NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Trà : một Thảo Dược Thần Diệu Của Tự Nhiên - Ngọc Thu

Nước trà (chè) là thứ nước uống có mặt hầu hết trên mọi quốc gia trên thế giới, bởi vì trà không chỉ là nước giải khát thông dụng mà còn là nước bổ dưỡng cho sức khỏe, ngăn ngừa được nhiều loại bệnh nguy hiểm. Ở các nước Á Châu - quê hương của trà - thì khi thưởng thức chén trà còn là một văn hóa, một nghệ thuật có từ lâu đời gọi là trà đạo, trong tu viện còn gọi là trà đường. Hàng năm trên thế giới sản xuất khoảng 3,2 triệu tấn trà (theo FAO, 2005).

Lịch sử

Cây trà là loại cây có lịch sử trồng trọt lâu đời từ hơn 4,000 năm, con người đã biết dùng những chồi của cây để chế thành nước trà. Cây trà có tên khoa học là Camellia sinensis, là cây thuộc họ Theaceae, xanh tốt quanh năm, có hoa màu trắng, cây trà có khả năng cao hàng chục mét, trong những trang trại, cây được xén tỉa thấp để tiện thu hái.

Quê hương của trà nằm ở vùng Châu Á bao gồm Tàu, Ấn Ðộ, các nước Nam Á, và được nhập sang Châu Âu và Châu Mỹ vào thế kỷ 16. Các quốc gia sản xuất trà đứng đầu thế giới hiện nay là Ấn Ðộ tiếp theo Tàu, Sri Lanka và Kenya.

Các chế phẩm trà gặp trên thị trường

Do nhu cầu đa dạng của người thưởng thức trà nên trên thị trường, qua chế biến, thường có nhiều tên và loại trà, loại kích thước chế biến trà : trà tươi, trà lá, trà búp, trà cám, trà bột, trà mộc, trà lá loại khác nhau về lên men : trà xanh, trà đen, trà ô long, bạch trà, trà đỏ. Khi ướp các hương vị hoa được gọi là trà ướp hoa như trà sen (ướp với hoa sen), trà hoa nhài (với hoa nhài). Các loại trà hảo hạng thường được thu hái từ những búp trà non của cây trà ở thời vụ và trồng ở những vùng đặc biệt. Khác với sản phẩm trà của cây trà (Camillia sinesis). Nhiều sản phẩm khác, chế biến từ hoa quả, lá thảo mộc các cây không thuộc họ trà nhưng có dược tính và được sao chế thành 'trà' dùng trên thị trường gọi là trà thảo (herbed tea) như trà actisô, trà gừng, chi trà (camellia), đôi khi cũng có loại trà có chứa hỗn hợp của nhiều loại thảo.

Một số loại trà thường dùng

Từ cây trà qua công đoạn chế biến khác nhau có thể trở thành những tên gọi khác nhau, trên thị thường hay gặp những loại trà chính sau : trà đen, trà xanh, bạch trà và trà ô long, sự khác biệt này là do thời gian của quá trình lên men (oxy hóa) sau khi thu hái quyết định. Ta gọi trà đen vì loại trà này có thời gian lên men lâu nhất trong các loại trà khoảng vài giờ, gọi tên trà xanh là lá trà hầu như không có quá trình lên men, còn trà ô long là loại trà có thời gian lên men ngắn.

Trà xanh ( green tea ) :

Cũng còn gọi là lục trà, được chọn hái từ những lá trà non, sau khi hấp trà sấy khô không lên men. Do trà xanh là không được cho lên men nên nước trà vẫn giữ được nhiều khoáng chất và thành tố có lợi cho sức khỏe ví dụ chứa 30-40% polyphenols of water extratable polyphenols (Stephen Daniells). Trà xanh được cho là chứa nhiều yếu tố chống ung thư và một lượng vitamin C cao.

Trà đen ( black tea ) :

Còn có tên là trà hồng, có mùi hương đặc biệt nhờ sự lên men xảy ra rất mạnh, quá trình này xảy ra trong vài giờ, trà giữ được mùi hương nhưng trà có màu đen. Có chứa 3-10% polyphenols (Stephen Daniells). Ðây là loại trà mà Phương Tây ưa chuộng có tên thương hiệu là trà Lipton.

Trà ô long ( Oolong tea ) :

Nằm giữa hai dạng trà đen và trà xanh, lá và búp thu hoạch về được sau khi phơi, trà được vò nát rồi được ủ thời gian ngắn (semi-fermented) nhờ vào quy trình sản xuất bán lên men, lượng Polyphenol trong trà ô long có nhiều ích lợi cho sức khỏe.

Bạch trà ( white tea ) :

Là loại thuần chất nhất, trà non sau khi thu hái về hấp ngay để chống lại sự lên men rồi sấy khô, khi pha nước của trà có màu trắng, do vậy có tên là bạch trà. Loại này chứa nhiều Flavonoit (chất có tác động chống ung thư) so với các loại trà khác.

Ở Việt Nam trà được chia làm 3 loại : trà hương, trà mạn và trà tươi.

Giá trị “thần dược” của trà hay lợi ích của việc uống trà

Ngoài giá trị là một loại nước uống có giá trị và phổ biến, sách thuốc xưa đã biết dùng trà như một dược thảo giúp tăng cường sự tỉnh táo, để giảm đau, đỡ mệt, tăng sức gia cố nghị lực, phục hồi thị giác. Các nghiên cứu cổ xưa của Trung Hoa, Nhật Bổn, Hàn Quốc xem trà như một “linh dược” của dân gian, trà có thể “cải lão hoàn đồng” kéo dài tuổi thọ.

Ngày nay trên những thông tin cho thấy trà có những lợi ích cho sức khỏe con người, có thể tóm tắt những lợi ích chính sau :

- Tăng khả năng miễn dịch.

- Hạ cholesterol xấu (LDL).

- Tăng cholesterol tốt (HDL).

- Giảm huyết áp.

- Giúp chữa các bệnh rối loạn tim mạch.

- Giảm nguy cơ đột quị.

- Giảm khả năng gây ung thư.

- Tăng tuồi thọ.

- Tăng trí nhớ.

- Giúp tiêu hóa và giảm cân.

- Ngăn ngừa bệnh răng.

Những lợi ích làm trà trở thành dược thảo thường nhờ vào một số thành phần chính sau :

1. Hợp chất Polyphenol (chất chống oxy hóa).

2. Các vitamin và muối khoáng.

3. Caffeine.

Thành phần được quan tâm tới nhiều trong trà phải kể tới là những nhóm catechins những hợp chất Polyphenol, một dạng của chất chống oxy hóa (antioxidant) chiếm tới 30% trọng lượng khô, Catechins có nồng độ cao nhất ở trà xanh và trà trắng, trong khi đó thì giảm dần từ trà ô long tới trà đen, phụ thuộc do thời gian lên men khi chế biến. Hợp chất catechins là một hợp chất chống oxy hóa, là thành phần chính giúp cơ thể phòng ngừa và chống lại những bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ, huyết áp tiểu đường, béo phì, ngộ độc thức ăn. Hàm lượng Polyphenol trong trà phụ thuộc nhiều vào giống trà, khu vực trồng, mùa vụ thu hái, độ cao, cường độ chiếu sáng và cách chế biến và sản xuất chè (theo Helena và công sự 2007) có 4 loại Polyphenol chính trong lá trà : epigallocatechin gallate (EGCG), epigallocatechin (EGC), epicatechin (ECG), and epicatechin (EC).

Trà phòng chống nhiều bệnh

Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh một số hợp chất trong trà nhiều ở trà xanh, như các chất polyphenol có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư (Cooper và công sự 2005) ngăn ngừa các enzyme kích thích sự phân chia của tế bào ( Hội ung thư Hoa Kỳ ).

Chống bệnh viêm khớp, Tariq và cộng sự trường Ðại Học Western Reverve, Ohio, giảm cholesterol trong máu chống những bệnh tim mạch (Maron và cộng sự 2003), ngăn ngừa bệnh cúm (Shimamura, trường Ðại Học Y Khoa Showa Nhật Bản). Tác dụng trên trí nhớ như chất chống oxy hóa của trà Alzheimer's (from Alzheimer.s Disease Health Center).

Tính chất, hương vị, chất lượng của nước trà cũng như hiệu quả dược lý chữa bệnh của trà là do kết quả của hàng trăm loại hóa chất có mặt trong búp và lá trà. Nhiều thí nghiệm khoa học đang tập trung phát hiện và kết luận những tác dụng to lớn của trà đối với cơ thể con người như khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh ung thư và tim mạch.

Trà cũng có những phản ứng khi mà sử dụng ở liều lượng và nồng độ cao, loại trà có nhiều chất chát (tannin) uống nhiều dẫn tới phản ứng ở ruột. Giảm hấp thụ Cancium và sắt, uống nhiều trà đậm khiến mất ngủ, ở liều cao do có mặt caffeine nên kích thích thần kinh.

Câu chuyện “Ðầy thì đổ” đối với trà dược thảo

Nhiều người tin rằng, trà đặc biệt là các loại trà dược thảo là “thần dược”, nên họ sử dụng với một lượng lớn đậm đặc trong thời gian dài với hy vọng bồi bổ tốt cho cơ thể. Thời gian gần đây, một loại trà mang tên trà đinh (trà đắng) từ loại cây có nguồn gốc từ Tàu và cả phía Bắc Việt Nam, truyền miệng theo y học cổ truyền chữa được nhiều bệnh, hiện tại chưa có công trình nghiên cứu sâu về những tác dụng chữa bệnh của loại trà này, chính vì vậy uống bao nhiêu là thích hợp, và những bệnh nào nên tránh là chưa có câu trả lời, vì vậy đã có nhiều hiện tượng dùng liều cao dẫn tới phản tác dụng có thể nguy hại tới tính mạng. Trên thị trường quảng cáo rất nhiều loại dược thảo, việc phải sử dụng những dược thảo mà chưa được khoa học nghiên cứu kỹ hoặc chưa có những lời khuyên của bác sỹ thì cần thận trọng, ngay cả nhân sâm - một vị thuốc bổ - khi dùng liều cao, không đúng lúc cũng trở thành độc dược.

Tuân Tử là một nhà Nho, nhà tư tưởng của Tàu vào cuối thời Chiến Quốc (khoảng 300 năm Trước Tây Lịch) có câu chuyện : “Ðầy thì đổ”. Câu chuyện kể lại khi Khổng Tử (nhà triết học nổi tiếng ở Tàu) vào xem miếu Hoàn Công ở nước Lỗ, có một cái lọ đứng nghiêng nếu không có nước, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì đổ, đây là vật quí của nhà vua dùng để làm gương. Ngài sai học trò đổ nước vào, quả nhiên, nước đổ vừa thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy lọ thì đổ ; bỏ không thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng : “Hỡi ơi ! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ !”. Câu chuyện có thể suy ngẫm nhiều điều trong cuộc sống mỗi người. Trong khuôn khổ bài này, khi chờ đợi các công trình nghiên cứu về hóa học và hiệu quả dược lý của các trà dược thảo đối với cơ thể con người thì ít nhất trong câu chuyện về liều lượng dùng trà đinh hay dược thảo nào đó có thể lí giải theo thuyết “thích trung” về cái lọ “đầy thì đổ” được chăng ?