NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Ảnh hưởng của thuốc lá trên sức khoẻ về mặt tâm thần và xã hội - BS Nguyễn Trần Hoàng

Thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Tại sao rất nhiều người vẫn tự giết mình và người thân của mình ?

1. Tóm tắt ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ thể chất ?

- Thuốc lá là nguyên nhân gây chết người hàng đầu trên thế giới.

- Về khía cạnh thể chất, nó không chỉ ung thư phổi mà rất nhiều bệnh khác.

- Nó ảnh hưởng không những đến sức khoẻ người hút mà cả người bị hít khói thuốc của họ.

2. Mạnh khoẻ về mặt tâm thần là gì ?

- Không bị các bệnh hoặc các rối loạn tâm thần. ( Rối loạn tâm thần không đồng nghĩa với “ điên ” ) .

- Tâm thần, một cách rất đơn giản hoá : tâm ( tấm lòng ) và thần ( tinh thần ) .

- Tâm tốt: làm lành lánh dữ, làm tốt tránh xấu ; yêu mình, yêu người, yêu đời .

- Tinh thần minh mẫn : biết nhìn nhận điểm mạnh và yếu của chính mình để ngày càng tốt hơn ; biết học hỏi và tiếp thu những điều cần thiết để cải thiện sức khoẻ, cuộc sống của mình và gia đình .

- Cân bằng giữa các xung động bản năng, tình cảm và lý trí, và ý chí để tương đối làm chủ được bản thân .

- Đối phó một cách phù hợp và đúng mức với các áp lực và căng thẳng của đời sống.

3. Các ảnh hưởng của thuốc lá trên sức khoẻ về mặt tâm thần ?

Các ảnh hưởng trên thể chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tâm thần. Ví dụ, tỉ bệnh trầm cảm xảy ra rất cao ở người bị ung thư và ở người nhà của họ.

Hút thuốc lá tự nó là một bất thường về tâm thần vì đây là :

- Hành vi tự đầu độc mình và người thân .

- Sự thất bại của lý trí, tình cảm và ý chí trong việc kiểm soát một xung động bản năng.

- Cách đối phó không phù hợp với áp lực của cuộc sống .

Nghiện thuốc lá, cũng là bất thường về tâm thần như các loại nghiện nghập khác. Thật sự đây là loại nghiện ngập giết người nhiều nhất cho đến nay (mỗi năm giết khoảng năm triệu người trên toàn thế giới) .

Trước đây, do quảng cáo, và do chưa biết rõ các tai hại của nó, thuốc lá đã được lãng mạn hoá, coi là một biểu hiện của sự mạnh mẽ, nam tính, phong trần …

- Với các khám phá về sự nguy hiểm khôn cùng của thuốc lá, hút thuốc là một biểu hiện của hoặc là : sự thiếu hiểu biết, hoặc là sự yếu đuối, không làm chủ được chính bản thân mình.

- Làm chủ bản thân lại chính là điều quan trọng nhất trong cuộc sống nhằm đem lại hạnh phúc, thành công, nhất là sức khoẻ.

(“Tu thân, (rồi mới) tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”,

“Tự thắng để chỉ huy”)

Mạnh khoẻ về tâm thần bắt đầu từ một cái tâm tốt yêu người, yêu đời. Hút thuốc là một hành vi hại mình, hại người, hại đời.

4. Mạnh khoẻ về mặt xã hội là gì ?

Khả năng thu thập và tiếp nhận kiến thức, làm chủ hành vi của mình, truyền thông với người xung quanh; khả năng tài chính, khả năng có được chăm sóc y tế, an sinh xã hội thích hợp để bảo vệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.

5. Các ảnh hưởng của thuốc lá trên sức khoẻ về mặt xã hội ?

Đối với bản thân, hút thuốc là hành vi :

- Hoặc là do thiếu điều kiện hoặc khả năng tiếp nhận kiến thức.Nghe hoàn toàn khác với lắng nghe. Từ biết đến thấu hiểu là một con đường có thể rất dài. Dài hay ngắn là do tâm, trí và bản lỉnh của từng người.

“Tri hành hợp nhất”, nếu thật sự thấu hiểu, sự thấu hiểu đó chính là yếu tố làm thay đổi não trạng, là động lực nội tại mạnh nhất làm thay đổi hành vi của mình .

- Hoặc là thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, và cộng đồng . Mỗi cá nhân phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc bảo vệ, duy trì, nâng cao sức khoẻ của chính mình

Đối với gia đình và người chung quanh :

- Gây hại đến sức khoẻ và do đó tình trạng tài chính và hạnh phúc của họ, gia đình và xã hội .

- Trong việc hướng dẫn con cái, nếu mình đã vẫn cứ tiếp tục làm điều mà ai cũng biết là có hại, thì làm cách nào để khuyên, dạy con làm những điều hay lẽ phải khác ?

Thống kê cho thấy con cái của những người hút thuốc thường sẽ hút thuốc .

Chưa có nhiều nghiên cứu về hành vi học xem con cái những người hút thuốc có phạm nhiều các “thói hư tật xấu” khác nữa hay không.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, nếu cha mẹ đã biết mà vẫn không kiểm soát được các xung động bản năng của mình, vẫn hàng ngày làm “gương xấu” (ở đây là hút thuốc), thì ngoài việc hút thuốc, việc con cái không coi trọng việc kiểm soát các xung động bản năng của chúng, để làm các điều có hại khác, là điều có vẽ dễ xảy ra hơn ở các gia đình mà cha mẹ biết tự kiềm chế để làm gương tốt cho con, thực hiện lời nói đi đôi với việc làm.

6. Xin tóm tắt các điểm chính về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ về mặt tâm thần và xã hội?

Hút thuốc tự nó là một một bất thường về mặt tâm thần và xã hội, vì đó là hành vi tự đầu độc mình và người xung quanh .

Các ảnh hưởng của thuốc lá lên thể chất và tâm thần sau đó sẽ là nguyên nhân của các hỗn loạn về tâm thần và xã hội khác, như là nguyên nhân của các rối loạn tâm thần và khó khăn tài chính, xã hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội .

Hút thuốc là biểu hiện của sự yếu đuối, không làm chủ được bản thân, chứ không phải là của “nam tính”, sự mạnh mẽ… như trước đây, khi người ta chưa hiểu biết đầy đủ về tác hại của thuốc lá .

Về mặt nguyên tắc, đây là một tấm gương xấu cho con em về việc không tự kiểm soát được các xung động bản năng có hại. Và đây sẽ là một lổ hổng rất lớn trong việc hướng dẫn con em.

Khói thuốc và những ảnh hưởng độc hại đến người không hút thuốc

Hội Y Sĩ Hoa Kỳ vừa công bố bản báo cáo chi tiết khẳng định rõ rằng những nạn nhân hít phải khói thuốc không tránh khỏi các ảnh hưởng độc hại của thuốc lá đối với sức khỏe như nguy cơ tử vong vì ung thư phổi, bệnh tim mạch, và các loại bệnh tật khác nữa.

Lâu nay, giới chuyên môn vẫn thường cảnh báo thuốc lá không chỉ làm giảm tuổi thọ của những người hút mà còn tàn phá sức khoẻ của những ai hít phải khói thuốc. Điều này một lần nữa được xác định trong bản báo cáo thứ 29 về các tác hại nguy hiểm của thuốc lá đối với nạn nhân gián tiếp bị hít phải khói thuốc, do Hội Y Sĩ Mỹ thực hiện.

Báo cáo nhan đề “Những hậu quả do hít phải khói thuốc” nêu rõ hút thuốc thụ động, tức hít phải khói thuốc lá, là nguyên nhân chính khiến cho những người không hút thuốc vốn khoẻ mạnh phải đối diện với nguy cơ tử vong vì ung thư phổi, tim mạch, và các bệnh hiểm nghèo khác.

Cụ thể là những ai hít phải khói thuốc bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư phổi đến 30%. Đáng quan ngại hơn là thậm chí những người chỉ hít phải khói thuốc trong thời gian ngắn cũng có thể bị những nguy hại tức thời.

Bác sĩ Richard Carmona, người đứng đầu Hội Y Sĩ Hoa Kỳ, nói rằng ảnh hưởng của việc hít phải khói thuốc nguy hại hơn so với những gì người ta thường nghĩ trước đây.

Các bằng chứng khoa học đã minh định một điều không thể chối cãi rằng hít khói thuốc không đơn thuần là một điều khó chịu mà còn là một mối nguy hiểm trầm trọng dẫn đến bệnh tật và tử vong ở những người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân là vì các nạn nhân này cũng hít vào các loại độc tố từ thuốc lá giống như những người hút trực tiếp mà thôi.

Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong vì thuốc lá ở các nước đang phát triển đang ngày một gia tăng, vượt qua các nước phát triển. Việt Nam hiện vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Một cán bộ y tế thuộc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ thành phố nhận xét: “Tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn phổ biến ngay cả những nơi công cộng hay những nơi cấm hút. Các phương tiện truyền thông có đề cập đến tác hại của thuốc lá nhưng không nhiều và không đủ mạnh để tác động ý thức người dân, chỉ tuyên truyền suông, không thực tế, không có luật nghiêm và biện pháp xử phạt để chế tài.”

Điều đáng buồn là cho dù hiểu biết tác hại của thuốc lá nhưng ít ai bỏ được, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến ảnh hưởng của khói thuốc lá đối với những người xung quanh, mà thậm chí rất nhiều người phì phà khói thuốc ngay cả trong nhà hay trước mặt trẻ con. Một người nông dân ở miền Tây nghiện thuốc lá mấy chục năm nay bộc bạch:

“Mọi người đều biết rằng chắc chắn sau này sẽ bị ung thư đó nhưng bỏ không được. Con nít ở đây 13, 14 tuổi đã bắt đầu hút thuốc rồi. Ai cũng ngồi trong nhà hút thuốc hết, đâu thấy có phản đối gì đâu.”

Khói thuốc lá chứa khoảng 4 ngàn chất khác nhau, trong đó có nicotine là chất kích thích mạnh, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như từ não, thần kinh, đến tim mạch, hô hấp…, và có thể gây tử vong với liều 60mg. Người hút thuốc rít một hơi sẽ hấp thụ 15% khói thuốc vào cơ thể, phần còn lại phả ra môi trường, biến những người xung quanh thành những người hút thuốc thụ động.

Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là chúng ta có thể tránh được tác hại ấy bằng cách ngăn cấm hút thuốc trong nhà, trong sở làm, các buiding, tại những nơi công cộng có không gian, môi trường kín.

Giới khoa học cho rằng những khu vực dành riêng cho người hút thuốc ở các nơi công cộng cho dù có trang bị hệ thống lọc khí, thông hơi tối tân đến đâu cũng không thể bảo vệ cho những người xung quanh trước các chất độc hại toả ra từ khói thuốc lá. Hai là động viên những người nghiện hút nên tự giác không đốt thuốc trước mặt người khác, nhất là trẻ em để tránh gây ảnh hưởng cho mọi người.

Người dân Việt Nam không quan tâm đến những tác hại của thuốc lá

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Nguyên nhân vì người dân chưa hiểu rõ được hết những tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ hay là vì hút thuốc đã trở thành thói quen không thể thiếu của đàn ông Việt Nam?

Trao đổi với chúng tôi, anh Toàn, một cán bộ y tế thuộc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ thành phố nhận định về tình hình hút thuốc lá tại Việt Nam cũng như những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tìm đến khói thuốc ngày một gia tăng:

“Tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn rất phổ biến ngay cả những nơi công cộng và những nơi cấm hút thuốc mà người ta vẫn thản nhiên hút thuốc. Nguyên nhân thứ nhất có lẽ vì ý thức người dân chưa cao, môi trường dễ bị tác động bởi những người xung quanh.

Các phương tiện truyền thông có đề cập đến tác hại của thuốc lá nhưng không nhiều và không đủ mạnh để tác động vào ý thức của người dân. Chỉ là tuyên truyền suông thôi mà không đi sâu vào thực tế, không có luật nghiêm và biện pháp chế tài xử phạt. Ngoài ra, những người lớn không làm gương cho thế hệ trẻ.

Ở Việt Nam độ chừng 10 tuổi là có thể bắt đầu hút thuốc lá rồi. Rất nhiều em cấp hai tập tành hút thuốc. Trẻ em cứ cầm tiền ra ngoài là mua được rượu mua được thuốc, không có luật lệ nào cấm đoán cả.”

Đó là nhận xét của một người công tác trong lĩnh vực tuyên truyền-giáo dục y tế cộng đồng về tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam.

Thế còn chính những người làm bạn với khói thuốc, có phải vì họ không hiểu rõ những tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ hay là vì hút thuốc đã trở thành thói quen cố hữu? TM có dịp hỏi thăm ông T, một nông dân tại Đồng Tháp quanh năm vất vả đồng áng, chỉ biết mượn khói thuốc làm bạn giải khuây. Ông cho biết.

Mỗi ngày hút gần một gói thuốc. Có chuyện buồn còn hút nhiều hơn nữa. Dân ở đây ai cũng hút hết trơn. Sáng dậy lớn nhỏ đều uống ly cà phê là phải có điếu thuốc hút, không có thì buồn miệng lắm…

Ông có biết là thuốc lá có những ảnh hửơng không tốt nguy hại đến sức khoẻ của mình không?

Có biết chứ. Hút vô nhiều khi mệt, khó thở, đàm nhiều, nhiều khi nó làm mình mất trí nhớ, bần thần trong người..biết là sau này nó sẽ ung thư , ai cũng biết vậy mà vẫn hút như thường. Bỏ không được…Làm sao bỏ?

Thế ông có nghe nói đến những loại thuốc hoặc kẹo ngậm giúp cai nghiện thuốc lá không?

Không nghe nói. Không ai phản ứng vụ đó hết. Nhiều người hút lắm. Sáng dậy mà không có điếu thuốc thì chịu không được. Con nít ở đây 13,14 tuổi biết hút thuốc rồi…

Những biện pháp nào có thể giúp giải quyết hạn chế tỷ lệ hút thuốc càng ngày càng gia tăng tại Việt Nam? Giới chuyên môn có những đề nghị gì?

Tuy có thể phòng ngừa được, nhưng thuốc lá hiện vẫn là nguyên nhân gây chết người hàng đầu trên thế giới. Nó không những ảnh hửơng trực tiếp lên những người hút mà còn gây tác hại đến những người bị hít phải khói thuốc. Ở Việt Nam, đa số trường hợp ung thư phổi là do thuốc lá gây ra, nhất là ở nam giới.

Thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người trong thế kỷ 21

Trừ khi những biện pháp cấp bách được đưa ra và thực hiện, nếu không, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người chỉ riêng trong thế kỷ 21 này!

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố những số liệu cho thấy: Bên cạnh những tiến bộ trong công tác kiểm soát thuốc lá đã đạt được, thì vẫn chưa có quốc gia nào thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp và vạch ra một hướng tiếp cận để Chính phủ các nước áp dụng, nhằm ngăn chặn hàng chục triệu nạn nhân chưa trưởng thành sẽ chết vào giữa thế kỷ này.

Trừ khi những biện pháp cấp bách được đưa ra và thực hiện, nếu không, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người chỉ riêng trong thế kỷ 21 này!

Trong báo cáo mới đây có đưa ra những phân tích tổng quát đầu tiên về tình hình sử dụng thuốc lá toàn cầu và nỗ lực kiểm soát thuốc lá, WHO cho rằng chỉ có 5% dân số thế giới sống ở các quốc gia tích cực tham gia bảo vệ người dân bằng nhiều biện pháp với mục tiêu là hạ thấp tối đa tỉ lệ người dân hút thuốc lá.

Báo cáo này cũng tiết lộ rằng hằng năm, các nước trên khắp thế giới thu được khoản tiền nhiều hơn từ các loại thuế thuốc lá tới 500 lần so với số tiền mà họ dành để phục vụ cho nỗ lực ngăn chặn thuốc lá.

Báo cáo cho thấy rõ thuế thuốc lá, chiến lược hiệu quả nhất và cũng là duy nhất có thể sẽ tăng lên cao ở hầu hết các quốc gia, tạo ra một nguồn thu ngân sách ổn định để triển khai và tăng cường hướng tiếp cận 6 chính sách ( viết tắt là MPOWER ).

Tổng giám đốc WHO, Giáo sư Chan, người đầu tiên thực hiện bản báo cáo về nạn dịch thuốc lá toàn cầu tại một cuộc họp báo với Thị trưởng bang New York Michael Bloomberg cho biết: “Trong khi chúng ta đang thu được những động lực nhất định trong nỗ lực ngăn chặn thuốc lá, hầu như tất cả các quốc gia đều cần phải cố gắng hơn nữa. Sáu chính sách trên đều nằm trong tầm với của các quốc gia không kể giàu nghèo, khi đã kết hợp thành một sẽ tạo cơ hội tốt nhất làm đảo chiều nạn dịch đang gia tăng này. Các tổ chức từ thiện cũng tham gia gây quỹ cho bản báo cáo này.”

Thị trưởng Bloomberg cũng cho biết: “Bản báo cáo này thực sự mang tính cách mạng. Trước hết, chúng ta có cả những biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt nạn dịch và có cả những dữ liệu chắc chắn để đưa tất cả chúng ta phải tham gia.

Hiện cũng chưa có một quốc gia nào thực hiện đầy đủ tất cả các chính sách MPOWER và có tới 80% các nước chưa từng thực hiện nghiêm túc thậm chí là một chính sách. Trong khi nhiều biện pháp kiểm soát thuốc lá đôi khi còn gây tranh cãi, chúng đã cứu sống nhiều sinh mạng và vì thế các quốc gia cần bắt tay ngay vào thực hiện những hướng đúng đắn này.”

Bản báo cáo cũng cung cấp những thông tin cho thấy sự chuyển hướng dần của nạn dịch sang các khu vực đang phát triển. Ở những khu vực này, dự tính tới năm 2030 thì hằng năm có tới trên 80% số quốc gia có số ca tử vong vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, với khoảng trên 8 triệu người.

Xu hướng chuyển dịch này do chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu đang nhằm vào thanh niên và những người trưởng thành ở các quốc gia đang phát triển, với mục đích là đảm bảo con số hàng triệu người sẽ mắc nghiện mỗi năm. Đặc biệt, đích nhắm vào những người phụ nữ trẻ tuổi nói riêng đang được đánh giá là một trong “những mục tiêu phát triển mạnh, đáng lo ngại nhất khi mà nạn dịch này vẫn đang phát triển”.

Bản phân tích toàn cầu do WHO biên soạn với những thông tin được thu thập từ 179 quốc gia thành viên đã vạch ra cho các quốc gia một hướng đi cơ bản nhằm giám sát nỗ lực chấm dứt nạn dịch trong những năm tới.

Gói chính sách MPOWER đã cung cấp một lộ trình hỗ trợ các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết thực hiện nghiêm túc, rộng khắp trên toàn cầu - được biết đến như là Hiệp định khung WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO Framework Convention on Tobacco Control) đã có hiệu lực từ năm 2005.

Giáo sư Douglas, Giám đốc điều hành WHO’s Tobacco Free Initiative (Sáng kiến từ bỏ thuốc lá của WHO) cho biết: 6 chiến lược MPOWER sẽ tạo ra được một sự đáp lại nạn dịch thuốc lá. “Gói chiến lược này sẽ tạo ra được một môi trường tạo điều kiện cho những người hút thuốc lá có cơ hội từ bỏ chất kích thích này, bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc do người hút gây ra, đồng thời ngăn chặn những người trẻ tuổi mắc phải thói quen xấu.”

Doanh thu từ thuế thuốc lá nhiều hơn tới 4000 lần khoản dành cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá ở các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình và con số này là hơn 9000 lần ở các nước có thu nhập thấp hơn. Những quốc gia có thu nhập cao thì doanh thu từ thuế thuốc lá cũng đạt cao hơn khoảng 340 lần so với những gì mà họ dành ra cho việc kiểm soát chất kích thích này.

Những phát hiện quan trọng khác từ bản báo cáo :

- Chỉ có khoảng 5% dân số toàn cầu được thực hiện các biện pháp toàn diện nhằm cấm hút thuốc lá bảo vệ và 40% quốc gia vẫn cho phép hút thuốc trong trường học và bệnh viện.

- Chỉ có 5% dân số thế giới sống ở các quốc gia có những biện pháp ngăn chặn toàn diện việc quảng cáo và khuyển khích sử dụng thuốc lá.

- Chỉ có khoảng 15 quốc gia, chiếm 6% dân số toàn cầu quản lý chặt chẽ việc in ấn những lời cảnh báo lên hộp bao thuốc lá.

- Các dịch vụ giúp điều trị sự phụ thuộc vào thuốc lá mới chỉ có mặt ở 9 quốc gia, chiếm 5% dân số toàn cầu.

Sáu chiến lược MPOWER :

- Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách ngăn chặn thuốc lá.

- Bảo vệ người dân khỏi khói thuốc lá.

- Trợ giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc.

- Cảnh báo về những nguy hiểm mà thuốc lá mang lại.

- Tăng cường các biện pháp ngăn chặn quảng cáo, khuyến khích và tài trợ của thuốc lá.

- Tăng các khoản thuế thuốc lá.

Tình hình các ca tử vong do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá :

- Trong thế kỷ 20 đã có 100 triệu người chết.

- Hiện nay, mỗi năm có 5,4 triệu người chết do các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trừ khi biện pháp cấp bách được thực hiện chứ không thì:

- Vào khoảng năm 2030, mỗi năm sẽ có hơn 8 triệu ca tử vong.

- Vào năm 2030, trên 80% ca tử vong do thuốc lá gây nên tập trung ở các quốc gia đang phát triển.

- Trong thế kỷ 21 ước tính sẽ có khoảng 1 tỷ ca tử vong do thuốc lá.

Ngày Thế giới Không thuốc lá

Ngày 31 tháng 5 năm nay được chọn là ngày thế giới không thuốc lá để cảnh giác những người hút thuốc và khuyến khích những biện pháp nghiêm ngặt cấm sử dụng thuốc lá, từng gây thiệt mạng cho 5 triệu người mỗi năm, trên toàn cầu.

WHO tức tổ chức y tế thế giới cho hay việc hút thuốc lá là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho nhân loại, giết chết 3 ngàn người mỗi ngày. Cứ 10 người lớn chết vì bệnh thì có một người vì đã hút thuốc lá.

Vẫn theo WHO thì nếu không kịp thời ngăn chặn, thì từ giờ đến năm 2020, số người chết vì những bệnh do hút thuốc lá gây ra có thể lên tới 10 triệu.

Theo ước tính thì hiện trên toàn cầu có 650 triệu người sử dụng thuốc lá hàng ngày. Nếu không biết cai thuốc, phân nửa số người này tức là hơn 300 triệu sẽ chết dần, vì hậu quả tai hại của thuốc lá.

Hậu quả đó ra sao? Bác Sĩ Trần Đoàn, từng hành nghề y sĩ gần 40 năm nay, cho biết về những căn bệnh nguy hiểm có thể xảy đến với người hút thuốc lá và lây cả sang những người chung quanh.

Để hạn chế việc sản xuất, bày bán, tiêu thụ thuốc lá, việc quảng cáo thuốc lá ở nhiều nước đã bị ngăn cấm tại các rạp xi nê, các chương trình radio, tivi thương mại, trên sách báo, ngoài sân vận động, cầu trường.

Rất nhiều quốc gia cấm hút thuốc trên những phương tiện chuyên chở công cộng, từ máy bay, tàu thủy, đến xe bus, xe lửa. Những nơi công cộng tập trung đông người lui tới cũng không cho phép người hút thuốc lá lai vãng.

Tuy nhiên, trước những món lợi khổng lồ thu về được, một số công ty sản xuất thuốc lá vẫn nghĩ cách khuyến khích người ta tiếp tục hút thuốc.

Các hãng thuốc lá Âu Mỹ cho biết đã tung ra thị trường nhiều loại thơm, nhẹ, có chứa rất ít chất nicotine độc hại, hầu đánh lừa những người nhẹ dạ, cứ tưởng rằng những sản phẩm mới đó, không nguy hiễm cho sức khỏe.

Ông C, một người hút thuốc lá từ mấy chục năm nay, nhấn mạnh rằng, tất nhiên đã đến lúc phải nhất quyết từ bỏ thuốc lá vì sự nguy hại của nó.

Bà T kể lại nỗi khổ của những người phải sống gần hay chịu đựng khói thuốc từ người khác nhả vào không khí, và vô tình bị vướng chứng ung thư phổi.

Ở Hoa Kỳ, số người bỏ thuốc lá ngày càng đông. Người Việt Nam ta ở trong nước cũng bỏ thuốc khá nhiều, nhưng quan sát trên thực tế xem ra tỉ lệ còn kém ở nước ngoài khá xa.

Bùi Thành