NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Làm thế nào để Việt Nam tránh tụt hậu - TS. Vũ Thành Tự Anh

Nói đến “tụt hậu” là nói đến sự thụt lùi so với mặt bằng chung, hay rộng hơn, là sự lạc hậu so với xu thế vận động và phát triển của thế giới. Như vậy, để giải “bài toán tụt hậu” trước hết chúng ta phải thấu hiểu những quy luật và xu thế vận động của thế giới ngày nay. Đây là một vấn đề rất lớn, tuy nhiên có thể thấy một số xu hướng chung của thế giới: Về phương diện kinh tế, đó là toàn cầu hoá và kinh tế tri thức. Về phương diện chính trị, đó là dân chủ hoá. Còn về phương diện quan hệ quốc tế thì đó là đa cực và đa phương hóa …

Trong quá trình hội nhập với thế giới, VN đang đi những bước thận trọng trong tất cả các phương diện nói trên. Sau khi đã có một “thế giới quan” rồi thì tiếp theo chúng ta phải định vị chính bản thân mình, thử xem chúng ta là ai và đang ở đâu trong thế giới này? Chúng ta muốn gì và định hướng chiến lược để đạt được mục đích ấy là gì ?

Để tránh tụt hậu, lẽ đương nhiên là chúng ta phải tiến về phía trước, tức là phải phát triển. Nhưng phát triển như thế nào ?

Amartya Sen, giáo sư Kinh tế học người Ấn Độ được nhận giải thưởng Nobel về Khoa học kinh tế đã nói: “phát triển là tự do”. Tức là sự phát triển của mỗi nước được đo lường bằng mức độ và phạm vi của sự tự do mà người dân nước ấy được hưởng. VN bước đầu cũng đã làm được một số việc như vậy. Xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế dân doanh v.v... là những biện pháp để tăng cường tự do kinh tế. Phát huy vai trò của báo chí, lắng nghe tiếng nói của người dân đối với các vấn đề ảnh hưởng tới đời sống của họ, xây dựng một chế độ “thượng tôn pháp luật” v.v. là những biện pháp để phát triển tự do về mặt chính trị - xã hội …

Nói một cách ngắn gọn, phát triển kinh tế dân doanh, xây dựng xã hội dân sự, và hoàn thiện nhà nước pháp quyền là những biện pháp trụ cột của chính sách phát triển đất nước trong thời đại ngày nay.

Không thể phủ nhận những thành tựu mà chúng ta đã đạt được qua 20 năm đổi mới, song một thực tế là hiện tại chúng ta vẫn đang tụt hậu, và dường như có một sự đồng thuận rằng, đây chính là nguy cơ lớn nhất của VN. Vậy làm thế nào để tránh tụt hậu? Đây là câu hỏi rất lớn vượt quá sức của một cá nhân. Vì vậy, trong phần còn lại của bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đề cập tới một số ý tưởng liên quan đến câu hỏi làm thế nào để tránh tụt hậu nhìn từ góc độ của một người phân tích chính sách.

Đề tránh tụt hậu , cần biết khai thác sức mạnh của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là một hiện thực mới ở VN. Chúng ta mới chỉ thực sự làm quen với nó trong vòng 20 trở lại đây. Vào cuối thế kỷ 15, khi Columbus và các nhà thám hiểm phát động làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất thì dân tộc ta vẫn còn bế tắc dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Đèo Ngang vẫn còn sừng sững trên tiến trình Nam tiến của dân tộc. Trong làn sóng toàn cầu hóa thứ hai, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp của châu Âu thì chúng ta, một lần nữa, lại không phải là người trong cuộc. Nếu như dân tộc ta đã không có ý thức về làn sóng thứ nhất thì chúng ta đã chối bỏ một cách có ý thức làn sóng thứ hai.

Rất may là đối với làn sóng toàn cầu hóa thứ ba hiện nay, dân tộc ta đã có ý thức hơn và đã chủ động hòa mình vào làn sóng ấy, dám chấp nhận vị mặn chát của nó để đổi lấy sức mạnh của đại dương. Chỉ có tinh thần ấy mới tương xứng với những cơ hội và thách thức to lớn mà toàn cầu hóa đang đem lại cho dân tộc chúng ta.

Toàn cầu hóa có một nghịch lý, đó là nó có thể biến mọi điều thành có thể và ngược lại. Nó có thể tước đoạt hoặc gia tăng quyền lực. Nó mở ra triển vọng phát triển, nhưng cũng có thể khiến mọi người ôm giữ chặt hơn “cây ô liu” truyền thống. Toàn cầu hóa có nghĩa là chúng ta vừa lớn lên lại vừa nhỏ lại, vừa mạnh lên đồng thời lại vừa yếu đi…

Tuy nhiên, một bài học sâu sắc từ lịch sử là mọi cơ hội và thách thức gắn liền với toàn cầu hóa đều chỉ là những khả năng, và xác suất để những khả năng này trở thành (hay không trở thành) hiện thực phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt, thức thời và chuẩn bị của chúng ta. Toàn cầu hóa như thời tiết. Vấn đề không phải là trốn tránh hay cố tình phủ nhận nó, mà là hiểu được những quy luật của nó, từ đó thuận theo, thích nghi, đồng thời hạn chế tác hại của nó.

Để tránh tụt hậu , cần phát triển nền kinh tế tri thức và hệ thống giáo dục

Về định hướng, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 VN về cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Câu nói này đúng nhưng chưa đủ.

Trong khi cả thế giới đã làm kinh tế tri thức từ lâu rồi thì ở VN chúng ta mới chỉ đang bàn về kinh tế tri thức. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì đến năm 2020, thế giới đã đi đến đâu rồi, trong khi VN về cơ bản mới trở thành nước công nghiệp hoá? Liệu chúng ta có tiếp tục tụt hậu? Vậy, sao chúng ta không làm kinh tế tri thức từ bây giờ ?

Cần lưu ý là kinh tế tri thức gắn liền với kinh tế thị trường, trong đó các tác nhân kinh tế được tự do “mưu cầu hạnh phúc” trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chính sự tự do và môi trường cạnh tranh này làm nên những sự “phá hủy sáng tạo”, là cội nguồn của tri thức mới. Phát triển kinh tế thị trường, vì vậy, là một trong những điều kiện cần cho phát triển kinh tế tri thức.

Hệ thống giáo dục và nghiên cứu chất lượng cao là cơ sở của kinh tế tri thức. Nền kinh tế thế giới đang chuyển sang một thời đại mới, trong đó tri thức và vốn con người, chứ không phải cơ bắp và vốn vật chất, sẽ quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia.

Điều này cũng có nghĩa là trường đại học, một trong những “giao diện” quan trọng nhất mà qua đó các quốc gia khai thác tri thức của thế giới ngày càng trở nên thiết yếu cho sự phát triển. Chất lượng, khả năng hấp thu, sáng tạo, và phổ biến tri thức hiện đại đã trở thành một nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Việc hệ thống giáo dục đại học của VN bị tụt hậu so với các nước đang phát triển trong khu vực cũng như các đối thủ cạnh tranh khác đặt VN vào tình thế cạnh tranh vô cùng bất lợi.

Để cải cách hệ thống giáo dục hiện nay, có lẽ phải cần đến một chính sách mạnh mẽ và toàn diện - một kiểu Khoán 10 trong giáo dục như đã từng được một số nhà giáo dục của VN đề cập trước đây.

Để tránh tụt hậu cần phát triển xã hội dân sự

Sự phát triển khu vực dân sự và những cơ chế để người dân có tiếng nói và góp ý với những chính sách ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ở nước ta còn hạn chế. Sự phát triển của khu vực dân sự, bên cạnh sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững và ổn định cho nền kinh tế và cho cả đời sống xã hội; mà muốn thế thì trước hết phải có quan niệm đúng đắn về quyền của khu vực dân sự.

Một ví dụ minh chứng là luật về hội. Luật về hội như hiện nay sẽ không góp phần phát huy dân chủ và xây dựng xã hội dân sự. Đúng ra, phải đặt tên luật là “Luật về quyền lập hội” chứ không phải “luật về hội”. Cũng tương tự như vậy, nên gọi “Luật về quyền tự do báo chí”, chứ không phải “luật báo chí”. Nói luật báo chí, luật hiệp hội đồng nghĩa với việc can thiệp sâu của nhà nước vào khu vực dân sự.

Để tránh tụt hậu cần loại bỏ những chính sách sai lầm

Dưới góc độ chính sách, thiết nghĩ trước khi bàn đến những biện pháp mới để tránh tụt hậu thì chúng ta hãy khẫn trương sửa chữa những chính sách sai lầm, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện những chính sách đã được thực tế chứng minh là đúng đắn.

Chẳng hạn như chúng ta đều thấy sự không minh bạch và vô trách nhiệm là nguồn gốc của biết bao vấn đề trong nền kinh tế VN ( mà câu chuyện về điện kế điện tử, hay gần đây là PMU 18 là hai ví dụ điển hình ). Thế nên, cần có những biện pháp để minh bạch hóa thông tin, tăng cường giám sát, và tạo ra cơ chế để người ra quyết định được hưởng thành quả cũng như phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Làm được điều này thì nguồn lực quốc gia được phân bổ hiệu quả hơn, uy tín của Đảng, Nhà nước được củng cố, mức độ tín nhiệm của quốc gia dưới con mắt của các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế được cải thiện.

Để tránh tụt hậu cũng cần biết phát huy những chính sách đúng đắn. Một ví dụ tiêu biểu là sự phát triển thành công của khu vực dân doanh trong nước. Bất chấp những ràng buộc và sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế dân doanh của VN vẫn vươn lên như là một động cơ tăng trưởng và là nguồn lực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho đất nước. Nói về sức sống của khu vực dân doanh ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, có lẽ chỉ có thể dùng hai chữ “thần kỳ”! Một hệ quả chính sách là trước khi nghĩ đến việc tạo thuận lợi hay ưu đãi gì đó cho kinh tế dân doanh, thì chúng ta hãy tháo bỏ những biện pháp trói buộc nó, để nó có thể phát triển và khai thông mọi nguồn lực của mình. Đừng tạo thêm bất bình đẳng và ưu đãi thêm đối với những khu vực kinh tế khác nữa.

Cũng tương tự như vậy, các báo cáo về hậu cổ phần hoá đều khẳng định kết quả tốt, chẳng hạn như lợi nhuận cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, tạo thu nhập cao hơn cho người lao động... Trong khi đó, ở các doanh nghiệp nhà nước, số liệu thống kê cho thấy, để nộp được 1 đồng vào ngân sách thì những doanh nghiệp này lại phải được trợ cấp 1 đồng từ nhà nước. Vậy, tại sao chúng ta vẫn quyết định tiếp tục cho một số doanh nghiệp hưởng chế độ bao cấp? Hay thậm chí còn có những ý kiến đòi quay trở lại cơ chế tập trung quyền lực kinh tế như trước bằng cách thành lập những tập đoàn hùng mạnh ( như tập đoàn than chẳng hạn! )

Nhân đây xin bàn thêm một chút về vai trò kinh tế của nhà nước - một vấn đề cấp bách nhưng chưa có câu trả lời đầy đủ ở VN.

Chúng ta hay nói “Nhà nước chỉ nên làm những việc mà tư nhân không thể làm được”. Câu này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng về thực chất chưa hoàn toàn đúng. Như bà Phạm Chi Lan từng nói, trong nhiều lĩnh vực, chúng ta có cho khu vực tư nhân làm thử bao giờ đâu mà biết là họ không làm được? Bên cạnh đó, khi khu vực tư nhân không làm được thì cũng không có nghĩa là nhà nước sẽ làm tốt hơn vì như vậy cũng tựa như việc cho hai người thi thổi sáo, sau khi nghe người thứ nhất thổi không hay thì lập tức trao ngay giải cho người thứ hai.