NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam trình làng

Được ứng dụng làm đơn vị xử lý trung tâm điều khiển quang báo và robit tự hành, Chip 8-bit RISC SigmaK3, ra mắt tại ĐH Quốc gia TP HCM, sáng nay được coi là sản phẩm đặt 'viên gạch' đầu tiên cho ngành công nghệ vi mạch trong nước.

SigmaK3 do Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ĐH Quốc gia TP HCM, thiết kế, theo công nghệ TSMC 0.25 um với 5 lớp metal, có thể sử dụng cho những ứng dụng nhúng và điều khiển.

Chip có kích thước 14 x 14 mm2 với bề dày 1,4 mm, core 3x3 mm2, điện áp core 2.5 V, công suất tiêu thụ 51 mW, số lượng chân 100. Đây là CPU 8-bit tốc độ cao, tiêu hao năng lượng thấp, phần mềm tương thích với nhiều loại PIC công nghiệp, sử dụng kiến trúc RISC hiệu chỉnh với bus chương trình và bus dữ liệu tách rời nhau. SigmaK3 có thể truy xuất bộ nhớ chương trình một cách đồng thời.

SigmaK3 được ứng dụng trong nạp lõi IP trên kit DE2 của Altera để điều khiển quang báo và robit tự hành. Chip này đóng vai trò đơn vị xử lý trung tâm giúp quang báo có khả năng hiển thị chuỗi có chiều dài tối thiểu 8.192 ký tự, thay đổi màu xanh lá, đỏ, cam và kiểu hiển thị tĩnh và động, giúp "robot tự hành" có thể di chuyển tới, lui theo lộ trình định sẵn với các góc quay 90 độ - 180 độ. Robot này còn dò tìm đường nếu di chuyển lệch các đường định sẵn.

Theo Giám đốc Trung tâm ICDREC Nguyễn Thanh Nam, sự xuất hiện của Chip vi xử lý SigmaK3 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam và đặt "viên gạch" đầu tiên cho ngành công nghệ vi mạch trong nước.

"Vì công nghệ vi mạch là bộ não, quyết định việc tăng cường khả năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa ... Sự thành công của công nghệ vi mạch là nền tảng cho sự thành công của toàn thể ngành công nghiệp điện tử", ông Nam phân tích.

Chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam là kết quả của đề tài "Thiết kế lõi IP và chế tạo thử nghiệm chip 8-bit RISC SigmaK3", thuộc chương trình ươm tạo công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ, do Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) của ĐH Quốc gia TP HCM triển khai.

ICDREC được thành lập từ tháng 8/2005 với các nhiệm vụ chính: Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch. Thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ và outsourcing về lĩnh vực vi mạch điện tử. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vi mạch.

Trung tâm hiện có hơn 20 chuyên viên thiết kế vi mạch. Mục tiêu của Trung tâm là nâng cấp trình độ thiết kế vi mạch số của Việt Nam lên công nghệ 0.13 um, để bắt kịp trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. ICDREC sẽ triển khai nghiên cứu, thiết kế vi mạch analog và RF. Xây dựng bộ lõi IP hoàn chỉnh về vi xử lý và ngoại vi phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Vân Anh

Chip vi xử lý Sigmak3 khó tìm hướng ra?

Đầu năm nay, lần đầu tiên Việt Nam công bố đã nghiên cứu thành công con Chip xử lý mang tên SigmaK3. Vấn đề là làm thế nào để thương mại hoá sản phẩm .

Theo giới thiết kế vi mạch trong và ngoài nước, đây là thành công đầu tiên về lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch của trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch (viết tắt là ICDREC, thuộc đại học Quốc gia TP.HCM).

Tiền đề cho tương lai

GS.TS Đặng Lương Mô, cố vấn của đại học Quốc gia TP.HCM nói rằng, thành công của chip Sigma K3 cho chúng ta hy vọng sẽ từng bước làm chủ công nghệ sản xuất chip. Nếu có kế hoạch phát triển, không cần cạnh tranh với các quốc gia khác mà chỉ cần cung cấp đủ chip cho các sản phẩm điện tử của thị trường với hơn 85 triệu dân đã đủ để phát triển ngành công nghiệp này.

Tiến sĩ Phạm Năng Tùng, chuyên gia của Qualcomm, tư vấn kỹ thuật cho ICDREC dẫn chứng: “Cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu về chip. Mất gần 30 năm sau, Hàn Quốc mới có những công ty hàng đầu thế giới về thiết kế và chế tạo vi mạch như Samsung, Hynix...”

Từ khi nghiên cứu cho đến khi hoàn tất SigmaK3 mất đúng một năm. Nhưng đây chỉ là thành công đơn lẻ, chỉ tạo tính chất nền tảng cho một lĩnh vực công nghệ hết sức phức tạp và khó khăn. Vấn đề là cần thương mại hoá sản phẩm này như thế nào. Kỹ sư Bùi Hữu Thuận – công ty An Ba nói: “Chúng tôi vui khi nghe nước mình sản xuất được con chip xử lý. Không nên dừng lại ở đó mà cần có những biện pháp để nó từ phòng thí nghiệm bước vào đời sống xã hội, trở thành một sản phẩm hàng hoá đích thực”.

Khó đủ đường...

Tiến sĩ Phạm Năng Tùng nói thêm, muốn thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cần phải có đội ngũ trí thức địa phương được đào tạo ít nhất một phần cơ bản của chuyên ngành thiết kế vi mạch để cung cấp nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Thanh Nam, giám đốc ICDREC cho biết, đội ngũ nghiên cứu Sigma K3 đang hoàn thiện sản phẩm này trước khi đưa vào sản xuất chính thức. Theo một nguồn tin riêng, những con chip này, sau khi hoàn thiện và có đơn hàng, sẽ được chuyển sang một nhà sản xuất chip ở nước ngoài, không thể sản xuất tại Việt Nam vì chưa có nhà máy sản xuất chip.

Tiến sĩ Nam khẳng định rằng, sẽ không “đóng gói con chip Sigma K3” cất vào tủ mà sẽ tìm hướng biến nó thành một sản phẩm hàng hoá. Theo ông Nam, đã có nhiều đơn vị quan tâm đến con chip này.

Tuy nhiên, có người bảo rằng, những con chip 8 bit này bên Trung Quốc bán theo “mớ, lố” nên không cần nghiên cứu mà nếu có, nên tập trung vào những dòng tốc độ cao. Về ý kiến này, TS Nam chia sẻ: “Dòng chip này còn có đầu ra vì trên thị trường còn nhiều sản phẩm sử dụng chip 8 bit. Sau khi hoàn chỉnh dòng chip này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu các dòng chip có tốc độ cao hơn. Đó là định hướng phát triển của chúng tôi”.

Tất nhiên cần có thời gian để tiếp thị sản phẩm cao cấp này trên thị trường, vốn đã được các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đi trước vài ba chục năm chiếm lĩnh. Tương lai vẫn còn xa tít ở... chân trời.

Chip vi xử lý 8 bit RISC SigmaK3 hiện vẫn dùng để sản xuất các sản phẩm như remote các thiết bị điện tử, các loại biển quang báo, màn hình trắng đen của các thiết bị định vị GPS, robot...

Trọng Hiền

Đại học quốc gia TP HCM sẽ sản xuất Chip 32 bit

Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học Quốc gia TP HCM (ICDREC), vừa ký với công ty IBM Việt Nam để được hỗ trợ các công nghệ sản xuất chip tốc độ cao 32 bit sau thành công của chip 8 bit đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đó, IBM sẽ cung cấp cho ICDREC các đặc tính kỹ thuật, sơ đồ thiết kế, cùng với những tài liệu mới nhất về công nghệ bán dẫn 65 nanomet (nm), 90 nm và 130 nm...

Bên cạnh đó, trung tâm cũng có quyền công bố hay phổ biến những thông tin thiết kế này cho các trường Đại học nhằm phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch.

Với sự hợp tác này, ICDREC tiếp tục triển khai dự án nghiên cứu và chế tạo chip xử lý 32 bit để ứng dụng cho các thiết bị xử lý tốc độ cao hơn như máy tính.

"Sự kiện sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp cận và thu hút thêm nhiều sự đầu tư quốc tế vào ngành thiết kế vi mạch", ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, phát biểu.

Trước đó, chip vi xử lý 8 bit SigmaK3 được ICDREC chế tạo đã khởi đầu cho ngành này tại Việt Nam. Đây là loại chip hiện vẫn còn được ứng dụng nhiều trong các thiết bị gia dụng và điều khiển từ xa như máy giặt, tủ lạnh, remote điều khiển từ xa...

Mai Huy

Chế tạo thành công Chip quản lý năng lượng

Sản phẩm này lần đầu tiên được thiết kế tại Việt Nam, mang tên VS8801A đã chính thức ra mắt sáng qua 12-3-2008 tại TP.HCM. Đây là kết quả nghiên cứu, thiết kế trong vòng 2 năm của Công ty cổ phần Bán dẫn Việt Nam (VSMC) chuyên sản xuất bán dẫn theo hình thức không nhà máy.

Ông Võ Hữu Hải - Tổng giám đốc VSMC cho biết chip VS8801A đáp ứng yêu cầu của những model sản phẩm thiết bị cầm tay, thiết bị điện tử di động, có khả năng tích hợp vào các dòng thiết bị di động thế hệ mới như Smart-phone, Cell-phone, Digital camera, PDA, Pocket PC, iPod..., có chức năng kiểm soát toàn bộ hệ thống năng lượng cấp cho thiết bị điện tử, giúp tiết kiệm năng lượng đến 40%. Ông Hải cũng thông báo Công ty VSMC đã đạt được một thỏa thuận với TSMC - nhà chế tạo bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan để sản xuất loại chip này.