NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Con Chip quản lý năng lượng cao cấp VS8801A “made in Vietnam" : Bước chân thần tốc của công nghệ Việt - ông Võ Hữu Hải ,Tổng giám đốc Công ty Bán dẫn Việt Nam VSMC , Kiều bào Mỹ

Ẩn trong câu chuyện về con chip điện tử là tham vọng xây dựng một thương hiệu Việt trên thị trường công nghệ cao thế giới của một doanh nhân Việt Kiều. Võ Hữu Hải ( Harold H. Vo ), doanh nhân Việt kiều Mỹ, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bán dẫn Việt Nam (VCMC), chính là người đang nuôi tham vọng ấy: Xây dựng một thương hiệu Việt trên thị trường công nghệ cao thế giới. Ông tâm sự: “Lợi thế của nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghệ cao rất tốt. Đặc biệt là việc xây dựng các công ty thiết kế chip phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Nếu không làm ngay từ bây giờ, tôi e rằng sẽ muộn”.

Tốt nghiệp Đại học Berkeley ( California ) chuyên ngành điện tử năm 1986, sau 7 năm làm việc cho công ty điện tử AMD tại Mỹ, ông cùng vài người bạn mở Công ty IMT và sau đó bán lại cho một công ty của Đài Loan. Đến năm 1999, ông về Việt Nam thành lập Công ty Advanti International Inc. (AII), chuyên thiết kế gia công IC ( mạch tổ hợp dùng trong máy vi tính ). Chính trong thời gian này, ông nuôi tham vọng gầy dựng một thương hiệu Việt Nam công nghệ cao sản xuất chip, cũng như thiết bị điện tử “made in Vietnam” xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Cuối năm 2005, ông thành lập công ty mới, PMT, chuyên sản xuất sản phẩm quản lý năng lượng cho thiết bị cầm tay. Tháng 12-2006, PMT, AII và Chíp Sáng thành lập nên VSMC và chính thức hoạt động từ tháng 3-2007. Chíp Sáng tiền thân là công ty công nghệ cao do ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp cao TP.HCM, sáng lập.

Với nỗ lực của 27 kỹ sư trong nước, 10 cộng sự ở nước ngoài và các Việt kiều, đến nay con chip có tên VS8801A của VSMC đang được hoàn thiện và sẽ ra đời trong năm tới. VSMC hiện có 4 dòng sản phẩm gồm chip và các hệ thống: Kiểm soát năng lượng; đo độ ẩm, độ PH, độ mặn trong sản xuất thủy sản, nông sản; đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng sử dụng trong nhà… Không giấu tham vọng và niềm tự hào, ông Hải nói: “Tôi muốn những con chip này sẽ đóng dấu ấn của người Việt lên lịch sử công nghệ thế giới”.

Thị trường 2 tỉ sản phẩm/năm

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng chip điện tử và hệ thống này trong trường hợp nào ?

Ông Võ Hữu Hải : Nó sẽ rất tiện lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm. Chẳng hạn, muốn xuất một lô hàng thủy sản đi Mỹ, nếu gắn chip và hệ thống này trên container, chúng sẽ ghi lại tất cả lịch trình vận chuyển, bảo quản hàng hóa trên tàu. Giả sử lô hàng đó đòi hỏi phải được bảo quản liên tục ở 5oC, nhưng nhà vận tải tiết kiệm điện, tắt máy lạnh đi. Khi sang Mỹ, nhà nhập khẩu sẽ đọc lịch trình vận chuyển trên chip và quy ra được hàng hóa hỏng do nhà sản xuất hay vận chuyển.

Xuất phát từ đâu mà ông đặt ra tham vọng xây dựng con chip Việt cạnh tranh với thương hiệu Fyrestorm đã nổi tiếng thế giới ?

Ông Võ Hữu Hải : Thật ra, đây là sản phẩm công nghệ cao, không dễ làm. Nhưng chúng tôi có những chuyên gia Việt kiều giỏi về thiết kế bán dẫn, kiểm soát năng lượng ngang tầm chuyên gia thế giới. Fyrestorm mất 4 năm ( 2003 đến cuối năm 2006 ) mới nghiên cứu và trình làng sản phẩm đầu tiên với 56 triệu USD đầu tư nhận được từ Intel và các nhà đầu tư khác. Chúng tôi theo chuẩn con nhà nghèo, chi phí chỉ bằng 1/10 so với Frestorm, khởi động từ tháng 3.2007 nhưng đến quý III/2009 sẽ trình làng chip quản lý năng lượng cao cấp. Thiết bị về kiểm soát năng lượng, ngoài chip VS 8801A của VSMC, chỉ có của Fyrestorm. Và chúng tôi đang nhắm đến thị trường thiết bị di động thế giới với 2,1 tỉ sản phẩm tiêu thụ trong năm 2008, mỗi năm tăng khoảng 17%.

Cần những nhà đầu tư Việt

Giá của một con chip và hệ thống dành cho các ngành thủy, nông sản là bao nhiêu ?

Ông Võ Hữu Hải : Hiện tại, tôi biết nột số công ty ở Việt nam mua chip và hệ thống “datalogger” từ Anh với giá thành về đến đây khoảng 180USD ( gồm chip, phần mềm, dây cáp để nối vào máy vi tính khi đọc ). Nhưng sản phẩm của VSMC, chúng tôi bảo đảm giá bán sẽ dưới 100 USD. Với giá đó, chúng tôi cũng đã lãi hơn 100% rồi.

Tại sao lại sản xuất tại Đài Loan, trong khi ông đặt vấn đề từ đầu là Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực ?

Ông Võ Hữu Hải : Việt Nam có lợi thế xây dựng được nguồn nhân lực là kỹ sư, chuyên gia thiết kế. Nhưng đối với sản phẩm chip bán dẫn, hiện Việt Nam chưa thể đầu tư xây dựng nhà máy được. Chỉ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung…mới có điều kiện xây dựng nhà máy. Trên thế giới hiện có 60% sản phẩm chip điệu tử được làm từ các công ty gia công. Hiện chúng tôi thuê gia công IC tại Công ty TSMC của Đài Loan.

Ông chưa thể đưa ra một dẫn chứng để thuyết phục rằng, tương lai của con chip điện tử Việt Nam sẽ tạo được dấu ấn trên thị trường công nghệ thế giới ?

Ông Võ Hữu Hải : Theo khảo sát thị trường của VSMC và kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này hơn 20 năm tại Mỹ, trong vòng 4-5 năm nữa, chỉ cần chiếm 5% thị trường chip trong các thiết bị cầm tay thế giới, riêng sản phẩm VS8801A sẽ có thể mang về lợi nhuận vài trăm triệu USD/năm. Cái chúng tôi cần là sự hợp lực đầu tư của nhà đầu tư trong nước, để có một chip Việt 100% chứ không phải liên doanh với nước ngoài. Dù việc gọi vốn đầu tư nước ngoài đễ dàng hơn nhiều do họ đã quen với đầu tư công nghệ cao.

Việt Nam nên học cách làm của ai để đưa ngành này thành ngành mũi nhọn ?

Ông Võ Hữu Hải : Việt Nam nên học kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Chính phủ Malaysia hỗ trợ cho mỗi doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn 1 triệu USD trong thời gian đầu. Việt Nam hầu như không chú ý đến việc này. Kêu gọi phát triển mà Chính phủ không đầu tư thì rất khó. Và tôi cũng chưa thấy quốc gia nào có ngành sản xuất bán dẫn phát triển mà không có sự hổ trợ của Chính phủ.

Nếu không được sự giúp đỡ từ Chính phủ, ông sẽ phát triển VSMC như thế nào để thực hiện tham vọng của mình ?

Ông Võ Hữu Hải : Chúng tôi có quyết tâm lớn. Nhưng nói thật, chưa bao giờ tôi làm một công ty công nghệ cao mà phải đi tìm nguồn đầu tư cực và khó như ở Việt Nam hiện nay.

Hiện chúng tôi đang làm việc với một quỹ đầu tư của Việt kiều nhưng hoạt động tại nước ngoài. Tôi hy vọng nhiều nhà kinh doanh Việt có tiền, đặc biệt là có cùng tầm nhìn và chí hướng với chúng tôi, sẽ cùng tham gia dự án vì một thương hiệu công nghệ cao của Việt Nam.

CHIP QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG CAO CẤP VS8801A : Bước chân thần tốc của công nghệ Việt

Rẻ hơn, nhỏ hơn, nhẹ hơn... và thông minh hơn là ưu điểm khiến VS8801A sẽ trở thành sản phẩm cạnh tranh với người đi trước là Fyrestorm (Mỹ), công ty duy nhất hiện nay sở hữu công nghệ sản xuất sản phẩm hiện đại này. Không phải cảnh chạy theo, kế thừa công nghệ quen thuộc, lần ra mắt này của VS8801A- chip cao cấp có chức năng quản lý năng lượng, dùng trong các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc, PDA...- là thành quả của hành trình đi trước thế giới.

Đổi thay lịch sử

Nếu chỉ tính quá trình triển khai dự án tại Việt Nam, thời gian “mang thai” VS 8801A chỉ vỏn vẹn 6 tháng. Đó là sự kết hợp của hơn 20 kỹ sư làm việc trong nước và 10 cộng sự ở nước ngoài. Khác với phương pháp Analog, phải sử dụng nhiều chip quản lý năng lượng như hiện nay, chip VS8801A sử dụng công nghệ tích hợp kỹ thuật số (Advanced Adaptive Controlled), chỉ cần 1 đơn vị đã có khả năng phân chia, cung cấp điện thế và dòng điện chính xác trong các thiết bị cầm tay. Như vậy, vấn đề diện tích thiết bị sẽ được giảm thiểu một cách đáng kể. “Nếu các điện thoại di động hiện nay sử dụng chip này, kích thước của chúng sẽ nhỏ lại hơn 30%”- Võ Hữu Hải, Tổng Giám đốc VSMC, người “chủ xị” của công trình nghiên cứu, ứng dụng này tiết lộ. Phương pháp này cho phép sử dụng tụ, điện trở, cuộn cảm nhỏ, rẻ tiền hơn nên chi phí sản xuất chỉ còn 60% so với hiện tại.

Ra đời sau sản phẩm của Fyrestorm (Mỹ) 6 tháng, VS8801A ngoài việc giải quyết được các nhược điểm của “tiền bối” về chi phí, trọng lượng, diện tích..., chú chip thông minh này còn là sản phẩm phá thế độc quyền, mở ra một cuộc cạnh tranh công nghệ mà đối thủ trong cuộc chạy đua này là Việt Nam và Mỹ.

Học hỏi cách phân công công việc của thế giới, VS8801A sẽ không được sản xuất tại Việt Nam vì không đủ thiết bị, nhân công cũng như kỹ thuật mà sẽ kết hợp với TSMC (Đài Loan), đơn vị gia công chip hàng đầu thế giới, việc ký hợp đồng với người Việt, sản xuất VS8801A của TSVM là một trong những bảo chứng cho khả năng chiếm lĩnh thị trường của dòng sản phẩm này trong tương lai. Ông Nguyễn Phước Quỳnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc VSMC, nhớ lại những ngày sang Đài Loan thuyết phục đối tác này: “Phải thấy được tính ứng dụng của sản phẩm ở quy mô toàn thế giới, đơn vị này mới chấp nhận ký hợp đồng”. Tháng 2 vừa qua, đơn vị này cũng đã hoàn thành và chuyển giao các sản phẩm mẫu về Việt Nam. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn tới, con chip bé nhỏ đại diện cho bước tiến của công nghệ Việt sẽ được gửi đến những nhà sản xuất thiết bị cầm tay thế giới, thực sự trải qua quá trình kiểm định chất lượng và khả năng thích ứng với sản phẩm của họ.

Dấu ấn người Việt

Tốt nghiệp Đại học Berkeley ( California - Mỹ ), chuyên ngành điện tử, Võ Hữu Hải dành cho mình 5 năm làm việc trong một công ty điện tử của Nhật ở Mỹ với vị trí kỹ sư tập sự để tiếp xúc thực tế và tích lũy kinh nghiệm. Nhận thấy việc thiết kế chip phải đồng hành cùng khả năng kinh doanh, anh quyết định đồng thời học 2 bằng thạc sĩ điện tử và quản trị kinh doanh để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, chưa kịp ứng dụng những kiến thức học được vào Actranas System, công ty thiết kế chip do anh cùng bạn bè lập ra trên đất Mỹ thì công ty đã phải chuyển giao cho người khác với giá 25 triệu USD. “Tôi không đủ cổ phần để quyết định giữ lại công ty”- anh chia sẻ.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy mình có gần 30 năm gắn kết với chip, “đứa con đầu lòng” cũng có người khác nuôi, anh quyết định gom vốn về đất mẹ. Advanti Internation, INC là bước thử nghiệm của anh tại Việt Nam. Năm năm vừa điều khiển công ty qua... Internet, vừa xây dựng dự án về VS8801A, nhận thấy đã đủ điều kiện phát triển tại quê nhà, anh chính thức trở về. Anh tự tin cho biết nguyên nhân: “Tôi muốn con chip này sẽ đóng dấu ấn của người Việt lên lịch sử công nghệ thế giới”. “Xem công việc là nghề nghiệp chứ không phải là phương tiện kiếm sống” là phương châm của anh, cũng là câu cửa miệng anh thường dùng để động viên tinh thần làm việc cho nhân viên. Làm việc trong công ty của Võ Hữu Hải, ngoài 3 người, trong đó có anh, thuộc hàng U50, toàn bộ nhân viên đều là những người còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học. “Họ mới chính là người sở hữu công nghệ tương lai, phải cho họ cơ hội”- anh nói về cách chọn nhân viên của mình như vậy. Tâm huyết với thế hệ trẻ như thế nên tuần nào, anh cũng dành thời gian đứng lớp, truyền thụ lại những kiến thức mình lĩnh hội và tích lũy được trong quá trình làm việc tại nước ngoài. “Cũng là cách “tạo vốn” cho công nghệ nước nhà tương lai mà”- Võ Hữu Hải đùa.

Cuộc chơi mạo hiểm

Nhẩm một bài tính nhỏ, trong 4 năm nữa, chỉ cần chiếm lĩnh 5% thị trường chip trong các thiết bị cầm tay của thế giới hiện nay, VS8801A đã có thể mang về lợi nhuận hàng tỉ USD. Đó chính là lý do Intel dám đầu tư vào sản phẩm tương tự của Fyrestorm. Các nhà sản xuất thiết bị cầm tay không thể từ chối sản phẩm mới, ưu việt này, nhưng vấn đề hiện nay của VSMC vẫn là nguồn vốn để có thể đẩy nhanh sản xuất. “Chúng tôi không muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, với lợi thế vốn mạnh, họ sẽ nắm được quyền điều hành”- Võ Hữu Hải bộc bạch. Vì điều này mà anh và các cộng sự vẫn kiên trì tìm đến các nguồn đầu tư trong nước để người Việt thực sự trở thành chủ nhân của công nghệ này.

Nhìn về tương lai của VS8801A, anh tư lự: “Nếu có đủ vốn, chúng tôi tin đến 90% mình sẽ thắng”. Nhưng, vẫn còn đến mười phần trăm rủi ro còn lại, phụ thuộc vào những yếu tố phát sinh? Anh cười: “Đầu tư công nghệ là một cuộc chơi mạo hiểm, có thể mất nhiều thứ trong cuộc chơi này nhưng công nghệ, chất xám thì còn đó”. Triết lý của vị giám đốc này có vẻ phảng phất tinh thần AQ nhưng ngẫm lại chặng đường anh đã đi qua, có thể hiểu vì sao anh nói thế. Nếu không kiên trì nuôi dưỡng, đeo đuổi hành trình mạo hiểm trong công nghệ thì có lẽ sẽ khó mà bứt phá vị trí và thói quen kế thừa, vươn lên ở vị trí người dẫn đầu.

Phương Quyên