NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Thành Phố HCM đi đầu trong xã hội hóa y tế

Sau hơn 10 năm triển khai xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành Phố HCM hiện được đánh giá là một trong những địa phương gặt hái thành công chủ trương này. Với 28 bệnh viện và hàng ngàn cơ sở hành nghề y dược tư nhân, hệ thống y tế ngoài công lập này đang góp phần không nhỏ bảo vệ sức khỏe người dân Thành Phố.

Bệnh viện tư : đáp ứng nhu cầu người bệnh

Một trong những đơn vị y tế tư nhân ra đời sớm sau khi Bộ Y tế và UBND Thành Phố HCM chủ trương xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân phải nói đến là Bệnh viện đa khoa Triều An. Qua 9 năm hoạt động, Bệnh viện Triều An, từ quy mô 200 giường lúc ban đầu đã tăng lên 350 giường với đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đã tiến tới mô hình bệnh viện - khách sạn nhằm đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.

Hiện Bệnh viện đã xây dựng được 15 chuyên khoa sâu, một trung tâm chẩn đoán y khoa với năng lực khám chữa bệnh lên tới hàng ngàn bệnh nhân/năm. Tiếp đến là Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ và bây giờ là tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ được thành lập vào năm 1997.

Đến nay, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã triển khai công tác khám chữa bệnh tại 2 cơ sở ( quận 3 và quận Tân Bình ) với tổng quy mô trên 100 giường nội trú, thực hiện chức năng khám chữa bệnh với 18 chuyên khoa như: nội, ngoại tổng quát, nhi khoa, sản phụ khoa, thần kinh, tim mạch, hô hấp, nội tiết, tiêu hóa… Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh ra đời muộn hơn nhưng cũng đã chia sẻ gánh nặng với hệ thống Bệnh viện công lập. Thành lập năm 2006, Bệnh viện được xây dựng theo mô hình “ Bệnh viện khách sạn 3-4 sao ” với trên 120 giường bệnh, 18 khoa lâm sàng và cận lâm sàng với 12 phòng khám các chuyên khoa.

Về khía cạnh đa khoa, không chỉ 3 Bệnh viện điển hình nói trên mà còn phải kể tới một loạt các bệnh viện tư nhân khác có quy mô như Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh, Bệnh viện Vạn Hạnh, Sài Gòn ITO… hay như Bệnh viện liên doanh Pháp - Việt. Về mặt chuyên khoa, phải kể đến sự đóng góp của Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện Ngọc Tâm…

Cùng với đó là hàng ngàn phòng khám đa khoa và chuyên khoa tư nhân khác cũng đã chia sẻ không ít cho hệ thống y tế công lập. Theo Sở Y tế Thành Phố HCM, tính đến cuối năm 2008, toàn TP đã có hơn 13.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân với hơn 90 phòng khám đa khoa và 28 bệnh viện tư nhân với tổng cộng gần 20.000 giường bệnh nội trú.

Bệnh viện công : tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, nhiều Bệnh viện công trực thuộc Sở Y tế Thành Phố HCM đã triển khai hiệu quả. Trên cơ sở đó, một số Bệnh viện đã chủ động huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở, buồng bệnh, lắp đặt máy móc thiết bị…

Trong đó, một số Bệnh viện không chỉ đảm bảo tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho người dân mà tạo được nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Điển hình về mặt xã hội hóa của các Bệnh viện công lập là trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, xây dựng các phòng khám theo nhu cầu, phòng khám ngoài giờ, các khu y tế kỹ thuật cao…

Chẳng hạn các năm qua Bệnh viện Nhân dân 115 đã tích cực trong việc kêu gọi xã hội hóa với sự đóng góp mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại. Từ đó không chỉ nâng cao khả năng chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân mà đã giảm đi gánh nặng cho nguồn ngân sách vốn luôn hạn hẹp. Tương tự, theo tính toán sơ bộ của Sở Y tế Thành Phố HCM, đến nay gần 70% trong số 30 Bệnh viện tuyến Thành Phố và 24 Bệnh viện quận huyện khác cũng đã rất thành công triển khai được các thiết bị chẩn đoán tiên tiến, buồng bệnh hiện đại từ công tác xã hội hóa, …

Tại buổi làm việc với Sở Y tế Thành Phố HCM trong năm 2008 về công tác xã hội hóa y tế, HĐND Thành Phố HCM khẳng định, nhờ xã hội hóa, bệnh viện công có thể giảm tải, đưa kỹ thuật cao đến cho người bệnh, nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế... Chính vì vậy cần phát huy chủ trương này và tạo điều kiện để các Bệnh viện công triển khai hiệu quả.

Mặc dù đã phát triển đáng kể và góp phần to lớn chăm sóc sức khỏe người dân Thành Phố, nhưng thực tế cho thấy hệ thống y tế ngoài cộng lập vẫn còn không ít bất cập chưa được giải quyết rốt ráo, thiếu tiêu chí quy hoạch phát triển cụ thể. Đó là nhận định chung của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các buổi làm việc vừa qua về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Thành Phố HCM.

Một trong những hạn chế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, là nguồn nhân lực y dược. Theo Sở Y tế Thành Phố HCM, hiện Thành Phố thiếu hơn 2.000 y bác sĩ cho hệ thống y tế công. Trong khi đó, hầu hết các Bệnh viện tư có đội ngũ y bác sĩ cơ hữu khá khiêm tốn cả về số lượng và tay nghề. Tuy nhiên, vấn đề xã hội hóa trong đào tạo nhân lực y dược vẫn quá bó hẹp. Hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có đào tạo ngành nghề y dược.

Thực tế, không ít tư nhân sẵn sàng đứng ra thành lập trường đào tạo nhân lực y dược, kể cả đại học và liên kết quốc tế nhưng còn vướng quá nhiều cơ chế. Theo TS BS Nguyễn Hải Nam, Tổng Giám đốc Bệnh viện Triều An, thì nhân lực đang là vấn đề nan giải. Bệnh viện Triều An đã có kế hoạch và gởi hồ sơ xin thành lập trường đại học y dược tư nhân từ 5 năm nay nhưng gặp không ít khó khăn về đất đai, thủ tục mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính. Trong khi đó, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ cũng có kiến nghị xây dựng trường đại học y khoa Hoàn Mỹ để đào tạo nhân lực y dược chất lượng cao theo mô hình liên kết với các nước phát triển.

Như vậy, từ thực tiễn nhu cầu nhân lực y dược của xã hội, việc huy động các nguồn lực từ nhân dân theo chủ trương xã hội hóa y tế về mặt đào tạo, bằng cách thúc đẩy thành lập các trường đại học y, dược tư nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tường Lâm