NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

TẬP ĐOÀN : ý nghĩa Kinh Tế và nguy hiểm trước mắt - Chuyên viên cao cấp Vũ Quang Việt , Kiều bào Mỹ

Có thể nói quá trình tạo ra các nhà tư sản đặc biệt có máu mặt hiện nay ở ta đều dựa vào bốn quá trình thiếu minh bạch hiện nay : (1) quá trình được giao đất của dân hoặc được giao tài sản thiên nhiên (như sử dụng phát sóng) (cho công ti tư hoặc công) với giá rẻ mạt, (2) quá trình trao cho độc quyền kinh doanh mà không phải trả giá (thí dụ cho VNPT, Viettel, FPT quyền dùng sóng điện thoại di động và cung cấp dịch vụ Internet), (3) thiết lập các công ty tư là con của các công ti mẹ quốc doanh, cũng với quyền sử dụng đất, (4) ăn phần trăm cách công trình đầu tư. Tất cả đều cho thấy càng đầu tư mạnh vào các tập đoàn nhà nước càng tạo cơ hội cho việc làm giầu của một thiểu số có đường dây liên hệ. Việc kiểm soát sự bành trướng của công ti nhà nước thành các tập đoàn với nhiều công ty con là điều hiển nhiên. Và như đã nói ở trên, khi báo cáo tài chính và qui luật báo cáo không minh bạch thì việc dùng thủ thuật để tăng hay giảm lợi nhuận là điều đương nhiên xảy ra.

Sự bành trướng ảnh hưởng của tập đoàn ở Việt Nam có thể nói là nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát cao ở Việt Nam qua chính sách bơm tín dụng của nhà nước, kích thích sự phát triển khu vực này, với hy vọng nó là phương tiện đạt tốc độ tăng GDP cao. Tuy nhiên điều này lại không phải là mục tiêu của bài viết. Bài viết nhằm trình bày quan niệm và thực tế về công ty (trong đó có tập đoàn nếu nó là công ty có tư cách pháp nhân) và sự kiểm soát về mặt luật pháp mà các nước phát triển đang thực hiện. Nó cũng bàn thêm về những điều cần tăng cường kiểm soát ở Việt Nam nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Tập đoàn là gì ?

Trước tiên cần định nghĩa tập đoàn kinh tế là gì. Trong tiếng Anh có hai từ : conglomerate và holding company. Đồng thời phải kể thêm hai từ xuất phát từ châu Á : keiretsu của Nhật Bản và chaebol của Hàn Quốc.

Từ tiếng Anh, conglomerate, thường được định nghĩa là một công ty lớn, có sở hữu cổ phần ở nhiều công ty khác hoạt động trong các ngành nghề gần như không liên hệ gì với nhau. Từ này mang ý nghĩa tập đoàn được hiểu hiện nay ở Việt Nam. Thí dụ công ty FPT doanh thu chủ yếu từ bán điện thoại di động, và sau này vì một lý do nào đó lại là một trong ba công ty được hưởng quyền sử dụng sóng, do đó có thể mở dịch vụ điện thoại di động và cung cấp dịch vụ internet. FPT hiện nay lại được phép mở trường đại học FPT, ngân hàng FPT (Tiên Phong), công ty chứng khoán FPT, v.v.

Điểm căn bản đưa đến việc thành lập tập đoàn là nó cho phép môt công ty đang tạo ra nhiều lợi nhuận, nhưng lại không thể phát triển mạnh thêm vì thị trường bão hoà, hướng vào ngành sản xuất mới có khả năng phát triển mạnh hơn trong tương lai. Điều này quan trọng khi công nghệ thay đổi nhanh, việc đầu tư vào công nghệ mới là nhằm tránh cho công ty rơi vào lạc hậu trong tương lại. Thí dụ công ty làm phần mềm Microsoft kiếm cách mua công ty Yahoo (công cụ tìm kiếm trên mạng) vì sợ rằng phần mềm độc lập như hiện nay sẽ mất chỗ đứng trong tương lại. Tập đoàn thường mang cùng tên để tạo ảnh hưởng tiếp thị trên thị trường. Tuy nhiên mặt trái của tập đoàn là khi bành trướng rộng vào nhiều ngành nghề khác nhau, quản lý ở cấp cao của tập đoàn mất dần khả năng nắm bắt chuyên ngành sâu, tập đoàn dễ mất phương hướng, không còn mục tiêu rõ ràng và dễ mất khả năng cạnh tranh. Và khi một phần sụp đổ, nó có thể kéo theo sự sụp đổ của cả tập đoàn. Điều này dễ xảy ra trong thời hiện đại khi các tập đoàn tham gia vào và tạo ra các loại buôn bán tài chính phiêu lưu, không thể kiểm soát được như đang xảy ra hiện nay trên thế giới (diều này sẽ nói thêm sau).

Từ holding company (công ty mẹ) cũng rất thông dụng trên thế giới. Holding company là công ty sở hữu toàn diện, đa số, hay một phần cổ phiếu của một hay nhiều công ty con khác. Thường được gọi là công ty mẹ (parent company) vì công ty này luôn nhằm sở hữu đủ số cố phiếu, với mục đích có ảnh hưởng quyết định đối với công ty con (subsidiary) như quyết định người lãnh đạo và mục tiêu phát triển.

Sự khác nhau giữa các nước

Nếu xét trên mặt định nghĩa, tập đoàn và công ty mẹ/con không khác nhau. Nhưng qua thực tế, ta thấy công ty mẹ/con, khác với tập đoàn ở hai điểm. Thứ nhất, công ty mẹ/con thường hoạt động trong cùng một ngành nghề, thí dụ như công ty mẹ làm sản phẩm cuối cùng thì công ty con cung ứng vật tư và các dịch vụ cần thiết. Thứ hai, công ty mẹ có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến mục tiêu kinh doanh và bộ phận quản lý công ty con. Dù thế nào, không có luật pháp nào phân biệt giữa loại hình công ty mẹ/con và tập đoàn.

Chaebol ở Nam Triều Tiên và keretsu ở Nhật cũng là những loại hình thức tập đoàn nhưng lại không giống nhau. Chaebol của Nam Triều Tiên thường mang hình thức của một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Chaebol cũng thường thuộc sở hữu và do đó đặt dưới quyền quản lý của một gia đình. Về mặt quản lý, keretsu ở Nhật khá giống tập đoàn (conglomerate) ở Mỹ, là do những người chuyên nghiệp làm thuê quản lý, nhưng về mặt sở hữu chúng là công ty có tư cách pháp nhân độc lập, nhưng hoạt động mang tính liên hệ nối kết lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, dựa vào chữ tín, được cung cấp hàng hoá, tín dụng lâu dài mà không cần phải trả ngay.

Tập đoàn và các quy định pháp lý

Dù khác nhau, cả hai loại chaebol hay keretsu đều bị cấm sở hữu ngân hàng vì ở Hàn Quốc chính phủ muốn kiểm soát những công ty này qua việc kiểm soát tín dụng, còn ở Nhật, keretsu không được làm chủ ngân hàng nhưng thường hoạt động rất chặt chẽ với ngân hàng và thường được ngân hàng đáp ứng tín dụng rất dễ dàng, ít nhất là cho đến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 10 năm ở Nhật mà nó chỉ chấm dứt khoảng năm 2000.

Hạn chế công ty phi tài chính sở hữu ngân hàng

Nó chung về mặt pháp lý, các nước thường hạn chế sự tham gia vào hoạt động tài chính, ngân hàng của các công ti phi tài chính (như sản xuất xe hơi, phần mềm) hoặc quỹ đầu tư, bảo đảm rằng không có sự liên hệ mẹ/con giữa công ti phi tài chính và ngân hàng. Theo luật ngân hàng Mỹ (Bank Holding Company Act hay Savings and Loan Holding Company Act) một công ty được coi là công ty mẹ của ngân hàng nếu nó : (1) hoặc trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát được số cổ phiếu ở mức quyết định ở ngân hàng (sở hữu 10 % số cổ phiếu hay hơn thường được coi là thước đo quyền làm chủ), hoặc (2) có khả năng ảnh hưởng đến việc tuyển chọn đa số thành viên hội đồng quản trị, hoặc (3) có ảnh hưởng đến quyền quản lý hay chính sách của ngân hàng.

Từ định nghĩa quyền kiểm soát (hay làm mẹ trên) mà các công ti mẹ và con đều phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan giám sát tài chính như FED của Mỹ, đặc biệt liên quan đến tỉ lệ tín dụng ngân hàng cấp cho công ti mẹ/con. Luật Canada hạn chế sở hữu ngân hàng của bất cứ sở hữu chủ không phải công ti tài chính nào ở mức 10 %. Ở Mỹ, tỷ lệ hạn chế là 25 % nhưng nếu là 10 % trở lên phải xin phép cơ quan kiểm soát và phải chứng tỏ rằng nó không có sự liên hệ mẹ/con theo định nghĩa ở trên.

Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tính mẹ/con giữa công ty tài chính và phi tài chính là dễ hiểu vì hoạt động ngân hàng, tài chính có nhiều rủi ro ; việc mất niềm tin của khách hàng có thể tạo ra sự sụp đổ dây chuyền của cả hệ thống và do đó ảnh hưởng lớn đến toàn nền kinh tế. Để giảm độ rủi ro, tín dụng ngân hàng do đó bị pháp luật nhiều nước đòi hỏi phải đa dạng cho nhiều khách hàng khác nhau, và hoạt động ở nhiều lãnh vực vực khác nhau, chứ không chỉ phục vụ một thiểu số khách hàng, nhất là những là khách hàng làm chủ cổ phần đáng kể trong ngân hàng. Không chỉ tín dụng ngân hàng, ngày này các hoạt động tài chính mang tính tín dụng (do những công cụ tài chính mới ra đời) nhưng lại không phải ngân hàng, vì không bị kiểm soát, đã là nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ và do đó có thể bị đặt vào vòng kiểm soát trong tương lai.

Thuế và công ty mẹ con

Ở mức độ nhất định, chính sách thuế sẽ giúp làm lộ rõ sự liên hệ công ti mẹ con. Thí dụ nếu công ty A làm ra lợi nhuận, công ty A sẽ bị đánh thuế lợi nhuận ; không những thế, phần lợi nhuận đem phân phối thành cổ tức cho cổ đông lại bị đánh thuế một lần nữa theo thuế thu nhập cá nhân hoặc thu nhập công ty, tuỳ theo ai là chủ sở hữu cổ phần ; cổ tức mà công ty một công ty B nào đó nhận được khi phân cho cổ phần viên thì họ lại bị đánh thuế một lần nữa. Tức là lợi nhuận có thể bị đánh thuế tới ba lần hay nhiều hơn. Luật pháp như ở Mỹ chẳng hạn sẽ miễn trừ thuế thu nhập công ty (trả từ A tới B), tuỳ theo tỉ lệ sở hữu giữa A và B. Nếu là liên hệ mẹ/con, mà công ty mẹ chẳng hạn nắm 80 % cổ phần của công ty con, thì việc trả cổ tức (dividends) từ công ty con cho công ty mẹ sẽ được miễn trừ thuế thu nhập. Tỷ lệ miễn trừ sẽ là không nếu tỷ lệ sở hữu chủ dưới 20 %. Như thế luật thuế trên khuyến khích phát triển đầu tư ra công ty con, nhưng không khuyến khích đầu tư lợi nhuận vào chứng khoán để trốn thuế.

Tập đoàn và các thủ thuật tài chính mới : mối đe dọa hiện nay ở Mỹ

Sự tránh né ghi nợ trong kết toán tài sản là thủ thuật làm đẹp bản báo cáo tài chính của rất nhiều công ty hiện nay ở Mỹ.

Họ làm thế nào ? Đơn giản thôi, họ lập ra các công ti tài chính (gọi trong giới chuyên môn là các phương tiện đặc biệt – special vehicles) thường là ở nước ngoài, ở những khu vực tự do, không bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Chính các công ty con này đi vay dưới sự bảo trợ của công ti mẹ, vốn vay này sẽ phục vụ hoạt động của công ti mẹ, nhưng điều quan trọng là phần vay này sẽ không ghi vào sổ nợ của công ty mẹ. Giới kinh doanh khó nhận ra điều này, nếu luật không đòi hỏi minh bạch hoá các bảo trợ tài chính. Điều này đã được công ti Enron thực hiện và đã trở thành công ty hàng đầu, gây chấn động nước Mỹ khi phá sản vì mất khả năng thanh toán. Tất nhiên công ti Enron còn làm nhiều thủ thuật khác như mua hàng của công ty con (thật ra chỉ là ghi giả), bán hàng theo hợp đồng tương lai nhưng lại ghi là doanh thu trong hiện tại, với chi phí trong hiện tại nhằm tăng lợi nhuận giả, kích động tăng giá cổ phiếu của mình. Vấn đề mua bán khống giấy nợ mua nhà trên thị trường hiện nay ở Mỹ và trên thế giới hiện vẫn đang còn đe doạ sự tồn tại của các đại gia tài chính năng động nhưng lại ít chịu sự kiểm tra nghiêm túc nào.

Tập đoàn và kinh tế Việt Nam

Những vấn đề trên dường như cũng không có gì xa lại đối với kinh tế Việt Nam và trở nên rất nguy hiểm khi luật pháp của ta hiện nay gần như chưa có gì để kiểm soát các hoạt động của tập đoàn. Ở đây cần nói rõ thêm là hầu hết các tập đoàn lớn ở ta đều là tập đoàn nhà nước, thường là độc quyền, được ưu đãi và có khả năng lũng đoạn thị trường rất lớn. Mục đích của nó, theo sự mong muốn của chính quyền, là tạo ra quả đấm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, nhưng mục đích của chính lãnh đạo công ti thì có thể không phải thế, mà là lợi ích cá nhân.

Luật Doanh nghiệp (2005) có hiệu lực từ ngày 1-7-2006 có một điều duy nhất nói rất sơ lược và mơ hồ về tập đoàn kinh tế trong Điều 149 : "Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lí và hoạt động của tập đoàn kinh tế".

Nếu thế thì liệu có cần có một luật dành cho tập đoàn hay không ? Điều này thật ra không cần thiết, bởi vì công ty là công ty và cần được đối xử ngang hàng trước pháp luật. Hơn nữa, việc định nghĩa ai là tập đoàn cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên cần thực hiện là tăng cường luật pháp và các quy chế kiểm soát sự lấn sân của công ty phi tài chính vào các hoạt động tài chính. Việc cho phép FPT, EVN, .. thành lập ngân hàng là điều không thể chấp nhận được. Thực tế hiện nay là dù có luật, các cơ quan hữu quan gần như lơ là không thực hiện sự kiểm soát theo luật hoặc không đủ khả năng chuyên môn để kiểm soát hầu hết mọi hoạt động của công ty, cho nên cần siết chặt khả năng đầu tư của các công ti phi tài chính vào hoạt động tài chính, và chỉ mở rộng khi điều kiện cho phép ; mục đích là giảm thiểu khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Điểm quan trọng thứ hai cần làm là qui định rạch ròi về nợ của công ty nhà nước. Nợ của công ti nhà nước phải vừa được ghi là nợ của công ty, vừa được ghi là nợ của nhà nước (tức là công ty nợ ngân sách, ngân sách nợ người cho vay), nếu như nhà nước phải trách nhiệm trả nợ khi công ty phá sản. Tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc cũng đã qui định điều này, dù mục đích là nhằm phân tích kinh tế. Chuyện tránh ghi nợ này thực tế đã xảy ra khi Vinashin cho rằng gần 2 tỷ nợ mà nhà nước vay cho họ là nợ của nhà nước chứ không phải nợ của công ty và do đó nhà nước phải có trách nhiệm chi trả. Hình như họ cho rằng nhà nước sẽ có sở hữu (equiti) lớn hơn đối với công ty qua số nợ này, và như thế báo cáo tài chính của công ty sẽ rất đẹp vì công ty không có nợ. Thủ thuật này không thể chấp nhận được.

Điểm thứ ba là cần kiểm soát chặt chẽ sự bành trướng các công ty con của tập đoàn quốc doanh, chừng nào mà việc mở rộng công ty con tuỳ thuộc rất nhiều vào việc được chính quyền cấp đất với giá rẻ mạt và sau đó công ty con cũng nhanh chóng trở thành “doanh nghiệp lớn” vì có quyền sử dụng đất.

Có lẽ đã đến lúc cần giải quyết đúng đắn vần đề đất cấp cho công ty và phải ghi đúng đắn theo giá thị trường tài sản này trong bản kết toán tài sản. Có hai cách giải quyết. Đất có thể coi là nợ của công ty đối với nhà nước. Giá trị số nợ này sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường (lấy giá trung bình 5 năm chẳng hạn) và công ty phải trả lãi cho nhà nước theo lãi suất nhất định. Cách thứ hai là coi đất là do nhà nước cho thuê và tiền thuê phải được điều chỉnh tùy theo giá thị trường. Đất không thể coi là sở hữu của công ty, kể cả quyền sự dụng đất.

Và quan trọng hơn là nếu nhà nước cần bảo vệ nông dân hiện nay, thì quyền sử dụng đất phải thuộc về nông dân, nếu đất giao đã thuộc về nông dân trước đây.

Có thể nói quá trình tạo ra các nhà tư sản đặc biệt có máu mặt hiện nay ở ta đều dựa vào bốn quá trình thiếu minh bạch hiện nay : (1) quá trình được giao đất của dân hoặc được giao tài sản thiên nhiên (như sử dụng phát sóng) (cho công ty tư hoặc công) với giá rẻ mạt, (2) quá trình trao cho độc quyền kinh doanh mà không phải trả giá (thí dụ cho VNPT, Viettel, FPT quyền dùng sóng điện thoại di động và cung cấp dịch vụ Internet), (3) thiết lập các công ty tư là con của các công ty mẹ quốc doanh, cũng với quyền sử dụng đất, (4) ăn phần trăm cách công trình đầu tư. Tất cả đều cho thấy càng đầu tư mạnh vào các tập đoàn nhà nước càng tạo cơ hội cho việc làm giầu của một thiểu số có đường dây liên hệ. Việc kiểm soát sự bành trướng của công ty nhà nước thành các tập đoàn với nhiều công ty con là điều hiển nhiên. Và như đã nói ở trên, khi báo cáo tài chính và qui luật báo cáo không minh bạch thì việc dùng thủ thuật để tăng hay giảm lợi nhuận là điều đương nhiên xảy ra.