NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

TMA Solutions - công ty gia công Phần Mềm có qui mô lớn nhất Việt Nam hiện nay - chủ tịch hội đồng cố vấn , TS Nguyễn Hữu Lệ , Việt Kiều Mỹ

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch của TMA Solution rất tự hào về những giải thưởng quốc tế và trong nước mà công ty đã đạt được trong 8 năm. Ông cho biết công ty đang tiến nhanh đến mục tiêu của họ đó là trở thành một công ty gia công phần mềm quốc tế hàng đầu để có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới công nghiệp phần mềm.

Cũng như các doanh nghiệp tư nhân 100% vốn trong nước, TMA cũng đã có một kết hoạch phát triển để đạt được mục tiêu của mình. Để phát triển thị trường, TMA đang tiếp tục tạo các một quan hệ với các công ty viễn thông và mạng để có được một nền tảng vững chắc sớm trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyên về gia công phần mềm. Để mở rộng những triển vọng của mình, công ty đã chọn nhiều lĩnh vực mới cũng như là các thị trường mới tại Châu âu, Nhật Bản và Việt Nam. Về vấn đề nguốn nhân lực, ông Lệ nói "Việt Nam hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng nhân viên có thể làm việc tại các vị trí quản lý".

Chính vì vậy, công ty đã có kế hoạch để giải quyết tình trạng trên. Đầu tiên công ty sẽ thu hút các tài năng từ các trường đại học ở thành phố HCM và các tỉnh phía nam, người đã hoàn tất việc học tập tại nước ngoài và các chuyên gia Việt kiều. Thứ đến, TMA đã tiến hành đầu tư cho đào tạo thông qua TTC ( trung tâm đào tạo TMA ) và trường đại học của TMA, trường đại học theo dự kiến sẽ được thiết lập vào năm 2007. Cuối cùng công ty đang phát triển những đội ngũ để tạo ra một đội ngũ xuất sắc.

Ông Lệ cho biết : "Những phần khác của kế hoạch công ty là chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho tương lai". TMA solutions đang hoàn thiện các hệ thống quản lý chất lượng, với các chuẩn ISO 9001 và TL-9000 đạt được năm 2005, CMMI Level 3 đạt được năm 2006 và sắp tới là ISO 20071 và năm 2007. Công ty cũng đang tiến hành kiện toàn bộ máy tổ chức để trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc đưa phòng LAB 4 tại đường Trần Hữu Trang vào hoạt động, TMA cũng sẽ bắt đầu xây dựng tại Công Viên phần mềm Quang Trung vào năm 2007.

Nền tảng cho sự thành công ( 02-06-2006 )

Được thành lập vào tháng 10 năm 1997, TMA Solution đã được gây chú ý rộng rãi và được xem như là một trong những công ty gia công phần mềm lớn nhất tại Việt Nam. Tháng ba vừa rồi, TMA Solution đã trở thành công ty phần mềm đầu tiên tại thành phố HCM có lực lượng nhân viên đạt mức 500 người. Hiện nay công ty đã có trên 650 nhân viên trong đó có 600 kỹ sư. Nhân viên của công ty từ 6 quốc gia khác nhau và 30% từng làm việc tại nước ngoài.

Toàn bộ doanh thu của TMA có được là từ việc gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài. Ông Lê cho biết: "Các khách hàng của chúng tôi chủ yếu là từ Canada, Mỹ và Nhật Bản, trong đó Nortel của Canada đã chiếm khoảng một nửa doanh số. Chúng tôi đã thiết lập một văn phòng đại diện tại Canada nên việc giao dịch tại khu vực Bắc Mỹ đã trở nên đã thuận lợi hơn nhiều". "TMA cũng có kế hoạch để mở rộng việc kinh doanh ở thị trường khu vực, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp" ông Lệ cho biết thêm. Các lĩnh vực chính của công ty là viễn thông, mạng dữ liệu, các ứng dụng xí nghiệp và điện thoại di động, mạng không dây và các phần mềm nhúng. Công ty cung cấp các dịch vụ phần mềm như phát triển ứng dụng, testing, bảo dưỡng và hỗ trợ, và các dịch vụ chuyên nghiệp khác bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật về, tích hợp mạng và giáo dục đào tạo. TMA solutions đã có tốc độ phát triển trung bình là 75% trong 8 năm đầu. Công ty đã giành được nhiều hợp đồng quốc tế và xây dựng các trung tâm phát triển phần mềm cho các khách hàng từ Mỹ, Canada và Nhật Bản. Một đoạn phim ngắn về công ty đã được phát trên các kênh truyền CNN ( Mỹ ), NHK ( Nhật Bản ) và Global ( Braxin ).

Với những thành công của công ty, ông Lệ cho biết rằng việc tạo lập và giữ được sự tín nhiệm của các khách hàng lớn và có được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là điều quan trọng. Cũng theo ông Lệ : "được Aberdeen Group lựa chọn là một trong 15 công ty trên khắp thế giới với danh hiệu "Công ty gia công phần mềm nước ngoài tốt nhất" ( Offshore Software Outsourcing Best Practices ) hồi năm 2002 chỉ là một phần nhỏ thành tích để chứng minh cho thành công của chúng tôi". Ông Lệ cho biết thêm "Có một kế hoạch kinh doanh hợp lý, chú trọng vào gia công phần mềm, nguồn nhân lực mạnh và chất lượng của các giải pháp phần mềm cao cũng là những yếu tố then chốt cho thành công của chúng tôi"

Nhận xét về sự phát triển của công nghiệp phần mềm ở Việt Nam, ông Lệ nói Chính phủ cần có sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển để họ có thể trở nên đủ mạnh để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập vào WTO.

Ông Lệ cho rằng sự xúc tiến thương mại đến thị trường Mỹ của các doanh nghiệp tại Công Viên phần mềm Quang Trung là một cơ hội lớn cho lĩnh vực gia công phần mềm cũng như là cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Không còn sự lựa chọn khác ( 22-11-2007 )

Cầm trên tay cuốn hồi ký của Carly Fiorina ( Nữ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Hewlett - Packard 1999 -2005 ) đang đọc dở, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn TMA Solutions, tâm sự rằng dù đã qua tuổi 50 nhưng ông vẫn luôn phải đọc, đọc để học về cách kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Ông bắt đầu cuộc trò chuyện với TBVTSG nhân dịp TMA kỷ niệm mười năm thành lập và trở thành một trong những doanh nghiệp gia công lớn tại Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường mười năm, ông suy nghĩ gì ?

Mười năm nhìn lại mới thấy mình may mắn nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào những ngành công nghiệp có chất xám, trong đó có ngành phần mềm. Suy cho cùng nếu so với những năm 1980-1990, chúng ta cũng với con người đó, trí tuệ đó nhưng cơ hội thì không có. Đặc biệt là từ năm 2000 khi chỉ thị về phát triển Công Nghệ Thông Tin ra đời, đã khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhanh rõ rệt. TMA khởi sự năm 1997, những năm đầu thật sự vất vả, năm 2000 mới bắt đầu khởi sắc. Cũng trong năm này, cuộc khủng hoảng của các công ty dotcom diễn ra trên toàn thế giới nhưng ngược lại nó cũng tạo áp lực để những tập đoàn lớn tiết giảm chi phí, sử dụng nhân công rẻ hơn, làm cho ngành gia công càng phát triển và tạo ra những cơ hội mới. Và chúng tôi nghĩ mình đã nắm được cơ hội đó.

Nhưng người ta vẫn nói nhiều đến sự phát triển còn quá chậm, bỏ qua nhiều cơ hội ?

Công bằng mà nói thì TMA đã gặp nhiều thuận lợi nhờ phát triển tại TP.HCM. Có nhiều khó khăn chung về giáo dục đào tạo nhưng ở giai đoạn đó TP.HCM có cách nhìn thoáng đã khuyến khích doanh nghiệp Công Nghệ Thông Tin, tạo ra cơ sở hạ tầng nhất định cho ngành này. Dù về tốc độ cần phải xem xét lại nhưng thử so sánh với mười năm trước mới thấy được sự thay đổi. Mặt khác, nếu nói về yếu tố “nhân hòa”, các công ty ngày càng thay đổi nhiều về nhân sự vì đó là quy luật tất yếu của thị trường nhưng thành quả của TMA là đã xây dựng được một đội ngũ 800 kỹ sư.

Mười năm chưa phải là dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ để một công ty trưởng thành. TMA đã bước qua cột mốc này như thế nào ?

Chúng tôi thường lấy cột mốc năm 2005 để định ra đường hướng cho công ty. Năm 2005, TMA có 500 kỹ sư và hiện nay là 800. Theo lôgic, mỗi năm công ty phát triển với tốc độ 30% thì bảy năm sau phải đạt được con số 5.000 kỹ sư. Loại trừ những yếu tố biến động thì chậm nhất là mười năm nữa chúng tôi đạt con số này. 5.000, nghe có vẻ đầy tham vọng nhưng thật ra hết sức khiêm tốn so với tốc độ chung của ngành gia công thế giới. Trung tâm đào tạo TTC ( TMA Training Center ) ra đời sau nhưng cũng phải phát triển với tốc độ nhanh hơn để làm sao có được 5.000 học viên trong bảy năm nữa. Điều đó không có nghĩa là sau bảy năm mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Công ty càng lớn, thách thức càng cao. Phát triển công ty dễ nhưng quản trị công ty, quản lý con người mới là vấn đề khó.

Ông là người thường nhắc nhiều đến con người Việt Nam, trí truệ Việt Nam, bởi vậy người ta thường nói… đúng là “lăng-xê” công ty kiểu ông Lệ…

Ngành Công Nghệ Thông Tin Việt Nam còn nhiều điều để nói nhưng không thể phủ nhận rằng trong từng ấy năm TMA phát triển được là nhờ nguồn nhân lực ở đây. Tôi đề cao trí tuệ Việt Nam, điều đó không hề sai. Đó là sự đánh giá cao không chỉ của riêng tôi đối với nhân viên của mình mà còn là của khách hàng, của đối tác và bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài. Nhưng tôi không quên nhắc các bạn trẻ về hai kỹ năng quan trọng mà họ còn yếu kém : tiếng Anh và giao tiếp. Điều đó làm cho họ thể hiện không đúng năng lực của mình. Họ cần thể hiện được kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, nói và làm một cách tự tin như chính những gì họ có.

Đã 33 năm sống ở nước ngoài thì 22 năm ông gắn bó chỉ với Nortel mà không hề thay đổi chỗ làm, trải qua hầu hết các công việc cho đến khi rời công ty ở chức phó tổng giám đốc kinh doanh. Giờ đây, vì sao có TMA, thưa ông ?

Từng ấy năm tôi không rời Nortel vì đơn giản là : làm việc – tiến thân, lên chức – lên lương. Nơi đó có đủ tầm để cá nhân mình phát triển về trí tuệ lẫn kinh tế. Ở đó tôi đã thực hiện được nhiều hoài bão thời tuổi trẻ của mình, tận dụng được nguồn lực của một tập đoàn lớn. Môi trường đa quốc gia của Nortel đã cho tôi nhiều cơ hội, tạo sự bình đẳng về màu da, sắc tộc, tài năng. Dù là người của Nortel nhưng tôi làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Tôi có thể lên chức ở những công ty nhỏ hơn. Chức phó tổng giám đốc kinh doanh cũng chưa “chạm trần”, nếu còn ở lại Nortel tôi có thể còn lên cao hơn nữa. Nhưng tôi dừng lại vì nghĩ đã đến lúc mình dùng kinh nghiệm đó để làm được điều gì đó có ích hơn cho người Việt Nam.

Và cũng chính vì vậy mà TMA ngày nay phảng phất mô hình của một công ty Bắc Mỹ ?

Tôi chưa từng làm việc ở công ty khác nhưng Nortel đã cho tôi kinh nghiệm rằng giá trị lâu dài của một công ty được xây dựng trên nền tảng văn hóa – niềm tin và quy trình. Tôi mong làm sao tạo cho TMA một môi trường tương tự như vậy : tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Tôi muốn xây dựng một công ty mà ở đó mỗi người phát huy được sở trường, trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, nhìn thấy trách nhiệm cá nhân và cơ hội thăng tiến. Kiến thức càng cao, kinh nghiệm càng nhiều thì thu nhập càng cao, nhưng chắc chắn chỉ yếu tố thu nhập không thôi thì không thể giữ người, vì ngày nay nếu muốn, mọi người có thể mở công ty để kinh doanh. Đó mới là thách thức lớn về thuật dùng người.

Người ta nói TMA có thể giàu nhờ kinh doanh bất động sản mà không cần tới phần mềm. Vậy vì sao ông và gia đình vẫn nỗ lực với TMA ?

Một công ty phát triển mạnh cần một nền tảng tài chính mạnh để khỏi phải bị động. Đúng là gia đình tôi có thể giàu nhờ bất động sản, nhưng điều quan trọng với TMA chính là đầu tư cho con người. Đầu tư cho con người mang tính xã hội rộng lớn hơn và có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều mà vẫn làm ra tiền. Vì thế tôi trung thành với con đường của mình.

Từng đó năm có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi ?

Là con người ai chẳng có lúc mệt mỏi, nhưng là một CIO có lẽ không được phép mệt mỏi. Trách nhiệm xã hội, gia đình, công ty, trách nhiệm công dân không cho phép tôi dừng lại cũng như không thể có sự lựa chọn nào khác. Một mình tôi không thể làm nên TMA. Người ta nói tu thân, tề gia, trị quốc. Bản thân mình vì thế không thể ngừng học hỏi về đạo đức, về cạnh tranh trong kinh doanh để làm một người lãnh đạo tốt, biết cách đầu tư cho cấp lãnh đạo tương lai. Bây giờ nhìn lại quyết định về Việt Nam, tôi mới thấy mình may mắn, cho cả bản thân và gia đình. Nhiều Việt kiều đâu ít kinh nghiệm, tài năng nhưng đã sớm bỏ cuộc, riêng tôi đã rất “thuận buồm”.

TMA - muốn trở thành công ty gia công phần mềm lớn ( 12-10-2005 )

Sáng thứ bảy, điện thoại reo: “Chị Dương ơi, cà phê nhé!”. Hàn huyên một buổi sáng ở quán cà phê ngày cuối tuần đã trở thành sinh hoạt không thể thiếu của Dương. Nhưng đó không phải là cuộc đi chơi giải trí đơn thuần mà còn là một phần trong công việc điều hành của cô ở cương vị phó tổng giám đốc Công ty TMA Solutions - công ty gia công phần mềm có qui mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

“Doanh nhân thời công nghệ cao ư ? Tôi già rồi, tương lai của TMA Solutions cũng như những công ty mới nổi trong ngành IT đang nằm trong tay những người trẻ như Dương” - ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch hội đồng cố vấn TMA Solutions, không giấu vẻ tự hào khi nói về cô phó tổng giám đốc của mình. Phạm Ngọc Như Dương nhỏ nhắn, tóc dài và ánh mắt lúc nào cũng như cười sau cặp kính cận trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 33 của cô.

Gắn bó với TMA từ khi còn là dự án đến khi thành lập, chuẩn bị nhân sự, hậu cần..., Dương là một trong những người đặt dấu ấn lớn nhất cho sự thành công của TMA. Từ một công ty gia đình với sáu kỹ sư trong ngôi nhà nhỏ tám năm về trước, nay TMA đã vươn vai trở thành một nhà thầu gia công phần mềm với 600 kỹ sư làm việc trong năm tòa nhà hiện đại.

Ở TMA, thách thức lớn nhất đối với đội ngũ lãnh đạo không phải là tìm khách hàng. TMA giờ đã đủ nổi tiếng ở nước ngoài để khách hàng mới ghé mắt đến và khách hàng cũ luôn gia hạn hợp đồng.

Phòng marketing của công ty hiện chỉ có... một người chuyên nhận và trả lời email cho khách hàng. Công việc được xem là “nặng nhọc” nhất ở TMA hiện nay là tuyển được nguồn kỹ sư có chất lượng cao, đào tạo và giữ chân họ. Dương được phân công phụ trách lĩnh vực này.

Mike Chinoy, phóng viên kỳ cựu của đài CNN tại châu Á, bắt đầu phóng sự dài hai phút của anh về ngành gia công phần mềm của VN bằng cách giới thiệu về ngày thứ năm của TMA. Đó là ngày mà tất cả nhân viên công ty đều buộc phải nói tiếng Anh. “Một ngày “toàn tiếng Anh” của TMA cũng là một cách để công ty duy trì tính cạnh tranh và khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong làng gia công phần mềm VN hiện nay” - Chinoy nhận xét.

Theo Dương, khi thị trường chưa thể cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, chi phí đào tạo trong doanh nghiệp phải được xem như chi phí cho đầu tư xây dựng cơ bản. “Mỗi năm TMA chi khoảng 10-15 triệu đồng chi phí đào tạo một kỹ sư về tiếng Anh và nghiệp vụ chuyên môn. Nhưng đó mới chỉ là “phần cứng”. Chúng tôi rất chú trọng các kỹ năng “mềm” của họ là rèn luyện khả năng diễn đạt, phong cách tự tin và tinh thần làm việc đồng đội” - Dương nói.

Dự án mới : Trường đại học TMA

TMA gần như ngày nào cũng tuyển thêm người. Công việc của Dương là giữ mối liên hệ tốt với các trường đại học để có được những sinh viên tốt nhất, tổ chức hội chợ việc làm ngay tại trường và phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp... Nhưng trong môi trường cạnh tranh về nhân lực IT khốc liệt như hiện nay, làm sao giữ chân người giỏi ?

“Quản lý một công ty có qui mô 600 người đã khó, quản lý 600 kỹ sư lại càng khó hơn, nhất là khi các công ty gia công phần mềm đang có sự cạnh tranh gay gắt trong việc tuyển dụng nhân lực và TMA không phải là công ty trả lương cao nhất trong làng IT tại VN. Chỉ có tình cảm mới níu giữ được con người” - Dương khẳng định.

Năm 2001 - 2002, khi công ty đang ở trong thời điểm thật khó khăn, hợp đồng ít ỏi nhưng kỹ sư quá đông, Dương và ban giám đốc quyết định không sa thải bất kỳ ai. Một dự án chỉ cần 20 người, công ty “hào phóng” phân bổ luôn 30 người. “Điều quan trọng nhất là phải làm cho người lao động yên tâm rằng họ sẽ được công ty bảo vệ trong những lúc khó khăn nhất”, Dương nói.

Công việc kinh doanh của TMA đang trên đà phát triển tốt. Số lượng kỹ sư tăng 75%/năm và doanh thu từ gia công phần mềm tăng 50%/năm. Dương bảo TMA đang hướng đến việc nâng cấp trung tâm đào tạo hiện tại của công ty thành trường đại học TMA chuyên về công nghệ phần mềm và quản lý doanh nghiệp, vì “chúng tôi muốn chứng tỏ rằng kỹ sư phần mềm VN có thể cạnh tranh tốt với Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng tất cả phải bắt đầu bằng việc lấp khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và đòi hỏi thực tại”. Trường đại học TMA dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007 và Dương đã chạy hết hơi để kế hoạch hoàn thành đúng hạn, từ việc chọn địa điểm cho đến sắp xếp vốn đầu tư.

Công ty phát triển không ngừng thì người chủ cũng phải biết tự “nâng cấp” mình. Dương bảo cô đang tìm người thay thế để có thể đi học thạc sĩ tại Mỹ. Và trong lúc chạy đua với công việc, với những buổi tối lên lớp ở Đại học Luật TP.HCM để hoàn tất giấc mơ thời sinh viên và chăm sóc cậu con trai bé bỏng, mỗi cuối tuần Dương đều dành buổi sáng để trò chuyện với các kỹ sư của cô tại quán cà phê trong tiếng nhạc dịu nhẹ.

Những lúc đó cô tiếp cận được những cảm nghĩ thật nhất của các kỹ sư - nhân viên, để từ đó có những quyết sách phù hợp. “Chỉ có tình cảm mới có thể xây dựng TMA Solutions thành một đại gia đình như ngày hôm nay” - Dương cười thật nhẹ.

Khi TMA thành lập vào năm 1997, hợp đồng đầu tiên đến từ Nortel chỉ là một sự may mắn thông qua giới thiệu của một người thân. TMA dốc toàn lực để thực hiện dự án thật tốt, đúng hạn và tạo được sự tin cậy ban đầu.

Phạm Ngọc Như Dương nhận xét: “Gia công phần mềm không chỉ có nghĩa là làm đúng theo yêu cầu khách hàng. Chúng tôi luôn chứng tỏ khả năng sáng tạo của mình trong những trường hợp có thể. Chúng tôi đề nghị những giải pháp và khách hàng có quyền chọn lựa. Điều đáng quí là các khách hàng lớn rất biết lắng nghe “người làm công” như chúng tôi. Khi chúng tôi có ý tưởng hay, họ sẵn sàng chia sẻ và chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội”.

Danh sách khách hàng TMA có thể là niềm mơ ước của bất kỳ công ty gia công phần mềm nào bởi nó hội tụ các tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin, viễn thông của thế giới như Nortel, TCS, NTT - Data, Lucent Technologies, EasyLink…

Website : http://www.tmasolutions.com

Corporate Headquarters Address :

111 Nguyen Dinh Chinh

Phu Nhuan District, Ho Chi Minh City

Vietnam

Tel : +84(-8)-990-3848

Fax: +84(-8)-990-3303

Email: sales@tma.com.vn

Như Hằng