NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Nguyên nhân vì đâu Thuốc Tây cứ mãi tăng giá ?

Người tiêu dùng trong nước lại lo lắng vì giá tân dược tăng thêm suốt những tuần qua. Nguyên nhân vì đâu thuốc tây cứ mãi tăng giá như thế? Cơ quan chức năng có những biện pháp gì để bình ổn thị trường tân dược ?

Chỉ mới qua một quí mà giá thuốc đã tăng ba lần. Kết quả một khảo sát được đưa ra hồi đầu tháng tư vừa qua cho thấy qua kiểm tra 5 doanh nghiệp và các quầy thuốc tại bệnh viện ở Hà Nội thì có 50 mặt hàng tân được tăng giá. Mức tăng tại một công ty kinh doanh dược với 400 mặt hàng thì có 20 mặt hàng tăng, và mức tăng cao nhất đến 30%.

Lý do tăng giá được chính những người kinh doanh bán hàng nêu ra là vì nhà nhập khẩu tăng giá, hoặc các thời hạn khuyến mãi đã qua.

Ông Đồng Viết Thắng, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược Việt Nam thì đưa ra lý giải: “Thuốc thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng. Cứ truy cập vào trang mạng thế giới thì thấy.”

Chính thứ truởng Bộ Y Tế, ông Cao Minh Quang, cho biết trong thời gian qua có chín doanh nghiệp trong và ngoài nước đề nghị Bộ cho họ tăng giá gần 60 mặt hàng. Mức tăng từ 2 cho đến gần 30%. Trong khi Bộ chưa có ý kiến trả lời thì mưới ba công ty đã cho tăng giá hằng trăm mặt hàng tân dược.

Theo một văn bản mà Bộ Y tế gửi cho các doanh nghiệp và Sở y tế địa phuơng thì chính bộ phát hiện việc nhiều công ty tự động tăng giá thuốc bất hợp lý. Nguyên nhân tăng là do chi phí hoa hồng, quà biếu cho bác sĩ, hội đồng thuốc bệnh viện, chi phí tiếp thị sản phẩm và tổ chức hội thảo. Tất cả những lọai chi phí này đều tính vào giá thuốc và cuối cùng thì người tiêu dùng phải gánh chịu.

Một qui định của Cục Quản lý Dược cũng đang bị các đơn vị kinh doanh thuốc lợi dụng, đó là qui định thặng số lãi trần qua các khâu bán buôn, bán lẻ. Ông Lê Văn Truyền, nguyên thứ truởng Bộ Y tế, có giải thích về khái niệm này: “Thặng số phải bao gồm mọi chi phí, cả hoa hồng nếu có.”

Liên quan đến cuộc sống người dân là vấn đề nhạy cảm nên phải làm gì đó; chứ đối với các doanh nghiệp thì không có vấn đề gì.

Theo ông Truyền thì doanh nghiệp không thể lợi dụng qui định về thặng số lãi trần để mua một bán hai hay lợi dụng các khâu trung gian, mua bán lòng vòng để tăng giá. Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết qua các đợt thanh tra trước đây từng phát hiện được giá thuốc tăng từ 100% đến 200% so với giá gốc do mua bán lòng vòng.

Một người dân đưa ra nhận định của bản thân về việc mua thuốc chữa bệnh: “Có toa thì mua thuốc thôi; chứ không tìm hiểu lý do sao giá thuốc tăng.”

Trước dư luận trong nước về giá thuốc tăng liên tục thì Bộ Y tế cho hay đã có tổ chức các đoàn thanh tra từ ngày 9 vừa qua và sẽ làm việc cho đến hết tháng. Bộ Y tế cũng làm việc với những doanh nghiệp bị phát hiện có tăng giá, và nếu họ giải trình không hợp lý thì phải trở về mức giá cũ.

Ông Đồng Viết Thắng thừa nhận giá thuốc tăng là vấn đề mà các cơ quan chức năng phải vào cuộc: “Liên quan đến cuộc sống người dân là vấn đề nhạy cảm nên phải làm gì đó; chứ đối với các doanh nghiệp thì không có vấn đề gì.”

Trước đây, phóng viên Lan Anh của Báo Tuổi Trẻ, do viết bài có trích đăng một văn bản của Bộ Y Tế, đã gặp trở ngại với phía cơ quan chức năng, vì văn bản đó được cho là mật.

Theo thứ truởng Bộ Y tế thì vào tháng sau sẽ ban hành qui định về thặng số. Và trong năm nay, Bộ dự kiến ban hành 16 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Dược. Luật này được ban hành từ hồi năm 2005.

Hồi năm 2003, hai bộ Y tế và Tài chính có ra thông tư liên tịch qui định mọi lọai thuốc lưu hành trên thị trường phải có giá niêm yết trên hộp . Thế nhưng chẳng mấy ai tuân theo. Việc niên yết giá tại quầy bán lẻ cũng bất khả thi vì không có chổ để ghi cho xuể mọi thứ thuốc. Cục Quản lý dược có trang mạng www.cimsi.org.vn với giá của mọi thứ thuốc để người tiêu dùng tham khảo khi muốn mua thuốc, nhưng nay thì không thể truy cập được nữa.

Vào ngày đầu tuần vừa qua, ông Lê Văn Truyền, nguyên thứ truởng Bộ y tế Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ có ví von về nổ lực muốn quản lý giá thuốc của ngành chức năng Việt Nam như là việc ‘ra trận mà chưa có đủ vũ khí”.

Tình trạng phân phối lòng vòng khiến giá thuốc tây tăng cao

Người bệnh ở Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua phải mua thuốc điều trị với giá quá cao do tình trạng độc quyền phân phối, mua bán qua nhiều cấp trung gian, có trường hợp phải mua gấp 3 lần so với giá nhập khẩu hay giá chính thức kê khai.

Theo các báo thì nguyên do chính gây ra tình trạng mua thuốc tây với giá cắt cổ là do tình trạng phân phối lòng vòng để cố ý đẩy gía lên cao. Tổng hợp tin tức liên hệ đến việc bán thuốc với giá cao ngất tại Việt Nam hiện giờ.

Đó là kết quả mới nhất vừa được công bố về việc thanh tra giá thuốc do bộ Y tế tiến hành. Điển hình như thuốc Difosfen loại 30 viên một hộp, do công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hà Nội nhập về, mua bán qua 5 cơ sở, nâng giá bán lên gấp 300% so với giá kê khai.

Còn những loại thuốc do công ty độc quyền phân phối thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá mua vào với giá bán ra cao trung bình từ 20 đến 60%, có mặt hàng cao đến 279 %. Cũng qua các kết quả vừa ghi nhận được thì quả thật là có quá nhiều bất cập trong lãnh vực quản lý thị trường y dược phẩm tại Việt Nam.

Các nhân viên thanh tra y tế đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định chung như giấy chứng nhận kinh doanh tân dược đã hết hạn, kinh doanh các loại thuốc không được phép lưu hành, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc cao gấp bội so với giá chính thức, niêm yết không đầy đủ sản phẩm đi kèm với giá.

Từ lâu nhiều người cho rằng nhập khẩu và phân phối thuốc tây là lãnh vực kinh doanh mà không phải bất cứ doanh nhân bình thường nào cũng có thể chen chân vào được tại Việt Nam.

Trước tình trạng phân phối lòng vòng qua nhiều trung gian, giới tiêu thụ cũng như chuyên viên y dược đề nghị bộ y tế cần phải ban hành thông tư bảo đảm gía trần cung ứng các loại thuốc hợp với túi tiền của người bệnh. Ngoài ra cũng nên tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành để quản lý gía thuốc chặt chẽ và hợp lý, không để xảy ra những biến động bất thường về gía thuốc như trên thị trường hiện nay.

Các báo cũng cho hay, trong tháng qua, khoảng 50 mặt hàng tân dược được tăng giá và đây là đợt tăng gía lần thứ ba trong năm nay. Trong vòng hai năm nay tân dược vẫn tăng giá đều đều, có những món thuốc cần dùng để phòng ngừa và chữa bệnh đã tăng từ 10 ngàn đồng một vỉ lên 25 ngàn đồng, một vỉ.

Một khi thuốc Tây trong nước tăng giá thì những ai phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất, bà Hậu ở Gò Vấp nói với chúng tôi rằng :

“ Tầng lớp dân nghèo là công nhân, nông dân sẽ gặp lắm khó khăn mỗi khi không may bị đau yếu, chứ còn dân thành thị có sẵn tiền, nên không mấy ảnh hưởng. Đối với gia đình nào mà hiện nay có thu nhập dưới một triệu rưởi một tháng thì khó lòng mà xoay sở nổi. Cái khổ là không tiền mà lại bị đau ốm, nhất là dân chúng ở thôn quê”.

Mỗi khi giá thuốc tăng thì các doanh nghiệp giải thích rằng, nguyên do chính là vì các chi phí đầu tư tăng như giá nguyên liệu, xăng dầu, ngoại tệ, rồi cộng thêm nhiều phụ phí khác như mua trang thiết bị mới, cải tiến sản phẩm, quảng cáo thuốc mới.

Vậy vì sao giá thuốc Tây ở Việt Nam cứ liên tục tăng giá, ông Dần, một doanh gia trong ngành phân phối dược liệu từ Saigon cho đài chúng tôi biết:

“Cần phải phân biệt rõ giữa hai loại thuốc, một thứ xem là thuốc ngoại, và loại thông thường. Loại thông thường thì Việt Nam sản xuất được, trái lại thuốc nhập thì bị ảnh hưởng bởi những tập đoàn kinh doanh thuốc Tây, nên việc điều phối thị trường là do họ hòan toàn quyết định và đẩy gía thuốc lên cao, nhất là đối với những thứ thuốc được xem là đặc biệt hay cao cấp”.

Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến trong giới chuyên gia cho rằng, gía thuốc tăng vì một phần là do những khoản chi tiêu như tiền hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ, dược sĩ, y tá. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm tiền quảng bá , tiếp thị sản phẩm, nên đã góp phần đẩy gía thuốc Tây tại Việt Nam cứ nhích lên hoài, mỗi năm vài ba đợt.

Phần các doanh nghiệp là đầu mối của việc quyết định đẩy giá thuốc lên cao thì giải thích rằng, nguyên do chính là do các chi phí đầu tư tăng, như giá nguyên liệu, xăng dầu, ngoại tệ, nhân công, bao bì, cộng thêm các phụ phí khác bao gồm trang thiết bị mới, công trình nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.

Trong năm 2007, bộ y tế Việt Nam dự kiến ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể luật tân dược, nhằm xác định giá thuốc tại Việt Nam không được cao hơn giá bán tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế và thương mại tương tự như Việt Nam.

Tuy nhiên lý thuyết và thực tế thì còn quá xa vời, vì doanh nghiệp thì thường hay bày vẽ , lợi dụng các khâu trung gian lòng vòng để mua một bán ra gấp 2, hay 3 lần cao hơn vốn liếng mà họ bỏ ra, bất kể sự thống khổ của người tiêu dùng với đồng lương ít ỏi.

Giá thuốc Tây trong nước vẫn tiếp tục tăng nhưng không đồng loạt như trước

Báo chí trong nước cho hay trong những ngày đây nhiều loại thuốc lại âm thầm tăng giá. Lần này giá thuốc tăng có chiến thuật, không ồ ạt, đồng loạt như trước. Giá nhiều loại thuốc Tây tại Việt Nam đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 6 này, trong số đó có sáu mặt hàng do công ty dược phẩm Servier của Pháp cung cấp.

Các hiệu thuốc bán lẻ cho hay lần này, công ty Servier không tăng giá thuốc đồng loạt mà lại tăng theo kiểu nhỏ giọt, và đều đều, cứ một vài tháng lại tăng giá 5, 7 mặt hàng, mỗi mặt hàng tăng chừng 3 tới 5% .

Mặt khác, cũng từ đầu tháng 6, một công ty dược liệu khác là United Pharma Vietnam thông báo miệng là một số thuốc sẽ tiếp tục tăng giá, mức tăng cụ thể sẽ cho biết sau. Ngay sau đó, công ty dược liệu Pharmadic cũng ra thông cáo áp dụng gía mới đối với một chục mặt hàng.

Ảnh hưởng đến người dân

Trước việc thuốc Tây âm thầm tăng giá, bà Hậu một nữ giáo viên ở quận Gò Vấp nói với chúng tôi rằng, thành phần khá giả trong xã hội thì không mấy ảnh hưởng, nhưng tầng lớp công nhân, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn mỗi khi đau yếu.

Bộ y tế vừa ban hành thông tư hướng dẫn về xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm, quy định rằng doanh nghiệp phải kê khai gía nhập khẩu, giá bán buôn, và dự kiến giá bán lẻ thuốc tại Việt Nam. Với các loại thuốc đã có số đăng ký, mỗi khi thay đổi gía so với gía đã kê khai thì phải báo cáo lại với bộ y tế.

Tuy nhiên trên thực tế, việc kê khai gía thuốc chỉ là lý thuyết suông, để bộ y tế biết, rồi để đó mà chẳng làm đuợc gì. Hiện nay thị trường tân dược có trên dưới 10 ngàn mặt hàng cho nên việc mua bán các loại thuốc phải qua nhiều tầng, nhiều nấc, do vậy không ai chịu trách nhiệm kê khai khi giá thuốc tăng.

Theo các báo thì người bán thuốc và người bệnh cần thuốc uống, vẫn chưa được thông tin về giá thuốc do các nhà sản xuất và nhập khẩu chưa thực hiện quy định ghi giá thuốc lên bao bì.

Từ năm 2003 đến nay đã có vô số kiến nghị yêu cầu lập lại trật tự trong việc kinh doanh thuốc và ghi rõ giá thuốc bán lẻ trên hộp thuốc để người tiêu thụ được mua đúng giá, nhưng tất cả đếu rơi vào quên lãng và giá thuốc vẫn cứ âm thầm nhích lên đều đều.