NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Có bao nhiêu trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng - GS TS Nguyễn Văn Tuấn , Kiều bào Úc

Một tựa đề không thể bỏ qua: “Việt Nam có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới” (Vietnamnet 17/1/2008). Nhưng tiếc thay, nội dung bài báo có nhiều thông tin không chính xác, thậm chí sai. Đọc câu văn “Hà Nội là quốc gia duy nhất …” làm tôi giật mình vì không biết Hà Nội được nâng cấp quốc gia từ lúc nào [1]!

Bài báo trích dẫn phát biểu của một tiến sĩ người Mĩ cho rằng “Tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ em Việt Nam xếp vào loại cao nhất thế giới. 90% trẻ SDD thấp còi trên thế giới tập trung ở 36 nước nghèo, trong đó có Việt Nam.” Hai câu nói này của bà tiến sĩ có vấn đề về logic. Thật vậy, nếu Việt Nam nằm trong danh sách 36 nước nghèo chiếm đa số các trường hợp suy dinh dưỡng trên thế giới, thì điều đó không có nghĩa là Việt Nam có tỉ lệ suy dinh dưỡng “cao nhất thế giới”.

Vẫn theo bài báo ( hay phát biểu của bà tiến sĩ ), có đến 1/3 trẻ em thấp còi, tức suy dinh dưỡng. Tôi e rằng con số này không có cơ sở thực tế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi vào năm 2001 là 31,9%; đến năm 2005 tỉ lệ này giảm xuống còn 25,2%. Mười ngày trước đây, trong hội nghị tổng kết đánh giá các hoạt động dinh dưỡng năm 2007 do Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức, có báo cáo cho thấy “tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi trên cả nước suy dinh dưỡng đã giảm từ 23,4% ( năm 2006 ) xuống còn 21,2%.” Như vậy con số 1/3 trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng có lẽ là tỉ lệ vào những năm cuối của thế kỉ 20, vì hiện nay, tỉ lệ này còn khoảng 1/5.

Tuy nhiên, vấn đề kĩ thuật ở đây là chúng ta không biết định nghĩa của “suy dinh dưỡng” (undernutrition ) là gì. Định nghĩa suy dinh dưỡng khá phức tạp vì nó liên quan đến các khái niệm thống kê học và dựa vào nhiều tiêu chí, kể cả chiều cao và trọng lượng, và là đề tài của cả một bài báo khoa học. Không biết được định nghĩa này thì có thể xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.

Bài báo còn trích dẫn ý kiến của các chuyên gia Việt Nam cho rằng “Một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, theo các chuyên gia, còn do trẻ Việt Nam hay mắc các bệnh tiêu chảy.” Tôi ngạc nhiên trước phát biểu ngược lại với y văn này! Thật ra, phải nói ngược lại mới đúng: suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố nguy cơ có liên quan đến -- hay nguyên nhân dẫn đến -- tiêu chảy, nhiễm trùng, sốt rét, một số bệnh đường hô hấp, tử vong, v.v… [2,3]. Ngoài các nguyên nhân sinh học và lâm sàng, đứng trên quan điểm của y tế cộng đồng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng -- như tên gọi rất chính xác -- là thiếu ăn.

Thiếu ăn là do nghèo và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trong khi nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, một bộ phận dân số -- nhất là những người sống trong vùng nông thôn hay vùng xa -- vẫn chưa đủ ăn ( và chưa đủ mặc ). Không ngạc nhiên khi thấy phần lớn trẻ em dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, và các em mới chính là những đối tượng Nhà nước cần phải quan tâm giúp đỡ, chứ không nên nhân danh “xã hội hóa” mà đẩy thêm gánh nặng cho những gia đình nghèo khó.

Dù tỉ lệ suy dinh dưỡng là 1/5 nhưng đây là một tỉ lệ rất cao và rất đáng quan tâm. Ở nước ta, suy dinh dưỡng không còn là một vấn đề y tế nữa, mà là vấn đề kinh tế. Tôi sẽ quay lại ý tưởng này trong một dịp khác.

Chú thích :

[1] Bài viết này viết vào ngày 18/1/2008, và vào thời điểm đó có câu “Hà Nội là quốc gia duy nhất duy nhất ở châu Á”. Hôm nay, 20/1/2008, câu này đã được sửa lại là “Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á”.

[2] Xem bài “Undernutrition as an underlying cause of malaria morbidity and mortality in children less than 5 years”, đăng trên tập san y học nhiệt đới American Journal of Tropical Medicine and Hygiene., 71(2 suppl), 2004, pp. 55-63.

[3] Xem “Undernutrition as an underlying cause of child deaths associated with diarrhea, pneumonia, malaria, and measles” đăng trên tạp san dinh dưỡng học American Journal of Clinical Nutrition, Vol. 80, No. 1, 193-198, July 2004.