NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Viêm phổi là gì - BS Nguyễn Trần Hoàng

Các bệnh viêm phổi là bệnh thường gặp nhất và cũng là bệnh gây tử vong cao nhất ở Việt Nam; trước khi nói về viêm phổi, xin bác sĩ nói sơ qua về lá phổi: Phổi nằm ở đâu? Có nhiệm vụ gì?

Phổi là cơ quan quan trọng của hệ thống hô hấp, nằm hai bên lồng ngực.

Hệ thống hô hấp bắt đầu từ mũi là nơi nhận không khí đầu tiên, vào đến khí quản, rồi dẫn đến hai phế quản chính dẫn vào hai lá phổi, rồi chia ra các nhánh nhỏ để vào các thùy của phổi, đến các nang khí nhỏ tiếp xúc với các mạch máu li ti giúp không khí trao đổi với các thán khí, để thán khí được thải trở lại ra ngoài, và dưỡng khí được máu dẫn đến các tế bào.

Sưng phổi có phổi là viêm phổi không ? Viêm phổi là gì?

Người miền Nam thường dùng từ “sưng phổi” để thay cho “viêm phổi”. Thực ra, sưng phổi và viêm phổi là một.

Viêm phổi là tình trạng các thành phần chính của phổi, đặc biệt là các phế nang, tức là các đơn vị giúp phổi trao đổi khí, bị tổn thương khiến cho dưỡng khí không thể đi vào máu, và do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là não bị thiếu dưỡng khí. Nếu không chữa kịp thời, cơ thể sẽ chết vì thiếu dưỡng khí.

Các nguyên nhân của viêm phổi ?

Phổi bị viêm thường là do nhiễm vi trùng hoặc siêu vi trùng. Rất nhiều vi trùng và siêu vi trùng khác nhau có thể gây ra viêm phổi. Tùy theo từng nguyên nhân khác nhau mà triệu chứng có thể khác nhau.

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở người mạnh khoẻ , hoặc ở người lớn tuổi, hoặc trẻ em nhỏ, suy giảm miễn dịch; nó có thể xảy ra ngoài bệnh viện hoặc ở những người đã bệnh sẵn và đang nằm trong bệnh viện hoặc trong các viện điều dưỡng.

Một nguyên nhân viêm phổi nữa là do hít phải các chất hoá học hay vi trùng từ miệng hay dạ dày vào phổi. Loại viêm phổi này thường xảy ra ở những người bị tai biến mạch não, có vấn đề trong việc điều khiển phản xạ nuốt, hoặc những người bị hôn mê do rượu hay quá liều các loại thuốc khác.

Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân nào thường gặp nhất, và nguyên nhân nào nguy hiểm nhất?

Viêm phổi bị lây trong cộng đồng thường gặp nhất.

Những người trẻ, mạnh khoẻ, bị nhiễm các loại vi trùng ít kháng thuốc và “hiền”, thường nhẹ hơn, tỉ lệ biến chứng và tử vong thấp hơn.

Trẻ em nhỏ, người lớn tuổi, đã bị bệnh sẵn, bị lây trong bệnh viện, thường nguy hiểm hơn, vì các vi trùng này thường kháng nhiều thuốc, và sức đề kháng của bệnh nhân để chống chọi với bệnh tật cũng yếu hơn nhiều.

Lạnh có gây ra sưng phổi không ?

Cảm cúm thường xảy ra và mùa lạnh, và viêm phổi có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm. Tuy nhiên, lạnh không phải là nguyên nhân của viêm phổi.

Các triệu chứng của viêm phổi ?

Tùy theo loại vi trùng hoặc siêu vi trùng nào gây ra viêm phổi, triệu chứng có thể khác nhau.

Nói chung, trong các trường hợp viêm phổi điển hình, bệnh nhân bị sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, ho có đàm, đôi khi trong đàm có thể vấy máu, bị đau ngực, khó thở, đôi khi bị tím tái.

Trong các trường hợp viêm phổi không điển hình, có khi chỉ có mệt mỏi, ho khan, sốt nhẹ.

Ở người lớn tuổi, viêm phổi đôi khi có thể chỉ biểu hiện bằng triệu chứng kiệt sức, mệt mỏi, lú lẫn.

Thường viêm phổi kéo dài bao lâu ?

Bệnh viêm phổi có thể kéo dài từ vài ngày đến đến vài tuần. Thời gian bệnh phụ thuộc vào việc bệnh có được điều trị kịp thời và thích hợp hay không, sức đề kháng của bệnh nhân, và bệnh nhân có còn có những bệnh gì khác hay không.

Sau khi hết viêm phổi, thời gian để hồi sức như trước khi bị viêm phổi cũng có thể kéo dài từ một tuần đến vài tuần.

Đó là các trường hợp không bị biến chứng. Nếu bị biến chứng, thời gian có thể kéo dài hơn nhiều.

Các biến chứng của viêm phổi là gì?

Các biến chứng của viêm phổi có thể là:

- Nhiễm trùng lan đến các phần khác của cơ thể hoặc nhiễm trùng toàn thân.

- Áp xe phổi, tức là sự tạo thành một hay nhiều ổ mủ trong phổi .

- Tràn dịch, tràn mủ màng phổi : phổi gồm có hai màng bao bọc, thường chỉ có một lớp dịch rất mỏng giữa hai màng này, nếu bị tràn dịch hay mủ, dịch hoặc mủ sẽ tụ giữa hai lớp màng này .

- Hoại tử phổi, tức là các mô của phổi bị huỷ hoại và chết đi do nhiễm trùng .

Tỉ lệ tử vong có cao không? Trường hợp nào thường bị nặng, có tỉ lệ tử vong cao hơn?

Viêm phổi đang là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam. Tỉ lệ tử vong tuỳ theo loại vi trùng, sức khỏe chung của bệnh nhân.

Nói chung, dù là nguyên nhân nào, điều trị sớm bằng kháng sinh và các phương pháp phụ trợ thích hợp (như là cung cấp đủ dưỡng khí, thuốc chống sốt, dinh dưỡng trong lúc bệnh nhân không ăn được, theo dõi để phòng và trị sớm các biến chứng, trị các bệnh khác một cách thích hợp và kịp thời,...) là yếu tố quan trọng nhất để giảm biến chứng và tử vong.

Chúng ta sẽ thảo luận về cách đối phó với căn bệnh thường gặp và nguy hiểm này, những gì có thể và nên làm để bệnh có thể được điều trị kịp thời, hiệu quả và tránh được các biến chứng.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Viêm phổi do virus ở trẻ em

Viêm phổi do virus gây tổn thương cấp tính, lan tỏa hai bên phổi, gây suy hô hấp, tiến triển rất nặng. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, não sẽ thiếu ôxy nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong hoặc có di chứng nặng nề.

Các loại virus thường gây viêm phổi ở trẻ em là: cúm, thủy đậu, virus hợp bào hô hấp, corona, H5N1. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp. Trẻ em có thể nhiễm sau khi tiếp xúc với bạn bè, người lớn mắc bệnh 2-3 tuần. Trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh, nặng.

Nguy cơ viêm phổi do virus tăng ở những trẻ có bệnh lý khác kèm theo như suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch (trẻ nhiễm HIV/AIDS), một số dị tật bẩm sinh về tim mạch, phổi, lồng ngực, đẻ thiếu cân. Ở những trẻ này, bệnh thường nặng và khó điều trị hơn. Mặt khác, do chúng ta không có thuốc đặc hiệu kháng virus nên rất khó khăn và tốn kém cho điều trị.

Ở giai đoạn sớm, trẻ có thể chỉ sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, thở khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc... Nếu không được điều trị đúng và theo dõi sát, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi; có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng. Nghe phổi có nhiều ran ẩm nhỏ hạt. Có thể có rối loạn tuần hoàn như shock, trụy tim mạch... Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy cung cấp cho não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật.

Để chẩn đoán nguyên nhân viêm phổi, cần xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, soi mũi họng, cấy dịch mũi họng... Nếu nghi ngờ viêm phổi do virus thì nên chụp phổi kiểm tra hằng ngày, thậm chí 2 lần/ngày.

Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do virus nói chung cần được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế. Không nên tự cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh, rất khó khăn cho chẩn đoán và điều trị. Khi phát hiện thì phải được nhập viện và cách ly. Trẻ cần được chống suy hô hấp, chăm sóc tốt, hạ sốt, cân bằng rối loạn nội môi do sốt và độc tố của virus gây ra.

Để phòng bệnh, cần bảo đảm cho trẻ có một sức khỏe tốt. Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông, vệ sinh sạch sẽ, súc miệng hằng ngày với trẻ lớn. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Nhỏ mũi hằng ngày bằng natriclorit 9%o. Cách ly trẻ với người lớn và trẻ khác bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

Cần phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nơi cư trú khám để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, tránh lây lan cho người khác, không nên tự dùng thuốc cho trẻ. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, bảo đảm thai nhi phát triển tốt, nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh và kéo dài đến 2 tuổi.

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế (tiêm đủ các loại vacxin của Chương trình tiêm chủng mở rộng). Ngoài ra, còn có một số loại vacxin phòng viêm đường hô hấp, nhưng khi tiêm cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ y tế nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.