NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Châu Âu “toát mồ hôi” vì tỷ giá Euro

Đồng euro xuống đến mức thấp nhất trong bốn năm qua so với đồng đô-la, sau khi tiếp tục có lo ngại mới về sức mạnh của nền kinh tế khu vực các nước dùng tiền chung tức eurozone.

Tỷ giá euro hôm nay 17/5/2010 là 1,2237 USD, và một bảng Anh nay đổi được 1,1702 euro.

Mặc dù đã có khoản tiền rất lớn được cam kết đưa vào để giúp các nước trong vùng eurozone, nhiều biện pháp chặt chẽ cần được thực hiện để cắt thâm hụt và nợ ngân sách.

Điều đó ảnh hưởng giá trị đồng euro vì giới phân tích lo ngại việc cắt giảm sẽ kìm hãm tăng trưởng chung.

John Kyriakopoulos từ ngân hàng quốc gia Úc ở Sydney nói "Các lo ngại về chính sách thuế chặt chẽ trong khu vực eurozone sẽ đè nặng lên tăng trưởng trong vùng."

Hồi đầu tháng, Liên hiệp châu Âu và IMF đồng ý sẽ chi 750 tỷ euro nhằm ngăn khủng hoảng Hi Lạp lan rộng ra các nước khác trong khối.

Nhưng dù có lời khen ngợi ban đầu đối với chính sách này, mối lo ngại nay quay lại và cổ phiếu cùng đồng euro cũng rớt giá trở lại.

Hôm thứ Sáu, có đợt sút giá mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu, với thị trường Tây Ban Nha giảm 6,6% và chỉ số chứng khoán chính ở Pháp giảm 4,6̀%.

Euro xuống thấp kỷ lục so với USD

Biểu đồ tỷ giá giữa Euro so với USD từ tháng 2/2006 đến nay.

Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, đối với các doanh nghiệp ở khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), một đồng USD mạnh là tốt, còn một đồng Euro mạnh là không tốt.

Tuy nhiên, tờ New York Times cho hay, khi chứng kiến sự trượt dốc của tỷ giá Euro/USD từ mức 1 Euro đổi được 1,50 USD hồi tháng 11/2009 xuống mức 1 Euro chỉ tương đương 1,37 USD hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Eurozone đang phải đương đầu với những vấn đề phức tạp mới nổi lên.

Đúng là đồng Euro suy yếu là một nhân tố hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu của châu Âu. Với tỷ giá Euro giảm, hàng hóa xuất khẩu của châu Âu, từ xe hơi, máy móc, tới rượu bia trở nên rẻ hơn khi được tiêu thụ ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ và cả những quốc gia neo tỷ giá đồng nội tệ vào USD.

Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng là điều mà các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang cần, vì họ đang đương đầu với thâm hụt thương mại khổng lồ và chật vật để tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

“Tôi chưa thấy ai than vãn về việc Euro mất giá cả”, ông Ralph Weichers, chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Cơ khí Đức, cho hay.

Mặc dù vậy, sự đi xuống của đồng Euro cũng mang trong nó hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực. Giá dầu lửa và các loại nguyên vật liệu thô được định giá bằng đồng USD đang leo thang. Giá tiêu dùng cũng có thể chịu áp lực tăng do hàng hóa nhập khẩu từ thị trường bên ngoài vào Eurozone có thể trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân ở khu vực này.

Quan trọng hơn, tình trạng đuối sức của đồng tiền chung châu Âu còn như phát đi một thông điệp chẳng mấy dễ chịu đối với châu lục này rằng, nền kinh tế khu vực của họ đang yếu kém so với kinh tế Mỹ.

New York Times cũng cho rằng, Euro mất giá cũng là bằng chứng rõ nét nhất về sự lo ngại của giới đầu tư trước cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sự bất lực của Eurozone trong việc đảm bảo các quốc gia thành viên tuân thủ chặt chẽ các quỹ định về chính sách tài khóa.

“Tình hình là đồng Euro đang yếu đi chứ không phải là do đồng USD mạnh lên. Cả thế giới đang theo dõi và ít nhiều đặt sự nghi ngờ quanh đồng Euro”, ông Ulf Scheneider, Giám đốc điều hành của Fresenius, một doanh nghiệp thiết bị y tế của Đức, nhận xét.

Tỷ giá Euro/USD thời gian qua liên tục “nhảy múa” theo diễn biến của khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.

Hồi tháng 2, Euro đã trượt giá xuống mức 1 Euro tương đương 1,35 USD do giới quan sát đặc biệt lo ngại về cuộc khủng hoảng trên. Tuy nhiên, gần đây, nhờ kế hoạch mạnh tay của Hy Lạp nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, đồng Euro đã phục hồi trở lại.

Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank của Đức, tỷ giá Euro có thể phục hồi thêm về ngưỡng 1 Euro “ăn” 1,40 USD trong vài tuần tới khi các nhà đầu tư trước đó đã thực hiện chiến lược bán khống Euro thực hiện việc mua vào để tất toán trạng thái.

Mấy ngày qua, tỷ giá Euro/USD “rung rinh” trong khoảng 1 Euro tương đương 1,36-1,38 USD theo các thông tin về khả năng EU sẽ cứu trợ Hy Lạp. Giới đầu tư hiện vẫn tỏ ra khá thận trọng vì các nước EU vẫn chưa có kế hoạch nào thật chi tiết cho việc hỗ trợ quốc gia thành viên này.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong vòng khoảng 1 năm tới, đồng Euro có thể sẽ tiếp tục suy yếu khi tăng trưởng kinh tế ở Mỹ tăng tốc nhanh hơn ở châu Âu. Ngoài ra, đồng USD có thể còn được hỗ trợ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản sớm hơn và nhanh hơn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cùng với tốc độ tăng trưởng tốt hơn ở Mỹ, lãi suất cao hơn của USD sẽ thu hút các nhà đầu tư tìm đến nhiều hơn với các tài sản bằng USD.

“FED được dự báo sẽ tăng lãi suất trong năm nay, và có những bước tăng nhanh chóng hơn. Có khả năng sang năm sau ECB mới tăng lãi suất và sẽ tăng chậm hơn”, ông Antje Praefcke, một chiến lược gia cao cấp về thị trường ngoại hối của ngân hàng Commerzbank, nhận định. Ông này dự báo, tỷ giá Euro/USD sẽ trượt về ngưỡng 1 Euro đổi được 1,20 USD vào cuối năm nay.

Mặc dù vậy, vấn đề mà các doanh nghiệp trong Eurozone quan tâm nhất những ngày này không phải là giá trị của Euro mà là tính ổn định của tỷ giá đồng tiền này. Giới chủ doanh nghiệp trong khu vực hy vọng, tỷ giá Euro sẽ không có những cú tăng giảm quá mạnh.

“Các công ty thường định ra kế hoạch kinh doanh trướng 18 tháng. Nếu tỷ giá đồng tiền biến động mạnh, họ sẽ không có đủ thời gian để phản ứng và phòng vệ”, ông Praefcke cho hay.

Trong vòng hai năm trở lại đây, sự trồi sụt mạnh mẽ của tỷ giá Euro/USD đã khiến các doanh nghiệp ở châu Âu đau đầu.

Sau khi tăng khá đều đặn trong hơn hai năm, đồng Euro đạt mức đỉnh gần 1 Euro đổi được 1,60 USD vào tháng 7/2008. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, Euro và phần lớn các đồng tiền chủ chốt khác đã đồng loạt trải qua sự biến động chóng mặt về tỷ giá. Tháng 11/2008, tỷ giá Euro/USD chỉ còn 1 Euro tương đương hơn 1,20 USD, rồi sau đó tiếp tục “nhảy múa” và leo lên mức 1 Euro đổi được hơn 1,50 USD vào tháng 12/2009.

Những biến động mạnh về tỷ giá đồng USD, Euro và Yên Nhật cũng tạo ra những cú sốc đối với đồng tiền của các nước thuộc Đông Âu và châu Á. Nhiều nhà xuất khẩu, trong đó có hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen, đã thiệt hại khá nặng vì sự biến động tỷ giá như vậy.

Theo các nhà phân tích của UniCredit, Volkswagen đã ngậm ngùi trả thêm chi phí 1,2 tỷ Euro (tương đương 1,65 tỷ USD) do biến động tỷ giá của đồng Rúp và các đồng tiền khác trong năm 2009.

Hãng bia Heineken của Đức cũng khốn đốn vì sự mất giá mạnh của đồng tiền của các nước mới nổi. Heineken cho biết, đồng Zloty của Ba Lan mất giá 23% trong năm 2009 đã khiến doanh thu của hãng sụt giảm 37 triệu USD. Tương tự, đồng USD của năm 2009 yếu đi so với năm 2008 đã khiến doanh thu của Heineken “bốc hơn” 17 triệu USD.

Trong thập kỷ qua, các công ty đã thực hiện những nỗ lực lớn nhằm tự vệ trước các cú sốc về tỷ giá. Thậm chí, nhiều công ty quy mô nhỏ cũng đã hình thành thói quen sử dụng các biện pháp phòng vệ tài chính để ngăn ngừa ảnh hướng của những thay đổi đột biến về tỷ giá có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của châu Âu như Daimler, BMW... đã mở rộng hoạt động tại Mỹ để điều chỉnh chi phí sản xuất về mức phù hợp với doanh số.

Kiều Oanh

Hệ lụy của việc đồng euro giảm giá

Theo nhận định của các nhà phân tích, đồng euro giảm có thể là chủ đề nóng trên tất cả các báo nhưng điều đó không phải là vấn đề chính, mặc dù nó có thể làm trầm trọng thêm bất đồng của khu vực đồng tiền chung châu Âu với lợi ích của các nền kinh tế mạnh hơn.

Các lãnh đạo chính trị và các nhà kinh tế đồng ý rằng, chính phủ của 16 nước trong khối đồng tiền chung euro phải giải quyết tình hình nợ và thâm hụt vốn đã làm "xói mòn" niềm tin vào loại tiền tệ đặc biệt - dự án tham vọng nhất của Liên minh châu Âu cho đến nay.

Các quốc gia dễ bị tổn thương như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha “vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ lớn là kiềm chế tài chính công và/hoặc khắc phục sự thiếu khả năng cạnh tranh,” nhà kinh tế châu Âu Howard Archer, thuộc hãng IHS Global Insight nhận xét.

Hôm 17/5/2010, lần đầu tiên trong vòng bốn năm, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất bằng 1,2235 USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, khi đồng euro giảm, các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ được lợi, bởi điều này làm cho hàng hóa của châu Âu sẽ rẻ hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó một số nhà phân tích khác lại nghĩ rằng, đồng euro có thể sẽ giảm nữa, thậm chí sẽ có giá trị ngang với đồng đô la.

Đồng euro bắt đầu được giao dịch từ tháng 01/1999 với tỷ giá 1,1837USD/euro, giảm kỷ lục vào tháng 10/2000 ở mức 0,8230USD/euro và sau đó đã tăng trở lại với mức kỷ lục 1,6038USD/euro vào tháng 07/2008 khi các nhà đầu tư bỏ qua đồng đô la trong cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu.

Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã soạn thảo hai kế hoạch cứu trợ trị giá hơn một nghìn tỷ USD trong khi củng cố các điều kiện cho vay đối với các nền kinh tế khu vực đồng euro, tuy nhiên đây không phải là một giải pháp lâu dài.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, gói cứu trợ “không làm gì hơn là kéo dài thời gian cho đến khi chúng tôi (các quốc gia sử dụng đồng euro) đem lại trật tự cho những bất đồng mang tính cạnh tranh và cho thâm hụt ngân sách của các nước đồng tiền chung châu Âu nói riêng.”

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet nói: “Cần phải có một bước nhảy vọt trong việc quản lý khu vực đồng euro.”

Chuyên gia kinh tế cao cấp Carsten Brzeski của ING thì cho rằng, không nên coi tỷ giá của đồng euro và đồng đô là như một loại giá cổ phiếu của khu vực sử dụng đồng euro. Theo ông, đồng euro giảm chắc chắn sẽ có lợi đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức, Hà Lan hay hơn nữa là Hy Lạp và Tây Ban Nha – những nước có ngành xuất khẩu yếu hơn nhiều so với các nước khác.

“Điều này chắc chắn không giảm hoặc thu hẹp sự chia rẽ giữa khu vực đồng tiền chung châu Âu, mà (thực sự) nó sẽ mở rộng thêm sự bất đồng này,” ông nói.

Ông Brzeski giải thích, giá trị tiền tệ là yếu tố then chốt chỉ ra tính cạnh tranh của một quốc gia. Bên cạnh đó, còn phải xét đến các yếu tố khác như sản phẩm chuyên biệt, chất lượng hàng hóa sản xuất, chi phí sản xuất và mức độ hội nhập của các công ty đạt được tại thị trường nước ngoài.

Nhà kinh tế Jonathan Loynes thuộc hãng Capital Economics dự báo, đồng euro có thể sẽ giảm nữa và sẽ tương đương với đồng đô la vào cuối năm tới.

3 lý do để tin đồng EUR

Chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ châu Âu, mấy tháng qua, đồng EUR mất giá mạnh. Trong đó, tỷ giá đồng EUR so với đồng USD đã giảm từ 1/1,5 của cuối năm ngoái xuống còn mức 1/1,3 như hiện nay. Có nhà phân tích dự đoán, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế khu vực Eurozone, trong một thời gian ngắn sau đó, đồng EUR vẫn sẽ tiếp tục mất giá và tỷ giá EUR/USD có thể tụt xuống 1/1

Rất nhiều người coi việc đồng EUR mất giá liên tục là một dấu mốc của cuộc khủng hoảng đồng EUR. Có người thậm chí còn dự đoán, chịu tác động bởi khủng hoảng nợ châu Âu, đồng EUR với lịch sử 11 năm có thể “sụp đổ”

Trên thực tế, chuyện không đến mức kinh hoàng như vậy, đồng EUR là tiền tệ mà 16 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone cùng sử dụng chung, mặc dù trong thời gian ngắn sẽ vấp phải những ảnh hưởng bất lợi từ khủng hoảng nợ châu Âu, nhưng về lâu dài, nó vẫn có tiềm lực rất lớn, hoàn toàn có thể tiếp tục trưởng thành để trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế lớn thứ hai toàn cầu ngoài đồng USD.

Có 3 lý do chủ yếu để tin tưởng đồng EUR. Thứ nhất, biến động tỷ giá từ trước đến nay không còn là tiêu chuẩn tuyệt đối để đo đơn vị tiền tệ này có thể “sụp đổ” hay không, đặc biệt là khi so với các đơn vị tiền tệ có lượng giao dịch rất lớn trên thị trường ngoại tệ như đồng USD, đồng EUR và đồng Yên. Từ lịch sử cho thấy, tỷ giá đồng EUR so với đồng USD hiện vẫn đang nằm trong phạm vi biến động bình thường. Đầu năm 1992, khi đồng EUR ra đời, tỷ giá đồng EUR so với đồng USD nằm trong khoảng 1/1,2. Sau đó tăng tăng giảm giảm, cuối cùng, đến cuối tháng 10/2000, đã từng sụt xuống mức 1/0,82. Cho nên, trong thời gian tới, việc tỷ giá đồng EUR/USD tiếp tục đi xuống, thậm chí còn phá vỡ “mức giá phải chăng”, cũng không phải là một chuyện to tát gì.

Thứ hai, sức cạnh tranh lâu dài của đồng EUR vẫn còn. Trên thực tế, trước khi cơn bão nợ châu Âu đổ bộ, điều mà rất nhiều người lo lắng không phải là vấn đề đồng EUR, mà là vấn đề đồng USD, nguyên nhân chủ yếu nằm ở thâm hụt tài chính và thâm hụt các tài khoản vãng lai hàng năm của Mỹ, đã ăn mòn nghiêm trọng nền tảng ổn định giá trị của đồng USD. Cục dự trữ liên bang Mỹ FED trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thực thi chính sách “lãi suất 0%”, điều này đã gia tăng thêm những lo lắng của mọi người về “khủng hoảng đồng USD” trong tương lai. Hiện nay, tỷ giá đồng EUR/USD đang tuột dốc, không phải có nghĩa là đồng USD thực sự an toàn hơn, mà là do đồng EUR trong thời gian ngắn chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ châu Âu, nên bị các nhà đầu tư “xem thường’. Về lâu dài, sức cạnh tranh chỉnh thể của các quốc gia Eurozone bao gồm sáng tạo khoa học công nghệ, các doanh nghiệp lớn, thương hiệu và thị trường tài chính tương đối hoàn thiện chịu sự giám sát cũng sẽ biến mất hoàn toàn do khủng hoảng nợ châu Âu. Ngoài ra, sự coi trọng của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đối với lạm phát cũng không bằng FED.

Thứ ba, các nước thành viên EU, đặc biệt là Đức, Pháp – hai cường quốc của khu vực Eurozone sẽ không tiếc gì để bảo vệ đồng EUR. Đồng EUR là một trong những thành quả vĩ đại nhất của hội nhập kinh tế châu Âu. Ít nhất từ hiện tại cho thấy, bất chấp dư luận bên ngoài có bình luận thế nào, các nước thành viên cũng không xem xét đến việc từ bỏ đồng EUR. Đồng EUR trên thực tế đã đại diện cho phương hướng phát triển của hội nhập châu Âu, từ bỏ đồng EUR cũng đồng nghĩa nỗ lực hội nhập của các nước châu Âu trong mấy chục năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển, phương hướng phát triển tương lai của châu Âu sẽ phát sinh chuyển biến mang tính cơ bản. Cái giá này là điều mà bất kỳ quốc gia Eurozone nào đều không thể chấp nhận được.

Thực tế là, các nước Eurozone có rất nhiều cách để có thể “bảo vệ” đồng EUR, sở dĩ hiện tại không dùng một số cách là vì sự biến động tỷ giá hiện nay không nằm trong phạm vi bình thường, về cơ bản chưa cần thiết phải dùng những biện pháp thông thường để “cứu” đồng EUR. Nếu thật sự đến thời khắc quan trọng cần phải bảo vệ thành quả 10 năm hội nhập châu Âu, các biện pháp như các nước Eurozone hoặc sẽ đạt thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với FED, hoặc đơn phương hạn chế giao dịch đầu cơ của thị trường ngoại tệ 10 năm, hay công khai bán tháo đồng USD trên thị trường, đều có thể được cân nhắc. Nhưng khả năng xảy ra tình huống này rất thấp.

Đồng EUR ra đời cũng đã được 11 năm, cũng giống như bất kỳ một sự vật nào, đều có quá trình phát triển, lớn mạnh, đồng EUR cũng như vậy. Khủng hoảng nợ châu Âu là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nó ra đời đến nay. Nhưng ít nhất hiện tại cho thấy, điều này càng giống như là “sự phiền não của sự trưởng thành” chứ không phải là “lâm vào bước đường cùng”.