Tân thủ tướng thứ 26 của nước Úc , Kevin Rudd
Ông Kevin Rudd và Bà Julia Gillard
Tân Thủ tướng cam kết thay đổi Australia, sẽ viết nên một trang mới trong lịch sử dân tộc bằng những chính sách mới, tuy nhiên nhiều người lại cho rằng, ông Kevin Rudd sẽ có ít thay đổi trong các chính sách kinh tế và thương mại cho dù có khá nhiều bất đồng đối với chính phủ của người tiền nhiệm.
Mặc dù lãnh đạo Công đảng ( đảng Lao Động ) chưa đầy 12 tháng ( 4-12-2006 ) và trở thành nghị sỹ chưa đầy 10 năm ( 1998 ), nhưng ứng cử viên đối lập Kevin Rudd vẫn giành chiến thắng trước đương kim Thủ tướng John Howard trong cuộc bầu cử hôm 24-11-2007.
Kết quả trên đã phản ánh đúng những thăm dò và dự báo của giới truyền thông cũng như dư luận trước đó. Thủ tướng John Howard đã thừa nhận thất bại trong nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Trong bài phát biểu tối 24-11-2007, Thủ tướng John Howard đã nhận trách nhiệm về sự thất bại này.
Theo giới quan sát, mặc dù Thủ tướng John Howard đã gặt hái khá nhiều thành công trong 11 năm cầm quyền, nhất là đưa nền kinh tế phát triển liên tục ( năm thứ 17 ) với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 33 năm qua, nhưng lại sai lầm trong chính sách đối ngoại, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề nhạy cảm như thay đổi khí hậu, lạm phát nên đã thất bại.
Trong khi đó ông Kevin Rudd luôn khẳng định sẽ cải tổ giáo dục, y tế, lao động, rút quân khỏi Iraq, kế hoạch giảm thuế, bồi hoàn phí giữ trẻ cho các gia đình có con nhỏ, trợ cấp thêm cho người già, người khuyết tật, hứa dành ngân sách trị giá hàng tỉ USD trùng tu quốc lộ, cầu cống, xây dựng mạng lưới Internet băng thông rộng trên toàn quốc, ký Nghị định thư Kyoto, cắt giảm lượng khí thải carbonic xuống 60% vào năm 2050, nên đã đắc cử.
Giới chuyên môn nhận định, tuy tuyên bố sẽ hủy bỏ Luật Công đoàn vì bị coi là có khuynh hướng chống thương mại, nhưng ông Kevin Rudd vẫn được dư luận đánh giá là một nhà kinh tế theo trường phái bảo thủ.
Giới chuyên môn cho rằng, chính nhờ cương lĩnh tranh cử ấn tượng như giương cao ngọn cờ "Hướng về tương lai", "Lãnh đạo mới, ý tưởng mới"... cũng như biết cách thuyết phục cử tri nên ông Kevin Rudd đã giành chiến thắng trước một đối thủ vượt trội về nhiều mặt.
Ông Kevin Rudd đã giành được 65% khán giả ngay sau cuộc tranh luận công khai duy nhất trên truyền hình với Thủ tướng John Howard ( cuối tháng 10 ) nhờ tài hùng biện. Ngoài những nguyên do kể trên phải tính tới lý do quan trọng nhất, đó là tâm lý muốn thay đổi của cử tri Australia .
Công đảng là một trong những đảng kỳ cựu nhất trên chính trường Australia ( thành lập năm 1891 ), liên tục đưa người ra tranh cử kể từ cuộc bầu cử đầu tiên ( 1901 ) và với chiến thắng hôm 24-11-2007, ông Kevin Rudd đã làm rạng danh Công đảng sau một thời gian khá dài vắng bóng trên chính trường.
Ông Kevin Rudd sinh ngày 21-9-1957 trong một gia đình nông dân chăn cừu với 4 anh chị em ( con út ) tại bang Queensland . Một trong những nguyên nhân khiến tân Thủ tướng Kevin Rudd ( bị mất bố từ năm 11 tuổi vì tai nạn ôtô ) học tiếng Trung và yêu thích nghiên cứu văn hóa và lịch sử Trung Quốc bởi năm lên 10 tuổi ông được mẹ cho xem cuốn sách giới thiệu các nền văn minh cổ đại trên thế giới.
Năm 1976, ông Kevin Rudd thi vào đại học, theo chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Trung và lấy một cái tên gọi theo tiếng Trung Quốc là Lục Khắc Văn. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Kevin Rudd về công tác tại Bộ Ngoại giao và từng làm việc tại Đại sứ quán Australia ở Stockholm, Thụy Điển và Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông Kevin Rudd gia nhập Công đảng khá sớm ( từ khi mới 16 tuổi ) và sau khi Công đảng thất cử ( 1996 ), ông Kevin Rudd làm cố vấn cho một số công ty và đi dạy ở Trường Đại học Queensland. Trước khi trở thành Chủ tịch Công đảng, ông Kevin Rudd từng làm khá nhiều việc như nghiên cứu chính sách đối ngoại, quốc phòng, thành viên Ủy ban Kinh tế, phát ngôn viên ngoại giao...
Sau khi đắc cử nghị sỹ ( khu vực Griffith ), ông Kevin Rudd được giới chuyên môn đánh giá là chính trị gia có tài hùng biện, biết rút tỉa kinh nghiệm từ những thất bại, khả năng ứng đối nhanh, trình bày chính sách mạch lạc theo lối phân tích, tổng hợp.
Ông Kevin Rudd trở thành Thủ tướng đầu tiên của Australia nói riêng và phương Tây nói chung sử dụng tốt tiếng Trung. Không những có duyên với văn hoá Trung Quốc, gia đình ông Kevin Rudd còn có mối quan hệ khá đặc biệt với quốc gia 1,3 tỷ dân - con trai lớn đang theo học tại Trường Đại học Phục Đán, Trung Quốc, con trai út cũng đang học tiếng Trung Quốc ở quê nhà, còn con gái thì lấy chồng là một người Australia gốc Trung Quốc.
Ông Kevin Rudd từng trao đổi trực tiếp bằng tiếng Trung với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị thượng đỉnh G8 hồi tháng 9 vừa qua ở Sydney. Và đây được coi là một trong những nguyên do khiến tân Thủ tướng Kevin Rudd sẽ chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc và các nước châu Á khác trong chính sách đối ngoại thời gian tới.
Mặc dù rất quan ngại trước chiến thắng và tuyên bố của ông Kevin Rudd, nhưng Tổng thống Bush vẫn là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ và Australia từ lâu đã là những đối tác, đồng minh mạnh và mong đợi hợp tác với chính phủ mới để tiếp tục mối quan hệ lịch sử của hai nước.
Quốc Trung
Vài nét về Tân thủ tướng Úc , Kevin Rudd
Kevin Michael Rudd ( sinh ngày 21 tháng 9 năm 1957 ) là Lãnh tụ Đảng Lao động Úc và là Thủ tướng thứ 26 của Úc. Ông là thành viên Quốc hội từ năm 1998, đại diện cho điạ hạt Griffith, Queensland. Trong cuộc bầu cử Liên bang Úc ngày 24 tháng 11 năm 2007, Kevin Rudd giành chiến thắng trước liên minh cầm quyền Tự do Dân tộc của John Howard. Ngày 3 tháng 12 năm 2007, Kevin Rudd tuyên thệ nhậm chức trước sự hiện diện của Toàn Quyền Michael Jeffrey.
Thiếu thời
Kevin Rudd chào đời ở Nambour, Queensland, và lớn lên trong một trang trại bò sữa gần Eumundi. Kevin vào học ở trường trung tiểu học Công giáo Marist College Ashgrove tại Brisbane, và Trường Trung học Tiểu bang Nambour năm 1974. Cha cậu, một nông dân cũng là thành viên Đảng Nông thôn, mất khi Rudd mới 11 tuổi, khiến gia đình cậu phải rời bỏ trang trại trong tình trạng khó khăn. Rudd gia nhập Đảng Lao động Úc năm 1972 lúc 15 tuổi.
Rudd theo học tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, chuyên ngành văn học và lịch sử Trung Hoa, đỗ bằng danh dự hạng nhất môn văn học châu Á. Rudd thông thạo tiếng Phổ thông, và lấy tên tiếng Hoa là Lục Khắc Văn . Luận văn của Rudd được bảo trợ bởi một nhà Trung Hoa học người Úc gốc Bỉ nổi tiếng, Pierre Ryckmans. Để thanh toán các khoản chi phí trong thời gian theo học đại học, Rudd phải nhận công việc lau nhà cho một nhà bình luận chính trị, Laurie Oakes. Năm 1980, Rudd tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, Đài Loan.
Năm 1981, Rudd kết hôn với Thérèse Rein. Hai người gặp nhau ở một buổi tụ họp của Phong trào Sinh viên Cơ Đốc Úc khi còn là sinh viên. Họ có ba con : Jessica ( sinh năm 1984 ), Nicholas ( 1986 ) và Marcus ( 1993 ).
Anh ruột của Rudd là Malcome Rudd đã từng đi lính và tham chiến tại Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam và đã cưới một phụ nữ Việt tên Tươi, có hai người con, một trong số đó là họa sĩ Văn Thanh Rudd, có triển lãm tranh vào tháng 6 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh .
Chính trường
Năm 1981, Rudd làm việc cho Bộ Ngoại giao đến năm 1988. Ông và vợ dành hầu hết thời gian trong thập niên 1980 sống ở hải ngoại, phục vụ tại các sứ quán Úc ở Stockholm, Thụy Điển rồi đến Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trở lại Úc năm 1988, Rudd được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng cho Wayne Goss, lãnh tụ đảng đối lập ở bang Queensland. Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ chánh văn phòng cho Thủ hiến tiểu bang Queensland khi đảng Lao động cầm quyền ở đây năm 1989, ông giữ vị trí này cho đến năm 1992, khi Goss bổ nhiệm ông làm Tổng Giám đốc Văn phòng Nội các, được xem là viên chức hành chánh có thế lực nhất ở Queensland.
Trong cương vị này Rudd lãnh đạo một loạt các cuộc cải cách như phát triển chương trình quốc gia giảng dạy ngoại ngữ trong trường học. Ông cũng có nhiều ảnh hưởng trong nỗ lực vận động cho chính sách phát triển ngôn ngữ và văn hóa Á châu năm 1992, về sau chủ tọa một một nhóm công tác cao cấp thiết lập nền tảng cho chính sách phát triển đề án này.
Khi chính phủ Goss thất bị trong kỳ bầu cử lập pháp năm 1995, Rudd về làm việc cho công ty kế toán KPMG Úc trong cương vị cố vấn trưởng về Trung Quốc. Trong thời gian này, Rudd ra tranh cử tại Hạt Griffith trong kỳ tuyển cử liên bang năm 1996 nhưng thất bại. Năm 1998, ông ra tranh cử lần nữa và thành công.
Nghị sĩ Quốc hội
Ngày 11 tháng 11 năm 1998, Rudd đọc bài diễn văn đầu tiên của mình tại Quốc hội Úc. Nhằm phản đối kế hoạch lập một phi đạo song song ở Phi trường Brisbane, Rudd tổ chức thành công một trong những cuộc tuần hành lớn nhất ở Brisbane, gây chú ý cho các phương tiện truyền thông.
Bộ trưởng Ngoại giao Nội các Đối lập ( 2001 – 2005 )
Sau thành công trong kỳ tuyển cử năm 1998, Rudd trở thành phát ngôn nhân cho phe đối lập tại Quốc hội, rồi được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao cho Nội các Đối lập sau kỳ bầu cử năm 2001. Rudd chỉ trích kịch liệt chủ trương của chính phủ Howard ủng hộ Hoa Kỳ trong chiến tranh Iraq năm 2003, trong khi tiếp tục duy trì quan điểm ủng hộ liên minh Úc-Mỹ.
Kinh nghiệm và các hoạt động nghị trường của Rudd trong lúc diễn ra chiến tranh Iraq khiến ông trở nên nhân vật nổi tiếng nhất trong giới lãnh đạo đảng Lao động ở Quốc hội. Khi lãnh tụ phe đối lập Simon Crean bị người tiền nhiệm Kim Beazley thách thức vào tháng 6, Rudd không chịu công khai ủng hộ ai. Đến lúc Crean chấp nhận từ chức trong tháng 11, Rudd được xem là ứng cử viên triển vọng cho vị trí lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, ông tuyên bố ủng hộ Kim Beazley.
Sau khi Mark Latham đắc cử vào vị trí lãnh đạo đảng, nhiều người chờ xem Rudd bị thất sủng do đã ủng hộ Beazley, nhưng ông vẫn duy trì được ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi, nhất là khi Latham hứa sẽ rút quân khỏi Iraq vào Giáng sinh năm 2004 mà không hỏi ý kiến Rudd. Sau khi Latham thất bại trong kỳ bầu cử liên bang vào tháng 10 năm 2004, Rudd lại được nhắc đến như một ứng viên triển vọng cho chức lãnh tụ đảng. Lần này, Rudd lại từ chối thách thức Latham mà muốn duy trì vai trò bộ trưởng ngoại giao cho nội các đối lập.
Tháng 1 năm 2005, Latham đột ngột từ chức khi Rudd đang thăm Indonesia. Ông từ chối phát biểu về việc kế nhiệm lãnh tụ đảng do ông không muốn đối đầu với Beazley. Ông nói, “Công việc quan trọng nhất đối với tôi lúc này là cố vấn cho các đồng nghiệp của tôi trong đảng”. Sau khi về nước, Rudd hội ý với các nghị sĩ thuộc đảng Lao động ở Sydney và Melbourne, rồi tuyên bố không tranh chức lãnh tụ đảng. Kim Beazley đắc cử vào vị trí này.
Tháng 6 năm 2005, ngoài chức trách Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Quốc tế trong Nội các Đối lập, Rudd đảm trách thêm nhiệm vụ của Bộ trưởng Thương mại.
Lãnh tụ khối Đối lập
Tháng 12 năm 2006, trong một cuộc thăm dò dư luận của Newspoll, tỷ lệ cử tri ủng hộ Rudd cao gấp đôi Beazley, ông tuyên bố ý định tranh vị trí lãnh tụ đảng. Cùng lúc, một đồng sự của Rudd trong Quốc hội, Julia Gillard, đứng cùng liên danh với ông tranh chức Phó Lãnh tụ Đảng Lao động Úc.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong ngày 4 tháng 12 năm 2006 đem đến chiến thắng cho Rudd với 49 phiếu thuận, Beazley được 39 phiếu.
Tại cuộc họp báo đầu tiên trong cương vị lãnh đạo đảng, Rudd hứa sẽ làm việc với “phong thái lãnh đạo mới’’, và cam kết thành lập một chính phủ “thay thế chứ không mô phỏng” nội các Howard. Rudd phác thảo chính sách về quan hệ công nghiệp, chiến tranh Iraq, biến đổi khí hậu, thể chế liên bang, công bằng xã hội, công nghiệp chế tạo và các chính sách quan trọng khác. Rudd cũng nhấn mạnh vào kinh nghiệm lâu dài của mình trong chính sự, ở lãnh vực ngoại giao cũng như doanh nghiệp trước khi bước vào chính trường Úc.
Uy tín của Rudd và Đảng Lao động tăng cao trong các cuộc thăm dò dư luận. Kể từ năm 2002, Rudd xuất hiện thường xuyên trong các cuộc phỏng vấn và thảo luận phát sóng trên chương trình truyền hình vào giờ ăn sáng được yêu thích tại Úc “Sunrise”. Điều này giúp ích cho việc xây dựng hình ảnh của Rudd trong lòng công chúng.
Ngày 19 tháng 8 năm 2007, có những tiết lộ cho thấy Rudd và biên tập báo New York Post, Col Allan, và một nghị sĩ Lao động, Warren Snowdon, vào một câu lạc bộ thoát y ở New York trong tháng 9 năm 2003. Dù vậy, khi biết đó là câu lạc bộ thoát y, Rudd liền bỏ đi ra. Sự kiện này được phổ biến rộng rãi trên báo chí, nhưng không làm suy giảm uy tín của Rudd trong các cuộc thăm dò dư luận.
Thủ tướng
Tối ngày 24 tháng 11 năm 2007, John Howard tổ chức một buổi họp báo muộn trong đêm thừa nhận sự thất bại của chính phủ liên hiệp. Ngay sau đó, Rudd đọc diễn từ chiến thắng, cho biết ông sẽ “là Thủ tướng của toàn dân”.Đây là chiến thắng áp đảo của Đảng Lao Động.
Kevin Rudd là chính trị gia thứ hai đến từ bang Queensland dẫn dắt đảng của mình đến thành công trong cuộc bầu cử liên bang.
Nhiệm kỳ đầu
Hoạt động công quyền đầu tiên của Rudd sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Toàn quyền Michael Jeffrey vào ngày 3 tháng 12 năm 2007 là ký văn kiện phê chuẩn Nghị định thư Kyoto.
Cuối tháng 1, Rudd công bố quỹ trợ giúp người vô gia cư với trọng điểm là cung ứng các địa điểm cư trú khẩn cấp trị giá 150 triệu đôla. Ông cũng lập kế hoạch triệt thoái binh sĩ Úc khỏi Iraq.
Thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử, ngày 13 tháng 2 năm 2008, Rudd chính thức xin lỗi thổ dân Úc về thế hệ bị đánh cắp ( các trẻ em thổ dân bị bắt khỏi gia đình giao cho các cơ sở chính quyền và tôn giáo nuôi dưỡng ). Lời xin lỗi đã được chấp nhận, mặc dù vẫn còn những chỉ trích chính phủ không chịu bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Dù vậy, Rudd cam kết thu hẹp khoảng cách giữa thổ dân và phần còn lại của dân số nước Úc.
Rudd cắt giảm chi tiêu công nhằm giải quyết nạn lạm phát thừa hưởng từ chính phủ tiền nhiệm, gia tăng các địa điểm huấn nghiệp để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân công có tay nghề trong nhiều khu vực kinh tế. GDP tăng trưởng từ 1, 0 đến 1, 5 phần trăm.
Tháng 2 năm 2008, Rudd tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Úc 2020 sẽ được tổ chức từ 19 đến 20 tháng 4 với sự hiện diện của 1 000 công dân hàng đầu của Úc để thảo luận về mười lãnh vực mà ông cho là đáng lo ngại cho triển vọng phát triển của nước Úc.
Một cuộc thăm dò dư luận Newspoll thực hiện trong tháng 2 năm 2008 cho thấy con số kỷ lục 70 phần trăm dân chúng yêu thích thủ tướng, đến tháng 3, con số này được nâng lên một kỷ lục mới, 73%. Tỷ lệ người dân ủng hộ hai chính đảng là 63 và 37 phần trăm.
Quan điểm chính trị
Kinh tế
Trong một diễn từ đọc trước Quốc hội, Rudd nhận xét,
Thị trường cạnh tranh là tác nhân quan trọng và hữu hiệu giúp xây dựng một nền kinh tế lành mạnh. Do đó, cần có trọng điểm trong chính sách quản lý kinh tế. Song, đôi khi thị trường không hoạt động hiệu quả, và chính phủ cần can thiệp qua các công cụ như chính sách công nghiệp. Cũng có những khu vực mà vì ích lợi công không cần có thị trường.
Chúng ta không e dè khi xây dựng tầm nhìn cho Đảng Lao động, cũng không e ngại khi thiết lập các chuẩn mực nghiêm nhặt để biến tầm nhìn ấy thành hiện thực. Các chính đảng trung hữu trên khắp thế giới đang đối đầu với những thách thức tương tự - tạo lập một nền kinh tế cạnh tranh đồng thời xây dựng một xã hội công bằng.
Ngoại giao
Khi còn là bộ trưởng ngoại giao cho nội các đối lập, Rudd đã tái cấu trúc chính sách ngoại giao cho Đảng Lao động mệnh danh “Ba Cột trụ”: đối tác với Liên Hiệp Quốc, đối tác với châu Á, và đồng minh với Hoa Kỳ.
Dù bất đồng với quan điểm chủ chiến trong chiến tranh Iraq, Rudd ủng hộ việc triển khai quân Úc ở Iraq, nhưng không phải binh sĩ chiến đấu. Trước đây, trong một bức thư gởi Thủ tướng John Howard trong tháng 11 năm 2003 Rudd đề nghị chỉ nên gởi huấn luyện viên cho quân đội Iraq, và sử dụng Ủy ban Bầu cử Úc giúp Iraq tổ chức các cuộc bầu cử. Năm 2007, đảng Lao động cam kết rút 550 binh sĩ chiến đấu và thay thế bằng các đơn vị huấn luyện và biên phòng ( có thể trú đóng ở các quốc gia trong vùng Trung Đông ), và duy trì sự hiện diện của hơn 1 000 binh lính Úc đóng ở Iraq (trong năm 2007, có 1 575 binh sĩ Úc tại Iraq ). Rudd cũng ủng hộ việc quân đội Úc hiện diện tại Afghanistan.
Rudd hậu thuẫn lộ trình hòa bình và ủng hộ hành động của Israel trong cuộc tranh chấp Israel - Lebanon năm 2006, kết án Hezbollah và Hamas là vi phạm lãnh thổ Israel.
Thủ tướng cũng cam kết hậu thuẫn cho Đông Timor và cho biết binh sĩ Úc sẽ ở lại nước này cho đến khi chính phủ Đông Timor không còn cần đến sự trợ giúp của họ.
Rudd cũng ủng hộ Kosovo tách khỏi Serbia, trước khi Úc chính thức công nhận cộng hòa này.
Môi trường
Ngày 3 tháng 12 năm 2007, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Rudd ký Nghị định thư Kyoto, phát biểu rằng,
“ Hôm nay Úc chính thức tuyên bố gia nhập Nghị định thư Kyoto, đây là một bước đi đầy ý nghĩa trong nỗ lực của đất nước này đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong nước – và cộng tác với cộng đồng quốc tế.
”
Đảng Tự do chủ trương đến năm 2020 cắt giảm 15% khí thải trong khi Đảng Lao động lập kế hoạch cắt giảm 20% khí thải đến năm 2020.
Tôn giáo
Dù được giáo dưỡng trong đức tin Công giáo, từ thập niên 1980 Rudd cùng vợ đến thờ phượng tại nhà thờ Anh giáo và cải đạo sang Anh giáo. Giống Howard, Rudd từng nói chuyện với giáo đoàn Nhà thờ Hillsong.
Rudd là trụ cột trong nhóm cầu nguyện nghị trường tại Nhà Quốc hội ở Canberra. Ông công khai bày tỏ niềm tin Cơ Đốc của mình và thường có các cuộc phỏng vấn với báo chí tôn giáo tại Úc về nhiều vấn đề. Rudd ủng hộ việc các đại diện giáo hội tham gia và các cuộc tranh luận về chính sách, đặc biệt là về quan hệ lao động, biến đổi khí hậu, nạn nghèo đói toàn cầu, nhân bản và tị nạn.
Rudd chống chủ trương hôn nhân đồng tính,
“ Lập trường của tôi về vấn đề này là khá rõ ràng, như được trình bày trong quan điểm được chính đảng chúng ta chấp nhận, đó là, hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà.
”
|