NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Intel tác động mạnh đến đầu tư Công Nghệ Cao ở TP.HCM

Ngay sau sự kiện Intel, Tập đoàn Công Nghệ Cao hàng đầu của Mỹ được cấp phép đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm Chip vào Khu Công Nghệ Cao TP.HCM, VNnet đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Chánh Trực, Trưởng Ban Quản lý khu Công Nghệ Cao TP.HCM.

Xin chúc mừng ông và khu Công Nghệ Cao TP.HCM vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao phó, đó là tạo mọi điều kiện để mở đường cho tập đoàn Intel đầu tư xây dựng nhà máy tại khu Công Nghệ Cao. So với nhiều địa điểm khác trên thế giới mà Intel đã từng đầu tư hoặc khảo sát thì khu Công Nghệ Cao TP.HCM còn quá mới mẻ, nhưng cuối cùng đã trở thành dấu son mới trên bản đồ Công Nghệ Cao thế giới. Ông có cho rằng, TP.HCM và Việt Nam đã nhận được sự ưu ái không?

Tôi không có cảm giác là Intel ưu ái Việt Nam so với các nước khác, mà thậm chí, họ đã tỏ ra khắt khe. Qua báo chí, ông Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Craig Barrett đã nói rõ về lý do lựa chọn Việt Nam. Riêng tôi, nếu ở vị trí của ông C. Barret, khi nhận được câu hỏi “ Vì sao Intel chọn Việt Nam ? ”, thì tôi sẽ hỏi lại: “ Xin hãy chỉ cho tôi nơi nào đầu tư tốt hơn Việt Nam trong thời điểm hiện nay ?”.

Quá trình mời gọi Intel đầu tư vào khu Công Nghệ Cao đã bắt đầu khá sớm. Từ tháng 7-2002, tức là chỉ 3 tháng sau khi khu Công Nghệ Cao TP.HCM thành lập, chúng tôi đã tiếp xúc với Intel, rồi tiếp theo đó là hàng loạt các cuộc đàm phán mang tính trọn gói. Chúng ta đã phải đưa ra tất cả các điều kiện thực tế của mình để Intel xem xét.

Quả thật, nếu xét ở vài khía cạnh thì có mặt chúng ta kém hơn một số địa điểm khác của thế giới. Chẳng hạn ở những nước mà Intel đã có nhà máy, họ hoàn toàn có thể mở rộng sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng; hoặc về thị trường, thì chúng ta thua kém những quốc gia có dân số đông như Ấn Độ và Trung Quốc. Thế nhưng, Intel đã nhận ra những thế mạnh khác của chúng ta, đó là chúng ta đang nằm trong khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới, chúng ta có tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội. Vì thế mà họ đã quyết định chọn Việt Nam.

Vâng, nhưng về nhân lực cho Công Nghệ Cao thì có nhiều ý kiến cho là Intel sẽ gặp khó khăn ?

Chúng ta có một nền tảng giáo dục với lượng người có học vấn khá đông, thuận lợi cho nhu cầu đào tạo bổ sung và nâng cao. Điều này đã được chứng minh qua thực tế của nhiều công ty Nhật Bản và Châu Âu, họ đã thừa nhận, việc đào tạo bổ sung cho đội ngũ lao động ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thuận lợi hơn so với một số nước khác.

Ấy là chưa kể, Intel cũng nhìn thấy tiềm năng từ cộng đồng người Việt trên khắp thế giới đang sẵn sàng quay về Việt Nam để làm việc trong các lĩnh vực Công Nghệ Cao, mà ngay Intel cũng đã nhận được lời đề nghị từ nhiều trí thức Việt Kiều đang làm việc ở nhiều công ty lớn ở nhiều nước.

Vì vậy, tôi nghĩ, Intel không quá lo lắng về nguồn nhân lực cho lĩnh vực đầu tư của họ, vì ngoài việc đào tạo bổ sung tại chỗ, nếu chưa đủ, họ vẫn có thể tiếp nhận thêm nguồn nhân lực trình độ cao từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài hoặc thuê nhân sự từ các nước khác. Tôi tin tưởng, đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài sẽ rất phấn khởi khi được quay về Việt Nam làm việc trong những lĩnh vực công nghệ cao ngay tại quê nhà.

Xin ông nói rõ hơn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ?

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu không chỉ cho riêng Intel mà còn cho nhu cầu chung của các nhà đầu tư vào khu Công Nghệ Cao. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng việc hợp tác ra các trường Đại Học hoặc các trường dạy nghề trong cả nước. Chúng tôi sẽ đặt hàng thẳng với các trường để họ xây dựng chương trình đào tạo bổ sung chuyên môn Công Nghệ Cao theo nhu cầu của nhà đầu tư, hoặc chính các nhà đầu tư sẽ tham gia huấn luyện chuyên môn sâu theo nhu cầu của mình cho Sinh Viên các trường. Từ đó, họ có thể có được lực lượng lao động đạt trình độ mong muốn.

Trở lại với việc Intel đầu tư vào Việt Nam, ông có nhận thấy quyết định này của họ có tác động đến các nhà đầu tư khác mà Khu Công Nghệ Cao TP.HCM đang trong quá trình đàm phán hay không ?

Có tác động. Những tín hiệu khả quan nhất đến từ giới đầu tư Nhật Bản. Nhiều công ty hàng đầu của Nhật đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khu Công Nghệ Cao và sau sự kiện này, chúng tôi nhận định rằng, sớm muộn gì họ cũng sẽ quyết định đầu tư vào đây.

Một điều đáng mừng là NIDEC, tập đoàn lớn của Nhật trong lĩnh vực đầu tư Vi Điện Tử - Công Nghệ Thông Tin - Viễn Thông ngay cuối tháng 1/2006 đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD vào khu Công Nghệ Cao TP.HCM trong 5 năm tới. Số tiền trên bằng khoảng 2/5 tổng số vốn mà NIDEC đầu tư vào các nước từ nay tới 2010. NIDEC hiện có 2 công ty đang hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận, sẽ xây thêm 3 công ty ở khu Công Nghệ Cao. Dự kiến, năm 2008, 5 công ty này sẽ đạt doanh số khoảng 1 tỷ USD và 2010 đạt 2 tỷ USD, với khoảng 20.000 nhân viên. Tôi nghĩ, thông tin về quyết định của Intel cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy quyết định này của ông chủ tịch tập đoàn NIDEC.

Còn các công ty Mỹ khác, thưa ông ?

Ngay đầu năm 2003, khi khu Công Nghệ Cao TP.HCM vừa đi vào hoạt động được vài tháng, công ty HP đã xúc tiến việc đưa nhiều đối tác của họ đến tìm hiểu vào có kế hoạch thiết lập nhà máy tại đây. Giờ đây, cùng với Intel là khá nhiều công ty lớn khác của Mỹ cũng đã tiếp xúc với chúng tôi. Tôi xin tạm chưa nêu tên các công ty này, nhưng tín hiệu đáng mừng qua các cuộc tiếp xúc mới nhất cho thấy, họ sẽ quyết tâm đầu tư vào khu Công Nghệ Cao TP.HCM trong thời gian sớm nhất có thể.

Câu hỏi cuối cùng. Suy nghĩ riêng của ông về sự kiện Intel đặt niềm tin vào Việt Nam ?

Sự đầu tư của Intel không chỉ chứng minh cho uy tín ngày càng cao của môi trường đầu tư của Việt Nam, mà theo tôi điều quan trọng nhất là qua đây, chúng ta đã thể hiện quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thoát khỏi tư duy phát triển dựa vào công nghiệp truyền thống, chú trọng vào việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại mà cốt lõi là công nghệ cao, bắt nhịp được với xu thế của thế giới hiện đại.

Một khi Intel vào Việt Nam được thì các công ty Công Nghệ Cao khác cũng sẽ vào, điều đó có nghĩa là chúng ta đang có cơ hội lớn để tiếp cận nhanh hơn với công nghệ cao, cả về điện tử, viễn thông, tin học, sinh học, cơ khí chính xác cho đến công nghệ nano. Vì thế, Intel chọn Việt Nam để đầu tư là một bước ngoặt và tôi tin đây là dấu hiệu của một thời kỳ phát triển bền vững với tốc độ không ngừng tăng của kinh tế Việt Nam.

Đông Quân