NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Dấu ấn Việt Nam trong thế giới Nano

Giới khoa học dự báo : công nghệ Nano trong vòng 25 năm tới sẽ đem lại sự đột phá cho nhiều lĩnh vực như thông tin - viễn thông, sinh học, y học, vật liệu mới... Những dấu ấn quan trọng trong lịch sử ngành khoa học – công nghệ Nano gắn liền với tên tuổi một người Việt Nam : Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê.

Đam mê sáng tạo

Đó là tính cách nổi bật của nhà khoa học Nguyễn Chánh Khê. Sinh năm 1952 tại Gia Định, từ lúc 5 tuổi “cậu bé” Khê đã say sưa chơi đùa với những tia nắng lọt qua mái nhà đổ xuống nền thành những đốm tròn hình quả trứng. Ký ức về những đốm nắng tròn đó mãi sau này vẫn là nguồn cảm hứng cho nhà khoa học khi nghiên cứu về vật liệu cảm quang. Năm 19 tuổi, ông sang Nhật học ngành công nghệ sinh học tại Đại học Công nghiệp Tokyo, rồi chuyển sang lĩnh vực vật liệu và khoa học xử lý thông tin. Chính nhờ vậy mà kiến thức về hóa học và vật lý rất cơ bản đã là “hành trang” giúp người thanh niên Việt Nam đó tiến xa từ lĩnh vực vật liệu cảm quang tới thế giới nano sau này. Phát minh đầu tiên của Nguyễn Chánh Khê là vật liệu cảm quang oxyt kẽm (ZnO) dùng cho máy photocopy. Hãng Konika và Mita đã đưa vào ứng dụng ngay. Công ty Đai Nippon Ink - một công ty lớn nhất về hóa chất ngành in ở Nhật mời ông về làm việc. Tại đây ông phát minh chất quang dẫn hữu cơ dương tính dùng sản xuất những chiếc máy photocopy xách tay đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó tên tuổi của nhà khoa học trẻ người Việt Nguyễn Chánh Khê luôn dành được sự quan tâm của nhiều hãng lớn

Năm 1985, báo cáo khoa học của TS Nguyễn Chánh Khê tại Mỹ đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho giới khoa học. Hãng phim ảnh Easman Kodak đã ngỏ lời mời ông sang làm việc với mục đích chế tạo vật liệu quang dẫn hữu cơ nhạy nhất. Thế là mơ ước thời ấu thơ của ông đã thành hiện thực: được làm việc trong công ty phim ảnh lớn nhất thế giới. Năm 1989, ông là người đầu tiên trên thế giới dùng muối ăn để chế tạo hạt nano cực nhỏ, nhờ đó ra đời loại máy in mầu laser với tốc độ, chất lượng cao hơn. Hàng loạt các phát minh tiếp theo đều ứng dụng trong công nghệ in đã đưa ông về làm việc tại hãng HP (Hewlett Packard) với cương vị cao nhất về khoa học: Khoa học gia Chủ nhiệm Bộ phận nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp tại Thung lũng Silicon (California). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu chế tạo hạt mực cực nhỏ để cho ra những bức ảnh thật mịn làm thay đổi kỹ thuật in vi tính. Với 30 phát minh tại Nhật và 36 phát minh tại Mỹ, TS Nguyễn Chánh Khê không chỉ đóng góp cho sự phát triển những ngành khoa học công nghệ còn rất mới mẻ của thế giới mà còn giúp các công ty lớn như Konika, Sanyo, Ricoh, Fujifilm, Intel, Motorola, Kodak, HP... thu về hàng tỷ USD.

Cống hiến hết mình

Từ năm 1982, TS Nguyễn Chánh Khê đã có những chuyến về Việt Nam với tâm nguyện cùng các nhà khoa học khác để trao đổi và phổ biến thông tin khoa học và công nghệ mới. Tới năm 2002, ông quyết định hồi hương bởi nỗi trăn trở phải làm gì cho đất nước. Thật cảm động khi ông bộc bạch với phóng viên của một tờ báo hải ngoại: “... Tôi chấp nhận đứng mũi chịu sào, chấp nhận cái mới, cái khó, đó là bản chất của tôi. Điều kiện làm việc ở Việt Nam không thể bằng các nước, nhưng cha mẹ nghèo, làm con chẳng nên đòi hỏi”.

Ngày 24-10-2002, Khu Công nghệ cao được thành lập và quy hoạch tại quận 9, Tp. Hồ Chí Minh, cũng là thời điểm sơ khai cho việc hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khu Công nghệ cao, TS Nguyễn Chánh Khê được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phân công phụ trách Trung tâm. Trong khi dự án đó còn đang trên bản vẽ quy hoạch thì tại Văn phòng tạm tại số 35, Nguyễn Thông, quận 3, ông đã cùng với các cộng sự bắt tay ngay vào công việc. Những sản phẩm đầu tiên nhanh chóng ra đời. Năm 2003, than nano lỏng điều chế theo kiểu Việt Nam ( với nguyên liệu từ xơ dừa, than củi, than bùn, cao su phế liệu...) đã trở thành mực in đen và in màu cho máy in phun và in laser. Than nano lỏng còn dùng chế tạo ra những con chíp carbon nano, tức là những vật liệu dùng cho công nghệ vi mạch. Ai đến thăm cái gọi là “ Phòng thí nghiệm ” rộng chừng chục mét vuông, đơn sơ như một cái kho với mấy cái máy công cụ do ông tự bỏ tiền và cùng các cộng sự tự chế cũng không thể hình dung được căn phòng nhỏ bé và những con người trông thật giản dị này sẽ làm cho các “đại gia” ngành chế tạo mực in thế giới choáng váng bởi loại mực in “made in Vietnam” chất lượng cao, giá thành chỉ từ 8 đến 10% sản phẩm cùng loại, đồng thời giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do ít phải thải các bình chứa mực. Sự kiện này đã dẫn đến việc chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khu Công nghệ cao vào tháng 2-2004 (Trung tâm R&D) và TS Nguyễn Chánh Khê được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Từ thành công về điều chế than Nano lỏng, ông tiếp tục sáng chế ra vật liệu che cho quy trình vi chế tạo và pin nhiên liệu thay xăng. Ông cũng đang theo đuổi ý tưởng nghiên cứu vật liệu phát sáng có cấu trúc Nano. Với công nghệ này, những bóng đèn tiết kiệm điện và có tuổi thọ gấp 100 lần sẽ thay thế bóng đèn hiện đang dùng. Ngày 1-6-2006, thế giới lại ghi nhận một sự kiện nữa : đó là việc điều chế thành công ống than nano bằng nguyên liệu và công nghệ Việt Nam. Loại vật liệu này chưa có nhiều trên thế giới và đang là yếu tố đột phá cho các giải pháp công nghệ nguồn với khả năng ứng dụng rộng rãi từ chế tạo vỏ phi thuyền không gian tới vi mạch trong các thiết bị thông tin - viễn thông, máy tính, y - dược học và nhiều lĩnh vực khác. Trên thế giới giá carbon nanotube rất đắt, khoàng 1000 USD/gram. Theo ông, sản phẩm của Việt Nam chỉ cần bán với giá rẻ hơn nhiều cũng đủ mang lại siêu lợi nhuận. Ngoài công việc ở phòng thí nghiệm, TS Khê còn là một người thầy tận tâm với các sinh viên, nghiên cứu sinh trong những giờ lên lớp và trao đổi học thuật.

Tâm hồn Việt

Chúng tôi có dịp đi nghỉ cuối tuần với TS Nguyễn Chánh Khê ở Mũi Né (Phan Thiết), một vùng biển miền Trung mà ông rất yêu thích. Ông không chỉ tỏ ra là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp (cũng phải thôi, vì ông có nhiều năm làm việc tại các hãng phim ảnh lớn nhất thế giới), một người bạn ân cần, chu đáo luôn quan tâm đến mọi người mà còn là một ca sĩ thực thụ. Suốt cả lượt đi và về hơn 500 cây số, chúng tôi cùng nghe trên xe những cuốn băng thu giọng hát của ông mà cũng chưa hết phân nửa. Ông đã thu âm khoảng 1.000 bài. Hơn 30 năm sống ở nước ngoài, vậy mà ông thuộc và hát rất hay những bài dân ca quan họ Bắc Ninh, khúc Nam Ai, Nam Bằng xứ Huế, âm hưởng hùng tráng Tây Nguyên, lời ru con miền sông nước Nam Bộ, đặc biệt những bài hát về Mẹ, về quê hương được thể hiện với tất cả nỗi khắc khoải, tha thiết của một người con xa xứ. Và phải chăng chính những tấm ảnh nghệ thuật về mọi miền đất nước, những món ăn đặc sản quê hương mà ông tự tay chế biến đãi bạn bè cùng những bài ca đó với ông cũng là niềm say mê, là nguồn sức mạnh cho ông trong lao động sáng tạo và công hiến. Ẩn chứa bên trong nhà khoa học Nguyễn Chánh Khê là một tâm hồn Việt dung dị mà sâu sắc.

Thịnh Phát

TS Nguyễn Chánh Khê, sinh năm 1952, tại Đà Nẵng.

Năm 1971 du học tại Nhật Bản, học Trường Đại học Công nghiệp Tokyo và lấy bằng tiến sĩ về vật liệu và khoa học xử lý thông tin.

Từng làm việc tại Dai Nippon Ink ( Nhật Bản ), hãng Eastman Kodak…

Hãng HP ( Hewlett Packard ) rất nổi tiếng về công nghệ in ấn mời TS Nguyễn Chánh Khê về giữ cương vị khoa học gia chủ nhiệm, chức vụ cao nhất của bộ phận nghiên cứu của hãng thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp tại Thung lũng Silicon ở Califonia.

Đoạt nhiều giải thưởng sáng chế và hàng chục phát minh của ông được công nhận tại Nhật Bản, Mỹ. Nhiều sáng chế được các công ty về công nghệ hàng đầu trên thế giới như Sanyo, Ricoh, Intel, Motorola, Kodak... áp dụng để sản xuất máy photocoppy xách tay, máy in, máy vi tính...

Năm 2002 về nước và giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khu Công nghệ cao TP HCM.