NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Tân dược nội dẫn đầu tăng giá

Các đại lý bán lẻ thuốc tân dược cho biết, hiện nay các loại thuốc nội, ngoại đều tăng giá bán ra. Các loại thuốc ngoại được "điểm mặt" nhiều hơn trong danh sách dược phẩm tăng giá, trong khi thực tế, tỷ lệ điều chỉnh giá của các loại thuốc nội cao hơn rất nhiều, từ 20 - 100%.

Hà Nội : Dược phẩm nội tăng từ 20-25%

Thông tin từ một số hiệu thuốc trên đường Ngọc Khánh, Giảng Võ cho biết, từ giữa tháng 6 đến nay, giá thuốc tân dược các loại như kháng sinh, thuốc bổ đến vitamin của nhiều hãng nội địa, liên doanh, nhập khẩu, đều đã được điều chỉnh với mức tăng khác nhau.

Trong đó, thuốc ngoại nhập khẩu dù mới chỉ có một vài hãng tăng giá nhưng mức tăng ở đây lại rất cao, từ 20-40% như thuốc Procane (dành cho bà bầu) trước thường 133.000 đồng/lọ (30 viên), giờ lên 180.000/lọ (tăng 40%); Viatril-S (cho người đau xương, khớp) từ 181.000 đồng lên 215.000 đồng/lọ (tăng 20%); Cerebrolysin (thuốc tiêm, bổ não) từ 70.000 đồng lên 83.000 đồng.

Thuốc của DN liên doanh chưa tăng nhiều. Hiện mới có hãng Starda (liên doanh với Đức) dẫn đầu mức tăng giá từ 10-20%.

Còn lại tăng giá đồng loạt và phổ biến nhất từ 20-25% vẫn là các DN dược phẩm nội như Domesco (Đồng Tháp), Mecofa, Traphaco, Dược phẩm TW1, TW2...

Tại một quầy trong siêu thị thuốc Mega3 trên đường Láng Hạ, để cho dễ nhớ, các nhân viên đã phải dán một danh mục những loại thuốc tăng giá. Trong đó chỉ riêng hãng Traphaco, đã có 9 loại thuốc tăng giá. Cụ thể, loại AMor Vita-soft tăng từ 22.800 lên 30.000 đồng/hộp; Antot 10ml (Philatop cũ) tăng từ 10.500 lên 14.500 đồng/hộp; Dưỡng cốt hoàn từ 17.000 lên 21.500 đồng/hộp; Ích mẫu từ 8.000 lên 11.000 đồng/hộp...

Trước nhiều thông tin DN sản xuất thuốc đang kêu lỗ, đòi tăng giá vì giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao và biến động của giá đô la thời gian qua, để yên tâm, nhiều cửa hàng lớn cho biết họ đã nhanh chân dốc tiền ra “mua bằng hết” nhiều loại thuốc.

Không chỉ “ôm” vào, mà ngay việc một loại thuốc “đắt hàng” lúc này cũng khiến giới kinh doanh lo ngại.

“Thấy nhiều khách tìm đến mua một loại thuốc, cửa hàng cũng chẳng dám bán vì sợ nếu bán hết, sẽ phải chịu giá nhập vào đắt hơn” – đại diện một quầy bán buôn cho biết.

Theo quan sát, trong bối cảnh chưa được phép tăng giá thuốc hiện nay, nếu nhiều DN sản xuất cho rằng “càng bán càng lỗ” và đang phải ghìm hàng lại, thì các cửa hàng thuốc cũng muốn chần chừ, đợi giá lên cao bán ra một thể.

TP Hồ Chí Minh : Thuốc đặc trị tăng giá mạnh

Chủ nhà thuốc số 24 trên đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1 cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, một số hãng dược phẩm liên tục tăng giá nhiều mặt hàng. Thuốc thiết yếu không chịu ảnh hưởng lớn trong đợt tăng giá này. Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị, nhất là thuốc ngoại nhập tăng giá mạnh. Cụ thể: thuốc Tol’héma tăng từ 88.000 lên 96.000đ/hộp 20 ống, Lysopaine tăng từ 39.000 lên 42.000đ/tuýp; Pulmoll tăng từ 40.000 lên 44.000đ/hộp 50g.

Nhìn chung, dược phẩm ngoại nhập tăng trong khoảng 3-5%.

Tại nhà thuốc Thanh Đức trên đường Võ Văn Tần, phường 6 quận 3, dược sĩ Nguyễn Văn Thanh cho biết, thuốc Tomicalcium của Pháp, hộp 20 ống loại nhỏ tăng từ 84.000 lên 110.000đ/hộp, loại lớn tăng từ 110.000 lên 125.000đ/hộp; thuốc Sterima tăng từ 60.000 lên 65.000đ/hộp.

Tuy nhiên, theo nhận định của dược sĩ này, tăng giá đáng kể phải là các loại dược phẩm trong nước. Cứ mỗi lần điều chỉnh, giá thuốc trong nước tăng khoảng 30 - 100%. Song vì giá trị không cao nên sự tăng giá thuốc nội ít được để ý.

Anh Thanh cho biết, hôm nay, Kim Tiền Thảo của hãng OPC đã tăng từ 36.000 lên 45.000đ/hộp, Vitamin C của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 25 tăng 100%, từ 20.000đ lên 40.000đ, thuốc lợi gan mật BAR của hãng Pharmedic tăng từ 26.000 lên 33.000đ/lọ 180 viên.

Theo anh Thanh, hiện nay, giá thuốc được điều chỉnh mỗi ngày, trong khi các đại lý lấy thuốc về và bán hết mới mua lại lô mới nên không cập nhật kịp tình hình giá cả mỗi khi giá thuốc tăng. Chỉ khi cần mua loại thuốc nào, đại lý đến trung tâm phân phối sỉ dược phẩm thì mới hay giá tăng. Do vậy, hiện nay, chuyện mỗi nhà thuốc bán cùng một sản phẩm với giá khác nhau là bình thường.

Anh Thanh cũng cho biết, thông tin về giá thuốc, đại lý chỉ nắm được thông qua trung tâm bán sỉ. Còn các công ty, hãng sản xuất thuốc, có nơi không hề có trình dược viên đến nhà thuốc, có nơi mỗi tuần trình dược viên mới ghé đến một lần nên giá thuốc không thể được cập nhật kịp thời.

Thế nên, nhiều trường hợp thuốc tăng giá, nhà thuốc không biết đó có phải là giá do công ty điều chỉnh hay do trung tâm phân phối sỉ tự điều chỉnh khi khan hàng.

Song, đáng nói là do thông tin giá cả thuốc không được cung cấp kịp thời đến nhà thuốc nên từ lâu, trên thị trường xuất hiện tình trạng gom hàng để bán lại với giá cao. Với mánh khoé "mua gởi về quê", lực lượng gom hàng sẽ đến các nhà thuốc chưa hay tin mặt hàng dược phẩm nào đó tăng giá để bán lại với giá chênh lệch khoảng vài ngàn đồng.

"Biết rằng bán ra với giá cũ rồi sẽ phải mua lại với giá mới, cao hơn nhưng khách mua "gởi về quê" thì nhà thuốc không thể không bán, vả lại, hàng cũ vẫn còn nhiều", anh Thanh giải thích.

Kim Toàn - Nguyễn Nga