NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Những Nguyên Nhân Của Bệnh Táo Bón - BS Nguyễn Ý Ðức , Kiều bào Mỹ

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Thực vậy, có ít nhất 25% các vị lão nam và 34% các vị lão nữ phải chịu đựng những khó khăn do “táo bón bệnh trĩ” gây ra.

Táo bón có thể là dấu hiệu của một số bệnh, gây ra do tác dụng phụ của một vài dược phẩm, hậu quả của một nếp sống ít vận động hoặc dinh dưỡng không cân đối.

Bệnh đã làm nhiều người mất vui trong cuộc sống và họ không ngần ngại bỏ tiền ra chữa chạy để hy vọng có được sự hanh thông đại tiện.

Táo bón đã được ông tổ của nền y học phương Tây là Hipprocrates quan tâm đến khi nói rằng “Muốn có một sức khỏe tốt, cần phải đại tiện đều đặn”.

Định nghĩa

Mỗi người có một thói quen riêng trong việc đào thải chất bã của sự tiêu hóa thực phẩm.

Có người đại tiện đều đặn mỗi ngày một lần, có người đến 2 hoặc 3 ngày một lần. Khi tình trạng tiêu hóa bình thường, cơ thể luôn luôn tuân theo thói quen đó. Cứ đến cùng thời điểm là họ sẽ có một cảm giác kích thích nhắc nhở ta thực hiện “nhiệm vụ”. Khi thói quen đó không được duy trì như thường lệ thì họ nghĩ là hệ tiêu hóa đang có vấn đề.

Ngoài ra, mỗi người có thể hiểu về táo bón theo một cách khác nhau.

Có người than phiền với bác sĩ là bị táo bón vì từ sáng đến chiều mà vẫn chưa đi cầu.

Có người lại nghĩ rằng mình bị táo bón vì mấy ngày liên tiếp, mỗi khi đại tiện đều phải gắng sức, rồi phân được thải ra cứng như đất sét khô, lại nhỏ như phân dê, đôi khi có lẫn chút máu.

Nói chung, người ta thường cho là bị táo bón khi số lần đại tiện trong một thời gian nhất định bị giảm đi so với thói quen.

Táo bón cũng còn bị gán cho là nguyên nhân gây ra đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon và tin rằng cứ đại tiện thông là các rối loạn này hết đi. Vì vậy, nhiều người lạm dụng thuốc xổ và đưa tới nhiều tác hại cho hệ tiêu hóa.

Thật ra, đại tiện 3 lần một ngày hay 3 ngày một lần cũng đều có thể xem là bình thường, nếu đó là thói quen đều đặn đã có từ lâu, nhất là khi đại tiện không thấy khó khăn hay gây ra cảm giác khó chịu.

Thường thường, người cao tuổi cho là bị táo bón khi đi tiêu mà phải cố rặn, phân khó ra, cứng và khô, mà không quan tâm đến số lần đại tiện. Đôi khi họ còn có khuynh hướng ước lượng ít đi số lần đại tiện của mình, vì tin rằng đại tiện nhiều hơn là có thể loại bỏ chất độc hại nằm ở ruột..

Các loại táo bón

Mặc dù có nhiều hình thức táo bón, nhưng nói chung đó là kéo dài thời gian nằm lại của phân trong ruột già và sự trì hoãn tống xuất chất bã ra khỏi trực tràng. Một số hình thức táo bón khác nhau được phân biệt như sau đây:

a- Hình thức trầm trọng nhất là khi lòng ruột già thu hẹp hoặc bị nghẹt, phân khô cứng vì nước bị hút trở lại ruột. Nạn nhân phải ngồi lâu mới giải tỏa được, sau đó vẫn thấy ấm ức, khó chịu ở hậu môn, đôi khi ngầm ngầm đau bụng. Trường hợp này thường thấy trong bệnh ung thư ruột, viêm ruột và ta cần đi khám bệnh ngay. Nhất là khi trong phân lại có máu.

b- Kế đến là táo bón co cứng ruột. Thay vì thư giãn sau mỗi nhịp bóp thì ruột già lại co cứng, ôm chặt không cho chất bã di chuyển, phân trở nên khô, kết thành từng cục nhỏ. Nguyên nhân có thể là không tập thành thói quen đại tiện đều đặn, không ăn sáng để kích thích đại tiện, lạm dụng thuốc xổ...

c- Loại thứ ba là táo bón do mất trương lực ruột, thường thấy ở người cao tuổi, đặc biệt người bị bệnh tâm trí. Trong trường hợp này, ruột không co bóp đủ để di chuyển chất bã, khiến cho phân nằm đầy trong trực tràng mà vẫn không kích thích hậu môn để tạo ra cảm giác muốn đi cầu.

Thay đổi nhiệm vụ của ruột với tuổi già

Sau khi được tiêu hóa, hấp thụ hết chất bổ dưỡng ở bao tử và ruột non, bã của thức ăn sẽ được chuyển xuống ruột già. Nơi đây, nước trong chất bã được ruột hút giữ lại, phân được thành hình và được đào thải ra khỏi cơ thể.

Trung bình, thời gian cần thiết để một món ăn vào miệng cho tới lúc phế thải là 8 giờ. Ruột co bóp đều đặn, nhất là sau bữa ăn, và với sự trợ giúp chuyển động nhịp nhàng lên xuống của cơ hoành ở bụng, cùng đẩy phân xuống trực tràng. Phân kích thích khiến cho cơ vòng ở hậu môn mở rộng và phân thoát ra ngoài.

Nghiên cứu cho hay các chức năng của ruột trong việc đại tiện không thay đổi mấy ở người cao tuổi: thời gian lưu hành của phân trong ruột già không chậm, sự đẩy phân khỏi trực tràng không bị trì hoãn.

Nhưng khi người cao niên bị táo bón thì các động tác này đều chậm lại nhất là khi họ đau yếu, có một vài bệnh mạn tính, ít hoạt động hoặc đang uống một loại thuốc trị bệnh. Những yếu tố này làm chất bã trở nên khô vì nước được ruột hút lại, giảm áp lực trong lòng ruột, trì hoãn sự lưu thông chất bã.

Có một vài thay đổi cấu tạo trong ruột như sự thoái hóa của cơ có nhiệm vụ đưa chất bã vào trực tràng, giảm chất nhờn tiết ra từ ruột, nhưng các thay đổi này không có ảnh hưởng nhiều lắm tới thói quen đại tiện của người già.

Nguyên nhân có thể gây ra táo bón.

Táo bón thường gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố như sau :

1. Chế độ ăn uống.

Một khẩu phần không cân bằng, nhiều mỡ, ít chất xơ, ít nước là nguy cơ thông thường của táo bón. Ngoài ra, táo bón dễ xẩy ra nếu người cao tuổi không nhai kỹ thức ăn, vì răng lợi hư yếu, khó khăn khi nuốt.

2. Tác dụng phụ của dược phẩm.

Nhiều loại dược phẩm làm giảm sự thư giãn hay co bóp của các cơ trong ruột, làm trở ngại sự di chuyển của chất bã, chẳng hạn như:

- Thuốc trị bệnh tâm thần (Thorazine, Haldol, Elavil...)

- Thuốc có chất sắt, khoáng calcium.

-Thuốc chống đau có chất codeine, vì chất này làm giảm nhu động của ruột.

- Thuốc chống viêm như ibuprofen.

-Thuốc chống acid dạ dày có chất nhôm (aluminum) đặc biệt là thuốc Pepto-Bismol.

-Thuốc lợi tiểu .

-Thuốc chữa bệnh cao huyết áp như Capoten...

Thêm vào đó, quý vị cao niên thường lại uống nhiều thứ thuốc cùng một lúc nên công việc đào thải chất bã tiêu hóa lại càng khó khăn hơn.

3. Các bệnh kinh niên.

Bệnh làm suy nhược thần kinh, trì hoãn chức năng co bóp, đùn đẩy của ruột già, như các bệnh nhân bị Parkinson, tiểu đường, tai biến động mạch não, ung bướu ruột, giảm năng tuyến giáp, chấn thương thần kinh cột sống...đều có thể gây ra táo bón.

Trong bệnh tiểu đường, đường huyết quá cao sẽ được thận loại ra ngoài. Để hoàn thành công việc này, thận cần nhiều nước, do đó người bệnh đi tiểu nhiều, nước trong cơ thể giảm, đưa tới táo bón. Đường huyết cao cũng làm tổn thương mạch máu ở ruột và dây thần kinh kiểm soát nhu dộng ruột, trì hoãn đẩy phân ra ngoài.

4. Tâm bệnh .

Trầm cảm, sa sút trí tuệ làm giảm tống xuất phân ở hậu môn. Người bệnh đôi khi mất cảm giác, không biết tới những thôi thúc đại tiện. Họ cũng lơ là với việc ăn uống hoặc vì ăn không ngon miệng nên cũng hay bị táo bón.

5. Ít vận động .

Khi cơ thể ít vận động, ruột, cơ hoành giảm co bóp, phân chậm di chuyển, đưa tới tình trạng táo bón. Sự vận động cơ thể làm tăng chuyển động của ruột.

6.Dùng thuốc nhuận tràng lâu năm khiến cho ruột trở nên thụ động, không tự thải chất bã mà tùy thuộc vào sự kích thích từ dược phẩm.

7.Những người thường xuyên di chuyển, du lịch, ăn uống thất thường, thói quen đại tiện rối loạn cũng hay bị táo bón.

8. Sức khỏe tổng quát kém làm cho các bắp thịt ở bụng không đù mạnh để đẩy phân một cách hữu hiệu.

Định bệnh

Sự định bệnh và tìm nguyên nhân trước hết là căn cứ vào các chi tiết do người bệnh cung cấp.

Khi người bệnh than phiền có sự thay đổi đột ngột về thói quen đại tiện, về kích thước và mức đậm đặc của phân thì họ cần được lưu ý, khám nghiệm. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư ruột già và trực tràng hay các bệnh nghiêm trọng khác.

Nếu bệnh nhân không tự mô tả, thầy thuốc cần hỏi kỹ về những nguy cơ gây ra táo bón, mầu sắc, khối lượng của phân, cũng như những cảm giác khi đại tiện. Các chi tiết sau đây rất quan trọng :

a- Người bệnh gắng sức rặn trong khi đại tiện;

b- Có cảm giác như phân còn sót lai trong trực tràng;

c- Thời gian đại tiện kéo dài, nhiều khi phải dùng tay đè vào hậu môn để đẩy phân ra;

d- Đau bụng hay hậu môn khi đại tiện; phân dính trong quần lót.

Thầy thuốc cần khám tổng quát từ miệng tới hậu môn, chụp X quang ruột, nội soi ống ruột ,trực tràng, thử phân để định bệnh.

Còn trường hợp táo bón kinh niên đã có từ trên 2 năm thì nên tập trung ở việc làm giảm thiểu xáo trộn này.

Biến chứng

Táo bón lâu ngày ở người cao niên có thể đưa đến một số biến chứng như :

a- Sự nêm chặt phân ở ruột già và trực tràng. Đây là biến chứng thường xẩy ra, đôi khi nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh nhân bị sốt cao, bụng căng đau, tim đập nhanh với nhịp rối loạn, người mệt mỏi, có thể đưa tới bất tỉnh. Phân bị nêm chặt có thể đè lên bàng quan làm bí tiểu tiện và lâu ngày đưa tới suy thận.

b- Ruột kết to và xoắn ruột nhất là ở người bị tổn thương nơi cột sống.

c- Cơn thiếu máu cục bộ và ngất vì phải rặn lâu, ảnh hưởng xấu tới sự tuần hoàn máu ở não bộ và động mạch vành.

d- Sa trực tràng vì người táo bón phải rặn để đẩy phân ra và có thể đưa đến phân dính (fecal soiling).

e- Chuyển sang các bệnh nội, ngoại trĩ.

g- Táo bón kinh niên có thể là nguy cơ đưa đến ung thư ruột già và trực tràng ..

Kết luận

Táo bón là bệnh thường sảy ra cho mọi người. Táo bón kéo dài nhiều năm không đáng e ngại lắm, vì ít khi là dấu hiệu của một bệnh nặng. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều chất xơ, uống nước đầy đủ, vận động cơ thể đều đặn và thói quen đi đại tiện ngay khi hậu môn thấy muốn...là đủ để sự phế thải chất bã thực phẩm được hoàn tất chu đáo.

Tuy nhiên, nếu táo bón mới xảy ra trong vòng dăm ba tuần lễ, mà phân lại có dính máu, bệnh nhân cần được đi bác sĩ khám nghiệm điều trị. Vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh trầm trọng hơn.