mức độï chính xác lên tới gần 100 phần trăm. Một đôi khi cũng phải dùng đến những phương pháp khác, đắt tiền hơn hoặc là phiền cho bệnh nhân hơn, như là chụp cắt lớp (computed tomography, gọi tắt là CT) và cộng hưởng từ.(magnetic resonance imaging, gọi tắt là MRI).

Ngoài ra, bác sĩ cũng còn cho thử máu, cùng những thử nghiệm khác, để tìm hiểu về nhiễm trùng và chức năng gan.

Vấn đề chữa trị

Nếu chỉ có sạn ở túi mật mà không có triệu chứng gì thì thường không cần làm gì cả. Nếu thỉnh thoảng lên cơn đau thì bác sĩ hay khuyên nên ăn kiêng cữ bớt đồ mỡ màng chiên xào. Kiêng cữ như vây rồi mà cứ còn đau đi đau lại, thì phải chữa trị tích cực. Phương pháp chữa trị tùy theo sạn ở túi mật hay ở ống dẫn mật.

Sạn túi mật

Phương pháp giải phẫu cho bệnh sạn túi mật là cắt bỏ túi mật đi (cholecystectomy). Giải phẫu vào lúc không bị viêm, không bị nhiễm trùng thì khá đơn giản và ít rủi ro, cũng đại loại như mổ cắt bỏ ruột dư vậy. Có hai cách mổ:

- Cách cổ điển vẫn dùng xưa nay là mổ theo đường cắt ở bên phải bụng ngay dưới lồng ngực, vết sẹo độ gần một gang tay.

- Cách thứ hai, mới phổ biến chừng mươi năm nay, nhẹ nhàng hơn nhiều. Người ta cắt mấy vết nhỏ ở bụng, mỗi vết độ 1 phân, xuyên mấy ống nhỏ qua vết cắt, rồi cắt bỏ túi mật qua mấy ống đó, dùng những đầu dao nhỏ, và cả một máy camera tí hon, tất cả đều đưa vô trong bụng qua mấy ống nói trên. Cái máy camera đưa vô trong bụng gọi là laparoscopy nên mổ bỏ túi mật kiểu này gọi là laparoscopic cholecystectomy. Nhờ phương pháp này, mà bệnh nhân có thể mổ rồi ra về trong ngày. Thời gian hậu phẫu (thời gian dưỡng bệnh sau khi mổ) vừa ngắn hơn mà vừa dễ chịu hơn.

Ngoài việc giải phẫu, cũng có những trường hợp bác sĩ cho uống thuốc để làm tan những sạn nhỏ, hoặc là đánh bể bằng âm ba ( gọi là litho tripsy).

Sạn ở ống dẫn mật

Như trên đã nói, sạn ở ống dẫn mật có thể sinh hậu quả nguy hiểm, vì vậy cần lấy bỏ đi. Cách thứ nhất là mổ bụng, rồi rạch ống mật để lấy cục sạn ra.

Cách mới hơn, thì dùng ống nội soi thông từ miệng xuống tới ruột rồi ngược lên ống mật, cắt mở đầu ống phía dưới cho lớn ra một chút cho hạt sạn trôi xuống ruột.

Bệnh nhân bị sạn ở ống dẫn mật phải mổ, thì thường là trong tình trạng có bị viêm và nhiễm trùng. Vì vậy bác sĩ chỉ chữa cấp thời như nói trên về vụ sạn ống dẫn mật mà thôi, chứ không làm gì tới cái túi mật. Sau khi đã yên lành rồi, thì bác sĩ sẽ đặt vấn đề mổ bỏ túi mât để tránh những biến chứng về lâu về dài, nhất là ở tuổi dưới 60. Còn người già hơn nữa thì không cần lắm, vì ít khi bị đau túi mật sau khi đã mổ ống dẫn mật.