NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Lũng đoạn giá thuốc tại hơn 1.000 nhà thuốc bệnh viện

Giá thuốc tại nhiều nhà thuốc bệnh viện cao hơn thị trường từ 25-30%.

Gần một năm nay, nguồn thuốc, chất lượng tại nhiều nhà thuốc bệnh viện đều không kiểm soát được. Trong khi đó, giá thường cao hơn so với thị trường 25 - 30%.

Trao đổi với báo giới ngày 11-7-2008 , Thứ trưởng Cao Minh Quang đã đánh giá : Thuốc do hơn 1.000 nhà thuốc bệnh viện cung cấp chiếm tới 60 - 70% số lượng lưu thông trên thị trường tự do. Vậy mà giá ở đây thường cao hơn ở thị trường ngoài cổng bệnh viện 25 - 30%, thậm chí 45%. Sở dĩ có chuyện lạ đời như vậy là bởi các nhà thuốc đã bán cái cho tư nhân thầu, và để mặc cho họ làm giá, đặc biệt là các thuốc đặc trị thì bao nhiêu tuỳ theo họ định đoạt. Mặc dù giám đốc bệnh viện là người chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm chỉ đứng trên danh nghĩa, chứ không quản lý được các hoạt động ở đây.

Hoạt động nhà thuốc đã có thông tư 02 của Bộ Y tế ban hành tháng 9-2007 quy định, nhưng lại chỉ quy định chung chung. Đặc biệt là khi các đoàn kiểm tra phát hiện ra những bất cập của các nhà thuốc bệnh viện, cũng không có chế tài xử phạt ngoài việc nhắc nhở.

Để đưa hoạt động nhà thuốc bệnh viện về quỹ đạo, ngày 11-7-2008 , Bộ Y tế ban hành quy định về hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện, yêu cầu nhà thuốc sẽ phải là một chân rết của khoa dược, mặc dù bộ cũng cho phép liên doanh với các đối tác khác.

Tuy nhiên, thặng số, tức là lãi trên giá bán lẻ được quy định ở 5 mức, phụ thuộc vào giá trị của thuốc. Ví dụ: Với giá thuốc tính trên 1 đơn vị đóng gói nhỏ nhất dưới 1.000 đồng thì thặng số bán lẻ được giới hạn là 20%. Ở mức từ 1.000 - 5.000 đồng thì thặng số là 15%. Tuần tự như vậy, đến giá trên 1.000.000đ thì thặng số chỉ được tối đa là 5%. Tuy nhiên, quy định này sẽ được Bộ Y tế điều chỉnh sau 6 - 12 tháng tuỳ theo tình hình thực tế thị trường. Đầu tháng 9, bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra, đồng thời yêu cầu các sở y tế tổng kiểm tra xem hoạt động của các nhà thuốc đã có chuyển biến hay chưa.

Tuy nhiên, vấn đề cũng rất khó hiện nay là thặng số tính cho giá bán lẻ ở nhà thuốc dựa trên giá nhập vào nhà thuốc, nên vẫn không giải quyết được nạn buôn bán lòng vòng, nhiều tầng nấc nhằm đẩy giá thuốc lên cao. Do đó, bộ sẽ tiếp tục ban hành quy định về thặng số toàn chặng, tức là mức lãi cho phép từ giá nhập khẩu đến khi bán lẻ.

Nhận định về tình hình tăng giá thuốc hiện nay, Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng cho hay: Tại Hà Nội và Thành Phố HCM, các nhà sản xuất thực hiện khá nghiêm chỉnh yêu cầu phải nộp hồ sơ xin ý kiến bộ trước khi điều chỉnh giá. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều Công ty TNHH đã nước đục thả câu, có tình trạng không cần quyết định lên giá của nhà sản xuất, tự tiện tăng giá vùn vụt. Đối với các Công ty này, Hà Nội đã quyết định xử phạt mức cao nhất. Tuy nhiên, có thể áp dụng mức phạt bổ sung là đóng cửa nhà thuốc và thu hồi giấy phép đủ điều kiện hành nghề dược tư nhân.

Bộ Y tế cũng vừa ra quyết định cho phép điều chỉnh giá thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện, để đảm bảo các bệnh viện không thiếu thuốc. Mức điều chỉnh bao nhiêu, phụ thuộc vào quyết định của hội đồng xét thầu, dựa trên giá thuốc áp dụng vào thời điểm đã điều chỉnh, nếu có.

Thị trường thuốc tân dược miền Trung : Để xảy ra tăng giá bất hợp lý, sở y tế phải chịu trách nhiệm!

Ngày 11-7-2008 , tại Đà Nẵng, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có cuộc nhóm họp với lãnh đạo sở y tế, bệnh viện và các Cty dược phẩm của 9 tỉnh miền Trung - từ TT-Huế đến Ninh Thuận. Nội dung chính là triển khai bình ổn thị trường thuốc tân dược 6 tháng cuối năm 2008.

Theo báo cáo của các địa phương, ở miền Trung chưa có nơi nào tăng giá thuốc tân dược đột biến, bất hợp lý. Đặc biệt tại các bệnh viện, do bị khống chế bởi giá thuốc đấu thầu và nhà cung ứng cố định nên hoàn toàn không có việc tăng giá thuốc. Tuy vậy, với lạm phát kéo dài 6 tháng, chỉ số CPI 18,44%, đã khiến cho các DN sản xuất, nhập khẩu, thậm chí các Cty bán buôn thuốc tân dược đang đứng trước khó khăn thực sự. Ngoài việc tăng giá các vật tư nguyên liệu, việc chênh lệch ngoại tệ, tăng lãi suất ngân hàng, tăng giá các mặt hàng phụ trợ khác... đã tạo áp lực đối với giá sản phẩm thuốc tân dược. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế quy định không được tăng giá thuốc.

GĐ Sở Y tế Đà Nẵng - BS Võ Đoàn Kim Ánh cho biết, Đà Nẵng chưa hề có việc tăng giá thuốc đột biến, bất hợp lý từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, việc tăng giá thuốc là tất yếu trước bối cảnh kinh tế hiện nay mà đến... bó rau cũng tăng giá. Mặt khác, miền Trung hầu hết nhập thuốc từ Hà Nội và TPHCM, nếu 2 đầu đất nước tăng giá thì tất yếu miền Trung bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, những văn bản hướng dẫn của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cả thông tư liên tịch... đều không có hướng dẫn rõ ràng. Từ nay đến cuối năm 2008, cho tăng 5-10% giá thuốc nhưng không nói rõ lộ trình điều chỉnh, loại thuốc nào... Đề nghị cụ thể hơn hành lang pháp lý". Đây cũng là kiến nghị chung của các sở y tế Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Để bình ổn giá thuốc tân dược đến cuối năm 2008, các tỉnh miền Trung có chung giải pháp: Tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc; tăng dự trữ nguồn thuốc chữa bệnh thiết yếu phòng dịch bệnh, thảm hoạ, có đột biến về thị trường... Bên cạnh đó, các sở y tế sẽ chủ động cùng với sở công thương, tài chính xem xét, tháo gỡ những khó khăn của các DN sản xuất và kinh doanh thuốc tân dược. Đối với những mặt hàng thuốc chứng minh được việc tăng giá đầu vào hợp lý thì sẽ cho điều chỉnh tăng giá thuốc.

Tuy vậy, theo Cục trưởng Cục Quản lý dược - ông Trương Quốc Cường - thì mọi động thái liên quan đến điều chỉnh tăng giá thuốc, đặc biệt trong bệnh viện đều phải có báo cáo cục, Bộ Y tế và làm đúng quy trình pháp lý. Tránh việc tăng giá đột biến và bất hợp lý. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng tăng giá thuốc bất hợp lý, tràn lan thì sở y tế phải chịu trách nhiệm trước.

Thanh Hải

Nhà thuốc bệnh viện rất vô tổ chức

Nhiều vấn đề nổi cộm của các nhà thuốc bệnh viện được thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ ra, trong đó, “ngược đời” nhất là nhà thuốc trong viện bán giá cao hơn ngoài viện và chất lượng thuốc thì không thể kiểm soát nổi.

Bán giá cao hơn ngoài thị trường

Chiều 11/7/2008 , Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 24/2008/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.

Theo ông Quang, khoảng 67 - 70% thuốc lưu thông nằm trong các bệnh viện công lập, trong đó có 70% thuốc nằm ở nhà thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, từ trước tới nay, hoạt động của nhà thuốc bệnh viện còn bị thả nổi vì những quy định chưa rõ ràng. Từ sự thả nổi đó, nhiều nhà thuốc bệnh viện đã “lộng hành”, tự ý liên doanh liên kết với các đơn vị phân phối đẩy giá thuốc lên cao tới 25 - 30%, thậm chí 45%, trong khi đó không kiểm soát được nguồn thuốc vào và chất lượng thuốc. Đặc biệt là khi các đoàn kiểm tra phát hiện ra những bất cập của các nhà thuốc BV, cũng không thể xử phạt vì quy định quá chung chung, không có chế tài xử lý các vi phạm này.

Rất nhiều người đi khám bệnh, sau khi bác sĩ kê đơn liền xuống nhà thuốc bệnh viện mua vì họ nghĩ đơn giản, đã là nhà thuốc bệnh viện thì phải đảm bảo, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, niềm tin của họ đã đặt không đúng chỗ. Bởi rất nhiều nhà thuốc bệnh viện chỉ trên danh nghĩa, còn thực tế là đã “bán cái” cho tư nhân thầu và để mặc cho họ làm giá…

Từ những vấn đề nổi cộm này, TS Cao Minh Quang không ngần ngại đánh giá, hoạt động của nhà thuốc bệnh viện là “vô tổ chức”.

Khống chế mức lãi bán lẻ

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hơn 1.000 nhà thuốc bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kí quyết định số 24/2008/QĐ-BYT về tổ chức và hoạt động của nhà thuốc bệnh viện.

Theo đó, có hai nội dung quan trọng đổi mới là tư cách pháp nhân của nhà thuốc bệnh viện và quy định thặng số lãi suất. Theo quyết định này, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm về hoạt động của nhà thuốc bệnh viện. Trong trường hợp liên doanh, liên kết thì cá nhân hoặc giám đốc đơn vị đó phải cùng chịu trách nhiệm với Giám đốc bệnh viện về hoạt động của nhà thuốc.

Để thắt chặt quản lý giá thuốc, quyết định này cũng đề cập tới việc khống chế thặng số bán lẻ của nhà thuốc bệnh viện. Theo đó, trị giá thuốc tính trên giá gốc của đơn vị đóng gói nhỏ nhất chỉ dao động tối đa từ 5 - 20%. Cụ thể, trị giá thuốc 1.000 đồng trở xuống có thặng số bán lẻ tối đa 20%; trị giá trên 1.000 - 5.000 đồng là 15%, 5.000 - 100.000 đồng là 10%; trên 100.000 - 1.000.000 đồng là 7% và trên 1.000.000 đồng là 5%.

Tuy nhiên, quy định này sẽ luôn có sự điều chỉnh trong từng thời kỳ nhất định để phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường.

Theo ông Quang, Bộ Y tế đưa ra Quy định thặng số bán lẻ này của nhà thuốc bệnh viện là hoàn toàn có cơ sở. Thặng số này dựa trên kết quả kê khai giá bán lẻ và buôn của hơn 1.000 hồ sơ thuốc tại Cục Quản lý giá do Bộ Tài chính cung cấp; giá thành phẩm của Cục Tài chính doanh nghiệp và việc xin ý kiến rộng rãi của các bệnh viện trung ương, địa phương.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế, đó là việc tính thặng số này hoàn toàn dựa theo giá mua trên hoá đơn hợp pháp, còn Bộ Y tế chưa thể xác định được giá thuốc tận gốc khi nhà sản xuất bán ra cho nhà thuốc bệnh viện. Nhưng dù sao với quy định mới này, Bộ Y tế đang dần siết chặt để chấn chỉnh hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện. Không để tình trạng lộn xộn, vô tổ chức này kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người bệnh.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại nhiều bệnh viện hiện nay, Bộ Y tế cũng vừa ra quyết định cho phép điều chỉnh giá thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện. Mức điều chỉnh bao nhiêu, phụ thuộc vào quyết định của hội đồng xét thầu, dựa trên giá thuốc áp dụng vào thời điểm đã điều chỉnh, nếu có.

Hồng Hải

Siết chặt quản lý nhà thuốc bệnh viện

Theo ông Quang, từ khoảng cuối quý III năm 2008, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện quyết định 24 của Nhà thuốc bệnh viện. Theo đó, việc kiểm tra cơ bản sẽ được giao cho các Sở Y tế, kể cả nhà thuốc bệnh viện T.Ư cũng sẽ được thắt chặt quản lý theo địa bàn.