NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nga chế tạo 6 tàu ngầm hạng Kilo cho Việt Nam

Hợp đồng cung cấp 6 chiếc tàu ngầm diesel lớp Kilo cho Việt Nam, có tổng trị giá lên đến 3,2 tỷ USD, là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu trang thiết bị hải quân của Nga, tạp chí Xuất khẩu Vũ khí của Nga đưa tin.

Hợp đồng này đã được ký kết vào tháng 12/2009 trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Nga.

"Chi phí chế tạo là 2,1 tỷ USD, nhưng chi phí xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng ven biển cần thiết và cung cấp vũ khí và các trang thiết bị khác có thể đưa tổng giá trị hợp đồng lên 3,2 tỷ USD, và làm cho hợp đồng này trở thành hợp đồng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu trang thiết bị hải quân của Nga," Tạp chí Xuất khẩu Vũ khí đưa tin trong ấn phẩm sẽ được phát hành trong tháng 6.

Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg sẽ chế tạo các tàu ngầm này với tốc độ mỗi năm hoàn thành một chiếc.

Trước đó, tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga cho biết, nước này có thể sẽ bán tới 40 chiếc tàu ngầm điện diesel thế hệ thứ tư cho các khách hàng nước ngoài vào năm 2015.

Tàu ngầm lớp Kilo, với biệt danh là "Black Holes" về khả năng tránh bị phát hiện, được coi là một trong số những tàu ngầm điện diesel chạy êm và yên tĩnh nhất trên thế giới.

Lớp tàu ngầm này được thiết kế để thực hiện các hoạt động tác chiến chống ngầm và tác chiến chống tàu nổi, ngoài ra, chúng còn có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.

Tàu có tải trọng choán nước là 2.300 tấn, độ lặn sâu tối đa 350 m ( 1.200 feet ), tầm hoạt động lên đến 6.000 dặm ( khoảng trên 10.000km ), và được biên chế thủy thủ đoàn gồm 57 người. Các tàu ngầm lớp Kilo được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm.

Tính đến nay, đã có ít nhất 29 tàu ngầm lớp Kilo được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romani và Algeria.

Tạp chí Xuất khẩu Vũ khí là một tạp chí kỹ thuật và phân tích chuyên ngành có trụ sở tại Moscow, do Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga phát hành 2 tháng một lần.

Quyết Thắng ( Theo RIA )

Hợp đồng tàu ngầm Nga - Việt Nam đạt giá trị kỷ lục

Nhật báo kinh doanh Nga Kommersant hôm 27-04-2009 đưa tin một công ty đóng tàu của nước này tại St. Petersburg sẽ chế tạo 6 tàu ngầm diesel - điện ( hạng Kilo ) cho Việt Nam.

Tờ Kommersant trích dẫn lời Tổng giám đốc công ty đóng tàu Admiralty Shipyards cho hay, Rosoboronexport - nhà xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga sẽ kí hợp đồng với một chính phủ nước ngoài và công ty Admiralty Shipyards đã được chọn thực hiện hợp đồng này.

Các nguồn tin tại tập đoàn Rosoboronexport sau đó xác nhận, Nga và Việt Nam đã đàm phán về một hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm hạng Kilo, trị giá tổng cộng 1,8 tỉ USD, cho hải quân Việt Nam trong gần một năm qua.

Công ty Admiralty Shipyards hiện đang chế tạo 2 tàu ngầm hạng Kilo theo đơn đặt hàng của Algeria. Dự kiến, các tàu ngầm sẽ được hoàn thành và chuyển cho Algeria trong năm 2009 và 2010.

Các tàu ngầm hạng Kilo, vốn có biệt danh "Lỗ đen" vì khả năng tránh bị phát hiện, được coi là một trong những loại tàu ngầm diesel - điện ít gây tiếng động ầm ĩ nhất trong khi hoạt động. Chúng được thiết kế để phục vụ các chiến dịch chống tàu ngầm và tàu nổi trên mặt nước cũng như tham gia các nhiệm vụ tuần tra và thăm dò nói chung.

Tàu ngầm hạng Kilo có lượng choán nước 2.300 tấn và khả năng lặn sâu tối đa 350m. Tàu được trang bị 6 súng phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm và cần một thuỷ thủ đoàn gồm 57 thành viên.

Tính đến tháng 11-2006, hải quân Nga được cho là đã đưa vào sử dụng 16 tàu ngầm hạng Kilo và dự trữ 8 chiếc tàu khác cùng loại. Nga cũng đã xuất khẩu 29 tàu ngầm hạng Kilo khác cho Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Algeria.

Thanh Bình

Nga giao Tàu Ngầm cho Việt Nam năm 2014

Chiếc đầu tiên trong số sáu tàu ngầm hạng Kilo 636 mà Việt Nam đặt mua từ Nga sẽ được giao hàng vào năm 2014.

Thông tấn xã Nga Novosti dẫn lời giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho hay chi tiết trên tại một cuộc triển lãm hải quân ở St Petersburghôm 01/07/2011.

Ông Oleg Azizov khẳng định: "Các tàu ngầm sẽ được chuyển giao từ năm 2014".

Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng trị giá nhiều tỷ đôla trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2009.

Khi được hỏi về các đặc tính của loạt tàu ngầm đang thực hiện cho Việt Nam, ông Azizov nói: "Đây là các tàu ngầm theo thiết kế chuẩn với hệ thống hỏa tiễn chuẩn dạng Club".

Mới đây, hồi đầu tháng Sáu, trả lời câu hỏi về các động thái hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói: "Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch".

Ông khẳng định "đây là việc làm bình thường" phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

"Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình, để ai đó có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cần để ý tới yếu tố này."

Tàu ngầm tấn công hạng Kilo của Nga

Tàu ngầm hạng Kilo của Nga lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1980, do Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Rubin, St Petersburg thiết kế. Hiện nay phiên bản của lớp tàu ngầm này có ba loại là Loại 877EKM, loại 636 và loại 677, do xưởng đóng tàu Admiralty ở St Petersburg đóng. Hải quân Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo ( Loại 636 ), chúng có những đặc điểm kỹ thuật như sau :

Tàu gồm có sáu khoang kín được ngăn cách với nhau bằng những vách ngăn ngang trong lớp vỏ kép có áp suất. Thiết kế này và khả năng nổi tốt của nó làm cho nó vẫn có thể hoạt động được nếu bị thủng, thậm chí với một khoang và hai ngăn liền kề bị ngập nước.

Tàu có chiều dài là 72,6m, đường kính 9,9m, trọng lượng rẽ nước 2.350 tấn, 57 thủy thủ và có thể hoạt động liên tục 45 ngày trên biển. Tàu có thể lặn sâu tối đa 300m, tốc độ khoảng 22 km/h khi nổi và khoảng 40 km/h khi lặn. Tầm hoạt động là 12.000km khi có ống thông hơi và 640 km khi lặn.

Tàu được trang bị một hệ thống chiến đấu và điều khiển đa mục đích cung cấp thông tin để điều khiển và phóng ngư lôi một cách hiệu quả. Hệ thống máy tính tốc độ cao của hệ thống có thể xử lý thông tin từ từ các thiết bị trinh sát và hiển thị lên màn hình; xác định dữ liệu mục tiêu nổi và chìm và tính toán các tham số bắn ; điều khiển bắn tự động; và cung cấp thông tin và các kế hoạch gợi ý về hoạt động và triển khai vũ khí.

Tên lửa

Tàu có một bệ phóng tám quả tên lửa biển đối không Igla hoặc Strela-3. Tên lửa Strela do Cục Thiết kế Fakel, Kaliningrad sản xuất ( theo phiên bản tên lửa SA-N-8 Gremlin của NATO ) có thiết bị dò tìm tia hồng ngoại nguội và đầu đạn nặng 2 kg. Tầm bắn tối đa là 6km. Tên lửa Igla ( theo phiên bản SA-N-10 Gimlet của NATO ) cũng được điền khiển bằng tia hồng ngoại nhưng nặng hơn, có tầm bắn tối đa 5 km và tốc độ gấp 1,65 lần tốc độ âm thanh (1.980 km/h).

Tàu ngầm lớp này có thể triển khai được hệ thống tên lửa hành trình Novator Club-S (SS-N-27), sử dụng tên lửa chống tàu 3M-54E1. Tầm bắn là 220km, đầu đạn chứa 450kg thuốc nổ có sức công phá lớn.

Tàu được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm nằm ở phía mũi tàu ngầm và 18 quả ngư lôi. Các ống phóng ngư lôi này còn có thể triển khai được 24 quả thủy lôi. Hai ống phóng ngư lôi được thiết kế để bắn ngư lôi điều khiển từ xa có độ chính xác rất cao. Hệ thống ngư lôi do máy tính điều khiển giúp nạp đạn nhanh hơn. Loạt bắn đầu tiên được thực hiện trong 2 phút và loạt thứ hai trong 5 phút.

Bộ phận cảm biến

Tàu ngầm Loại 636 được trang bị hệ thống định vị siêu âm dưới nước kỹ thuật số MGK-400EM. Radar của tàu hoạt động theo chế độ sử dụng kính tiềm vọng và chế độ nổi, cung cấp thông tin về các tình huống dưới nước và trên không và định vị an toàn. Tàu còn được trang bị các thiết bị hỗ trợ điện tử, máy thu cảnh báo radar và máy định hướng bằng tín hiệu radio.

Hệ thống đẩy

Hệ thống đẩy của tàu bao gồm hai máy phát điện diesel, một động cơ đẩy chính, một động cơ tiết kiệm nhiên liệu, một bánh lái một trục và một chân vịt bảy cánh cố định.

Ngoài Việt Nam đặt mua 06 chiếc tàu ngầm loại 636, thì trong năm 2007, Indonesia đã đặt mua 2 chiếc và Venezuela đã ký bản ghi nhớ mua 3 chiếc. 28 chiếc khác đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Ru-ma-ni và An-gê-ri.

Ngọc Linh

Quan hệ quân sự

Năm 1997, Việt Nam đã mua hai tàu ngầm nhỏ hạng Yugo từ Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc cho hay theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng ký hồi tháng Ba 2000 giữa Ấn Độ và Việt Nam, hải quân Ấn Độ nhận tập huấn hoạt động tàu ngầm cho hải quân Việt Nam tuy nhiên cho tới 2006 việc này vẫn chưa xảy ra.

Hải quân Việt Nam đang theo đuổi tham vọng phát triển lực lượng tàu ngầm.

Năm 2008, có tin Việt Nam tìm mua tàu ngầm đã qua sử dụng của Serbia sau khi Serbia và Montenegro tách ra năm 2006, và Serbia bỗng nhiên không còn biển nữa.

Tuy nhiên việc này không thành vì Serbia đã bán cả hạm đội cho Ai Cập.

Tháng Chín 2008, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói Việt Nam là "đồng minh chiến lược của Nga tại Đông Nam Á" và rằng Nga sẵn sàng bán cho Việt Nam vũ khí và giúp nâng cấp năng lực quốc phòng của Việt Nam.

Theo giáo sư Thayer, Moscow vẫn là nhà cung cấp trang thiết bị quốc phòng chủ chốt của Việt Nam.

Tuy nhiên gần đây, Việt Nam đã có nhiều động thái mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực quân sự.

Mới đây nhất, ngày 22-04-2009, tướng lĩnh Việt Nam đã có chuyến thăm hàng không mẫu hạm USS John Stennis của Hoa Kỳ trong khi hải quân Trung Quốc diễn tập phô trương thanh thế tại Thanh Đảo.

Việt Nam ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nga

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với các nhà báo tại Moscow rằng Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng cung cấp tàu ngầm và chiến đấu cơ cùng nhiều hợp đồng quan trọng khác.

Ông Dũng vừa kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Nga, trong đó ông diện kiến Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev.

Sau cuộc họp với Thủ tướng Putin, ông Dũng cho hay Việt Nam và Nga đã ký xong hợp đồng, chấm dứt các đồn đoán.

Ông nói : "Việt Nam đã ký hợp đồng mua tàu ngầm, máy bay và các trang thiết bị quốc phòng khác với phía Nga."

Ông thủ tướng Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về hợp đồng nhưng hãng thông tấn Interfax trích nguồn quốc phòng xác nhận Nga sẽ chế tạo cho Việt Nam sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo ( Nga gọi là hạng Varshavyanka Project-636 ), tổng trị giá gần 2 tỷ đôla.

Hợp đồng này được ký giữa Tổng giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Anatoliy Isaykin, và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.

Hợp đồng này bao gồm không chỉ các tàu ngầm và khóa huấn luyện cho thủy thủ đoàn, mà cả cơ sở trên bờ để phục vụ tàu. Nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi ( Admiralty ) tại St Petersburg sẽ thực hiện hợp đồng, với mục tiêu mỗi năm giao hàng cho Việt Nam một chiếc.

Cũng có tin Việt Nam đặt hàng thêm tàu tuần tra hạng Svetlyak và tàu hộ tống cho hải quân.

Vũ khí hiện đại

Tàu ngầm hạng Kilo, dùng cả dầu diesel và điện năng, được cho là loại tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới. Tàu ngầm dạng này có thể dùng để chống tàu ngầm cũng như tàu chiến thông thường, kể cả trong vùng biển tương đối nông.

Nga còn phát triển thêm một loại mới hơn là tàu hạng Lada Project-677, dùng diesel hoàn toàn, còn được biết dưới tên Amur 1650. Loại này có vỏ chống dò âm thanh và trang bị vũ khí chống tàu ngầm tiên tiến.

Cả hai loại tàu ngầm này đều có hệ thống hỏa tiễn Club-S rất hiện đại.

Hãng Rosoboronexport cho hay Nga có thể bán tới 40 tàu ngầm hạng Kilo cho nước ngoài từ nay tới 2015. Được biết hiện Trung Quốc có 12 tàu dạng này.

Interfax trích nguồn quan chức Nga giấu tên nói trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Nga, phía Việt Nam cũng đề cập tới việc giao hàng 8 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2 trong thời gian sắp tới.

Quan chức này cho hay Việt Nam còn có thể mua thêm 12 máy bay dạng này với giá 600 triệu đôla nữa. Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn mua một số lượng lớn trực thăng Mi-17 và vũ khí các loại khác của Nga.

Hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ vừa ký chắc chắn là tín hiệu rõ ràng cho các nước đang tham gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở khu vực Biển Đông.

Việt Nam luôn bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực này và khẳng định muốn giải quyết một cách hòa bình, thông qua thương lượng.

Hợp đồng khổng lồ

Trong khi đó, báo Kommersant của Nga hé lộ chi tiết rằng hợp đồng tàu ngầm giữa Việt Nam và Nga có thể lên tới 4 tỷ đôla chứ không phải 2 tỷ như được tính toán trước đó.

Con số này dĩ nhiên không được các nguồn tin chính thức xác nhận.

Kommersant đăng trên website của mình rằng hợp đồng khổng lồ chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam đã được nhà xuất khẩu vũ khí chính của Nga, công ty Rosoboroneksport ( Rosoboronexport ), trao cho xưởng đóng tàu Admiralty ( Admiralteyskiye Verfi ) tại St Petersburg.

Trước đó có đề xuất về sự tham gia của nhà máy Severodvinsk's Sevmashpredpriyatiye trong hợp đồng đóng mới sáu tàu ngầm hạng Kilo mà Nga gọi là project-636 cho Việt Nam, nhưng nay điều này đã được loại bỏ.

Kommersant trích lời ông Konstantin Makiyenko, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, nói hợp đồng tàu ngầm cho Việt Nam có ý nghĩa quan trọng là thiết lập cả một quân chủng mới.

Chuyên gia này ước tính, hợp đồng đã ký bao gồm cả xây dựng cơ sở hạ tầng, căn cứ, trung tâm bảo trì, đài chỉ huy và cơ sở huấn luyện cùng chi phí huấn luyện sẽ lên tới 4 tỷ đôla vì mỗi chiếc tàu ngầm trị giá đã 350 triệu đôla rồi.

Các hợp đồng quan trọng khác

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nga, hai bên cũng ký kết nhiều hợp đồng quan trọng khác, như thỏa thuận xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam và thiết lập liên doanh dầu khí mới vươn ra các nước, trong có Đông Nam Á.

Hợp đồng cho phép Nga tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận do ông Sergei Kiriyenko, Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Rosatom, và ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ký.

Hai tập đoàn dầu khí chủ chốt của Việt Nam và Nga là Petrovietnam và Gazprom cũng ký hợp đồng thiết lập liên doanh mới có tên Gazpromviet để cùng phát triển các dự án năng lượng ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba.

Hãng thông tấn RIA Novosti nói Gazpromviet sẽ khai thác mỏ dầu khí Nagumanov ở rặng núi Ural của Nga, đồng thời tham gia các sự án ở miền Đông Siberia và Viễn Đông.

Phía Nga giữ 51% cổ phần của liên doanh mới, trong khi phía Việt Nam giữ 49%.

Thủ tướng Nga Putin ca ngợi quan hệ Nga-Việt trong lĩnh vực năng lượng, gọi đây là "thành công" và "hiệu quả".

Hai bên cũng bàn việc nỗ lực tăng cường thương mại song phương lên 10 tỷ đôla trong một vài năm tới.

Hai ông thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan cân nhắc việc thành lập khu vực thương mại tự do để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước.

Năm nay, tổng thương mại Nga-Việt mới là 1,5 tỷ đôla, tuy tiềm năng được đánh giá là rất lớn.

Ông Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam, trong khi Nga cũng sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga và các nước lân cận.

Tàu ngầm Giao Long

Trong khi đó, Trung Quốc đang mang thử nghiệm độ sâu mới đối với loại tàu ngầm Giao Long được cho là có khả năng lặn sâu nhất thế giới.

Cuối tuần rồi, tàu Giao Long đã được thử độ sâu 5.000 mét ở Thái Bình Dương, sâu hơn mức 3.759 mét thử hồi năm ngoái.

Tàu ngầm Giao Long sẽ qua đợt thử nghiệm 47 ngày ngoài khơi, các chuyên gia sẽ xem xét tất cả các thiết bị trên tàu.

Đây là loại tàu ngầm có người điều khiển đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu tới 7.000 mét dưới mặt nước và có thể hoạt động tại 99,8% các vùng biển trên thế giới.

Tàu Giao Long với thủy thủ đoàn ba người đã thực hiện 17 lần lặn tại Biển Đông hồi năm ngoái, từ 31/05 - 18/07 và xuống độ sâu 3.759 mét.

Trung Quốc là nước thứ năm, sau Hoa Kỳ, Pháp, Nga và Nhật, có tàu ngầm có người điều khiển lặn sâu trên 3.500 mét.