Việt Nam sẽ xây Trung Tâm Nghiên Cứu Vũ Trụ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Với tổng nguồn vốn đầu tư 350 triệu USD vay ưu đãi ODA từ Nhật Bản, dự án Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ vũ trụ triển khai trên diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được thực hiện trong 8 năm ( 2010 - 2017 ).
Thông tin này vừa được Viện Công nghiệp vũ trụ và Nhóm tư vấn JETRO (Nhật Bản) cho biết ngày 27-11-2008 tại Hà Nội.
"Chập chững" chinh phục vũ trụ
Chương trình sẽ đầu tư, phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Theo lộ trình đã được đặt ra, trong năm 2009, dự án sẽ tiến hành các thủ tục xin cấp vốn ưu đãi. Từ năm 2010 - 2012, sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ban đầu và chuyển giao công nghệ giai đoạn 1.
Đến hết năm 2017, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia để có thể làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất tại Khu trung tâm vũ trụ Hòa Lạc.
Theo ông Matsuzawa, Trưởng nhóm nghiên cứu tư vấn JETRO, các thiết kế của Khu tương đương với các trung tâm trong khu vực. Các thiết bị, công nghệ được lắp đặt theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nghiên cứu phát triển của các trung tâm vũ trụ thế giới. Đây là những công nghệ tích hợp hiện đại nhất mà Nhật Bản và Mỹ đang sử dụng. Việc thiết kế và chế tạo các loại vệ tinh nhỏ dùng trong quan sát trái đất là loại vệ tinh nhỏ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Với việc làm chủ công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chế tạo vệ tinh nhỏ dưới 500 kg và phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất có khả năng chụp ảnh được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ ra đa và quang học.
TS. Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết: đến năm 2020, Việt Nam sẽ cố gắng phóng được vệ tinh viễn thám. Với những vệ tinh này, Việt Nam sẽ có những bức ảnh độ chính xác trung bình viễn thám từ 2,5 đến 10 m.
Việc tiến hành phóng vệ tinh viễn thám sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng, thủy văn, giám sát tài nguyên, cảnh báo sớm thiên tai ( ảnh mây xoáy, hướng đi của gió, mắt bão... ), thảm họa môi trường ( cháy rừng, lũ lụt, trượt lở đất, tràn dầu ), an ninh, quốc phòng... mà hiện tại Việt Nam đang phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài với giá thành đắt.
Khi Việt Nam chủ động công nghệ sẽ giúp ích cho công tác dự báo, cảnh báo sớm, đặc biệt là thiên tai, sóng thần, động đất... kịp thời, chính xác hơn. Ngoài ra, việc xây dựng và xử lý các dữ liệu viễn thám từ vệ tinh sẽ dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản nhằm hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong nông nghiệp và đánh bắt thủy - hải sản; đồng thời cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa.
Muốn làm chủ, phải "đủ" nhân lực
Lộ trình đã có sẵn nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại tiến trình chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Trung tâm Viễn thám ( Bộ Tài nguyên và Môi trường ) băn khoăn: liệu mục tiêu chế tạo vệ tinh đầu tiên của Việt Nam có bị ảnh hưởng khi hiện nay dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng, đào tạo nhân lực?
Tuy nhiên, ông Matsuzawa cho biết, thông qua Khu nghiên cứu, triển khai tại Hòa Lạc, các chuyên gia Nhật Bản cam kết chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực thiết kế vệ tinh nhỏ, phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng 3 phân đoạn: công nghệ không gian (vệ tinh), công nghệ dưới mặt đất (trạm thu, giải mã tín hiệu) và đào tạo cán bộ làm chủ các công nghệ này.
Hiện nay, thông qua đề xuất của JETRO, Viện Công nghiệp vũ trụ đang tập trung lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ để nguồn đầu tư có hiệu quả.
TS. Tuấn nhận định, so với các nước có nền kinh tế tương đương Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Nigeria... đều có nền công nghiệp vũ trụ đi trước chúng ta cả chục năm. 10 năm qua, ngành công nghệ vũ trụ ở những nước này đã làm được rất nhiều việc, nhất là trong lĩnh vực dự báo và phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên.
Do vào cuộc muộn, nên Việt Nam sẽ chọn hướng đi tắt đón đầu, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Khu nghiên cứu, triển khai công nghiệp vũ trụ ở Hòa Lạc là cơ sở bước đầu để thực hiện chủ trương này.
Theo đó, Khu nghiên cứu, triển khai công nghiệp vũ trụ được đầu tư đồng bộ, gồm 3 thành phần: nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và chuyển giao công nghệ thông qua các dự án cụ thể như: công nghệ chế tạo vệ tinh quan sát trái đất, ứng dụng công nghệ viễn thám, trạm thu nhận mặt đất và điều khiển vệ tinh.
Để thực hiện mục tiêu này, Viện Công nghệ vũ trụ đã cử các đoàn cán bộ chuyên gia đến các nước có nền công nghệ vũ trụ phát triển như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU... để học hỏi kinh nghiệm về nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác. Ông Matsuzawa cũng cho biết, trong Khu nghiên cứu triển khai tại Hòa Lạc cũng dành riêng một khu vực đào tạo, tham quan, giáo dục về ứng dụng công nghiệp vũ trụ.
Đặc biệt, song song với việc thực hiện dự án này, Viện Công nghiệp vũ trụ đã hợp tác với trường Đại học Công nghệ, bắt đầu tuyển sinh kỹ sư công nghệ vũ trụ từ năm 2008. Dự kiến năm đầu tiên sẽ tuyển sinh khoảng 60 người, trong đó tập trung đào tạo khoảng 10-15 kỹ sư chuyên về công nghệ vũ trụ.
Trong tương lai, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể sẽ sản xuất ra những thiết bị phục vụ cho công nghiệp vũ trụ, dữ liệu, xử lý, cung cấp thông tin ngay tại chỗ và có thể chuyển giao cho các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp...
"Công nghiệp vũ trụ đã hình thành ở Nhật Bản từ hơn 40 năm nay. Tuy nhiên, ban đầu Nhật Bản cũng từng "chập chững" không có công nghệ hiện đại như hiện nay mà phải chuyển giao từ Mỹ và châu Âu. công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam còn là lĩnh vực mới nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhật Bản sẵn sàng hợp tác, cố gắng hỗ trợ để Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao này", ông Matsuzawa nói.
Phan Anh
Việt Nam “khởi động” công nghiệp vũ trụ
Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam và Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật (JETRO) hôm qua tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo của nhóm tư vấn về xây dựng Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ vũ trụ tại Hoà Lạc và các chuyên gia Việt Nam sẽ có thể tự chế tạo vệ tinh nhỏ tại đây.
Trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc và triển khai trong giai đoạn 2010 - 2017. Tổng số tiền của dự án là 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, với 14 khu chức năng như trung tâm chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, khu vực thử nghiệm từ trường, trung tâm điều khiển và ứng dụng vệ tinh và nhà mô hình đài thiên văn. Báo cáo khả thi của dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2008 để trình chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Hiện những công việc cần thiết cho việc xây dựng trung tâm đã hoàn tất để đến năm 2017 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Từ đó đội ngũ chuyên gia Việt Nam có thể làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ dưới 500 kg dùng để quan sát trái đất tại trung tâm. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và có quy mô hàng đầu trong khu vực, nhằm thực hiện có hiệu quả "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" theo quyết định của thủ tướng.
Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất... nhằm khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người. Do vậy đầu tư xây dựng trung tâm này tại Việt Nam là cần thiết, có thể phục vụ lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.
Ngoài việc tự chế tạo vệ tinh nhỏ có khả năng chụp ảnh toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ ra đa và quang học, trung tâm sẽ giúp xây dựng và xử lý các dữ liệu viễn thám từ vệ tinh giúp giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm hoạ môi trường, dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quy hoạch đất đai và xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa.
Việt Nam sắp xây Trung tâm Công nghệ vũ trụ
Dự án xây dựng Khu nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc đang được nghiên cứu thực hiện. Theo đó, 2 vệ tinh nhỏ "made in Việt Nam" sẽ ra đời; Việt Nam bắt đầu chủ động giám sát thảm họa, thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên bằng các ứng dụng công nghệ vũ trụ.
Thông tin tại Hội thảo "Giới thiệu báo cáo của Nhóm tư vấn JETRO về dự án xây dựng Khu Nghiên cứu - Triển khai Công nghệ Vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc" (Hà Nội, 27/11/2008), dự án có tổng vốn 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Nhật Bản, thực hiện từ nay đến năm 2017.
Theo đó, Trung tâm Công nghệ Vũ trụ Hoà Lạc cách trung tâm Hà Nội 30km, trải rộng trên diện tích 9ha, gồm nhiều khu chức năng như trung tâm điều khiển công nghệ vũ trụ , trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, nhà điều hành, trạm thiên văn; và khu nghiên cứu, đào tạo, trạm mặt đất thu dữ liệu từ vệ tinh.
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ, các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất vào năm 2017, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ Kinh Tế - Xã Hội , an ninh quốc phòng, xây dựng trạm thu nhận mặt đất và điều khiển vệ tinh.
Ông Taka Mashikawa - Phó đại diện Nhóm tư vấn thuộc Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam nhận định, Khu Nghiên cứu - Triển khai Công nghệ Vũ trụ Hoà Lạc sẽ được lắp đặt các thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam và khu vực, sánh tầm nhiều trung tâm vũ trụ lớn của thế giới. Các thiết bị này cho tư liệu ảnh viễn thám về sự thay đổi của lớp phủ rừng, ảnh vệ tinh giúp giám sát lũ, cho phép quan sát trước và sau lụt, biến đổi của các trận động đất, hình ảnh các đập nước để chủ động di dân...
Theo tính toán của ông Mashikawa, với việc sử dụng trung tâm công nghệ vũ trụ này, Việt Nam sẽ giảm khoảng 10% thiệt hại do thiên tai, chưa kể lợi ích cứu trợ khi xảy ra thảm hoạ, khả năng giám sát các sự cố tràn dầu, cháy rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép mà trung tâm mang lại. Tỷ lệ lợi ích/chi phí được ông Mashikawa đưa ra là 1,17 ( tương đương 290 triệu USD ).
Cùng với việc chủ động giám sát thảm họa, quản lý tài nguyên thiên nhiên, Khu Nghiên cứu - Triển khai Công nghệ Vũ trụ Hoà Lạc được đánh giá là cơ sở có khả năng thúc đẩy phát triển Khoa Học Công nghệ và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là nơi thành lập Trung tâm Quan sát Trái đất và Phát triển vệ tinh, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ, tạo đà phát triển bền vững công nghệ vũ trụ và kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Nhật Bản và các nước châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp dữ liệu quan sát Trái đất cho các nước trong khu vực.
Về khả năng liên kết của Khu Nghiên cứu - Triển khai Công nghệ Vũ trụ Hoà Lạc, sau khi khảo sát nhiều trung tâm viễn thám của Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản khẳng định: ứng dụng tại đây sẽ dùng được ở mọi trung tâm khác.
GS.TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa Học Công nghệ môi trường Quốc hội, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, Dự án Xây dựng Khu Nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ Hoà Lạc phục vụ Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 ( đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 ). Viện đang phối hợp JETRO tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi dự án này để trình Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản vào cuối năm 2008.
Ngày 14/0/2006 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" nhằm xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 phục vụ phát triển Kinh Tế - Xã Hội ở Việt Nam và phân công thực hiện chiến lược giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Ngày 20/11/2006 Thủ tướng ký quyết định thành lập Viện Công nghệ Vũ trụ ( trực thuộc Viện Khoa Học Công nghệ Việt Nam ) với tư cách là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.
Tháng 10/2006 trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng hai nước, Việt Nam - Nhật Bản thống nhất coi dự án Khu công nghệ cao Hoà Lạc là một trong 3 dự án hợp tác trọng điểm giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tháng 11/2007, Tuyên bố chung của chương trình hợp tác "Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản, xác định công nghệ vũ trụ là một trong các nội dung hợp tác giữa hai bên.
Tháng 6/2006, Viện Khoa Học Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản ký Thoả thuận khung hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Tháng 7/2008 Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cấp kinh phí và thành lập Nhóm tư vấn thuộc Tổ chức xúc tiến ngoại thương (JETRO) cho việc lập nghiên cứu khả thi Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai công nghệ vũ trụ của Viện KHCN Việt Nam tại Hoà Lạc".
Tháng 8/2008 thành lập BQL Dự án khu Nghiên cứu - Triển khai công nghệ Vũ Trụ Hoà Lạc.
Ngày 18/8/2008, Viện Công nghệ vũ trụ và JETRO ký thoả thuận hợp tác về việc lập báo cáo khả thi dự án Trung tâm Nghiên cứu - Triển khai Công nghệ vũ trụ Hoà Lạc.
Quảng Hạnh
Việt Nam sẽ tự chế tạo được vệ tinh vũ trụ nhỏ
Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ có bộ cản ra đa quan sát trái đất đầu tiên vào năm 2017 dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, cho biết như vậy tại buổi giới thiệu Dự án xây dựng Khu nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc do Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì ngày 27/11/2008.
Trước đó, một vệ tinh nhỏ có mang bộ cản quang học được sản xuất tại Nhật Bản được chuyển giao cho Việt Nam sẽ bổ trợ cho vệ tinh được sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng có thể tự sản xuất vật liệu và dụng cụ phục vụ cho công nghệ vũ trụ. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có thêm nhiều nguồn ảnh từ vệ tinh phục vụ việc cập nhật hệ thống bản đồ điện tử, giúp cho quản lý và quy hoạch đất đai tốt hơn; giám sát và cảnh báo thiên tai lũ lụt, thảm họa môi trường; xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa...
Khu nghiên cứu triển khai Công nghệ vũ trụ được xây dựng trên diện tích 9ha tại tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng đầu tư ước tính 305 triệu USD bằng nguồn vốn ưu đãi ODA.
Lộ trình thực hiện dự án bắt đầu từ nay đến hết năm 2009 là hoàn tất các thủ tục cấp vốn. Đến năm 2012 sẽ xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật ban đầu và chuyển giao công nghệ giai đoạn 1. Từ 2012 - 2017 hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia.
Như vậy dự án đã đầu tư đồng bộ 3 thành phần nguồn nhân lực ( đội ngũ cán bộ chuyên gia về công nghệ vũ trụ ); hạ tầng kỹ thuật ( xây dựng Trung tâm vũ trụ Hòa Lạc ) và chuyển giao công nghệ.
Mỹ Hằng
Trung tâm Vũ trụ Hoà Lạc ra đời Giúp giảm 10% thiệt hại do thiên tai
Trong cuộc trao đổi với SGTT, tiến sĩ Trương Thị Hoà Bình, trưởng phòng quản lý tổng hợp, thành viên ban quản lý dự án – khu Nghiên cứu – triển khai công nghệ vũ trụ Hoà Lạc cho biết:
Khi dự án đi vào khai thác, chúng ta sẽ chế tạo vệ tinh nhỏ ( dưới 500kg ) và phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất độ phân giải cao, có thể chụp ảnh Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar và quang học. Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á có khả năng tự chế tạo vệ tinh nhỏ.
Ngoài ra, các dữ liệu viễn thám từ vệ tinh quan sát trái đất sẽ giúp phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai ( bão, lũ... ), thảm hoạ môi trường ( cháy rừng, lũ lụt, tràn dầu... ), dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi thuỷ sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai, nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tiến sĩ cho biết cụ thể hơn về lợi ích của việc chế tạo được vệ tinh mang lại ?
Bình thường khi chưa có vệ tinh, chúng ta phải đi mua lại ảnh của nước ngoài, thứ nhất là rất đắt, thêm vào đó là sự phụ thuộc về mặt thời gian. Ví dụ khi mình cần chụp ngay thì phải một thời gian sau đó họ mới cung cấp được, kể cả khi mình yêu cầu nhưng thời tiết không cho phép thì cũng không chụp được. Khi vệ tinh đã là vệ tinh của chúng ta việc chủ động về mặt thời gian không khó, thêm vào đó vệ tinh của chúng ta sẽ là vệ tinh radar có khả năng chụp xuyên mây nên về mặt thời tiết chụp ban đêm vẫn chụp được.
Hay tương tự với ảnh vệ tinh, người ta sẽ nghiên cứu và dự báo được các biến động, ví dụ làm về truyền nhiệt có thể dự báo được nhiệt độ sẽ tăng ra sao và dự báo cháy có thể xảy ra ở những khu vực nào, tương tự với bão lụt hay tràn dầu… cũng vậy, đây là công nghệ mà các nước trên thế giới họ cũng đã làm.
Ngoài ra, công nghệ viễn thám có thể dự báo sản lượng nông nghiệp, thuỷ sản ?
Trên thế giới người ta đã làm điều này, từ đó người ta có những điều chỉnh cụ thể về an ninh lương thực. Tôi lấy ví dụ như Mỹ, bằng công nghệ viễn thám họ dự báo được mất mùa, từ đó họ có chính sách bỏ vốn đi mua lại toàn bộ dự trữ của các nước. Vì lúc đó chưa ai biết gì tự dưng thấy mua với giá hơi cao là các nước đều bán hết. Khi năm đó mất mùa, Mỹ có dự trữ mang bán ra thu lãi cao, rõ ràng không phải nước sản xuất nhưng Mỹ lại kinh doanh được lương thực.
Còn về dự báo biến đổi khí hậu sẽ như thế nào, thưa bà ?
Ảnh vệ tinh với những phần mềm xây dựng 3D mô phỏng theo các kịch bản nước biển dâng sẽ cho thấy rõ đoạn nào bị chìm. Ví dụ nước biển dâng thì thông qua ảnh vệ tinh có thể dựng kịch bản theo kết quả này và đánh giá được ảnh hưởng của nó đối với hệ quả kinh tế xã hội của từng khu vực.
Bà đánh giá thế nào về khả năng giảm thiệt hại kinh tế từ những hiệu quả mà công tác dự báo mang lại ?
Sẽ giảm thiệt hại khoảng 10%. Cụ thể tính ra trong 10 năm chúng ta phóng hai vệ tinh thì số tiền giảm thiệt hại do thiên tai gây ra là hơn 200 triệu USD mà tổng kinh phí của dự án là 350 triệu USD. Như vậy chưa tính đến đào tạo nguồn nhân lực và chế tạo vệ tinh thì riêng cái lợi ích về mặt kinh tế đã bù đắp gần hết dự án rồi.
Độ chính xác của những dự báo này ?
Kết quả dự báo của các nước tương đối chính xác. Nước ta muốn đánh giá độ chuẩn xác của những dự báo này phải có nghiên cứu cụ thể.
Công tác đào tạo nhân lực đang được đặt ra thế nào ?
Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn cho dự án chưa đủ. Viện đang lên kế hoạch kết hợp với đại học Công nghệ Hà Nội mở khoa hàng không vũ trụ đào tạo nhân lực chuyên sâu. Khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 350 chuyên gia về hai lĩnh vực: viễn thám và vệ tinh, vũ trụ và thiết kế.
Thanh Tuyền
Việt Nam sẽ xây trung tâm Vũ trụ lớn nhất Đông Nam Á
Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm vũ trụ lớn bậc nhất Đông Nam Á vào năm 2011.
Báo chí trong nước đưa tin đây là một trong những dự án quan trọng nằm trong chương trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ không gian đến năm 2020, mà chính phủ đã phê duyệt và hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi.
Nơi được chọn vào kế hoạch qui mô này là khu công nghệ cao ở Hòa Lạc, Hà Nội có diện tích 9 hectare. Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ không gian hàng đầu này sẽ được sử dụng vào các công việc như giám sát và cảnh báo thiên tai, quan trắc, thăm dò, thu và phát sóng truyền thanh, truyền hình, những công tác tìm kiếm và cứu hộ vân vân…
Kinh phí để xây dựng trung tâm vũ trụ lớn nhất khu vực này vào khoảng 350 triệu, đến từ vốn vay ODA của Nhật Bản. Theo dự kiến, việc xây cất và thiết kế sẽ hoàn tất vào năm 2018.
|