NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Thiếu nhân lực thiết kế chip IC ( Integrated Circuits )

Xu hướng thiết kế chip đang phát triển mạnh ở nhiều nước nhưng tại Việt Nam lĩnh vực này còn yếu. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là thiếu nhân lực; hiện số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện-điện tử và công nghệ thông tin thì nhiều nhưng số người đạt trình độ đáp ứng ngành thiết kế chip thì ít.

Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ngành thiết kế vi mạch trong nước còn thiếu nguồn nhân lực vì chưa có trường đại học nào trong nước đào tạo một cách bài bản. Đội ngũ thiết kế chịp hiện chủ yếu do các công ty nước ngoài tự đào tạo lấy khi họ đầu tư vào lĩnh vực này. Tại TPHCM, có gần 10 công ty đang đầu tư vào lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch như Intel, Renesas, AMCC, NXP, Chip Sáng, Altera, VSMC…

“Việt Nam có lẽ chưa có đội ngũ thiết kế chip IC chuyên nghiệp. Trên thực tế, những công ty chuyên về lĩnh vực này chỉ cần tuyển dụng kỹ sư có trình độ kỹ thuật cơ bản và tiếng Anh tốt để đào tạo thành đội ngũ thiết kế chip IC cho công ty”, ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng giám đốc Renesas Việt Nam (RVC) nhận xét.

Hiện nay, với làn sóng đầu tư mạnh của các công ty thiết kế vi mạch vào TP HCM nên việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành ngày càng trở nên cấp bách và cần thiết. Theo ICDREC, ngoài việc tập trung thiết kế lõi IP, trung tâm này còn đang hướng đến khai thác việc sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch thông qua các khóa đào tạo cho tập đoàn Intel, Renesas, AMCC… Đồng thời ICDREC cũng đang hình thành mô hình mạng lưới liên kết đào tạo (network training) tập trung ở một số trường đại học.

Còn theo ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng giám đốc Renesas Việt Nam, công ty này đang hỗ trợ và làm việc với nhiều trường đại học tại Việt Nam nhằm cập nhật chương trình giảng dạy, tổ chức những buổi hội thảo chuyên ngành kỹ thuật và tài trợ các thiết bị cho phòng thí nghiệm. Tập đoàn sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới Intel cũng đã đầu tư vào khu công nghệ cao TPHCM với số vốn lên đến 1 tỉ đô la Mỹ để phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Theo ước tính, các công ty này đều đang cần nhân lực khá lớn từ nay đến năm 2010: Intel cần đến 4.000 lao động cho nhà máy của họ tại Việt Nam, trong đó gồm 1.500 kỹ sư; Renesas cần đến 1.000 kỹ sư.

“Để trở thành một kỹ sư chuyên nghiệp trong ngành thiết kế chip, đỏi hỏi ít nhất là 5 năm làm việc, học tập và trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành sau khi ra trường”, ông Trần Ngọc Cang chia sẻ.

Theo nhận định của các chuyên gia, công nghiệp vi mạch đóng vai trò hạt nhân trong công nghiệp điện tử. Với sự đầu tư về công nghệ và thiết bị cho phòng thí nghiệm như hiện nay thì trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ đào tạo ra được nguồn nhân lực thiết kế vi mạch có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu hiện nay của các công ty trong ngành.

Minh Cát